Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện xóm bè Suối Tượng

08:03, 06/03/2011

Ngôi nhà của họ là những mảng bè ghép lại, vừa làm nơi ở và cũng để nuôi thả cá. Khi con cái đến tuổi lập gia đình, một mảng bè mới được kết nối và mặt nước thêm chật chội. Nay cá, tôm khan hiếm, không ít ngư dân làng bè Suối Tượng (ở ấp 4, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) buộc phải rời bè lên bờ làm nông dân.

Ngôi nhà của họ là những mảng bè ghép lại, vừa làm nơi ở và cũng để nuôi thả cá. Khi con cái đến tuổi lập gia đình, một mảng bè mới được kết nối và mặt nước thêm chật chội. Nay cá, tôm khan hiếm, không ít ngư dân làng bè Suối Tượng (ở ấp 4, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) buộc phải rời bè lên bờ làm nông dân.

 

* Trẻ em xóm bè

 

12 giờ đêm trước, cu Công và ông Tư Phê (ông ngoại của Công) mải mê đuổi theo con cá nên 8 giờ sáng, khi cư dân xóm bè và tụi bạn đã lên bờ chơi, cu Công vẫn còn vùi mình trong tấm chăn mỏng nơi góc bè ngủ. Nghe tiếng ồn của khách lạ trước cửa, Công vẫn chưa chịu tỉnh giấc... Ông Tư Phê cho hay, đêm qua hai ông cháu trúng mẻ cá khá bộn nên ráng thức đến 12 giờ đêm mới quay xuồng về bè. Ông Tư Phê nói: "Lâu lâu tui mới rủ nó đi theo giữ lái cho tui thả câu. Thường ngày, thằng nhỏ một buổi đi học, một buổi ở bè hoặc leo lên bờ chơi với đám bạn. Thời của tui, chừng ấy tuổi đã theo cha mẹ thả câu, bổ lưới trường kỳ thâu đêm, suốt sáng, vậy mà vẫn không thèm ngủ".

Một góc xóm bè Suối Tượng.

Đối với trẻ em xóm bè Suối Tượng, ngoài một buổi đi học, thời gian còn lại các em phải theo cha mẹ đi thả câu, giăng lưới, trông em cho cha mẹ đi làm, lo chuyện cơm nước, phụ việc nhà... Lúc rảnh rỗi, trẻ em xóm bè thường dắt nhau lên bờ, cùng nhau chơi các trò chơi dân gian, như: tán lon, trốn tìm, nhảy dây... Chị Tư Duyên (cư dân xóm bè) tâm sự, các em ở đây làm gì có các trò chơi: nhà banh đu quay, bắn súng... như trẻ em thành thị. Chỉ mới 6-7 tuổi, trẻ em ở làng bè đã biết theo cha mẹ đi làm. Dần dà, chúng quen với các trò chơi lao động, như: bào mì, bắt óc, lượm hạt điều, bóc vỏ bạch đàn... Chính vì vậy, dù còn nhỏ nhưng khi gia đình rơi vào cảnh khó khăn, các cháu có thể theo cha mẹ lao động kiếm tiền.

 

Ngay như cu Công, 9 tuổi mà em đã thành thạo các công việc của một ngư dân chài lưới. Từ nhỏ Công đã sớm theo cha mẹ, ông ngoại đi chài, thả câu nên em thuộc lòng từng nhánh suối, con nước, luồng cá. Chính vì vậy, 9 tuổi Công mới được cha mẹ xin thầy cô giáo học lớp 1. Còn bé Chi, chị của Công, tuy là học sinh giỏi 4 năm liền, nhưng 7 tuổi em mới được cha mẹ cho đi học. Bé Chi cho biết, không phải chỉ mình em, cu Công quá tuổi vào lớp 1, mà các bạn trong lớp của Chi, Công đều như vậy. Nguyên nhân đi học muộn của chị em Chi và trẻ em ở đây có muôn vàn lý do chính đáng, như: gia đình nghèo, phụ huynh không quan tâm đến việc học tập của con em, công việc của ngư dân rày đây mai đó thì sao học được... Bà Thái (vợ ông Tư Phê) nói: "Cá tôm nhiều thì tụi nhỏ bận theo cha mẹ đi đánh bắt. Nay cá tôm cạn kiệt thì cha mẹ chúng lại bỏ bè lên bờ làm ăn và giao con cho tui nên tụi nhỏ mới rảnh rang đi học".

 

Khi được bố mẹ bảo lên bờ chở ván xuống sửa bè, các em mặc sức nô đùa.

Rời cụm bè 4 chiếc, nơi gia đình ngư dân Tư Phê và các con, cháu đang kết nối nhau sinh tồn, chúng tôi được bé Kiều (9 tuổi) chèo ghe đưa đi thăm cụm bè trên 10 chiếc của gia đình ông Nguyễn Thuận và họ hàng đang neo đậu trong một đoạn suối cách đó gần 100 sải tay. Trên đường đi, bé Kiều thổ lộ với chúng tôi, nhờ nhà có xuồng nên thỉnh thoảng Kiều và Tiên (chị Kiều) chèo xuồng ra chơi với các bạn "dưới nước" (sống ở làng bè). Kiều nói: "Con có nhiều bạn ở dưới nước bơi rất giỏi, như bạn Thanh (lớp 3), Mỹ Tiên (lớp 4), Tuấn Minh (lớp 3)... Thỉnh thoảng, các bạn còn đem lên bờ cho mẹ con mớ cá, còn con thì đem xoài xuống bè cho các bạn, hoặc xuống bè rủ các bạn lên bờ chơi nhảy dây, trốn tìm...".

