Báo Đồng Nai điện tử
En

Quản lý hoạt động của các trung tâm gia sư: Vấn đề còn bị bỏ ngỏ
Bài 1: Gia sư - "Nghề" của sinh viên

09:03, 10/03/2011

Xuất phát từ nhu cầu cho con cái học thêm tại nhà của các bậc phụ huynh ngày càng gia tăng, thời gian qua, các trung tâm gia sư (TTGS) xuất hiện khá nhiều trên địa bàn TP.Biên Hòa. Tuy nhiên, hoạt động của các TTGS hiện vẫn còn nhiều vấn đề đáng được quan tâm.

Xuất phát từ nhu cầu cho con cái học thêm tại nhà của các bậc phụ huynh ngày càng gia tăng, thời gian qua, các trung tâm gia sư (TTGS) xuất hiện khá nhiều trên địa bàn TP.Biên Hòa. Tuy nhiên, hoạt động của các TTGS hiện vẫn còn nhiều vấn đề đáng được quan tâm.

 

Nghề gia sư (dạy kèm tại nhà) đã trở thành cái nghề kiếm sống của không ít người, đặc biệt là đối với sinh viên...

 

* Làm gia sư – lựa chọn của sinh viên

 

Trong vai những thanh niên tìm việc, chúng tôi đến một TTGS nằm trên đường Phan Trung (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa). Căn phòng được dùng làm trụ sở của TTGS này rộng chưa đầy 10m2, "tài sản" chỉ vỏn vẹn một chiếc bàn nhỏ đặt giữa phòng và cạnh đó là tấm bảng ghi các thông tin: "HS lớp 10, dạy các môn toán, lý, tuần 6 buổi, lương 1,2 triệu đồng/tháng; Lớp 6, tuần 4 buổi, lương 500 ngàn đồng/tháng...". Nghe chúng tôi ngỏ ý mức thù lao ghi trên bảng thấp, một cô gái khá trẻ - người quản lý TTGS này, chau mày trả lời: "So với nhiều trung tâm khác, mức lương ở đây cao hơn. Nếu không tin, anh cứ đến những nơi khác để tham khảo". Cô này còn cho hay, do thù lao của "nghề" gia sư thấp nên thường chỉ có sinh viên làm, dù thỉnh thoảng cũng có một vài người đứng tuổi bị mất việc đến nhận lớp dạy thêm.

 

Thông tin quảng cáo của các trung tâm gia sư được học sinh quan tâm.

Bạn Ngọc Diễm, sinh viên khoa tiểu học Trường đại học Đồng Nai (trước đây là Trường cao đẳng sư phạm Đồng Nai) cho biết: "Nhà em nghèo, lại có tới 4 chị em cùng đi học nên mỗi tháng cha mẹ chỉ gửi cho em được 1 triệu đồng. Số tiền ấy nếu tằn tiện cũng đủ để ăn và đóng tiền nhà trong tháng. Tuy nhiên, đối với sinh viên, ngoài tiền ăn, tiền nhà trọ thì còn phải lo tiền photo tài liệu, mua thêm sách vở... Vì thế, ngoài giờ học, em phải đi dạy kèm để có thêm tiền trang trải học hành". Các học sinh mà Diễm dạy thêm hiện nay do bạn sinh viên cùng trường của Diễm đang dạy, nhưng đến kỳ phải đi thực tập nên người này "nhượng" lại cho bạn với giá 200 ngàn đồng. Trong khi đó, bạn Nguyễn Văn Tùng, sinh viên khoa Địa - Sử Trường đại học Đồng Nai, dù hoàn cảnh gia đình không đến nỗi khó khăn nhưng bạn vẫn thích đi dạy thêm để có thêm tiền trang trải học tập, giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Tùng cho biết, ngoài giờ học, thời gian còn trống nhiều nên bạn đi dạy thêm để không lãng phí thời gian vô ích.

 

Chị Lại Thị Ngọc Duyên, Phó bí thư Đoàn trường đại học Đồng Nai kể, do biết chị công tác tại trường sư phạm nên nhiều phụ huynh có nhu cầu tìm gia sư dạy kèm cho con đã nhờ chị tìm và giới thiệu các sinh viên của trường. Nhận thấy đây là việc làm có thể giúp sinh viên kiếm thêm thu nhập để trang trải việc học hành, chị Duyên tình nguyện làm chiếc cầu nối giữa phụ huynh và các sinh viên có nhu cầu dạy thêm, đặc biệt đối với sinh viên nghèo. Đến các TTGS, mỗi sinh viên phải đóng một khoản tiền, nhưng với chỗ chị Duyên giới thiệu thì sinh viên sẽ không phải tốn đồng nào. Chị Duyên cho biết, từ khi tham gia công tác Đoàn của trường (năm 2006) đến nay, chị đã giới thiệu cho hàng trăm sinh viên có chỗ dạy thêm, trung bình mỗi năm vài chục bạn.

