Nông dân Nguyễn Hùng Lâm (ở ấp Đông Minh, xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc) cho hay, để cây bắp ngoài đồng chống chọi lại cái nắng khô khốc tháng 2, tháng 3 (dương lịch), ông và các nông dân khác phải túc trực ngày đêm ngoài đồng canh nước từ hồ suối Vọng xả tràn và nguồn nước ngầm từ giếng khoan.
Nông dân Nguyễn Hùng Lâm (ở ấp Đông Minh, xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc) cho hay, để cây bắp ngoài đồng chống chọi lại cái nắng khô khốc tháng 2, tháng 3 (dương lịch), ông và các nông dân khác phải túc trực ngày đêm ngoài đồng canh nước từ hồ suối Vọng xả tràn và nguồn nước ngầm từ giếng khoan.
* Chộn rộn chờ nước
Theo lịch, đêm 20-2, hồ suối Vọng (huyện Cẩm Mỹ) bắt đầu mở cống xả nước, cung cấp nước trở lại cho cánh đồng ấp Tây Minh và một phần cánh đồng ấp Đông Minh, xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc). Chính vì vậy, đêm đó nông dân Đào Văn Hòa quyết định không ngủ ở nhà cùng vợ con, mà ra đồng tụ năm, tụ ba với các nông dân khác chờ dòng nước thủy lợi chảy qua thì nổ máy bơm tưới bắp. Anh Hòa cho chúng tôi biết, rẫy bắp hơn 1 hécta của anh đang thời kỳ nuôi trái nên thèm nước chẳng khác gì trẻ nhỏ đói bụng thèm ăn. Bởi vậy, tất cả nông dân trồng bắp đều có mặt ngoài đồng. Nông dân Đào Văn Hòa khơi gợi sự bí ẩn nhằm níu kéo chúng tôi ở lại. Anh nói: "Đêm đến, cánh đồng sẽ inh ỏi tiếng máy nổ, sáng rực ánh đèn pin và vang tiếng cười của nông dân trêu ghẹo bạn".
5 giờ chiều, cánh đồng Lang Minh vàng rực hoàng hôn. Tổ phó tổ thủy nông cánh đồng xã Lang Minh Đoàn Văn Năm đứng trên bờ ruộng liên tục nhận điện thoại của các nông dân khác điện tới hỏi về giờ xả nước. Theo tổ phó Năm, tuy lịch cung cấp nước được niêm yết công khai tại ban điều hành ấp, ngoài đồng, nhưng các bạn nông dân của ông vẫn cố chấp hỏi tới hỏi lui làm ông trả lời khô cả giọng, máy điện thoại cạn cả pin. Tổ phó Đoàn Văn Năm nói: "Tui nóng lòng chờ nước không kém gì họ, nhưng lịch tưới đã quy định cụ thể ngày giờ, từng khu vực nước chảy qua. Tui và anh em trong tổ thủy nông đâu có quyền thay đổi lịch cung cấp nước". Nói xong, tổ phó Năm một lần nữa có lời mời chúng tôi ở lại. Ông bày tỏ, sản xuất bắp vụ 3 có nhiều cái vui. Thứ nhất, do phải xuyên suốt trực tưới nên cánh đàn ông có dịp tụ tập nhau tán chuyện, góp nhau con gà nấu cháo hoặc gầy chầu nhậu từ con rắn bắt được trong lúc tưới bắp. Thứ hai, mấy năm nay bắp vụ 3 thật sự làm cho dân Lang Minh đổi đời, thoát nghèo. Thứ ba, cánh đàn ông được các bà vợ cưng chiều hơn vì thường xuyên chịu cực, ra đồng ngủ... với bắp.
Cuối cùng, màn đêm cũng trùm kín cánh đồng bắp xã Lang Minh. Mặc cho các nông dân ấp Tây Minh đang hối hả bơm nước, chúng tôi cùng bí thư chi bộ ấp Tây Minh Bùi Xuân Miệu len lỏi trên các con đường nội đồng đến thăm ruộng bắp của nông dân Nguyễn Hùng Lâm (thuộc cánh đồng ấp Đông Minh). Trên đường đi, bí thư chi bộ ấp Bùi Xuân Miệu trao đổi với chúng tôi rằng, do nguồn nước tưới cung cấp cho cây bắp vụ Đông Xuân (vụ 3) có giới hạn nên chỉ đủ cung cấp tưới trên 200 hécta tại cánh đồng ấp Tây Minh và 10 hécta tại những khu vực thuận lợi của cánh đồng ấp Đông Minh. Nhưng trong thực tế, gần 500 hécta diện tích đất trồng màu tại hai ấp Tây Minh và Đông Minh được nông dân xuống giống vụ Đông Xuân. Còn cánh đồng ấp Đông Minh, tuy nguồn nước thủy lợi chỉ đáp ứng được một phần nhỏ diện tích, nhưng nông dân vẫn táo bạo xuống giống trên 70% diện tích. Bí thư chi bộ ấp Tây Minh Bùi Xuân Miệu nói: "Nguồn nước thủy lợi năm nay có khả năng đủ để tưới tiêu cho những ruộng bắp theo kế hoạch. Riêng các ruộng bắp, đậu ngoài kế hoạch (chiếm trên 1/2 diện tích) nông dân dựa vào nguồn nước ngầm từ giếng khoan, nguồn nước tích lũy từ các hồ, đập, suối tự nhiên".