 

* Bỏ bè lên bờ

 

Bé Kiều vừa dứt lời, xuồng chúng tôi cũng vừa chạm vào mạn bè của ông Nguyễn Thuận. Ông Thuận nhận ra bé Kiều (con chị Hai Viễn trên bờ) là người quen nên lật đật đứng dậy, chạy tới đỡ mũi. Ông Thuận hỏi bé Kiều là ai đang ngồi trên xuồng, ra đây có việc gì không? Chúng tôi đỡ lời em rằng, qua giới thiệu của chị Đỗ Thị Lan (phó ban điều hành ấp 4), chúng tôi muốn gặp ông và các cư dân xóm bè để hỏi chuyện làm ăn. Ông Thuận thở dài ngao ngán, nói: "Khổ lắm mấy chú ơi! Hiện tại tụi tui treo lưới, neo xuồng hết rồi. Bọn trẻ thì rủ nhau lên bờ đi làm thuê cho chủ đất, chủ rẫy ráo trọi". Dứt lời, ông Thuận đưa tay đỡ chúng tôi lên bè. Mấy đứa cháu nội, ngoại của ông đang nhảy nhót trên bè, lần đầu tiên thấy chúng tôi nên đứng im, xoe mắt nhìn. Chưa kịp đưa ly trà lên miệng nhấp, chúng tôi lại nghe ông Thuận than vãn một hơi dài. Nào là lòng hồ Trị An mấy năm nay cá tôm khan hiếm, đánh bắt khó khăn; thuế đánh bắt tăng quá cao; cá đánh bắt được thì phải bán cho hợp tác xã quản lý lòng hồ, chứ không được bán tự do như trước;  chuyện nuôi cá bè liên tục thua lỗ, khiến các cặp vợ chồng trẻ lần lượt gửi bè, giao con cho người già để lên bờ làm thuê mướn kiếm miếng ăn, lo cho con học tập...

Trẻ em xóm bè Suối Tượng đến lớp.

Những điều mà ông Nguyễn Thuận, ông Tư Phê và các ngư dân khác than thở, chúng tôi đã được cán bộ ấp Đỗ Thị Lan thông tin trước đó khá rõ. Tuy vậy, khi đặt chân lên những ngôi nhà được nâng nổi trên mặt nước bằng những chiếc thùng phuy cũ kỹ, được tiếp xúc với những ngư dân cục mịch, chân chất và những đứa trẻ sạm nắng trong màu áo học trò cùng sự vắng bóng ngư dân đang đánh bắt trên mặt hồ thì sự khái quát của cán bộ ấp vẫn còn... "vĩ mô" lắm.

Ông ÚT CHÓT, tổ trưởng Tổ dân cư xóm bè suối Tượng, cho biết xóm bè này có vài chục trẻ nhỏ. Những năm qua, trẻ em xóm bè được chính quyền địa phương và các tổ chức, đoàn thể vận động ra lớp học. Tuy vậy, các cháu chỉ học hết cấp 1, rất ít cháu chịu xa nhà học cấp 2. Còn chuyện học lên cấp 3 hay đại học thì hiện vẫn chưa có em nào.

 

Trao đổi với chúng tôi về cuộc sống hiện tại của cư dân xóm bè, bà Đỗ Thị Lan cho biết hiện khu bè Suối Tượng có khoảng 60 bè, 200 nhân khẩu. Số hộ khá chừng 10 hộ, số còn lại phần lớn đều khó khăn. Thời gian qua, chính quyền xã Mã Đà và ban điều hành ấp 4 đã có nhiều động thái quan tâm đến cư dân xóm bè Suối Tượng, như: làm đường, hỗ trợ vốn, trợ cấp lương thực, thăm hỏi động viên... Đặc biệt, ban ấp và chính quyền xã còn trực tiếp can thiệp với đơn vị quản lý lòng hồ có giải pháp giảm thuế đánh bắt đối với hộ nghèo làm nghề cá; không nên can thiệp quá sâu vào việc buôn bán, trao đổi hàng hóa của cư dân xóm bè với tư nhân; vận động, hỗ trợ con em nơi đây đến trường... Bà Lan nói: "Khi hay tin cấp trên sẽ triển khai dự án quy hoạch dân cư, chuyển dân xóm bè lên bờ sinh sống và cấp đất, dựng nhà, giao đất cho họ trồng rừng..., chúng tôi và người dân nơi đây rất phấn khởi. Nhưng việc họ về đo đạc và thông tin miệng cho người dân mới chỉ là dự án khảo sát, còn chừng nào và bao giờ triển khai dự án lý tưởng này thì chúng tôi và người dân nơi đây đang chờ đợi"...

 

     Đoàn Phú

 

 

         

                                   

         

       

 

 

 

Tin xem nhiều