Báo Đồng Nai điện tử
En

Hùng vĩ thác Bản Giốc

10:03, 03/03/2011

Thác Bản Giốc - một địa danh quen thuộc, một thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam ở vùng biên giới Việt - Trung thuộc tỉnh Cao Bằng. Có dịp ra công tác ở Hà Nội, tôi đã tìm cách đến thăm để được chiêm ngưỡng...

Thác Bản Giốc - một địa danh quen thuộc, một thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam ở vùng biên giới Việt - Trung thuộc tỉnh Cao Bằng. Có dịp ra công tác ở Hà Nội, tôi đã tìm cách đến thăm để được chiêm ngưỡng...

 

* "Thiên hạ đệ nhất thác"!

 

Từ Hà Nội lên Cao Bằng chỉ có 286km, nhưng bởi đường đi quanh co uốn lượn, lên dốc xuống đèo lại lắm ổ gà, ổ voi, nên phải mất đến 6-8 tiếng để di chuyển ngần ấy quãng đường. Đến bến xe thị xã Cao Bằng, đón xe đò đi huyện Trùng Khánh, mất thêm 3 giờ đồng hồ cho quãng đường chỉ có 80km nữa. Cuối cùng, từ trung tâm huyện Trùng Khánh đi về phía Bắc theo tỉnh lộ 206 về phía Hạ Lang khoảng 25km nữa là đến thác Bản Giốc. Thác thuộc xã Đàm Thủy, nằm ở phía dưới một thung lũng ngay biên giới Việt - Trung.

 

Thác Bản Giốc.

Đi trên tỉnh lộ 206, cách mấy cây số đã có thể nhìn thấy ngọn thác trắng xóa, sừng sững giữa chốn rừng xanh núi biếc. Dù đang trong mùa khô nhưng những dòng nước từ ngọn thác vẫn đổ thật dũng mãnh xuống dòng Quây Sơn. Thác được chia ra 2 phần chính và phụ, dù cao và rộng hơn nhưng phần phụ lại ít nước và dòng chảy không đẹp bằng phần chính. Bên dưới ngọn thác quanh năm tung bọt trắng xóa ấy, dòng Quây Sơn lại rất êm đềm. Từ hai bên bờ sông, những chiếc bè tre được chống, đẩy bởi những cây sào dài để đưa du khách đến gần chiêm ngưỡng thác. Càng đến gần, hơi nước từ dòng thác tung mịt mờ, ướt đẫm cả quần áo. Đứng ở chân thác, tiếng ầm ào của những dòng nước đổ nghe cứ rầm rập như vó ngựa phi, vang động cả một góc trời.

 

Không chỉ hùng vĩ, thác Bản Giốc còn đẹp tuyệt vời bởi vẻ hoang sơ mà rất trữ tình. Những núi trùng điệp phía sau lưng tạo một "hình nền" tuyệt vời cho dáng vẻ mềm mại uyển chuyển của thác, nhìn xa xa thác Bản Giốc như những dãy lụa bạch vắt trên tầng cây giữa rừng xanh núi thẳm. Ngọn núi đá vôi nơi dòng thác đổ xuống do sự xâm thực của nước, gió tạo thành những hang hốc rêu phong kỳ bí, thi thoảng đó đây lại xuất hiện những nhánh lan rừng, những nụ hoa bằng lăng tim tím hoặc hoa dại đỏ rực rỡ. Và trên hết, bầu không khí núi rừng trong lành, khoáng đãng đã mang lại sự sảng khoái, yên bình cho những ai một lần đặt chân đến thác. Nếu không vì khoảng cách địa lý quá xa, đường đi khó khăn, hẳn thác sẽ có sức hút vô cùng mạnh mẽ đối với khách du lịch.

Theo nguồn Wikipedia, thác Bản Giốc là thác nước lớn thứ tư thế giới trong số các thác nước nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia (sau thác Iguazu giữa Brazil - Argentina, thác Victoria nằm giữa Zambia - Zimbabwe, thác Niagra giữa Canada và Mỹ). Với độ cao 53m và chiều rộng khoảng 310m, thác Bản Giốc thật hùng vĩ và ngoạn mục. Tham khảo các trang web về du lịch và của "dân phượt" (người chuyên đi du lịch bụi bằng xe máy), hầu hết đều nhận định rằng thác Bản Giốc là ngọn thác đẹp nhất Việt Nam.