* Thức đêm tưới bắp
Từ ngày tỉa hạt bắp xuống đồng, hai tháng nay, nông dân Nguyễn Hùng Lâm liên tiếp có những đêm thức trắng cùng cây bắp. Chính vì vậy, khuôn mặt ông càng thêm hốc hác, hai mắt thụt sâu hơn. Song, khi nhìn ruộng bắp xanh tốt, mỗi thân mọc 2 trái bắp to ú nu, đang phơi phới với gió đêm, ông Lâm không tỏ ra mệt mỏi vì thiếu ngủ mà còn hăm hở hơn khi nói chuyện về bắp với chúng tôi. Theo nông dân Lâm, trồng bắp vụ Đông Xuân nhà nông phải chủ động được nguồn nước tưới. Cây bắp còn non thì 3-4 ngày tưới một lần, mỗi lần tưới ruộng bắp phải đẫm nước. Khi cây bắp trưởng thành thì chu kỳ tưới ít hơn, từ 8-10 ngày một lần. Thời kỳ này nắng rất gay gắt, nếu yếu nước tưới thì cây bắp sẽ kém năng suất hoặc chết vì khô hạn. Ông Lâm nói: "Từ ngày cánh đồng Đông Minh xuất hiện cây bắp vụ Đông Xuân là tui dựng trại ăn ngủ trường kỳ tại ruộng bắp. Ở lại ruộng tưới đêm, cây bắp sẽ xanh non và tiết kiệm được lượng nước đáng kể hơn tưới ngày".
Sau khi đổi vòi tưới sang ô ruộng khác, nông dân Nguyễn Hùng Lâm cất tiếng hú xé màn đêm gọi bạn. Từ ruộng bắp liền kề, nông dân Phạm Kiệt tất tả chạy sang. Lúc này, đồng hồ điểm vào số 23 giờ. Chúng tôi phóng tầm mắt nhìn về phía cánh đồng Tây Minh, nơi ruộng bắp mà tổ phó thủy nông Đoàn Văn Năm cùng các nông dân khác đang chuẩn bị tiệc tối đãi khách bằng con gà do nông dân Lê Vinh góp và con rắn hổ hành do nông dân Phan Tư bắt được khi đang tưới bắp. Nơi ấy, vẫn lóe sáng ánh đèn pin, bếp lửa và tiếng máy dầu xình xịch. Uể oải vì thiếu ngủ, lảo đảo bước chân vì bị ngộp ánh sáng, nông dân Phạm Kiệt chào khách rồi lăn đùng ra chõng tre của nông dân Nguyễn Hùng Lâm nằm nghỉ. Ông Lâm trách bạn, tưởng kêu qua nói chuyện để khỏi buồn ngủ, nào ngờ nằm phè ra đó thì qua làm gì.
Cánh đồng về đêm dày đặc hơi sương, gió và hơi nước mát lạnh, chúng tôi và bí thư chi bộ ấp Tây Minh Bùi Xuân Miệu bụng đã cồn cào nhưng giả lả từ chối tô mì chế nước sôi của nông dân Lâm để quay về nơi có con gà, con rắn đã lên mâm đang đợi. Thấy vậy, nông dân Phạm Kiệt mới ngồi bật dậy phân trần, tại chúng tôi đến mà không hẹn trước, chứ gà, vịt thì nhà ông có sẵn. Một tiếng sau, nếu chúng tôi quay lại thì ông sẽ đãi. Nông dân Phạm Kiệt nói: "Do tui buồn ngủ quá nên không biết đêm nay các anh ở lại chơi, xem nông dân tụi này tưới bắp đêm. Thôi các anh ở lại chơi, tui chạy xe về nhà bắt gà làm thịt ăn khuya nghen". Tuy lời mời của nông dân Phạm Kiệt thành thật, nhưng chúng tôi đành từ chối vì muốn giữ lời hẹn với các nông dân bên cánh đồng Tây Minh. Vì vậy, nông dân Phạm Kiệt và nông dân Nguyễn Hùng Lâm thông cảm, không cố giữ khách và vui vẻ để chúng tôi ra về.
Trên đường trở lại cánh đồng Tây Minh, cái lạnh của sương đêm, hơi nước bốc lên từ các ruộng bắp và nền đường xem xém nước làm tay lái của bí thư chi bộ ấp Tây Minh Bùi Xuân Miệu lảo đảo. Ông Miệu chống chế, đêm đi bộ vững chân hơn đi xe máy. Hơn nữa, giờ này sương và nước làm cho đường sền sệt nên rất khó đi. Nhưng chúng tôi hiểu, ở cái tuổi của ông, nếu không vì ham cảnh hương đồng, gió nội để lặn lội cùng chúng tôi thì ông đã yên giấc trên giường từ rất lâu rồi.
Đoàn Phú