Báo Đồng Nai điện tử
En

Lao động nữ nơi công trường xây dựng

09:03, 13/03/2011

Gầy yếu, mỏng manh nhưng nhiều phụ nữ phải gồng gánh sức nặng "cơm áo, gạo tiền" cho gia đình. Từ những em gái 14-15 tuổi đến những người bước sang tuổi 50, hàng ngày họ vẫn oằn lưng bưng gạch, xúc cát, quét sơn, phụ việc cho các công trình xây dựng, nơi mà cánh đàn ông khỏe mạnh còn phải than về sự khó nhọc và nguy hiểm. Họ nỗ lực bán sức lao động để kiếm tiền trang trải cuộc sống, mong ước thoát khỏi khó nghèo.

Gầy yếu, mỏng manh nhưng nhiều phụ nữ phải gồng gánh sức nặng "cơm áo, gạo tiền" cho gia đình. Từ những em gái 14-15 tuổi đến những người bước sang tuổi 50, hàng ngày họ vẫn oằn lưng bưng gạch, xúc cát, quét sơn, phụ việc cho các công trình xây dựng, nơi mà cánh đàn ông khỏe mạnh còn phải than về sự khó nhọc và nguy hiểm. Họ nỗ lực bán sức lao động để kiếm tiền trang trải cuộc sống, mong ước thoát khỏi khó nghèo.

 

Mỗi ngày, tại nhiều công trường xây dựng trên địa bàn TP.Biên Hòa vẫn có những người phụ nữ lam lũ, đánh vật với sương gió để kiếm sống. Trông từ xa họ chẳng khác gì cánh đàn ông, phải quan sát kỹ chúng tôi mới biết đó là những nữ phụ hồ. Bốc gạch, xúc cát, trộn hồ..., hàng ngày họ vẫn chăm chỉ, lặng lẽ làm những công việc nặng nhọc đó để kiếm tiền lo cho gia đình.

 

* Làm như cánh "mày râu"...

 

Phía sau những chuyến xe hàng chở vật liệu xây dựng luân phiên ra vào tại các công trường xây dựng là những làn bụi của đất, cát, xi măng..., nhưng không chút do dự, một nhóm phụ nữ vây quanh chiếc xe tải để phụ xuống hàng. Chị Nguyễn Thị Bác Ái (43 tuổi, quê ở Tây Ninh, đang làm phụ hồ tại khu phố 3, phường Tân Hiệp) từ lâu đã không biết đến những thú vui bình dị như bao phụ nữ khác mà suốt ngày làm quần quật cùng chồng ở các công trình xây dựng để có tiền gửi về quê nuôi con. Chị tâm sự: "Phụ nữ làm mấy việc bưng bê gạch, xúc cát... cực lắm. Nắng hay mưa gì cũng phải ráng làm, nếu không lại mất việc thì khổ". Gắn bó với việc ở các công trình ngót ngét đã 6 năm, không ít lần chị gặp tai nạn khi bị giàn giáo từ trên cao rơi đè trúng người nhưng khi tôi khuyên chị chuyển sang một công việc khác, chị lộ vẻ băn khoăn: "Tôi cũng đã có tuổi nên xin làm ở công ty cũng khó. Làm ôsin thì lương chẳng đủ để gửi về quê cho mấy đứa con. Làm phụ hồ riết cũng quen, giờ tìm việc khác và bắt đầu lại tất cả mệt lắm".

Những phụ nữ gầy yếu, mỏng manh nhưng phải làm những công việc nặng nhọc và đầy nguy hiểm nơi công trường xây dựng để mưu sinh.                                                                    

Bà Nguyễn Thị Năm (ở khu phố 2, phường Bửu Long) thuộc hàng thâm niên trong giới nữ phụ hồ tại Biên Hòa. Gắn bó với công việc nặng nhọc này trên chục năm, từ khi người chồng quá cố của bà chưa phát bệnh ung thư vì nghiện rượu. Mỗi ngày bà Năm phải hì hục nơi công trình xây dựng để kiếm tiền về nuôi chồng, con. Khi được hỏi về hoàn cảnh riêng, bà cười buồn cho biết: "Nhà có 2 đứa con nhưng đứa thì bệnh tật, đứa lấy chồng nghèo nên đâu giúp được gì cho gia đình. Chồng tôi suốt ngày say xỉn, đến lúc phát hiện ra bệnh ung thư gan đã quá muộn nên không thể cứu chữa". 50 tuổi, sức khỏe không ổn định, lẽ ra giờ này bà Năm phải nghỉ ngơi dưỡng sức cùng với con cháu, nhưng nếu không làm biết lấy gì nuôi con dâu và con gái đang nghỉ sinh em bé ở nhà. Vừa làm việc ở công trình, bà vừa chạy đua với thời gian để thu xếp chăm lo việc nhà. Cũng như những nữ phụ hồ khác, công việc của bà cũng là xúc cát, trộn hồ, bưng bê tất mọi thứ. Bà Năm cho hay: "Nhiều hôm đi làm về mệt đứt hơi, muốn nghỉ làm vài ngày nhưng lại tiếc. Mỗi ngày làm công chỉ 100 ngàn đồng, mình mà nghỉ con cháu nó bị ảnh hưởng theo thì tội lắm".