 

Cách bờ Nam của sông khoảng vài mươi mét, trên một doi đất nằm giữa thác chính và thác phụ là cột mốc 836 (2) được dựng vào năm 2001 sau Hiệp định phân định biên giới Việt - Trung  năm 1999. Hiệp định này tiếp tục công nhận quy định ranh giới như trong Công ước Pháp - Thanh 1887, đồng thời 2 nước đều dựng thêm các cột mốc trên phần lãnh thổ của mình, trong đó có cột mốc 836 (2). Cột mốc được xây dựng rất kiên cố, bệ dưới bằng đá cao cỡ đầu người, bệ trên được lát bằng đá hoa cương cứng chắc, trên cùng là tấm bia có dòng chữ "Việt Nam. 836 (2). 2001" đỏ như son, kiêu hãnh vươn mình giữa núi rừng xanh ngát.

 

* Câu chuyện của tương lai

 

Cho đến nay việc khai thác du lịch ở thác Bản Giốc của nước ta chỉ mới nằm ở dạng "tiềm năng".

 

Từ tỉnh lộ 206 rẽ vào thác, con đường đất đỏ đầy bùn nhão nhoét, lầy lội khủng khiếp. Phía ngay đầu đường xuống thác, cạnh trạm biên phòng Bản Giốc, Công ty cổ phần du lịch Cao Bằng dựng ngang một thanh chắn để thu vé của du khách. Giá vé tham quan thác Bản Giốc chỉ 15.000 đồng/người lớn, nhưng hầu như du khách không được hưởng bất cứ một sự đầu tư dịch vụ nào từ ngành du lịch. Đứng bên bờ Nam sông Quây Sơn ngó sang phía Trung Quốc, có thể nhìn thấy dãy quầy hàng bán đồ lưu niệm được che bằng những tán dù rực rỡ bắt mắt, thì những gian hàng lưu niệm của Việt Nam hoàn toàn do tư nhân xây dựng tự phát, che chắn bằng những tấm cót, tấm tranh ọp ẹp. Ngay cả hàng hóa và đồ lưu niệm cũng thế, trong khi "bên kia" thật phong phú đủ chủng loại, từ đồ thủ công mỹ nghệ chế tác từ đồng, bạc, sừng trâu bò, những món đồ chơi  mang hình ảnh thác Bản Giốc cho đến những loại lá, rễ cây, thảo dược để làm thuốc, thì "bên đây" chỉ lèo tèo mấy món trang sức rẻ tiền và quần áo may theo kiểu... Tàu.

 

Đường xuống thác Bản Giốc.

"Trên bờ" đã thế, "dưới nước" cũng chẳng khá hơn. Đồng là bè tre làm dịch vụ chở khách tham quan thác, nhưng phía Trung Quốc đầu tư khá bài bản, bè được đóng chắc chắn, mỹ thuật, trên mỗi bè đều treo những chiếc đèn lồng đỏ tạo nét đặc trưng, số lượng bè đông gấp 3-4 lần. Bám theo những chiếc bè chở du khách là đội ngũ bán hàng rong người Trung Quốc đầy năng động, di chuyển bằng những chiếc mảng nứa nhỏ, luôn miệng chào mời, tiếp thị hàng hóa Trung Quốc với đầy đủ chủng loại, thượng vàng hạ cám, từ cây thuốc lá cho đến lọ nước hoa hay chai rượu Tây đắt tiền.

 

Cho đến giờ khách du lịch thác Bản Giốc chưa kiếm nổi một hàng quán ăn uống đàng hoàng ngoại trừ dãy lán nhếch nhác đã kể ở trên. Để thác Bản Giốc thật sự "thức giấc", phát huy hết ưu thế về du lịch của mình, vẫn còn là câu chuyện dài của tương lai...

 

Theo Quyết định 134/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17-8-2007 về Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch thác Bản Giốc , khu du lịch này có quy mô diện tích lên đến 1.000 hécta. Tổng kinh phí đầu tư từ nay đến năm 2020 là 2.400 tỷ đồng. Mục tiêu của khu du lịch là đến năm 2010 đón được khoảng 90.000 lượt khách du lịch/năm, năm 2015 đón khoảng 350.000 lượt khách du lịch/năm, và năm 2020 đón khoảng 1 triệu lượt khách du lịch/năm, trong đó có khoảng 350.000 lượt khách du lịch quốc tế. Định hướng phát triển là đưa thác Bản Giốc thành khu du lịch tham quan thắng cảnh kết hợp lễ hội văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao mạo hiểm như nghiên cứu hang động leo núi và các loại hình du lịch khác, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm du lịch thể hiện được đặc trưng riêng của du lịch Bản Giốc.

 

Thanh Thúy

 

                                                                  

                                               

                                             

 

 

 

Tin xem nhiều