 

Từ thực tế hoạt động dạy kèm, học thêm trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, khi kinh tế phát triển, đời sống ngày càng được nâng lên, các bậc phụ huynh cũng quan tâm đầu tư cho việc học tập của con em mình nhiều hơn. Nhiều phụ huynh muốn mời các sinh viên giỏi, đạo đức tốt về kèm cặp cho con em mình học hành. Nghề dạy kèm tại nhà nhờ đó cũng có cơ hội.

 

* Nghề dễ mà không dễ      

 

Trao đổi với chúng tôi, bạn Ngô Văn Quý, sinh viên năm thứ 3 Trường đại học công nghiệp TP.Hồ Chí Minh (cơ sở Biên Hòa, ở phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) bộc bạch: "Hồi còn làm nhân viên phục vụ của một quán cà phê, đêm nào em cũng về khuya. Buổi sáng, tới lớp buồn ngủ, ngồi gục tới gục lui, học hành ngày càng sa sút". Theo Quý, sinh viên có nhiều việc làm thêm, như: phục vụ quán ăn, quán cà phê, làm nhân viên tiếp thị, bán hàng... nhưng làm gia sư là phù hợp nhất, vì công việc này đỡ vất vả và tốn ít thời gian hơn so với các công việc khác.

 

Các gia đình có điều kiện kinh tế thường mời gia sư dạy thêm cho con mình tại nhà.

Thế nhưng, với bạn Ngọc Diễm, làm gia sư tuy có phần nhàn hạ nhưng không phải lúc nào việc dạy kèm cũng thuận lợi, dễ dàng. Diễm kể, hiện giờ cô đang dạy kèm cho hai em học sinh ở phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa), một em lớp 3 và một em lớp 4, với thù lao chỉ có 500 ngàn đồng/tháng. Theo thỏa thuận, mỗi tuần Diễm đến dạy 4 buổi, mỗi buổi một tiếng rưỡi. Nhưng vì hai học trò nhỏ trong độ tuổi ham chơi hơn ham học nên ít có khi nào Diễm về đúng thời gian như thỏa thuận. Cô sinh viên này tâm sự: "Các em đi học cả ngày ở trường nên chiều về rất mệt và chỉ thích chơi đùa, không muốn học. Nếu mình chiều lòng các em thì cha mẹ các em phật lòng, vì người ta thuê mình dạy cho con em họ. Ngược lại, nếu mình cố ép các em học mà tư tưởng không thoải mái thì kết quả chẳng tiến bộ bao nhiêu. Theo kinh nghiệm của Diễm, để dạy kèm đạt hiệu quả, gia sư phải biết khéo léo hướng cho học sinh vừa học vừa chơi...".

 

Đối với sinh viên làm gia sư, chuyện gặp phải những học trò nghịch ngợm và ham chơi khiến cho việc kèm cặp các em khá vất vả đã trở thành chuyện thường ngày. Đáng nói hơn, có những cô, cậu học trò vì không muốn bị cha mẹ ép học quá nhiều nên đã tìm cách chọc ghẹo, làm khó gia sư của mình với mục đích để cha mẹ các em thôi không thuê thầy cô ấy nữa. Chưa hết, với những học trò thông minh và hay cắc cớ cũng làm nhiều gia sư bối rối. "Chỉ mới học lớp 3, lớp 4 nhưng có những em hỏi tôi những câu đại loại như: Tại sao chiếc lá màu xanh; vì sao trái đất hình cầu... Gặp những câu hỏi này trong tình huống bất ngờ, thật khó để đưa ra câu trả lời hoàn hảo. Đôi khi, học sinh thông minh quá cũng làm gia sư e ngại..." - Thanh Loan, sinh viên Trường đại học Lạc Hồng chia sẻ từ kinh nghiệm hơn 2 năm làm gia sư.

 

Phạm Hoàng Thái

      

 

 

 

Tin xem nhiều