Nằm gần nhà máy thủy điện Trị An, với sản lượng điện gần 1,7 tỷ kWh/năm, nhưng đã từ lâu người dân trên "đảo" Củ Chi chưa một lần được sử dụng điện. Bên cạnh đó, cuộc sống của người dân "đảo" còn thiếu thốn đủ điều.
Nằm gần nhà máy thủy điện Trị An, với sản lượng điện gần 1,7 tỷ kWh/năm, nhưng đã từ lâu người dân trên "đảo" Củ Chi chưa một lần được sử dụng điện. Bên cạnh đó, cuộc sống của người dân "đảo" còn thiếu thốn đủ điều.
Đêm trên "đảo", hơi lạnh luồn sâu vào từng ngôi nhà đơn sơ, cũ kỹ. Ở đây, mọi người đều đi ngủ rất sớm, hiếm hoi lắm mới có nhà còn sáng đèn.
* Chờ điện
Không có ti vi hay radio, buổi tối cánh đàn ông trên "đảo" Củ Chi chỉ biết ngồi nhâm nhi ly trà nóng để trò chuyện. Anh Vũ Ngọc Bỉnh, Trưởng ban Mặt trận ấp, cho biết: "Nhà nào có điều kiện thì mua bình ắc-quy để xài, còn không thì dùng đèn dầu, đèn pin. Nhưng sử dụng bình ắc-quy tiết kiệm lắm cũng chỉ được 3-4 ngày thì hết bình, phải đi sạc lại. Những khi mưa gió, không đi sạc bình kịp, nhà cứ tối om".
Quan sát nhà dân trên "đảo", chúng tôi không thấy nhà nào có ti vi màu. Bên chiếc ti vi trắng đen, màn hình mờ nhạt, sóng kêu rè rè, cả nhà anh Nguyễn Văn Trường chăm chú xem phim. Anh Trường nói: "Vợ chồng tôi dành dụm mấy tháng trời mới mua được cái ti vi này. Mới đầu, cả nhà háo hức chờ xem. Không ngờ mở được vài lần, màn hình cứ thế tối lờ mờ".
Khoe những tờ báo ra cách nay đã hơn một tháng, ông Ba Địa tự hào là cư dân duy nhất trên "đảo" nắm bắt thông tin "kịp thời". "Hơn tuần là tui chèo ghe vào chợ ở đất liền mua báo. Nhà không có ti vi, phải nghe đài, đọc báo để lâu lâu khách đến còn có chuyện thời sự mà nói. Không lẽ ăn rồi cứ nói chuyện mấy cái cây với ba con gà, vịt sao! Chỉ tội mấy đứa nhỏ ở đây, không biết đến máy tính là gì. Mong sao sớm có dòng điện để dân đảo tụi tui bớt khổ".
Không có điện, nước sinh hoạt lại thiếu thốn, nhiều người dân đã bỏ đi nơi khác tìm kế sinh nhai. Lặng người một lúc lâu, trưởng ấp Phan Minh Phương cho biết: "Khoan cái giếng giờ cũng mất chục triệu đồng, dân "đảo" mình nghèo quá lấy đâu ra tiền. Thế nhưng có giếng khoan cũng chẳng có điện mà sử dụng máy bơm nước...".
Không có bất kỳ loại hình giải trí nào, cuộc sống của một số thanh niên ở "đảo" rất buồn tẻ. Anh Ngô Bá Luân (22 tuổi), cư dân mới nhập cư trên "đảo", thổ lộ: "Mới 19 giờ tôi đã đi ngủ rồi. Nhiều hôm buồn, rủ mấy bác trong đảo nhậu lai rai. Lớn rồi cũng muốn đi đây đó chơi, nhưng tối om không điện biết đi đâu bây giờ".
