Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3): Ấm áp tình mẹ

09:03, 08/03/2011

17 năm trước, có một phụ nữ vì xót thương hoàn cảnh éo le của người bạn thân nên đã từ chối biết bao nhiêu "thuyền hoa" để nhận nuôi một đứa trẻ khuyết tật. Năm tháng trôi mau, đứa bé lớn lên cùng tình yêu thương bao la của người mẹ chưa một lần sinh con...

17 năm trước, có một phụ nữ vì xót thương hoàn cảnh éo le của người bạn thân nên đã từ chối biết bao nhiêu "thuyền hoa" để nhận nuôi một đứa trẻ khuyết tật. Năm tháng trôi mau, đứa bé lớn lên cùng tình yêu thương bao la của người mẹ chưa một lần sinh con...

 

Bơ vơ giữa chợ đời vì bị cha mẹ bỏ rơi, nhưng may mắn thay, cuộc đời như mỉm cười để san sẻ nỗi đau cùng em khi có sự xuất hiện của người mẹ nuôi, người đã hy sinh cả hạnh phúc riêng để nuôi dưỡng em suốt nhiều năm trời.

 

* Nuôi con giúp bạn

 

Men theo con đường mòn với lối đi quanh co nằm sâu trong hẻm, chúng tôi tìm đến nhà của chị Trần Thị Thu Trang (ấp 4, xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ). Nơi đây luôn có tiếng cười hạnh phúc và tình yêu thương vô hạn mà chị Trang dành cho đứa con nuôi của mình.

 

Hơn 17 năm trước, cô bạn thân của chị Trang đã lâm vào cảnh tuyệt vọng vì người yêu không chịu nhìn nhận mầm sống mà cô đang mang trong mình. Người phụ nữ ấy do quá tuyệt vọng nên năm lần bảy lượt đòi phá thai. Thương bạn, chị Trang đã khuyên ngăn và cưu mang 2 mẹ con chị H. (bạn chị Trang) suốt những tháng ngày bụng mang dạ chửa. Sinh con vừa tròn 3 tháng, người mẹ ấy một mực đòi bỏ đứa bé vì hận người đàn ông bội bạc và cũng vì không muốn đứa trẻ là gánh nặng. Chị Trang bồi hồi kể lại: "Lúc ấy, H. tuyệt vọng vì bị người tình bỏ rơi và không muốn nuôi con vì hận cuộc đời. Thương đứa trẻ vô tội nên tôi nói với H. sẽ nhận nuôi đứa bé và hứa 1 - 2 năm sau, khi H. muốn nhận lại con thì tôi sẵn sàng trao trả. Nhưng suốt từng ấy năm trời, H. bỏ đi biền biệt...".

 

Mỗi ngày chị Trang đều dành thời gian để vui đùa cùng con. (Ảnh: T.M)

Nuôi bé Hoàng Ngân (tên bé) được 5 tháng thì bé đột ngột phát bệnh bại não. 17 năm đã qua, đứa trẻ nhỏ nhắn ngày nào giờ đã lớn, nhưng cuộc đời như trêu đùa với số phận của em, khi biến em thành đứa trẻ ngây ngô mang di chứng chất dộc da cam từ người mẹ. Khi Hoàng Ngân vừa tròn 1 tuổi, mẹ ruột của em có về ghé thăm một lần nhưng cũng chẳng đoái hoài đến việc nhận lại con. Phần chị Trang, từ ngày nhận nuôi Hoàng Ngân đến nay, chị đã vài lần tìm về quê mẹ của em (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) để hỏi thăm tin tức, đồng thời cũng ngầm đánh tiếng cho gia đình chị H. biết chị có dắt Hoàng Ngân về chơi, nhưng họ phớt lờ như không có sự hiện hữu của đứa trẻ này trên cõi đời. Nhưng điều khiến chị Trang đau lòng hơn cả là việc mẹ ruột của em, trong một lần duy nhất đến thăm con, lúc Hoàng Ngân vừa tròn 1 tuổi, tỏ vẻ "tỉnh rụi" trước đứa trẻ mà mình rứt ruột sinh ra. Kể lại chuyện cũ mà nước mắt chị Trang cứ trực trào vì uất ức thay cho đứa trẻ bất hạnh: "Lần ấy, H. về thăm con mà không một lần xưng mẹ con với bé. Bé khóc đòi ăn thì H. luýnh quýnh bảo tôi cho con ăn. Với H. khi ấy, dường như Hoàng Ngân là khúc ruột của tôi chứ không phải máu mủ của cô ấy, nên H. rất lạnh lùng và luôn giữ khoảng cách với đứa trẻ".

