Theo quy định của Bộ Thông tin - truyền thông, sau ngày 23-9-2010, các điểm kinh doanh game online không được cho khách chơi những loại game bạo lực bị cấm. Song thực tế, nhiều đại lý internet trên địa bàn TP.Biên Hòa vẫn phớt lờ quy định của Bộ, tiếp tục cho khách chơi các trò game online bạo lực, thậm chí một số đại lý internet còn kéo dài thời gian hoạt động quá 22 giờ.
Theo quy định của Bộ Thông tin - truyền thông, sau ngày
Dạo quanh một số con đường ở địa bàn TP.Biên Hòa, chúng tôi thấy rất nhiều học sinh đang mải mê chơi game online bạo lực tại các đại lý internet...
* Tiệm Internet "bao vây" trường học
Theo quy định, các đại lý internet phải cách xa trường học phạm vi 200m, nhưng trên địa bàn TP.Biên Hòa hiện có khá nhiều đại lý internet vi phạm quy định này.
Xung quanh khu vực Trường THPT Trấn Biên, chúng tôi thấy rất nhiều đại lý internet hoạt động trong phạm vi 200m. Anh Đ.M.V. (sống gần Trường THPT Trấn Biên) bức xúc: "Quy định không cho chơi game bạo lực nhưng những người kinh doanh internet cho chơi thoải mái thì sao mà quản được!". Khi nghe chúng tôi nhắc đến quy định cấm các điểm internet hoạt động trong phạm vi 200m gần trường học, anh V. lắc đầu ngao ngán: "Cấm 200m thì họ giãn ra 250-300m có sao đâu. Đã đi được 200m không lẽ mấy đứa nhỏ không thể đi thêm 50-100m để chơi game".
Đến khu vực gần Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (thuộc phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa), chúng tôi cũng thấy các đại lý internet hoạt động "bao vây" trường học. Học sinh vào đây vẫn có thể thoải mái ngồi chơi game hàng giờ mà không bị ai nhắc nhở. Phần lớn các đại lý internet tại khu vực khu phố 4, phường Tân Hiệp như: H.S., U.D... đều có bóng dáng học sinh "ngồi đồng" suốt ngày để thỏa cơn nghiện game online. Khi được hỏi về cách thức quản lý và việc nhắc nhở học sinh khi đến chơi game, các chủ đại lý tại đây tỏ vẻ ngạc nhiên pha lẫn thái độ hời hợt.
Không chỉ vi phạm về phạm vi hoạt động, khá nhiều đại lý internet vi phạm các quy định về thời gian đóng cửa. Để đối phó với sự kiểm tra của cơ quan chức năng, hiện nay các đại lý internet sử dụng cách đóng cửa, tắt đèn sau 22 giờ nhưng vẫn tiếp đón và cho khách thoải mái chơi game online đến rạng sáng hôm sau.
Tại đại lý internet U.V. (ở khu phố 6, phường Tam Hiệp), trong khoảng 30 phút quan sát, chúng tôi thấy có gần chục em học sinh vào chơi game. Không chỉ vậy, chủ đại lý internet này còn mặc nhiên cho khách chơi game thoải mái quá 22 giờ. Phía sau cánh cổng sơn màu xanh, chủ tiệm internet này khóa cổng, tắt bớt các thiết bị điện để cho những game thủ thỏa chí chơi game đến rạng sáng. Các đại lý internet như T.W., A.K... (ở khu phố 6, phường Tam Hiệp) cũng rơi vào tình trạng tương tự. 22 giờ 10 ngày 14-3, trong vai khách đến chơi game, chúng tôi bước vào đại lý internet A.K., yêu cầu chủ đại lý mở máy dẫu biết rằng đã quá thời gian quy định. Và người đàn ông khoảng 35 tuổi (có vẻ là chủ đại lý) vẫn hồ hởi bước đến bật máy, hướng dẫn nhiệt tình các trò chơi trên mạng.
Ngồi cạnh chúng tôi là một nam học sinh, sau khi nghe chúng tôi nhắc nhở về quy định hết giờ hoạt động và cấm các loại game bạo lực, em nói vô tư: "Từ trước đến giờ tụi em vẫn thoải mái chơi game bắn giết mà có nghe ai nói đến mấy quy định này đâu.Vả lại, mình chơi tính tiền theo giờ nên muốn chơi sao chẳng được". Học sinh này còn cho biết nhiều người bạn ngang lứa với em đang trong giờ học vẫn có thể "cúp cua" ra các tiệm internet ngồi chơi game hàng giờ. Trên màn hình máy tính, những folder chứa các loại game bạo lực không kém cạnh những game bị cấm được cài sẵn để người chơi dễ nhận thấy. Các game thủ chỉ cần mở máy và nhấp chuột là có thể chơi những loại game sặc mùi chém giết.
