Cả tuần làm việc vất vả nên nhiều người lao động muốn dành cho mình và gia đình ngày chủ nhật thật ý nghĩa. Mỗi người có cách thư giãn, giải trí riêng nhưng điểm giống nhau là muốn chọn không gian vui chơi lành mạnh, bổ ích, tiết kiệm.
Thanh niên công nhân ở xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) tham gia đá bóng, rèn luyện sức khỏe trên khu đất trống. Ảnh: A.Nhơn |
Tự tìm niềm vui
Trong Khu công nghiệp Thạnh Phú (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) có nhiều tuyến đường được trải nhựa rộng rãi, khang trang, sạch sẽ nhưng ít xe cộ lưu thông. Hai bên các tuyến đường được trồng nhiều cây xanh che bóng mát. Không gian ở đây thông thoáng vì có những khu đất trống rộng mênh mông. Nơi đây trở thành điểm đến thư giãn, giải trí của nhiều công nhân lao động ở các khu nhà trọ xung quanh Khu công nghiệp Thạnh Phú. Đặc biệt, số lượng công nhân đến đây đông hơn vào ngày nghỉ cuối tuần.
Cũng như nhiều gia đình công nhân khác, chiều chủ nhật hàng tuần, anh Nguyễn Văn Mạnh thường dẫn vợ và 2 con nhỏ ra Khu công nghiệp Thạnh Phú để thư giãn sau những giờ làm việc mệt mỏi. Gia đình anh chọn bãi cỏ sạch sẽ và có bóng cây che mát để vừa ngồi trò chuyện, vừa dùng những loại đồ ăn thức uống chuẩn bị sẵn như: bánh xèo, bánh tráng trộn, bắp luộc… Sau đó, vợ chồng anh cùng vui chơi với các con.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Mạnh cho biết, vợ chồng anh ở tỉnh An Giang lên Đồng Nai thuê nhà trọ ở để đi làm công nhân đã được hơn 7 năm. Vợ chồng anh có 2 con, một bé trai 5 tuổi và một bé gái 3 tuổi. Do làm công nhân bận rộn từ sáng sớm đến chiều tối nên các con của anh phải gửi trẻ. Vì vậy, vợ chồng anh chỉ tranh thủ dẫn con đi dạo chơi vào ngày nghỉ cuối tuần.
“Nhìn các con được vận động, vui chơi ở một không gian rộng rãi, thoáng mát, vợ chồng tôi vui lắm. Cho nên, chúng tôi cố gắng sắp xếp thời gian dẫn các con đi chơi để các con vận động phát triển cơ thể, đặc biệt là tạo cho con có một tuổi thơ thật ý nghĩa” - anh Mạnh bộc bạch.
Gần chỗ gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh, vợ chồng anh Trần Hữu Phước và chị Bùi Thị Loan cũng đang chơi đùa với các con của mình. Anh Phước đánh cầu lông cùng con trai 10 tuổi, còn chị Loan đạp xe cùng con gái 7 tuổi. Nhìn họ nô đùa rất vui vẻ, hạnh phúc.
Anh Phước cho biết, vợ chồng anh rời quê Nghệ An vào Đồng Nai thuê nhà trọ ở để đi làm công nhân đã gần 10 năm. Các con được gửi về quê cho ông bà nội chăm lo ăn học và chỉ vào thăm cha mẹ mỗi năm một lần vào dịp nghỉ hè. Vì vậy, vợ chồng anh muốn dành nhiều tình cảm cho con trong thời gian ngắn ngủi này.
“Chúng tôi chủ yếu dẫn các con đi dạo chơi để gia đình có nhiều thời gian hỏi han, trò chuyện thân mật bên nhau. Ngoài ra, chúng tôi còn dẫn các con đi siêu thị ăn uống, mua một vài thứ cần thiết cho con… Tuy nhiên, việc đi siêu thị cũng hạn chế vì mức thu nhập của công nhân không cao nên phải tiết kiệm để có dư gửi về chăm lo cho gia đình ngoài quê nữa” - anh Phước tâm sự.
Cha mẹ thường xuyên bận rộn công việc nên cháu Bùi Văn Hùng (13 tuổi) thường dẫn em trai Bùi Văn Dũng (10 tuổi) ra Khu công nghiệp Thạnh Phú (cách khu nhà trọ khoảng 500m) để vui chơi. Hai anh em chọn khu đất trống để cùng nhau thả diều, Hùng tận tình hướng dẫn cho em trai cách điều chỉnh con diều bay lên cao mà không bị chao lượn.
