Tình trạng trẻ lang thang xin ăn tại nhiều nơi ở TP.Biên Hòa không chỉ làm ảnh hưởng đến mỹ quan của đô thị mà còn liên quan đến nhiều mặt về đời sống và trật tự xã hội trên địa bàn. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có những biện pháp tích cực để giải quyết vấn đề này, nhưng tình trạng trẻ lang thang xin ăn vẫn chưa chấm dứt.
Tình trạng trẻ lang thang xin ăn tại nhiều nơi ở TP.Biên Hòa không chỉ làm ảnh hưởng đến mỹ quan của đô thị mà còn liên quan đến nhiều mặt về đời sống và trật tự xã hội trên địa bàn. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có những biện pháp tích cực để giải quyết vấn đề này, nhưng tình trạng trẻ lang thang xin ăn vẫn chưa chấm dứt.
Chưa đầy 6 giờ sáng, bước chân của những đứa trẻ lang thang người Campuchia đã lê la khắp các nẻo đường để hành nghề... ăn xin. Xen lẫn những em 3, 4 tuổi là những người già và phụ nữ tay bồng bế những trẻ sơ sinh. Công việc của họ khá đơn giản, chỉ cần đưa tay xin tiền và chèo kéo khách là có được những đồng tiền lẻ từ "công sức" quấy nhiễu người khác.
* Thua keo này... bày keo khác
Từ lúc bờ kè suối Linh (ở phường Tam Hòa) hình thành đã có sự xuất hiện của nhóm "cái bang" người Campuchia. Cơ quan chức năng nhiều lần truy quét và tìm cách đưa họ về nước, nhưng chỉ một thời gian sau, nhóm "cái bang" này tiếp tục tập họp quân số trở lại để... xin ăn. Sau khi Báo Đồng Nai đăng loạt bài: "Những đứa trẻ kiếm sống về đêm", nhóm "cái bang" sống tại bờ kè suối Linh bị cơ quan chức năng kiểm tra, đẩy đuổi nên đã bỏ đi. Tưởng chừng nạn chăn dắt trẻ em ăn xin sẽ chấm dứt thì tình trạng trên lại tiếp tục tái diễn trên địa bàn thành phố những ngày gần đây.
Theo chân nhóm trẻ ăn xin hay lảng vảng tại khu vực chợ Biên Hòa, chúng tôi gặp và tiếp xúc với một thanh niên tên Kha, 18 tuổi. Ban ngày Kha chỉ huy khoảng chục đứa trẻ để xin ăn tại khu vực ngã ba Vườn Mít và chợ Biên Hòa. Đêm đến, Kha cùng với đám trẻ ngủ bụi gần chợ Biên Hòa. Vóc dáng nhỏ nhắn, ít nói nhưng Kha được đám trẻ "tung hô" làm đàn anh và kiêm luôn việc bảo vệ đám nhỏ khỏi bị những người lạ bắt nạt. Hành nghề cái bang mới được 5 tháng, tiếng Việt nói chưa thạo nhưng những nẻo đường ở Biên Hòa Kha lại khá rành. Khi chúng tôi hỏi chuyện về chỗ tập trung của nhóm, Kha hồn nhiên cho biết: "Buổi tối chúng tôi về chợ Biên Hòa ngủ ở các sạp trong chợ. Rạng sáng phải thức dậy để không bị người ta đuổi". "Còn những việc vệ sinh cá nhân?" - Chúng tôi vừa hỏi, vừa nhét tờ 20 ngàn đồng vào cái ca nhựa của cô bé ngồi cạnh Kha. Sau chút ngại ngần, Kha thổ lộ: "Sau khi bị đẩy đuổi khỏi khu vực suối Linh, chúng tôi tản ra ngủ bụi ở nhiều nơi. Đói thì đi mua cơm rẻ tiền ăn dọc đường, khi có nhu cầu đi vệ sinh thì tìm chỗ vắng và thay phiên nhau canh chừng...".
Bám theo một nhóm "cái bang" đang tiến vào con hẻm nhỏ thuộc khu phố 1, phường Trung Dũng, chúng tôi phát hiện nơi đám trẻ ăn xin "giải quyết tâm sự". Ngay trên những thanh ray đường sắt, đám trẻ ăn xin vô tư "thả mìn". Vài đứa trẻ còn ngịch ngợm ngồi bệt xuống đường tàu trong lúc đợi "đồng nghiệp" đang say sưa... Còn việc tắm giặt, đám trẻ này chỉ việc nhảy vào những hố nước dọc đường hoặc đợi nhân viên môi trường đô thị đến tưới cây trong công viên để tắm nhờ. Do "đi bụi" dài ngày nên phần lớn đám trẻ ăn xin thường để vài ngày mới tắm. Đứa xin được nhiều tiền thì "chơi sang", bỏ vài ngàn vào công viên tắm rửa. Những em không đủ tiền thì đành ngậm ngùi đợi hôm khác đủ tiền mới tắm. Vòng tròn lẩn quẩn ấy cứ diễn ra trong nhơ nhuốc, kém vệ sinh ngày này qua tháng nọ và đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến mọi người xung quanh.
