Báo Đồng Nai điện tử
En

Chú Thắng ở xóm Huế

09:03, 07/03/2011

"Với vai trò tổ trưởng và uy tín sẵn có, chú Thắng đã hòa giải giúp nhiều gia đình mâu thuẫn trở nên êm thấm. Chú còn vận động 100% hộ dân trong tổ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa đạt số điểm bình xét cao. Mỗi lần Công an phường phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chú đều kêu gọi người dân đến tham dự đông đủ và vận động được 100% hộ gia đình cam kết không có trẻ em hư hỏng, không có trẻ em bỏ học, trộm cắp và không có tệ nạn xã hội..." - đó là những lời mà Thượng tá Phạm Thị Vinh, Trưởng công an phường Xuân Thanh (thị xã Long Khánh) nhận xét về ông Đặng Văn Thắng - tổ trưởng xóm Huế.

"Với vai trò tổ trưởng và uy tín sẵn có, chú Thắng đã hòa giải giúp nhiều gia đình mâu thuẫn trở nên êm thấm. Chú còn vận động 100% hộ dân trong tổ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa đạt số điểm bình xét cao. Mỗi lần Công an phường phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chú đều kêu gọi người dân đến tham dự đông đủ và vận động được 100% hộ gia đình cam kết không có trẻ em hư hỏng, không có trẻ em bỏ học, trộm cắp và không có tệ nạn xã hội..." - đó là những lời mà Thượng tá Phạm Thị Vinh, Trưởng công an phường Xuân Thanh (thị xã Long Khánh) nhận xét về ông Đặng Văn Thắng - tổ trưởng xóm Huế.

 

* Đối đầu với nhóm du côn

 

Nằm cạnh 2 khu nghĩa địa vắng vẻ, tổ 2 của khu phố 2, phường Xuân Thanh được hình thành từ 30 năm trước bởi khoảng chục hộ nghèo gốc Huế. Đến nay, tổ 2 (còn gọi là xóm Huế) có đến 29 hộ thường trú, 4 hộ tạm trú. Ông Đặng Văn Thắng (70 tuổi) là một trong những người đầu tiên đến định cư ở xóm Huế nên đã được người dân bầu làm tổ trưởng Tổ nhân dân.

 

Ông Đặng Văn Thắng - Tổ trưởng tổ nhân dân 2 (bìa phải) cùng với Thượng tá Phạm Thị Vinh - Trưởng công an phường Xuân Thanh và Thiếu tá Lê Doãn Hòa - Cảnh sát khu vực.    (Ảnh: B.T)

Thời đó, dân tổ 2 còn rất nghèo, chỉ lo chí thú làm ăn, nhưng ở khu Tân Xuân kế cận lại xuất hiện một nhóm côn đồ do 2 tên Cu Tô và Cu Chinh cầm đầu. Bọn này khá ngang ngược, lấy cả đồ cúng của dân để ăn, ai nói là chúng đánh ngay. Có lần vì "nhìn mặt thấy ghét" mà bọn này chọi đá vào nhà một người dân ở ấp Bảo Vinh B gần bên. Ông tổ trưởng xóm Huế đánh kẻng báo cho dân đến can thiệp thì chúng dọa đốt nhà ông. Lúc bấy giờ, ông tổ trưởng chỉ biết đề nghị bà con trong xóm nhẫn nhịn, vì: "Từ xóm Huế ra thị trấn chỉ có một con đường và phải ngang qua khu Tân Xuân, bà con đi làm ăn mỗi ngày mà "mích lòng với chúng chỉ có nước... chết". Nhưng nào có yên, đứa con trai đầu của ông Thắng cùng bạn bè đang uống bia thì bị bọn này ép phải trả tiền nhậu cho chúng. Bị từ chối, chúng xúm vào đánh đến vỡ đầu, gãy hai cánh tay của con trai ông "tổ trưởng xóm Huế". Khi nạn nhân còn đang được cứu chữa trong bệnh viện thì một đàn em của nhóm Cu Chinh xách mã tấu vào tận nhà ông tổ trưởng xóm Huế đề nghị gia đình làm đơn... bãi nại. Bức xúc trước thái độ ngang tàng của đám du côn, gia đình ông Thắng kẻ cầm rựa, người vác xà beng đứng trước cửa nhà thủ thế. Thấy thái độ quyết liệt của ông tổ trưởng xóm Huế, tên côn đồ e ngại và lủi thủi xách mã tấu đi về.

 

Sau đó, chính quyền, Công an phường được ông tổ trưởng rất... "cứng cựa" hỗ trợ đã vào cuộc, dẹp được băng Cu Tô  - Cu Chinh, khiến bà con cả khu vực này ai cũng mừng.

 

* Hết mình vì bà con trong xóm

 

Cùng là dân gốc Huế vào định cư nên gia đình ông Thắng cũng khó khăn như bao hộ dân ở tổ 2. Để nuôi một gia đình có đến 7 miệng ăn, trong đó có 5 đứa con đều đang sức lớn, ông Thắng đi bán kem dạo ở Long Khánh, Xuân Lộc, còn vợ ông thì mua bán. Tuy nhiên, với bà con trong xóm, ông luôn sống hết mình.

 

Để khắc phục tình trạng cư dân tổ 2 bị cách biệt với thị trấn vì con đường độc đạo mà xe máy xới chạy vào không lọt, ông Thắng đã họp bà con lại bàn cách mở rộng và trải nhựa cho con đường "lưu thông huyết mạch" này. Ông xung phong hiến 3m đất mặt tiền để mở đường. Thấy tổ trưởng "chịu chơi", bà con trong xóm hưởng ứng theo. Và chỉ trong 3 ngày, con đường bê-tông có chiều ngang 6m, dài 80m ra đời. Con đường này là hẻm 137/18 của 12 hộ, nhưng đã giúp cho xóm Huế "thông thương" với cả bên ngoài.

 

Việc "chạy đường điện" của ông tổ trưởng tổ 2 còn "độc đáo" hơn. Sau 7 tháng lo thủ tục hồ sơ, Điện lực Long Khánh mới đồng ý cho lưới điện vào khu xóm Huế. Nhưng vào lúc bà con không có tiền để mua trụ, ông Thắng liền lấy "sổ đỏ" của gia đình đem ra ngân hàng thế chấp lấy 85 triệu tạm ứng cho bà con. Khi đường điện hoàn thành, bà con trong tổ gom lại trả nợ chỉ trong 6 tháng là... dứt nợ ngân hàng (theo khế ước vay có thời hạn 1 năm).

 

Có đường, điện ngon lành, xóm Huế lại bất ổn vì các khu nhà trọ mọc lên kéo theo nhiều tệ nạn: ma túy, trộm cắp, cờ bạc... Tổ trưởng Đặng Văn Thắng bấy giờ phải bỏ việc bán kem để cùng với Công an phường lo chuyện làm sạch địa bàn, giúp xóm Huế giờ yên vui trở lại. Ngoài ra, các gia đình trong xóm có chuyện lục đục, ông Thắng tìm đến giải quyết gọn ơ, không cần phải đưa ra phường. Gia đình nào trong tổ có con em hay chạy xe lạng lách là ông tổ trưởng đến tận nhà rầy la, cảnh báo ngay.

Bùi Thuận

 

 

 

 

Tin xem nhiều