* Và chờ ngày lên bờ
Đến thăm "đảo" Củ Chi, chúng tôi phải khốn khổ vì chạy loanh quanh tìm nhà vệ sinh. Anh Vũ Ngọc Bỉnh ví von một cách hài hước: "Ở đảo không ai làm nhà vệ sinh cả, đi sao để ta thấy người chứ đừng để người khác thấy ta là được". Thi thoảng, Bà Nguyễn Thị Phụng (55 tuổi) vào đất liền để đi chợ. Gọi là chợ nhưng chỉ là một xóm nhỏ thuộc ấp Cây Cầy, những người bán dạo khắp nơi đến nhóm lại vào mỗi buổi trưa. "Ở đảo thiếu rau tươi dữ lắm. Đất ở đây chỉ có thể trồng xoài, điều, chứ không rau nào mọc nổi" - bà Phụng cho biết.
Cuộc sống nghèo khó, đường đến trường xa xôi cách trở, các em nhỏ ở "đảo" phải chịu nhiều thiệt thòi. Đoạn đường từ đảo ra đến trường học cũng hơn chục cây số, nhiều em học sinh không đủ điều kiện đành chịu cảnh "đứt gánh giữa đường"... Vì chén cơm manh áo, đôi khi cha mẹ chỉ lo kiếm cá nên cũng không còn tâm trạng đâu mà lo cho con cái học hành. Ngồi lặng lẽ trong góc nhà, đôi mắt trong trẻo của em Nguyễn Thị Mỹ Hoa (15 tuổi) thoáng buồn khi nghe nhắc đến trường lớp, học hành... Học hết lớp 7, Hoa đành nghỉ học để phụ giúp cha mẹ việc nhà. Hoa cho biết: "Hồi trước nhà em có một chiếc ghe. Nhiều bữa cha mẹ cất vó về trễ, em phải nghỉ học. Nhà xa, mùa mưa sóng gió đi học cực quá. Dần dà em thấy nản nên nghỉ học luôn". Nhắc đến tương lai, cô bé chỉ ậm ừ: "Em chưa tính được, em cũng muốn được đi học trở lại nhưng trường học xa quá, mùa nước nổi tụi em lại không đi học được".
Ông Cao Hiền Quang, Phó chủ tịch UBND xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) cho biết, Ban quản lý dự án huyện đã có đề án "Khu tái định cư ngư dân lòng hồ Trị An", nhưng do trục trặc hồ sơ thiết kế kỹ thuật nên chưa tiến hành được. Dự án này được đưa ra từ nhiều năm trước, nhưng chính thức triển khai thực hiện vào năm 2007. Hiện tại, cơ quan chức năng đang tiến hành làm lại sơ đồ kỹ thuật để có thể di dời ngư dân vào đất liền trong thời gian sớm nhất". Ông Quang còn cho biết thêm, cũng chính vì thuộc diện di dời nên chính quyền không thể mắc điện cho ngư dân ở "đảo" Củ Chi được.
Cuộc sống khó khăn, người dân trên "đảo" ai cũng trông mong ngày vào đất liền với hy vọng tương lai khởi sắc hơn. Chị Nguyễn Thị Kim Tuyến nhìn về phía đất liền với đôi mắt đượm buồn. "Nghe đâu có đề án chuyển dân vô đất liền, nhưng chờ mấy năm rồi mà không thấy động tĩnh gì hết. Tội nhất là bọn trẻ đi học cực quá. Nhiều khi thấy trời trở gió là lo không biết bọn trẻ có đi học về kịp không. Chỉ mong sớm ngày vô đất liền" - chị Tuyến ao ước.
Thiếu điện, thiếu các phương tiện thông tin đại chúng nên phần lớn cư dân sống trên "đảo" Củ Chi chỉ biết giải trí bằng hình thức kể chuyện thôn xóm và về những mẻ cá sau những lần chài lưới. Trẻ em sống trên "đảo" hầu như không được biết đến các loại sữa hộp. Chị Tuyến xót xa: "Thằng nhỏ út nhà tui 10 tháng tuổi mà có biết gì ngoài sữa mẹ đâu. Tội nghiệp lắm, hôm nào tôi đi ra hồ về không kịp bà ngoại đành lấy nước cơm hòa với đường bỏ vào bình cho nó uống".
Hết năm này sang năm khác cặm cụi bên mẻ lưới, tấm vó nơi lòng hồ mênh mông sóng nước nhưng cuộc sống của người dân trên "đảo" Củ Chi vẫn không khá lên được.
Tùng Minh - Lan Hiệp