Báo Đồng Nai điện tử
En

Thăng trầm nghề nặn lu
Kỳ 2: Nặn gốm thô ra tiền đô

08:03, 23/03/2011

Những cái lu từng bị hất hủi lại được người ta nâng niu, quý trọng khi nó tìm được chỗ đứng từ thị trường xuất khẩu...

Những cái lu từng bị hất hủi lại được người ta nâng niu, quý trọng khi nó tìm được chỗ đứng từ thị trường xuất khẩu...

>>>Kỳ 1: Sướng, cực cũng bởi một nghề

* Lu đất trưng bày trong nhà người Mỹ

 

Theo lời hẹn, chúng tôi trở lại lò gốm của Công ty Sinh Phong (khu phố 5, phường Bửu Hòa) trong ngày cuối cùng, trước khi một mẻ gốm được nung chín.

 

Cái lò nung gốm ở Công ty Sinh Phong có chiều dài hàng trăm mét với một cửa đốt chính và 42 cửa đốt nhỏ chạy dọc thân lò tỏa nhiệt nóng hừng hực. Qua lớp đất sét mỏng bịt các cửa đưa sản phẩm vào lò, chúng tôi thấy bên trong lò đỏ rực như than hồng. Rải rác trong xưởng có nhiều sản phẩm gốm thô đã thành phẩm, với nhiều mẫu mã và kích thước khác nhau. Dẫn chúng tôi đi tham quan xưởng làm gốm, chị Đỗ Thị Minh Trang, Giám đốc kinh doanh của công ty, chỉ vào một chiếc bình đất nung cao khoảng 2m và cho biết, chiếc bình này khi thành phẩm sẽ có giá trên 50USD. Chị còn cho hay, công ty của gia đình chị sản xuất gốm thô chủ yếu để xuất khẩu. Những năm trước đây, mỗi năm Sinh Phong xuất khoảng 50 container gốm thô sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, trong mấy năm trở lại đây, do tình hình kinh tế thế giới suy thoái nên sức mua mặt hàng này cũng giảm và mỗi năm công ty chỉ xuất khoảng 20-30 container.

 

Những chiếc bình gốm thô bằng đất như thế này khi được xuất khẩu sang Mỹ có giá 50USD.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước đây gia đình chị Trang vốn làm nghề gốm sứ mỹ nghệ (gốm trắng), nhưng việc làm ăn cũng không thuận lợi lắm. Cách nay khoảng 10 năm, gốm Việt Nam gặp khó khăn vì cạnh tranh với mặt hàng cùng chủng loại của các nước khác, cùng với những người làm gốm mỹ nghệ khác, gia đình chị Trang cũng hết sức lao đao. "Thời đó, gia đình tôi cũng xấc bấc xang bang với nghề làm gốm trắng"- chị Trang kể. Thế rồi, vào năm 1999, nhờ một người bạn mách nước, gia đình chị không làm gốm mỹ nghệ nữa mà chuyển sang làm gốm thô, tìm thợ nặn lu giỏi về đầu quân cho công ty mình. Hơn 10 năm qua, Công ty Sinh Phong đã xuất sang Mỹ hàng mấy trăm container gốm thô gồm đủ kích thước và kiểu dáng, từ những cái lu đựng nước bình thường cho đến những chiếc lục bình dùng để trang trí cao hơn 2m. Công ty Champa Ceramic (ở Mỹ) là đối tác đặt hàng và mua toàn bộ sản phẩm của lò gốm Sinh Phong.

 