 

* Không thể xa con dù chưa một lần làm mẹ

 

Chăm sóc đứa trẻ lành lặn đã khó, nuôi dưỡng đứa trẻ bị khiếm khuyết về thể chất lẫn tinh thần lại càng khó khăn gấp bội lần. Đêm nào người mẹ này cũng thao thức trằn trọc cùng con khi bé trở mình. Chị bộc bạch: "8 giờ tối tôi cho bé ngủ, nhưng cứ đến tầm 2-3 giờ sáng là bé thức giấc quấy khóc. Bé mà thức thì tôi nào được ngủ, vì lo con bị va đầu vào tường, con  mệt...". Do không ý thức được những việc vệ sinh cá nhân nên tối nào Hoàng Ngân cũng tè dầm ra nệm. Mỗi buổi tối, ít nhất là 2 lần chị phải dậy thay drap và lấy nước ấm lau người cho con. Chưa hết, do Hoàng Ngân không chịu ăn cơm như bao đứa trẻ bình thường khác nên hàng ngày chị Trang phải cho con ăn những cháo, bánh canh, bún... thay cơm. Cũng vì không ăn cơm trong thời gian dài nên cơ thể em bị sưng phù. Chị cho biết: "Thấy con bị sưng phù hết người tôi lo lắm, nhưng nếu cho đút cơm thì cháu nhất quyết không chịu ăn. Cũng may có người ở gần nhà chỉ cách xay nhuyễn gạo lức nấu cho bé ăn nên giờ bé hết bị sưng tấy người".

 

Với nghề thợ may thu nhập chỉ khoảng 50 ngàn đồng/ngày nhưng 17 năm qua chị Trang vẫn cố chắt chiu dành dụm nuôi con. 17 năm nuôi dưỡng Hoàng Ngân với biết bao giọt nước mắt tuổi hờn chị phải nếm trải, nhưng nếu vì vậy mà bỏ rơi con thì chị lại không đành lòng. Mặc dù không phải là con ruột của mình nhưng chăm sóc Hoàng Ngân ngần ấy năm ròng rã, từ lâu trong tim người mẹ độc thân này đã tự ví em là máu mủ của mình.

 

Mỗi buổi sáng chị Trang lại tất bật giặt giũ mền, gối, drap vì con không ý thức được việc vệ sinh cá nhân.(Ảnh: T.M)

Trước khi nhận nuôi Hoàng Ngân, chị Trang đã có mối tình sâu đậm với một anh bộ đội đóng quân ở địa phương. Chị ngại ngùng khi nhắc đến chuyện xưa vì đó là nỗi đau, là món nợ ân tình mà chị đã lỗi hẹn cùng anh. "Anh" của chị là một thanh niên sẵn sàng từ bỏ chốn Sài Gòn phồn hoa để tình nguyện nhập ngũ ở xã Long Giao (huyện Cẩm Mỹ). Gặp anh, tình yêu trong chị trỗi dậy, chính anh là người đã tiếp sức cho chị trong những tháng ngày nuôi dưỡng bé Hoàng Ngân. Khi tình yêu đã đến độ chín, họ nghĩ đến việc xây dựng tổ ấm chung để sớm hôm được có nhau. Ngày dắt chị Trang về ra mắt gia đình, anh bảo chị dẫn theo bé Hoàng Ngân bởi không muốn chị vì hạnh phúc riêng mà bỏ con. Chị xúc động kể: "Biết tôi coi Hoàng Ngân như con ruột và không thể xa bé, anh cũng chấp nhận làm cha đứa trẻ bất hạnh này. Gia đình anh rất quý tôi, nhưng họ không thể chấp nhận Hoàng Ngân. Chúng tôi chia tay cũng vì lẽ ấy...".

 

Năm tháng trôi qua, tình yêu ngày nào vẫn sống trong lòng chị. Cũng vì quá yêu chị nên người kia cũng ở vậy không chịu kết hôn. Suốt những năm tháng sau này, vì đấu tranh cho tình yêu quá mãnh liệt nên gia đình anh cũng chấp nhận chị là dâu và Hoàng Ngân là cháu trong gia đình họ. "Hay tin gia đình anh chấp nhận tôi rất mừng. Nhưng lúc này Hoàng Ngân đã lớn, cháu đã quen hơi tôi và không thể ngủ nếu vắng tôi. Kết hôn với anh, không lẽ tôi không sinh con. Như vậy thì ai chăm sóc Hoàng Ngân, biết vậy nên tôi đã từ chối lời cầu hôn của anh...". Nói đến đây, giọng chị chùng lại, những giọt buồn từ sâu trong khóe mắt đỏ hoe của chị bỗng trào ra. Vì muốn làm tròn bổn phận của một người mẹ, chị đã từ chối tình cảm của nhiều người. Nhưng điều làm chị day dứt khôn nguôi là cho đến giờ anh bộ đội năm xưa vẫn chưa chịu lấy vợ, vẫn một mực chờ đợi và giữ liên lạc thường xuyên với mẹ con chị.

 

Rời xã Nhân Nghĩa, chia tay chị Trang mà lòng tôi dâng trào nỗi xúc động về tình người. Với di chứng chất độc da cam mang trong mình, sức khỏe của Hoàng Ngân ngày càng yếu, em như ngọn nến trước gió, không biết rồi sẽ lịm tắt lúc nào. Nhưng may mắn thay vẫn còn có chị Trang - người đã dành cả cuộc đời để chăm lo cho em, người mà chúng ta đáng nêu gương và trân trọng.

Tùng Minh

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều