Anh Nguyễn Văn Khanh, cán bộ Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên cho hay, để qua mắt cán bộ bảo vệ rừng và sự tinh khôn của thú, khi đặt bẫy kẻ trộm thú ngụy trang khá tinh vi.
Anh Nguyễn Văn Khanh, cán bộ Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên cho hay, để qua mắt cán bộ bảo vệ rừng và sự tinh khôn của thú, khi đặt bẫy kẻ trộm thú ngụy trang khá tinh vi.
* Bẫy giăng khắp rừng
3 tháng đầu năm 2011, cán bộ nhân viên bảo vệ VQG Cát Tiên đã thu gom được gần 1.000 bẫy thú các loại, như: cò ke, hom, lò xo, giật... Theo anh Trần Văn Bình, Hạt phó Hạt Kiểm lâm VQG Cát Tiên, đó là số bẫy thú qua tuần tra các anh đã thu gom được. Còn con số thực tế mà các tay trộm thú đã đặt trên diện tích gần 72 ngàn hécta của vườn, rất khó ước lượng con số chính xác. Anh Bình cung cấp thông tin, có những luồng bẫy khi lần ra chiếc đầu tiên, các anh gom được hàng trăm chiếc. Để khỏi tốn nhiều thời gian cho những chuyến tuần rừng chỉ chăm bẵm vào việc thu bẫy, cán bộ bảo vệ rừng phải phá cho bẫy sụp vì không có thời gian thu lượm đem về. Anh Bình nói: "Công tác phòng, chống các đối tượng xâm nhập vào vườn trái phép với mục đích săn, bắn động vật rừng cũng gian nan không kém công tác phòng chống cháy, trộm cắp lâm sản".
Để giúp chúng tôi hiểu hơn một phần công tác của Hạt (chống săn, bắt thú rừng), anh Bình cắt cử cán bộ giàu kinh nghiệm Nguyễn Văn Khanh (có kinh nghiệm 17 năm công tác) và cán bộ trẻ Nguyễn Văn Đông (5 năm công tác) dẫn chúng tôi vào rừng tìm bẫy. Trước khi đi, chúng tôi được cán bộ Khanh, Đông trang bị cho khá nhiều thứ lỉnh kỉnh, như: phục trang, nước uống, gậy để đối phó với vắt, muỗi, rắn, bẫy, gai... Đồng thời, các anh còn kể cho chúng tôi biết về các chiêu đặt bẫy của kẻ trộm thú để phát hiện dấu vết. Anh Khanh tâm sự, cách đặt bẫy cũ nhất mà kẻ trộm thú thường áp dụng là đặt bẫy theo dấu chân thú, hoặc tạo lối mòn mới để dụ thú đi vào bẫy. Còn anh Đông thì nói: "Bẫy thú cũng nở rộ giữa rừng theo mùa. Trước khi kết thúc mùa khô một tháng, kẻ đặt bẫy phải vào rừng dọn luồng để dụ thú. Mùa mưa đến họ mới vào đặt bẫy. Các khu vực có nhiều bẫy cần tuần tra kỹ như: Bàu Sấu, Núi Tượng, Đà Kộ, Đà Lắk..., mỗi chuyến tuần rừng chúng tôi thu lượm và phá bỏ hàng trăm bẫy các loại".
Anh Hoàng Văn Kiên, Trạm phó trạm Đà Kộ tâm sự, dù các anh tích cực tuần tra thu bẫy nhưng vẫn không thể nào triệt phá hoàn toàn nạn bẫy thú rừng lén lút. Chính vì vậy, VQG Cát Tiên mới cần các anh, cần những cán bộ kiểm lâm chân chính trong việc bảo vệ sự đa dạng thiên nhiên của Vườn trong suốt thời gian qua. |
Những điều cơ bản về bẫy mà cán bộ Khanh, Đông vừa truyền đạt cho chúng tôi thật khó mà áp dụng trên hành trình luồn sâu trong rừng với bạt ngàn lối mòn, lối tắt, bụi rậm, gai góc phía dưới, còn trên đầu thì cây rừng chụp kín. Động tác chúng tôi khom lưng dò theo dấu chân các anh đã khó, chứ nói gì đến chuyện vừa cắt rừng, vừa đảo mắt quan sát từng tiếng động, dấu bẫy từ xa khi mà bụi rậm, dây leo chằng chịt dưới chân, ngang hông và trên đầu. Như hiểu được suy nghĩ của chúng tôi, anh Khanh đề nghị chỉ đưa chúng tôi luồn rừng về hướng trạm Đà Kộ và đi theo lối gần nhất, với đoạn đường hơn 10km. Anh Khanh nói: "Đà Kộ cũng là khu vực kẻ trộm thú đặt bẫy nhiều nhất. Các anh sẽ được chứng kiến tận mắt tại hiện trường cách đặt, ngụy trang bẫy của những tay trộm thú".
* Ngăn chặn nạn bẫy thú ?
"Đây rồi!". Anh Đông vừa lên tiếng, vừa đưa gậy thọc vào ổ (vòng thòng lọng) khi phát hiện nghi vấn. Một tiếng vút phát ra cùng với vài chiếc lá khô, nhánh cây nhỏ bị giật bay lên khỏi mặt đất. Anh Đông nhận ra ngay đó là chiếc bẫy cò ke đặt thú nhỏ và cùng với anh Khanh lần theo lối mòn để phăng ra những chiếc tiếp theo. Vậy mà, 15 phút hơn các anh và chúng tôi vẫn chưa tìm ra chiếc thứ 2. Biết trật hướng, nhưng các anh lại tiếp tục bước tiếp hành trình bằng lời giải thích: "Do dẫn các anh theo một lối mòn để hướng về trạm Đà Kộ nên chúng tôi không thể đảo tới đảo lui, phăng theo nhiều hướng để lần ra hết số bẫy mà kẻ trộm thú đã lén đặt. Hơn nữa, giờ đây kẻ đặt bẫy khá tinh quái, không đặt nhiều bẫy theo duy nhất một lối. Họ giăng đặt tứ hướng, cốt là để tránh sự tinh khôn của thú. Đồng thời, nếu cán bộ bảo vệ rừng phát hiện cũng chỉ thu lượm được một phần, do không có nhiều thời gian hơn để bận rộn với bẫy trong suốt quá trình tuần tra".
Tuy nhiên, theo hai anh Khanh và Đông, trong quá trình tuần rừng, các cán bộ trong Đội Kiểm lâm cơ động của VQG Cát Tiên và đồng đội đóng chốt tại các trạm không bao giờ bỏ qua khi phát hiện dấu vết bẫy. Anh Khanh cho hay, nếu không có thời gian thu lượm hết thì cũng phá hỏng để không phải mất thời gian cặm cụi tháo gỡ và kẻ đặt bẫy không thể tái sử dụng được. Đôi khi các anh phải tinh ý, dự báo thời gian kẻ đặt bẫy quay lại thăm bẫy mà ém quân mai phục tóm cả người lẫn bẫy. "Trong quá trình tuần tra, nếu chúng tôi phát hiện thú dính bẫy thì về lý thuyết sẽ có 3 tình huống. Nếu thú khỏe thì thả ngay tại rừng, thú chết thì tiêu hủy tại chỗ, còn thú bị thương nặng thì đem về giao cho Trung tâm cứu hộ chăm sóc. Nhưng theo kinh nghiệm và thực tế công tác, chúng tôi chủ yếu áp dụng hai cách: thả thú ra và tiêu hủy tại rừng. Trừ trường hợp thú mắc bẫy bị thương thuộc nhóm quý hiếm, chúng tôi mới phải tạm dừng công việc tuần tra để mang thú về cứu hộ" - anh Khanh nói.
Tháng 3, VQG Cát Tiên liên tiếp đón nhận những cơn mưa trái mùa. Chính vì vậy, chuyến tuần rừng của chúng tôi cùng cán bộ kiểm lâm hôm ấy phải thay đổi kế hoạch. Theo đề nghị của chúng tôi, các anh tạm thời bỏ qua những chiếc bẫy của kẻ trộm thú giăng khắp rừng, chỉ cần đưa chúng tôi dạo nhanh qua những vùng mà bọn trộm thú chọn làm điểm lý tưởng để đặt bẫy. Hai anh Khanh, Đông đưa chúng tôi băng rừng thẳng tiến về hướng trạm Đà Kộ. Tuy nhiên, trên đường đi, hai anh cũng đã phá hủy được hơn chục chiếc bẫy và thu lượm vài chiếc khác để làm mẫu cho chúng tôi chụp ảnh. Với thái độ ngại ngùng của những kiểm lâm viên chân chính vì rừng, anh Đông phân trần: "Sự hời hợt của cán bộ tuần rừng là điều kiện tốt để kẻ trộm thú lộng hành, thú rừng không được bảo vệ tốt".
Một giờ sau, cơn mưa rừng dứt hạt, chúng tôi cũng thoát khỏi sự ẩm thấp của rừng, tiến gần về trạm Đà Kộ. Thấy chúng tôi nặng nề cất bước, anh Khanh bảo chỉ đưa chúng tôi dạo qua một quãng đường ngắn, diện tích hẹp, nơi có lối mòn rộng, địa hình thuận lợi trong tổng số diện tích gần 72 ngàn héc ta của VQG Cát Tiên đã giao cho các anh quản lý, bảo vệ. Đợt tuần tra hôm ấy được anh Đông, Khanh ví là "cưỡi ngựa xem hoa" cùng chúng tôi. Trong khi đó, công việc tuần tra thực thụ của cán bộ bảo vệ rừng luôn sẵn sàng ăn ngủ kéo dài tại rừng cả tuần và luôn tỉ mỉ từng tiếng động, dấu chân, cạm bẫy. Vậy mà, thú rừng vẫn mắc bẫy, bẫy thú vẫn được lén lút giăng, vãi khắp các lối mòn, theo dấu chân thú.
Đoàn Phú