Chị N.T.C.T. (một phụ huynh học sinh ở phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) lo lắng: "Con tôi rất thích chơi game. Cháu hay xin tiền để ra mấy tiệm internet gần nhà chơi. Nhiều lúc cháu đi học về nói những từ mà tôi không hiểu, hỏi ra mới biết chơi game người ta hay nói vậy".
* Bạo lực ảnh hưởng từ game
Nhằm hạn chế ảnh hưởng bạo lực từ game online, các cơ quan chức năng đã ra quy định cấm các loại game: Đột kích, Đặc nhiệm anh hùng, Biệt đội thần tốc. Thế nhưng, ở nhiều tiệm internet, trẻ em và người lớn lại đua nhau tìm kiếm, chơi những loại game bạo lực khác.
Thời gian gần đây, những trò đánh đấm trên game đã biến thành các cuộc ẩu đả, "thanh toán" của giới học sinh ở ngoài đời. Em N.T.D. (ở khu phố 3, phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) kể lại: "Lần trước em chơi game gần nhà thì có một bạn thách đấu bắn súng với em. Em bỏ về ngang chừng vì sợ mẹ la. Ai ngờ bạn ấy chặn em lại và đòi xử ngay lập tức, nếu em dám bước ra cửa. Tưởng bạn ấy nói đùa, ai dè khi em vừa đứng lên đã bị cái gạt tàn thuốc đập vào đầu...".
Không chỉ dừng lại ở việc đánh nhau, gần đây giới học sinh đang rộ lên thói văng tục, đầy vẻ bạo lực. Tại đại lý internet H.S. ở khu phố 4, phường Tân Hiệp, một cậu bé chừng 14 tuổi đập mạnh tay xuống bàn phím, mắt không rời màn hình máy tính đang chơi trò bắn súng giết nhau loạn xạ và quát lớn: "Đ.M. tao giết được tụi bay rồi. Chết nhé con!". Cách đó 2 bước chân, cô bé học sinh lớp 4 quay sang hỏi với giọng "ngưỡng mộ": "Mày giết được bọn lính rồi hả? Nãy giờ tao chẳng giết được đứa nào cả, chán thật!". Quan sát xung quanh, chúng tôi thấy phần đông khách đến đây chỉ để chơi game. Những người lên mạng tra cứu thông tin chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chị Nguyễn Thị Dung ở đường Phạm Văn Thuận, phường Tam Hòa bộc bạch: "Bọn trẻ bây giờ nghiện game online dữ lắm. Có đứa còn nói dối, ăn cắp tiền gia đình để được chơi game".
Do ảnh hưởng từ các trò đánh đấm trong game bạo lực, nhiều em đã tìm mọi cách để có tiền chơi game online. Mới đây, Công an tỉnh Lào Cai đã bắt đối tượng T.Q.T. (19 tuổi) vì bắt cóc một bé trai 8 tuổi nhằm đòi tiền chuộc, để lấy tiền chơi game online. Nhiều hiện tượng đang trở thành trào lưu trong giới trẻ là nạn đánh hội đồng rồi dùng điện thoại quay phim lại và tung lên mạng. Đây không chỉ là "vết đen" trong học đường mà còn là điều trăn trở của nhiều bậc phụ huynh, bởi mầm mống của những trò này đều có sự "góp sức" của game bạo lực.
Dù đã có quy định về việc cấm đại lý internet kinh doanh cách trường học dưới 200m, thời gian đóng cửa trước 22 giờ đêm và mở cửa hoạt động sau 8 giờ sáng nhưng nhiều nơi vẫn ngang nhiên hoạt động trái quy định. Do đó, các cơ quan chức năng cần kiểm tra, có những biện pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm khắc những đại lý internet cố tình vi phạm. Về phía gia đình, nhà trường, cần có sự định hướng giáo dục cho con em, học sinh để tránh những sự cố đáng tiếc từ những trò chơi game online bạo lực.
Bà GIANG THỊ THU NGA, Phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông, cho biết: "Sở đã chỉ đạo các Phòng Văn hóa-thông tin địa phương tích cực thanh kiểm tra để báo cáo tình hình, nhằm kịp thời ngăn ngừa và xử lý các nơi cố tình vi phạm. Bước đầu, chúng tôi sẽ vận động những đại lý internet hoạt động sai quy định di dời cách xa trường học, đồng thời nhắc nhở, xử lý đối với những đại lý hoạt động quá giờ quy định. Nếu tái phạm nhiều lần, chúng tôi sẽ cắt đường truyền và xử lý theo quy định của pháp luật".
Tùng Minh