Khác với gốm mỹ nghệ được khoác bên ngoài một lớp men và những hoa văn, màu sắc rực rỡ, tráng lệ, gốm thô đúng nghĩa với tên gọi của nó chỉ là đất sét nung lên với màu đất đỏ hồng mộc mạc. Nhưng cũng vì sự mộc mạc mà gần gũi với thiên nhiên, mộc mạc mà chứa đựng một nét văn hóa truyền thống, nên gốm thô Biên Hòa được nhiều khách hàng nước ngoài ưa chuộng. Chị Trang kể, trong những lần sang Mỹ tham dự hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ theo lời mời của Công ty Champa Ceramic, chị thấy tại các gian hàng gốm sứ Việt Nam, gốm thô được rất đông khách đến tham quan. Không ít người trong số đó tỏ ra rất thích thú với những cái lu, chậu đất nung của Biên Hòa. "Cái nét mộc mạc, dân dã của gốm thô vậy mà đã khiến nhiều người khách nước ngoài say mê. Ông Cameron Oliva, Giám đốc Công ty Champa Ceramic - đối tác, đồng thời là một người bạn của tôi đã từng nói: "Nhìn gốm thô của Việt Nam, người ta nghĩ đến những làng quê êm đềm và tự nhiên thấy trong lòng mình vơi đi bao trăn trở, lo toan..." - chị Trang bộc bạch. Chị Trang cũng cho biết thêm, ông Cameron Oliva là người sành về gốm nên ông này cũng rất kỹ tính khi mua hàng. Với những mã hàng ông đặt, ông luôn đòi hỏi sản phẩm phải được thợ nặn bằng tay, chứ không được làm bằng khuôn. Đi một vòng quanh khu vực làm nghề gốm sứ ở các phường: Tân Vạn, Bửu Hòa và xã Hóa An, chúng tôi thấy có hàng chục lò gốm sản xuất gốm thô với những cái tên như: Phong Sơn, Trường Thạnh, Tâm Phương... Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết hầu hết các cơ sở này đều sản xuất để bán trong thị trường nội địa và xuất khẩu ra nước ngoài. Anh Khứa Mỹ Quyền, quản lý lò gốm ở Công ty Phong Sơn (khu phố 1, phường Tân Vạn) cho hay, 60% sản phẩm của công ty làm ra được bán trong thị trường nội địa và 40% xuất khẩu sang các nước châu Âu, Mỹ...

 

Những chiếc lu bây giờ không đơn thuần là đồ gia dụng nữa, mà đã trở thành sản phẩm nghệ thuật và văn hóa được ưa chuộng. Nó được người ta tìm mua về không phải để đựng nước hay ủ mắm như trước đây nữa, mà là để trang trí, trưng bày tại những nơi sang trọng.

 

* Gốm đẹp nhờ đất sét tốt

 

Khi tìm hiểu về nghề nặn lu (nghề làm gốm thô nói chung) ở Biên Hòa xưa và nay, chúng tôi đã gặp nhiều thợ nặn lu có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề và được họ cho biết, để làm ra một món đồ gốm đẹp thì ngoài tay nghề người thợ còn phụ thuộc vào chất liệu đất. Đất dùng để nặn lu ở Biên Hòa từ xưa đến nay là một loại đất sét nhão màu đỏ hồng như màu phù sa được người ta lấy từ các bãi bồi ven một nhánh của con sông Đồng Nai, tại khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Đây là loại đất sét rất đặc biệt và chỉ có ở vùng này, vì nó vừa dẻo lại rất mềm nên thích hợp để nặn lu. Hơn nữa, khi được làm từ loại đất sét lấy từ sông, sản phẩm sau khi nung có độ chắc và không bị nứt, mẻ như đối với các loại đất sét đào dưới đất hay còn được giới làm gốm gọi là đất sét núi. Do loại đất này ngày càng cạn kiệt nên thời gian qua có nhiều lò gốm đã tìm các loại đất sét khác để trộn lẫn với đất sét sông. Thế nhưng, sản phẩm làm từ loại đất pha trộn này khi ra lò có chất lượng không đẹp và không bền chắc như với loại đất sét ở sông Đồng Nai.

 

Chị Đỗ Thị Minh Trang, giám đốc kinh doanh Công ty Sinh Phong và ông Cameron Oliva, giám đốc Công ty Champa Ceramic trong một hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ tại Mỹ năm 2010.       

Theo chỉ dẫn của những người thợ nặn lu, chúng tôi tìm đến cầu Bà Hiệp (ở xã Bình Thắng, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) và chứng kiến các ghe chở đất sét mang đến bán cho xe tải để đưa về các lò gốm ở Biên Hòa. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chỉ biết các chủ ghe lấy đất dưới những nhánh sông gần ngã ba Tân Vạn, còn cụ thể lấy tại địa điểm nào thì đó là "bí mật nghề nghiệp", nên chúng tôi đành chịu...

Phạm Hoàng Thái

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                    

Tin xem nhiều