Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần chủ động phòng bệnh sởi

Hạnh Dung
07:00, 28/10/2024
Bác sĩ chuyên khoa I Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Cách đây 6 năm, Việt Nam ghi nhận đợt dịch bệnh sởi với hàng ngàn ca mắc. Những năm sau đó, số ca bệnh sởi giảm nhanh, tại Đồng Nai mỗi năm chỉ ghi nhận vài ca lẻ tẻ. Tuy nhiên từ tháng 8-2024 đến nay, số ca bệnh sởi trên địa bàn tỉnh tăng đột biến, trong đó có 2 ca rất nặng phải thở máy.

Bác sĩ chuyên khoa I (BS CKI) PHAN VĂN PHÚC, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết Chiến dịch Tiêm vaccine sởi trên địa bàn tỉnh đang bước vào những ngày cuối cùng. Dự kiến đến khoảng giữa tháng 11 tới, số ca bệnh sởi sẽ được kiểm soát và giảm dần.

Số ca bệnh sởi ở mức đáng báo động

  Tình hình dịch bệnh sởi đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh ra sao, thưa bác sĩ?

- Đợt dịch bệnh sởi năm 2018, cả nước có hơn 1,1 ngàn ca bệnh sởi. Tại Đồng Nai, từ đầu năm 2024 đến hết ngày 24-10 đã ghi nhận 806 ca mắc sởi phải nhập viện điều trị. Như vậy, so với đợt dịch gần đây nhất, số ca mắc sởi tại Đồng Nai ở mức rất cao. Thời điểm này năm ngoái, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 3 ca mắc sởi. Điều này cho thấy tình hình dịch bệnh sởi diễn biến bất thường, phức tạp và rất đáng lo ngại.

Số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh tăng theo hình dựng đứng trên biểu đồ biểu thị số ca bệnh sởi theo tuần, tuần sau tăng cao hơn so với tuần trước. Thành phố Biên Hòa đang là địa phương dẫn đầu số ca mắc sởi với 270 ca. Tiếp đó là huyện Trảng Bom với 165 ca, huyện Vĩnh Cửu 98 ca. Địa phương có số ca mắc sởi thấp nhất tỉnh là Cẩm Mỹ với 6 ca.

Sởi là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan cao. Virus sởi lây lan trong không khí và làm nhiễm trùng đường hô hấp, có thể gây những biến chứng nặng và tử vong. Hiện chưa có thuốc đặc hiệu nào cho bệnh sởi, do vậy tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để đảm bảo trẻ không mắc sởi.

  Sau đợt dịch sởi năm 2018, chúng ta có những biện pháp gì để phòng bệnh sởi?

- Cuối năm 2018, Bộ Y tế đã tiến hành tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho 4,2 triệu trẻ em từ 1-5 tuổi tại 57 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà nhiều phụ huynh trì hoãn việc tiêm vaccine cho con mình. Đặc biệt, từ cuối năm 2019, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, công tác tiêm chủng mở rộng cũng như tiêm chủng dịch vụ bị ảnh hưởng rất nhiều do chúng ta thực hiện giãn cách xã hội cũng như hạn chế tiếp xúc. Năm 2023, tình trạng thiếu hụt vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng một lần nữa khiến nhiều trẻ trong độ tuổi không được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vaccine, trong đó có vaccine sởi. Chính khoảng trống về vaccine đã dẫn đến có nhiều ca mắc sởi trong năm nay, thậm chí xuất hiện những “chùm ca bệnh”.

  Ông có thể nói rõ hơn về các “chùm ca bệnh” sởi?

- Chúng tôi thống kê từ năm 2019 đến nay có khoảng 60 ngàn trẻ từ 1-5 tuổi thiếu miễn dịch do chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine có chứa thành phần sởi. Đây là con số rất lớn. Ngoài ra, có khoảng 5% số trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ mỗi năm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng; nhiều người dân từ nơi khác đến Đồng Nai không biết đến thông tin về Chương trình Tiêm chủng mở rộng nên không đưa con đi tiêm vaccine. Từ đó tạo ra “lỗ hổng” miễn dịch khá lớn trong cộng đồng.

Qua điều tra dịch tễ các ca bệnh sởi, chúng tôi nhận thấy nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm vaccine sởi đã mắc bệnh sởi. Nguyên nhân có thể do mẹ không tiêm chủng vaccine sởi hoặc vaccine có thành phần sởi lúc trẻ hoặc trước khi mang thai nên không có miễn dịch truyền cho con. Cho đến nay, chưa có khẳng định nào cho thấy có sự thay đổi về tác nhân gây bệnh sởi. Như vậy, nguyên nhân dẫn đến số ca bệnh sởi tăng cao trong năm nay là do yếu tố miễn dịch, tức là người dân chưa tiêm đủ mũi vaccine sởi, chưa có đề kháng chống lại virus sởi.

Vì thế, khi một trường hợp bị nhiễm virus sởi có thể lây nhiễm trực tiếp qua đường hô hấp đối với nhiều người khác, không chỉ trẻ em mà cả người lớn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng ghi nhận có sự lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân mắc bệnh sởi trong cơ sở y tế với những bệnh nhân khác chưa tiêm vaccine sởi, những người chưa có miễn dịch sởi trong cơ thể. Từ đó dẫn đến các chùm ca bệnh sởi trong cộng đồng, trong cơ sở y tế.

Số ca sởi sẽ giảm khi đạt miễn dịch cộng đồng

  Tỉnh Đồng Nai triển khai Chiến dịch Tiêm vaccine sởi từ ngày 27-9. Vậy tại sao đến nay số ca mắc sởi chưa giảm, thưa ông?

- Trước hết là do tỷ lệ tiêm vaccine sởi chưa đồng bộ tại các địa phương và các độ tuổi. Chiến dịch Tiêm vaccine sởi lần này tại Đồng Nai đang triển khai tiêm cho trẻ từ 1-10 tuổi. Những đối tượng ngoài độ tuổi trên không thuộc Chiến dịch Tiêm chủng. Do vậy, nếu họ tiếp xúc với nguồn lây mà trong cơ thể không có kháng thể để chống lại thì sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh sởi.

Thứ hai là việc đáp ứng miễn dịch cần phải có thời gian, khoảng nửa tháng sau khi kết thúc chiến dịch mới có thể có kết quả chứ không thể đạt được trong một thời gian ngắn.

Tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ trên địa bàn huyện Trảng Bom.
Tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ trên địa bàn huyện Trảng Bom.

  Vậy khi nào thì chúng ta đạt được miễn dịch cộng đồng bệnh sởi?

- Do hoạt động rà soát đối tượng, lập danh sách trẻ cần tiêm kéo dài nên đến ngày 30-10, Đồng Nai mới kết thúc Chiến dịch Tiêm vaccine sởi. Hiện nay, chúng ta đã đạt được tỷ lệ tiêm chủng như mong muốn (92% số trẻ được tiêm). Nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong việc đưa trẻ đi tiêm chủng, vài ngày tới, các địa phương tiếp tục tổ chức tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm tại 170 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Tất cả trẻ em trong độ tuổi dù có hộ khẩu thường trú, tạm trú hay vãng lai, không đăng ký tạm trú, tạm vắng đều được tiêm miễn phí.

Chúng tôi dự kiến khoảng giữa tháng 11-2024 trở đi sẽ kiểm soát được số ca mắc sởi.

  Ngành y tế rút ra kinh nghiệm gì từ Chiến dịch Tiêm vaccine sởi lần này?

- Đây là hoạt động chống dịch đặc hiệu có vaccine nên hoạt động rà soát đối tượng để tiêm vaccine rất quan trọng. Qua giám sát công tác triển khai chiến dịch, chúng tôi nhận thấy một số địa phương gặp khó khăn trong việc phối hợp, rà soát đối tượng trong độ tuổi chưa được tiêm vaccine sởi. Do đó, ngành y tế sẽ tiếp tục phối hợp với ngành giáo dục, các khu phố, xã, phường, thị trấn để làm tốt hơn công tác thống kê, rà soát đối tượng tiêm chủng. Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để người dân chủ động đưa con đi tiêm vaccine.

  Người dân có vai trò như thế nào trong việc kiểm soát các loại dịch bệnh, thưa ông?

- Dù rất chủ động và nỗ lực, song ngành y tế cũng không thể thực hiện hết tất cả hoạt động rà soát đối tượng tiêm chủng. Chúng tôi cần sự chung tay, đồng lòng, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chủ động từ phía người dân.

Đối với dịch bệnh sởi hoặc các loại dịch bệnh truyền nhiễm khác, chúng tôi khuyến cáo người dân cần chủ động đi tiêm vaccine với những bệnh đã có vaccine. Đây là biện pháp phòng bệnh đơn giản nhất, hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất để chống lại các loại dịch bệnh nguy hiểm, có nguy cơ lây lan cao. Các nghiên cứu cho thấy, vaccine có khả năng cứu sống tính mạng của hàng triệu người mỗi năm trong vài thập kỷ qua.

Với những loại bệnh chưa có vaccine dự phòng, người dân cần chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng ngừa liên quan như: môi trường, tiếp xúc, thể trạng…

Như vậy, trong công tác phòng chống dịch nói chung, chính người dân là yếu tố cốt lõi để đạt được hiệu quả cao chứ không chỉ phụ thuộc vào nhân viên y tế.

  Xin cảm ơn ông!

Hạnh Dung (thực hiện)

 

Tin xem nhiều