Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm sẽ thông qua nhiều nghị quyết quan trọng

Hạnh Dung
07:20, 09/12/2024

Trong 2 ngày 11 và 12-12, tại UBND tỉnh sẽ diễn ra Kỳ họp thứ 22 - kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng tham gia buổi giám sát của Ban Văn hóa - xã hội, HĐND tỉnh  về phát triển tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh hồi tháng 9-2024. Ảnh: H.Dung
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng tham gia buổi giám sát của Ban Văn hóa - xã hội, HĐND tỉnh về phát triển tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh hồi tháng 9-2024. Ảnh: H.Dung

Phó chủ tịch HĐND tỉnh HOÀNG THỊ BÍCH HẰNG cho biết, đây là một trong 2 kỳ họp quan trọng nhất trong năm của  HĐND tỉnh.

Dự kiến thông qua 22 nghị quyết quan trọng

Thưa bà, trong 2 ngày làm việc của kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa X sẽ diễn ra những nội dung gì?

- Ở ngày làm việc đầu tiên, sau nghi thức khai mạc, phát biểu khai mạc sẽ là phần báo cáo, tờ trình của Thường trực HĐND tỉnh về 5 nội dung. Đó là Báo cáo kết quả hoạt động năm 2024 của HĐND tỉnh; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 22 HĐND tỉnh; Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa X; Tờ trình, dự thảo nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2024; Tờ trình, dự thảo nghị quyết về kế hoạch tổ chức các kỳ họp của HĐND tỉnh năm 2025.

Tại Kỳ họp thứ 22 HĐND tỉnh khóa X, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Tiếp đến là thông báo của Ủy ban MTTQ tỉnh về việc tham gia xây dựng chính quyền và những ý kiến, kiến nghị; báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh về 21 nội dung.

Ngoài ra, trong ngày làm việc đầu tiên, các đơn vị gồm: Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh sẽ báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024. Các ban của HĐND tỉnh gồm Ban Kinh tế - ngân sách, Ban Văn hóa - xã hội, Ban Pháp chế sẽ báo cáo thẩm tra các nội dung liên quan trên lĩnh vực phụ trách.

Trong ngày làm việc thứ 2, các đại biểu sẽ thảo luận tại hội trường. Chủ tịch UBND tỉnh sẽ giải trình một số nội dung liên quan. Đặc biệt, kỳ họp dự kiến sẽ thông qua 22 nghị quyết.

Những nghị quyết được thông qua tại kỳ họp sẽ có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Bà có thể chia sẻ một số dự thảo nghị quyết nổi bật?

- Những nghị quyết được thông qua tại kỳ họp đều rất quan trọng, đã được các sở, ngành, địa phương, lãnh đạo tỉnh “nâng lên đặt xuống”, cân nhắc rất kỹ lưỡng.

Trong số này có những nghị quyết liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2025 của tỉnh Đồng Nai; các nghị quyết liên quan đến đầu tư công; danh mục, dự án phải thu hồi đất năm 2025; danh mục các dự án phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

Đặc biệt, sẽ có những nghị quyết lần đầu triển khai tại Đồng Nai như Nghị quyết quy định chế độ, chính sách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ và một số đối tượng khác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai…

  Thưa bà, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành bao nhiêu nghị quyết?

- Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Nghị quyết của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức 21 kỳ họp. Qua đó đã ban hành 306 nghị quyết. Các nghị quyết được ban hành đã và đang có tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

HĐND tỉnh cũng đã tổ chức 250 cuộc khảo sát, giám sát về 90 nội dung trên các lĩnh vực: kinh tế - ngân sách, văn hóa - xã hội, pháp chế. Việc lựa chọn nội dung giám sát căn cứ vào chương trình đã được HĐND thông qua, tình hình thực tế của địa bàn, theo ý kiến kiến nghị của cử tri, theo đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và theo sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy.

Sẽ chất vấn nhiều vấn đề “nóng”

Những nội dung sẽ được chất vấn trong kỳ họp này là gì, thưa bà?

- Đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã nhận được nội dung đăng ký chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 22. Theo đó, các đại biểu sẽ chất vấn Chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc các sở về những vấn đề mà đại biểu, cử tri và đông đảo nhân dân trong tỉnh quan tâm. Trong đó bao gồm: chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng về vấn đề nhà ở xã hội; chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường về việc triển khai Đề án Khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh để tạo nguồn vốn phát triển hạ tầng, kết cấu giao thông đường bộ; chất vấn giám đốc Sở Tài chính về công tác quản lý, sử dụng tài sản công trên địa bàn tỉnh; chất vấn giám đốc Sở Y tế về công tác phòng, chống dịch bệnh sởi trên địa bàn tỉnh.

Ngoài những nội dung chất vấn nêu trên, trong quá trình diễn ra kỳ họp, đại biểu HĐND tỉnh có thể đặt thêm những câu hỏi chất vấn về các nội dung khác.

Trong số những nội dung mà các đại biểu HĐND đăng ký chất vấn có nội dung liên quan đến nhà ở xã hội. Đây là vấn đề “nóng” được rất nhiều người quan tâm. Bà có thể nói rõ hơn về nội dung này?

- Các đại biểu nhận thấy việc thực hiện Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, các hình thức phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh chưa đạt mục tiêu Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 4-12-2020 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 5 năm 2021-2025 của tỉnh Đồng Nai đề ra. Cụ thể, mục tiêu trong giai đoạn 2014-2020 tỉnh sẽ xây dựng 21,5 ngàn căn nhà ở xã hội nhưng kết quả mới chỉ đạt gần 3,5 ngàn căn. Kết quả thực hiện mục tiêu giai đoạn 2021-2025 còn chậm so với kế hoạch đề ra. Kế hoạch là xây dựng 10 ngàn căn nhà nhưng đến nay mới hoàn thành 1.660 căn (giai đoạn 2021-2023 hoàn thành 945 căn nhà, năm 2024 hoàn thành 715 căn nhà). Như vậy, trong năm 2025 tỉnh phải xây thêm hơn 8,3 ngàn căn nhà nữa mới đạt mục tiêu 10 ngàn căn. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, nhiều chủ đầu tư ưu tiên đầu tư nhà ở thương mại, chậm đầu tư hạ tầng kỹ thuật quỹ đất 20% để đầu tư nhà ở xã hội hoặc bàn giao cho nhà nước.

Qua đó, các đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho biết giải pháp nhằm thu hút đầu tư để đạt mục tiêu về nhà ở xã hội mà nghị quyết đề ra.

 Sau mỗi lần tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều nội dung mà người dân quan tâm đã được làm rõ hơn. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa bà?

- Ở Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa X diễn ra vào cuối năm 2023, các đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành đã tham gia chất vấn, trả lời chất vấn nhiều nội dung.

Tại kỳ họp lần này, UBND tỉnh cũng sẽ có Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 44/NQ-HĐND ngày 8-12-2023 của HĐND tỉnh về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này.

Trong đó, các nội dung giám sát bao gồm việc thực hiện quy hoạch Dự án Khu liên hợp thể dục thể thao tỉnh; việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thiết yếu và nhân rộng mô hình điểm kinh doanh thực phẩm an toàn tại các chợ; về khai thác tiềm năng du lịch trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đã phát huy được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, cử tri không chỉ được nghe lãnh đạo các sở, ngành trả lời, đưa ra các mục tiêu, lời hứa để giải quyết các vấn đề bức xúc, được đông đảo người dân quan tâm, mà còn có thể giám sát việc thực hiện những lời hứa này. Mục tiêu cuối cùng là tháo gỡ những vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tại địa phương.

  Xin cảm ơn bà!

Hạnh Dung (thực hiện)

 

Tin xem nhiều