Một buổi sáng dậy sớm đi tập thể dục, ông Nguyễn Phi Khanh (ở khu phố 3, phường Thống Nhất) bỗng phát hiện trước cổng nhà mình rác rưởi vứt tứ tung, kèm theo đó là thứ mùi khó chịu từ đống phân của ai đó để lại sát hiên nhà. Sau nhiều hôm phục kích, ông Khanh phát hiện kẻ "thả mìn" chính là những đứa trẻ ăn xin. Ông bức xúc: "Họ rất đông, già trẻ, lớn bé đều có đủ. Nhiều lúc tôi còn thấy họ lấy tấm bạt trải ở bóng râm sát với đường tàu hỏa để... ngủ trưa. Không để ý quan sát thì thế nào họ cũng đi bậy gần nhà...".
* Cần siết chặt quản lý
Trong nhóm "cái bang" này có một phụ nữ mù luôn có vài đứa trẻ dẫn đường đi xin. Thỉnh thoảng, bà ta lại ra hiệu cho đám nhóc thay đổi vị trí và "chỉ dạy" cho đám nhỏ cách moi tiền người đi đường. Trước đây, bà này hoạt động tại khu vực các phường Long Bình, Tam Hòa. Sau khi địa bàn bị "động", bà Tia (tên bà ta) cùng với nhóm người chỉ huy đã thay đổi nơi hoạt động. Riêng bà cùng vài đứa trẻ chỉ quanh quẩn ở khu vực các phường Trung Dũng, Tân Phong, chợ Biên Hòa... Vào hàng thâm niên trong giới ăn xin xuyên quốc gia nên bà Tia tỏ ra khá rành "nghề" ... xin tiền. Mỗi khi bà Tia chìa cái ca nhựa ra xin tiền mà "con mồi" chưa cho, lập tức cả đám nhóc sẽ ùa đến chèo kéo, đeo bám khách đi đường rất lâu. Chị Nguyễn Thị Hoài Tâm (ở phường Trung Dũng) cho biết: "Nhiều hôm đi ngang khu vực đối diện Bưu điện tỉnh, tôi thấy đám nhóc ăn xin hay vây quanh khách đi đường xin tiền. Nhiều người ngại phiền phức nên móc tiền cho để khỏi bị quấy rầy, chứ thật lòng ai cũng cảm thấy khó chịu trước kiểu chèo kéo như vậy".
Được biết, thời điểm những đối tượng ăn xin này di chuyển sang Việt
Ông Võ Ngọc Ẩn, Giám đốc Trung tâm bảo trợ huấn nghệ cô nhi Biên Hòa cho biết: "Chúng tôi đã có nhiều đợt tập trung những người ăn xin Campuchia này lại để đưa họ về nước. Đồng thời, chúng tôi cũng xúc tiến nhiều biện pháp nhằm phối hợp với các địa phương rà soát chặt chẽ nhằm ngăn chặn vấn nạn xin ăn tràn lan. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh mà còn gây xáo trộn đến đời sống dân cư quanh khu vực nhóm người ăn xin này sinh sống". Cũng theo lời ông Ẩn, từ năm 2003 đến nay, Trung tâm đã phối hợp cùng Sở Ngoại vụ, Sở Lao động - thương binh và xã hội... lập danh sách cụ thể từng đối tượng ăn xin người Campuchia để làm việc với lãnh sự quán nước bạn nhằm đưa những người xin ăn này về nước an toàn. Số xin ăn người Campuchia qua nước ta theo từng năm có giảm, nhưng về tính chất hoạt động thì ngày càng đại trà nên ảnh hưởng không ít đến trật tự mỹ quan đô thị.
Làm gì để chấm dứt nạn xin ăn đang là vấn đề đặt ra. Người già, phụ nữ và trẻ em là những đối tượng đáng để chúng ta lưu tâm và giúp đỡ. Tuy nhiên, chuyện lợi dụng vào sự thương cảm của mọi người để "làm ăn" thì đáng bị lên án. Các cơ quan chức năng cần có những biện pháp triệt để nhằm xóa bỏ thực trạng xin ăn nhếch nhác trên địa bàn TP.Biên Hòa hiện nay.
Tùng Minh