Báo Đồng Nai điện tử
En

Thăng trầm nghề nặn lu
Kỳ 1: Sướng, cực cũng bởi một nghề

09:03, 21/03/2011

Như số phận thăng trầm của những cái lu đất nung dãi dầu mưa nắng kê bên hiên nhà, cuộc sống và nghề nghiệp của người thợ nặn lu cũng chìm nổi, long đong...

Như số phận thăng trầm của những cái lu đất nung dãi dầu mưa nắng kê bên hiên nhà, cuộc sống và nghề nghiệp của người thợ nặn lu cũng chìm nổi, long đong...

 

Ở TP.Biên Hòa, xóm Lò Lu (nay thuộc ấp Đồng Nai, xã Hóa An) vốn nổi tiếng với nghề làm lu bằng đất nung. Ngày xưa, tại đây có những cơ sở sản xuất lu, hũ lớn, thu hút nhiều công nhân. Bây giờ, nơi đây không còn cái lò lu nào, nhiều người thợ nặn lu từ xóm này phải tỏa đi làm thuê cho các lò gốm ở Biên Hòa.

Theo chân những người thợ ở xóm Lò Lu đi làm thuê tại các lò gốm, chúng tôi được nghe kể về những vất vả, buồn vui và trăn trở với nghề.

 

* Luyện sức bền cùng đất sét

 

Khi chúng tôi đến xưởng sản xuất gốm thô của Công ty TNHH một thành viên sản xuất - thương mại - dịch vụ Sinh Phong (khu phố 5, phường Bửu Hòa) thì trời gần đứng bóng. Dưới sức nóng hầm hập từ mái tôn tỏa xuống và trong lò nung hắt ra, anh Lưu Văn Tùng (40 tuổi, nhà ở xóm Lò Lu) mồ hôi nhễ nhại trên tấm lưng trần đang nhồi, đập, lăn tới, lăn lui một cục đất ươn ướt, dẻo quẹo và nặng cả chục ký. Anh Tùng cho biết, anh đang nhào đất để chuẩn bị nặn một bình gốm cao 2,1m, rộng khoảng 60cm. Theo anh Tùng, sản phẩm càng có kích thước lớn thì càng khó làm, vì nếu không vững tay nghề thì sản phẩm làm ra có thể bị nghiêng, vênh.

Làm nghề nặn lu phải dùng nhiều sức và suốt ngày lấm lem bùn đất.Trong ảnh: Anh Lưu Văn Tùng đang hoàn tất sản phẩm.(Ảnh: H.T)

Chừng vài phút sau, anh khệ nệ ôm cục đất đã nhào đặt lên đáy một cái chậu (làm bằng đất và đã nung) lật úp và bắt đầu tạo hình cho chiếc bình khổng lồ. Chẳng mấy chốc, chiếc bình đã có chiều cao hơn nửa mét, anh Tùng ngừng lại rồi đi nặn tiếp cái khác tương tự. Anh nói, vì đất sét khi đem nặn còn ướt nên phải có thời gian chờ đất ráo lại để nó có độ cứng cần thiết và giữ được hình dạng. Với một chiếc bình cao hơn 2m như vậy, người thợ phải làm 3-4 ngày mới xong. Tuy nhiên, mỗi khi bắt tay vào làm một mã hàng nào đó, trong một buổi làm việc, người thợ không chỉ làm một sản phẩm mà làm hàng loạt sản phẩm. Anh Tùng cho biết, do làm công ăn theo sản phẩm nên thu nhập của anh cũng tùy thuộc vào hoạt động kinh doanh của cơ sở. Nếu doanh nghiệp có đơn đặt hàng nhiều thì anh có việc làm liên tục, thu nhập khá. Ngược lại, khi hàng bị ế ẩm thì người thợ cũng phải làm cầm chừng. "Nếu có hàng làm đều thì trung bình mỗi ngày cũng kiếm được trên dưới 200 ngàn đồng, còn những ngày không có hàng thì ở không" - anh Tùng nói.

 

Quan sát anh Tùng nhào, nặn, đắp, miết cùng đất sét bằng những động tác thuần thục, điệu nghệ của đôi tay và cơ thể, chúng tôi chợt liên tưởng đến hình ảnh một người đang luyện võ. Đã 40 tuổi nhưng anh vẫn còn rất khỏe, cơ thể chắc nịch với những cơ bắp nổi lên thấy rõ...

 

* Tròn, méo bởi tay người nặn

 

Lau vội đôi bàn tay dính đầy đất sét đỏ quạnh, anh Tùng chỉ cho chúng tôi xem những vùng da bị chai trên đôi tay anh vì suốt mấy mươi năm chà sát với đất sét mà thành. Anh nói: "Làm nghề này tốn sức lắm, đặc biệt khi tạo những sản phẩm lớn. Tuy làm đồ lớn đã quen nhưng nhiều bữa vì lo ráng sức cho xong mẻ hàng, tôi cũng thấy thắt ruột". Theo lời anh Tùng, do nghề nặn lu cần có sức khỏe, thể lực tốt nên anh không uống rượu, không hút thuốc để giữ gìn thể lực và sức khỏe.

 

Giờ đây, với những sản phẩm gốm thô thông thường hay còn gọi là "hàng chợ", như các chậu hoa kiểng bán trong nội địa, người ta dùng khuôn để tạo ra sản phẩm cho nhanh. Tuy nhiên, với các sản phẩm có giá trị cao để xuất khẩu thì yêu cầu phải được nặn hoàn toàn bằng tay. Chị Đỗ Thị Minh Trang, Giám đốc kinh doanh Công ty Sinh Phong, giải thích tại sao gốm thô làm hoàn toàn bằng tay mà vẫn được ưa chuộng: "So với một sản phẩm làm bằng khuôn thì sản phẩm nặn bằng tay không những có độ kết dính chắc hơn mà nét thẩm mỹ cũng sắc sảo hơn. Nhưng muốn làm được bằng tay thì người thợ phải là những người có kinh nghiệm".

 

Khác với gốm mỹ nghệ, gốm thô Biên Hòa không có bàn xoay. Vì vậy, để sản phẩm nặn ra không bị méo mó, xiêu vẹo đòi hỏi người thợ phải có sự khéo léo và nhiều kinh nghiệm. Đến bên những cái bình đã hoàn thành đang dựng trong một góc xưởng, chúng tôi hỏi anh Tùng: "Những cái bình này đều do anh nặn bằng tay, sao cái nào cũng tròn trịa và giống nhau như đúc cùng một khuôn ra vậy?". Anh ngẩng đầu lên nhìn chúng tôi cười, nói: "Mình làm riết rồi cũng tròn trịa thôi. Mới nhìn qua thấy vậy, chứ làm bằng tay thì cái nọ với cái kia có sự xê xích đôi chút chứ chẳng y chang nhau đâu".

 

* Nghề nặn lu cũng lắm gian truân

 

Làm riết rồi cũng quen như cái cách anh Tùng nói nghe đơn giản nhưng thật ra không phải ai cũng làm được. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện các lò gốm đất nung Tân Vạn, Bửu Hòa còn rất ít người thợ có thể nặn gốm tốt bằng tay. Tại lò gốm của Công ty Sinh Phong, hiện chỉ còn mình anh Tùng là làm được. Các tay thợ biết nặn lu ngày càng ít đi, bởi vì những chiếc lu đựng nước không còn được nhiều người dùng. Sử dụng nước máy đã trở nên phổ biến, cùng với sự xuất hiện của những chiếc thùng chứa làm bằng chất liệu nhẹ hơn đã dần thay thế những cái lu đất nung nặng nề. Chủ các lò lu lao đao thì nhiều người thợ nặn lu phải bỏ nghề để đi tìm việc làm khác.

 

Những chiếc lu thành phẩm như thế này đã trải qua nhiều giai đoạn, công sức của những người thợ.

40 tuổi đời, anh Tùng đã biết nặn lu hơn 28 năm. Là con trong một gia đình làm nghề nặn lu ở xóm Lò Lu, từ nhỏ anh đã theo cha chơi cùng đất sét để học cách nặn lu. Anh kể: "Năm 12 tuổi, tôi đã tự tay nặn được những cái lu nhỏ và cũng bắt đầu từ đó, tôi theo nghề này kiếm tiền cho đến tận bây giờ". Tuy là người thợ có tiếng khéo tay, chịu khó và có nhiều kinh nghiệm trong nghề, nhưng trong giai đoạn lu đất nung gia dụng bị ế ẩm, anh Tùng cũng phải tạm bỏ nghề để đi làm các công việc khác kiếm sống.

 

Ông Lưu Văn Lang, một trong số những thợ nặn lu lão làng ở xóm Lò Lu nuối tiếc: "Mới cách đây chừng 15 năm, xóm Lò Lu vẫn còn đông đúc thợ làm, xe tải và ghe thuyền còn tấp nập vào ra để chở hàng đi bán. Vậy mà bây giờ... thợ nặn lu ở xóm này lớp thì bỏ nghề, lớp đi làm thuê nơi khác".

 

Phạm Hoàng Thái

 

 

Tin xem nhiều