“Ở phòng trọ chật chội, nóng bức và không có gì chơi. Cho nên, con thường xin phép bố mẹ để dẫn em ra ngoài này dạo chơi vui hơn, vừa làm quen được nhiều bạn mới” - cháu Hùng chia sẻ.
Mong muốn có thiết chế văn hóa cho công nhân
Anh NGUYỄN VĂN MẠNH (công nhân ở trọ tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) chia sẻ, hình thức giải trí cho người lao động không cần thiết phải cao sang, hiện đại mà chỉ cần là sân bóng đá, bóng chuyền, khu vui chơi cho trẻ em… Do đó, người lao động mong muốn có được một khu thiết chế văn hóa nằm ở vị trí thuận lợi để những công nhân lao động có thể tranh thủ giải trí khi hết giờ làm việc hoặc ngày nghỉ cuối tuần.
Vui chơi, giải trí lành mạnh
Nhiều người khác cũng chọn không gian rộng rãi, thoáng mát trong Khu công nghiệp Thạnh Phú làm nơi rèn luyện sức khỏe như: đạp xe, đi bộ, chạy bộ, đánh cầu lông, đá banh…
Anh Đặng Văn Toàn (nhà ở gần Khu công nghiệp Thạnh Phú) cho biết, trong khu công nghiệp còn nhiều khu đất trống chưa được đầu tư làm cơ sở sản xuất nên cỏ mọc um tùm. Năm 2023, anh cùng một số thanh niên trong vùng đã dành ra một buổi của ngày nghỉ cuối tuần để phát dọn cỏ cho thông thoáng, sạch sẽ. Đồng thời, anh Toàn tự bỏ tiền túi 600 ngàn đồng để mua sắt về dựng 2 khung thành làm sân bóng đá. Từ đó, cứ chiều chủ nhật hàng tuần, thanh niên công nhân ra đây đá bóng rất đông.
Anh Toàn tâm sự: “Anh em công nhân đá bóng ở đây hoàn toàn miễn phí, chủ yếu rèn luyện sức khỏe chứ không đặt nặng vấn đề thắng - thua. Cho nên, không khí trên sân lúc nào cũng nhộn nhịp, vui vẻ”.
Trẻ em đạp xe vui chơi trên các con đường trong Khu công nghiệp Thạnh Phú. |
Ông Đặng Văn Thái, một người dân sinh sống lâu năm ở gần Khu công nghiệp Thạnh Phú, cho biết xã Thạnh Phú có nhiều khu nhà trọ xung quanh Khu công nghiệp Thạnh Phú nên tập trung phần lớn người lao động ngoại tỉnh đến sinh sống và làm việc. Trước đây, sau mỗi buổi chiều muộn đi làm về và lo cơm nước xong, đa số công nhân ở khu nhà trọ đều đi ngủ sớm để chuẩn bị cho ngày làm việc mới hoặc chơi các trò giải trí trên điện thoại thông minh… Vào ngày nghỉ cuối tuần, các thanh niên tập trung ăn nhậu, “rượu vào, lời ra” dẫn đến xích mích, lớn tiếng cãi cọ nhau, thậm chí đánh nhau khiến tình hình an ninh trật tự ở khu nhà trọ diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, những năm gần đây, khi trong Khu công nghiệp Thạnh Phú được đầu tư và có không gian rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ thì nhiều công nhân lao động ra đây dạo chơi, rèn luyện thể dục thể thao. Nhờ đó, nhiều người đã bỏ bớt nhậu nhẹt và có lối sống lành mạnh hơn.
“Về lâu dài, các khu đất trống trong Khu công nghiệp Thạnh Phú sẽ hình thành ngày càng nhiều cơ sở sản xuất. Điều đó cũng đồng nghĩa là không gian vui chơi, giải trí của công nhân lao động sẽ dần thu hẹp, thậm chí không còn. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của nhiều người là có được một thiết chế văn hóa gần khu công nghiệp để không chỉ phục vụ nhu cầu giải trí cho những người lao động, mà còn dành cho những thế hệ sau của họ” - ông Thái bày tỏ.
An Nhơn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin