Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, năm 2023, xếp hạng cải cách hành chính (CCHC) của Đồng Nai đã được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn những chỉ số phải tiếp tục dồn sức, nỗ lực để “gỡ nghẽn” nhằm xây dựng một nền hành chính thực sự trong sạch vững mạnh, vì dân phục vụ.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa (thứ 2 từ phải qua) trao đổi với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về nhiệm vụ cải cách hành chính. Ảnh:N.Hà |
Trả lời phỏng vấn Báo Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ Nội vụ NGUYỄN TRỌNG THỪA cho biết, thời gian qua, Đồng Nai đã thực hiện tốt một số mô hình về CCHC, điển hình như: Không phụ thuộc địa giới hành chính trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, doanh nghiệp; Bưu điện là cánh tay nối dài trong cải cách TTHC… Nhờ đó, cải cách TTHC của tỉnh đạt được một số kết quả tốt như giải quyết hồ sơ đúng hạn cấp sở đạt tỷ lệ trên 96,6%, cấp huyện đạt trên 94,3% và cấp xã đạt hơn 99,1%.
Hạn chế nào của Đồng Nai về CCHC cần khắc phục trong thời gian tới, thưa ông?
- Các chỉ số về CCHC của Đồng Nai năm 2023 có cải thiện và tăng đáng kể, như chỉ số CCHC cấp tỉnh (PAR Index) xếp thứ 32/63 tỉnh, thành (tăng 19 hạng so với năm 2022). Trong đó, chỉ số cải cách thể chế tăng 55 bậc, cao nhất cả nước; về tổ chức bộ máy tăng 30 bậc; về tài chính công tăng 27 bậc; tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội tăng 43 bậc…
Khảo sát mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp năm 2023 ở Đồng Nai dù có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn có chỉ số bất cập. Trong đó, khoảng 3,81% người dân, tổ chức cho rằng có hiện tượng công chức gây phiền hà, sách nhiễu; khoảng 2,38% người được hỏi cho rằng họ phải đưa tiền ngoài quy định cho công chức khi giải quyết TTHC; chỉ có 6,62% người dân lựa chọn nộp hồ sơ trực tuyến là phù hợp…
Song, CCHC ở Đồng Nai vẫn còn thiếu bền vững, thể hiện ở một số chỉ số rất quan trọng lại tụt hạng như chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) thuộc nhóm 14 tỉnh, thành thấp nhất cả nước. Đây cũng là năm Đồng Nai có chỉ số PAPI thấp nhất trong những năm gần đây và chuyển từ nhóm tỉnh, thành có chỉ số PAPI trung bình thấp xuống nhóm thấp nhất.
Hay chỉ số chuyển đổi số đến năm 2022 Đồng Nai xếp hạng 43/63 tỉnh, thành; tụt 24 bậc so với năm 2021; trong đó các chỉ số thành phần gồm: chính quyền số xếp thứ 45, kinh tế số xếp thứ 35 và xã hội số xếp thứ 32 trên cả nước.
Thêm một điểm nghẽn nữa của tỉnh là năm 2023 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm ngoài tốp 30 tỉnh, thành phố dẫn đầu…
Đâu là nguyên nhân của những “điểm nghẽn” trên, thưa ông?
- Tôi đánh giá cao Đồng Nai đã rất thẳng thắn, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ CCHC. Tuy nhiên, có thể thấy, dù UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, triển khai thực hiện CCHC, song ở một số sở, ngành, UBND cấp huyện chuyển biến còn rất chậm.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị chưa chủ động đề ra các biện pháp, giải pháp hữu hiệu trong CCHC; nhiều chỉ tiêu CCHC và kiểm soát TTHC của tỉnh, các cơ quan còn thấp, chưa đạt tỷ lệ theo quy định của Trung ương và tỉnh đề ra.
Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chưa thực sự chú trọng đến việc thực hiện nền nếp công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết TTHC. Hay dù có kiểm tra nhưng chưa làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm khuyết điểm để đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có biện pháp xử lý.
Chính vì vậy, kết quả giải quyết hồ sơ trễ hẹn của tỉnh còn cao (cấp sở là 3,33%; cấp huyện 5,64%). Tỷ lệ này qua hàng năm chưa giảm.
Tại Đồng Nai, một số quyết định công bố TTHC còn ban hành chậm so với quy định; việc niêm yết công khai TTHC chưa đầy đủ, đúng theo yêu cầu như: quy trình, thời gian giải quyết, thành phần hồ sơ…
Theo Thứ trưởng, Đồng Nai cần tập trung những giải pháp nào để khắc phục những hạn chế trên?
- Đồng Nai đã từng nằm trong số 3 tỉnh, thành có chỉ số CCHC được xếp hạng tốp đầu cả nước. Trên cơ sở phân tích, chỉ rõ những kết quả đạt được và những nguyên nhân, tồn tại, tôi cho rằng, Đồng Nai phải tập trung vào khâu yếu, mặt hạn chế để quyết liệt thực hiện.
Trong đó, cần đổi mới mạnh mẽ tư duy sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành để giải quyết tốt những vấn đề do thực tiễn đặt ra nhằm thực hiện kế hoạch hàng năm và giai đoạn 5 hoặc 10 năm trong CCHC, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Bên cạnh đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh phải có biện pháp hữu hiệu hơn nữa trong CCHC. Từng người đứng đầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương có tinh thần trách nhiệm, không để các ý kiến thẩm định hồ sơ TTHC đi lòng vòng, không rõ ý kiến, hạn chế thấp nhất tình trạng quá hạn hoặc từ chối giải quyết TTHC…
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Nguyệt Hà (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin