Tại ruộng mía đang thu hoạch của nông dân Tư Minh (ấp 1, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu), nông dân Nguyễn Văn Phú và các nông dân khác bàn luận khá sôi nổi các vấn đề có liên quan đến cây mía. Trong khi đó, bên gốc me già, nhóm thợ chặt mía thuê cho ông Tư Minh nuốt vội chén cơm trưa để nhanh chóng quay lại công việc.
Tại ruộng mía đang thu hoạch của nông dân Tư Minh (ấp 1, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu), nông dân Nguyễn Văn Phú và các nông dân khác bàn luận khá sôi nổi các vấn đề có liên quan đến cây mía. Trong khi đó, bên gốc me già, nhóm thợ chặt mía thuê cho ông Tư Minh nuốt vội chén cơm trưa để nhanh chóng quay lại công việc.
* Thôn nữ bỏ đồng
Chuyện tìm công thu hoạch mía của nông dân xã Trị An càng rôm rả hơn khi nông dân Nguyễn Văn Phú phân trần với bạn. Ông Phú bộc bạch, con em địa phương hiện nay ngán ngẩm công việc nông nghiệp vất vả nên bỏ đồng chạy về các khu công nghiệp làm công nhân hết trọi. Vì vậy, khi cây mía đang kỳ thu hoạch rộ, việc tìm công chặt khó hơn chuyện công ty thông báo tuyển lao động. Ông Phú vừa dứt lời, nông dân Hai Nữa liền "đế" (nói tiếp theo) thêm bằng những lời chua chát rằng, thôn nữ địa phương giờ da thịt mỏng manh, không chịu được vết cắt của lá mía, nắng nóng thiêu đốt. Hơn nữa, ngày công chặt mía hiện không cao hơn ngày công làm xưởng là mấy.
Mặc cho mấy ông chủ mía bàn thảo về những gì làm cho cây mía "mất ngọt", nhóm lao động chặt mía thuê cho ông Tư Minh nhanh chóng lót dạ bữa trưa rồi vội vã cầm dao ra ruộng. Để chống chọi lại cái nắng chói chang của trưa tháng 3, họ bó chặt mình trong những bộ đồ lao động bằng vải dày, nón lá và khẩu trang thì che kín mặt chỉ chừa đôi mắt. Vừa chặt mía, Thư (23 tuổi, quê ở tỉnh Bến Tre) vừa cho biết, vợ chồng Thư về đây làm mía theo hợp đồng miệng với ông Phú. Đến mùa thu hoạch mía, vợ chồng Thư và vài người quen khác được ông Phú gọi điện báo tin, rồi họ cùng nhau đón xe đò về Trị An. Thư nói: "Thu hoạch mía xong, ai có nhu cầu ở lại thì tiếp tục được chú Phú bố trí công việc khác như: trồng, chăm sóc mía. Coi vậy chứ tụi em có việc làm quanh năm ở đây". Chúng tôi hỏi: "Sao cô không đi làm xưởng như những thôn nữ ở đây?". Thư bày tỏ, do cô không biết chữ, là gái đã có chồng và do nơi đây khan hiếm người chặt mía, nên cô mới cùng chồng lặn lội lên đây làm công cho ông Phú.
Ngày công chặt mía của vợ chồng Thư và các lao động khác tại ruộng mía Tư Minh do ông Phú chi trả (ông Phú là người nhận khoán lại của ông Tư Minh). Ông Phú cho hay, đối với người chặt mía thì tiền công trả theo số lượng bó. Mỗi bó khoảng 10 cây được 600 đồng tiền công. Ước tính một lao động thu nhập từ chặt mía cũng được trên 120 ngàn đồng/ngày. Còn công bốc mía lên xe được tính 40 ngàn đồng/tấn và còn rất nhiều khoản chi khác nữa như: hỗ trợ tiền xăng xe đi làm, điện nước, chỗ ở... mà người chủ như ông muốn giữ lao động phải lo chu đáo. Ông Phú nói: "Hiện tại, công thu hoạch mía, chăm sóc mía rất khó tìm. Chính vì vậy, người trồng mía ngoài niềm vui mía được giá, họ đang vấp phải cái lo mía phơi khô ngoài đồng mà loay hoay vẫn không tìm được công chặt".
* Mía lấn đất lúa
Sau nhiều năm sống thoi thóp, cây mía đường hiện đang quay lại "thời kỳ vàng" với nông dân xã Trị An và nhiều vùng mía khác trên địa bàn tỉnh. Tại cánh đồng tổ 2 (ấp 2, xã Trị An), nông dân Đoàn Lợi đứng trên ruộng mía chỉ tay vào ruộng lúa kế bên của mình rồi "lên án" cây lúa. Theo ý ông Lợi, hiện tại ông và các nông dân khác ngán cây lúa đến tận cổ. Do cây lúa hiện giờ sâu bệnh dữ quá, trồng lúa cho thu nhập không cao, lại hao tốn quá nhiều công chăm sóc. Chính vì vậy, ông và nhiều nông dân khác chuyển toàn bộ diện tích lúa đất gò sang trồng mía. Tỏ ra tự tin khi chuyển đổi lúa sang mía của mình, ông Lợi nói: "Một sào đất trồng mía tui được Nhà máy đường Trị An hỗ trợ 2 triệu đồng tiền đầu tư. Trong khi đó, trồng lúa tui không được ai hỗ trợ. Hơn nữa, tận dụng nguồn nước thủy lợi có sẵn, tui trồng mía thì chắc chắn trúng đậm vì chủ động được nguồn nước tưới cho mía mùa khô".
Nói xong, nông dân Đoàn Lợi tiếp tục chỉ tay về phía đồi cao cho biết, trên các cánh đồng mía, nơi nào nông dân cũng xôn xao bàn tán việc chuyển đổi diện tích đất trồng mì, tràm nơi đồi cao sang trồng mía. Để phát triển cây mía trên diện tích đất đồi, họ nảy sinh ý định kiến nghị với đơn vị thu mua mía nguyên liệu hỗ trợ thêm tiền để khoan giếng tưới tiêu (giống như chuyện đơn vị thu mua nguyên liệu đã hỗ trợ họ thêm tiền thuê đất của nông dân khác trồng mía). Theo lý lẽ của nông dân, để đơn vị thu mua mía nguyên liệu và người nông dân trồng mía gắn bó lâu dài, bền vững thì nhà máy đường cần hỗ trợ đầu tư thêm cho họ hạ tầng vùng nguyên liệu như: điện, thủy lợi, giếng. Nông dân Nguyễn Văn Minh (ấp 1) nói: "Nông dân tụi tui luôn mong muốn cây mía mãi ngọt ngào sau mỗi vụ thu hoạch. Để được điều đó, nhà máy đường cần hỗ trợ nông dân tụi này mở rộng hệ thống thủy lợi, đường điện hiện có đến từng chân ruộng, đồi mía, hoặc hỗ trợ tiền khoan giếng để chủ động nguồn nước tưới tiêu mùa nắng".
Mang theo cái xót từ phấn mía của nông dân về trụ sở UBND xã Trị An, chúng tôi được lãnh đạo địa phương chia sẻ, sự việc nông dân đã và đang chuyển đổi cây trồng khác sang mía và kiến nghị của nông dân vùng mía đều được chính quyền ghi nhận và thẩm định lại đâu là điều hợp lý và chưa phù hợp để có tiếng nói với đơn vị thu mua mía. Bà Nguyễn Thị Kim Lài, Phó chủ tịch UBND xã Trị An cho biết, địa phương cũng có hướng khuyến khích nông dân phát triển vùng mía nguyên liệu ở những nơi có điều kiện thích hợp. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện vốn, quỹ đất, thổ nhưỡng, kỹ thuật mà nông dân chọn cho mình cây trồng cho phù hợp. Chính quyền xã Trị An đã khuyến cáo nông dân không nên chạy theo vòng xoáy "chặt trồng, trồng chặt" của cây trồng như trước đây. Bà Lài nói: "Sự hợp tác của đơn vị thu mua nguyên liệu với địa phương trong việc đầu tư mở rộng hạ tầng phục vụ nông nghiệp như: lưới điện, thủy lợi sẵn có là điều rất hợp lý, hợp ý nguyện nông dân. Tuy vậy, sự hợp tác giữa các bên tới đâu thì cần phải họp bàn và phải theo hướng đôi bên đều có lợi". Còn ông Nguyễn Văn Nghĩa, Bí thư Đảng ủy xã Trị An thì cho hay, người nông dân đừng quá say sưa với vị ngọt của cây mía đường vụ mùa (2010-2011) được giá, được mùa mà quên mất thời kỳ lao đao trước đây. Hơn nữa, nếu nông dân nóng vội phát triển cây mía không đúng quy hoạch, ồ ạt thì rủi ro rất lớn.
Đoàn Phú