Em Nguyễn Thị Xuân (15 tuổi, quê ở tỉnh Nghệ An) cũng vừa theo bố mẹ gia nhập vào đội quân phụ hồ được vài tháng. Gia đình em có 6 người nhưng hơn phân nửa chọn nghề phụ hồ để mưu sinh. Lúc đầu do chưa quen việc nên em đảm nhiệm những việc nhẹ nhàng, rồi dần dà em phụ trách việc bưng gạch, trộn hồ, quét sơn tường... Mới bước chân ra làm ở những công trình xây dựng Xuân rất ngại và cảm thấy tự ti với mọi người. Em rất sợ giới chủ biết số tuổi thật của mình, vì như thế họ sẽ đuổi việc không cho em làm, và gia đình em sẽ mất đi một phần thu nhập. Xuân cho biết: "Em nghỉ học từ năm lớp 9 do gia đình khó khăn, nên khi nhìn thấy các bạn mặc áo dài đi học em buồn lắm. Ra đời bươn chải từ khi 15 tuổi nên em không biết gì đến những trò vui tuổi mới lớn, suốt ngày chỉ biết làm việc phụ cha mẹ kiếm tiền thôi".

 

Ngoài Xuân, bà Năm, chị Ái..., hiện còn có rất nhiều phụ nữ đang bươn chải kiếm sống bằng những công việc nặng nhọc so với thể trạng và sức khỏe của họ. Làm quần quật từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, khi về đến nhà cũng là lúc đuối sức nên phần lớn họ đều không biết đến những thú vui đời thường như bao người phụ nữ khác.

 

* Ước muốn nhỏ nhoi

 

Phần lớn trong giới phụ hồ đều là dân nhập cư nên những dãy nhà trọ bình dân luôn được họ săn tìm. Chị Lê Thị Tú (29 tuổi, quê ở tỉnh An Giang) khẽ nói vui: "Đi làm từ sáng đến chiều về lại phải lo chợ búa, cơm nước..., nên xong việc là lăn ra ngủ. Do đó, chúng tôi cũng chẳng cần những nhà trọ rộng rãi, tươm tất. Vả lại, tìm những nhà trọ như vậy giá sẽ cao, tìm chỗ trọ ọp ẹp tí xíu nhưng được cái rẻ và tiết kiệm được thêm chút đỉnh". Bà Võ Thị Phương (45 tuổi, quê ở tỉnh Đồng Tháp) bộc bạch: "Ráng làm nghề này vài năm để có tiền về quê làm ăn chứ phụ nữ mà làm nghề phụ hồ hoài chịu sao nổi". Vào nghề phụ hồ mới được 4 tháng, ban đầu bà rất nhớ gia đình, nhớ chồng con đang sống ở quê. Nhưng nỗi lo cơm áo, gạo tiền đã tiếp thêm động lực để bà cố gắng bám trụ với nghề phụ hồ đầy vất vả này. Bà nói thêm: "Ở quê làm ruộng quanh năm suốt tháng mà chẳng có dư. Tôi với chồng bàn bạc và thống nhất để tôi đi làm phụ hồ vài năm kiếm chút vốn về quê mở tiệm sửa xe đạp". Còn Xuân, khi nghe tôi hỏi về con đường tương lai tiếp theo, em trầm tư một lúc rồi thổ lộ: "Tới đâu hay tới đó chớ biết sao được. Ai mà không muốn được học hành tử tế, nhưng gia đình em không có điều kiện. Giờ em chỉ biết kiếm tiền phụ giúp ba mẹ chứ không dám ước mơ được đi học trở lại đâu. Em mà đi học lại, ba mẹ em càng nặng gánh hơn".

Bà Nguyễn Thị Năm đang điều khiển máy nâng vật liệu lên giàn giáo cho thợ xây

Riêng bà Năm, dù đã tham gia đóng góp vào những công trình xây dựng to, nhỏ nhưng điều ước giản đơn đối với người phụ nữ này là có được ngôi nhà đàng hoàng để che mưa, nắng. Những tháng ngày theo những công trình xây dựng, tận mắt chứng kiến bao ngôi nhà xinh xắn được dựng lên cho mọi người nhưng bản thân bà lại sống trong ngôi nhà cũ nát, xuống cấp. Bà Năm tâm sự: "Tôi cũng có tuổi rồi, nay đây mai đó nên cũng không dám ước mơ nhiều, chỉ mong cho con cháu khỏe mạnh, hiếu thảo, cùng tôi góp sức làm lụng để dành tiền cất lại căn nhà cho khang trang lên một tí".

 

Thoát khỏi cảnh nghèo khó là ước mơ chính đáng của biết bao người. Với những nữ phụ hồ cũng vậy, họ lầm lũi đi và về để kiếm đồng tiền, bát gạo nuôi sống gia đình. Họ gầy yếu mỏng manh, nhưng dám đánh bật cả sương gió, khó nhọc để mưu sinh, để vươn đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho con cái. Họ là những nữ phụ hồ sáng ngời về ý chí, quyết tâm vươn lên thoát nghèo để xây dựng một nền tảng cuộc sống mới bắt đầu từ gạch, cát, xi măng...

Tùng Minh

 

  

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích