Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi cỏ còn xanh trên đồng

10:04, 22/04/2011

Giá thịt trâu, bò tại các chợ lên đến trên 180 ngàn đồng/kg và những cơn mưa trái mùa thúc cỏ túa chồi non đã làm cho những người chăn nuôi trâu, bò ở huyện Nhơn Trạch phơi phới niềm vui giữa trưa tháng 4 oi bức.

Giá thịt trâu, bò tại các chợ lên đến trên 180 ngàn đồng/kg và những cơn mưa trái mùa thúc cỏ túa chồi non đã làm cho những người chăn nuôi trâu, bò ở huyện Nhơn Trạch phơi phới niềm vui giữa trưa tháng 4 oi bức.

 

* Bỏ xưởng... chăn bò

 

Giữa cái nắng chói chang trưa tháng 4, theo thói quen, Út Bé (ấp Xóm Hố, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch) tự tìm cho mình nơi nghỉ trưa lý tưởng tại các cụm rừng. Còn đàn bò 12 con của gia đình, anh bỏ mặc cho chúng thong dong tìm cỏ ăn. Út Bé cho biết, khu rừng này anh thả bò hơn 10 năm rồi. Vì vậy mà bò của gia đình anh đã thành thục cách tranh cỏ với đàn bò hàng trăm con của Tèo Anh, Hiếu Em, Bé Bự... Út Bé nói: "Hàng ngày, tui chỉ cần lùa chúng ra đây, rồi để mặc cho chúng ăn no cỏ".

 

Theo thói quen, 8 giờ sáng mỗi ngày, Út Bé và đàn bò đã có mặt tại cánh đồng Tám Phước (xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch). Sau đó, anh rảo vài vòng "tán dóc" với những người bạn chăn bò tại đây. Trưa đến, Út Bé tìm bụi cây có bóng mát trốn nắng. Trong lúc buồn, Út Bé bật radio nghe thời sự, ca nhạc và cứ vậy chờ cha (ông Tư Lé) mang cơm trưa ra ăn.

 

Bò đang thong dong trên tỉnh lộ để đến các đồng cỏ hoang. Ảnh: Đ.PHÚ

Trong cái nóng và hăng hắc mùi phân, nước tiểu của bò, Út Bé cho hay, làm công nhân có thu nhập và niềm vui không hơn gì ở nhà giữ bò. Do đó, Út Bé viện lý do muốn được cùng cha duy trì việc chăn bò mà ông đã ở đợ cho người ta thời xưa mới tậu được để ở nhà chăn bò. Út Bé nói: "Nuôi bò giờ lời cũng khá nên tui ham. Tui nuôi bò cho mình, chứ không phải giữ bò thuê cho ai. Hơn nữa, tui thấy làm công nhân không hơn gì ở nhà chăn chục con bò và làm các công việc nông nghiệp khác khi cha mẹ đã già".

 

Mặt trời vừa thẳng đầu người, đàn bò của Út Bé và những người khác đã tạm no bụng, chúng lủi vào các lùm cây tránh nắng, ngả lưng. Út Bé và những người chăn bò khác trò chuyện, ăn uống bên những bóng cây. Tèo Anh (bạn của Út Bé) cho biết, hôm nào siêng thì ăn cơm trưa xong các anh rủ nhau đi bẫy chim, đào chuột. "Có bữa, tụi tui xỉn ngủ say đến 5 giờ chiều mới thức dậy lùa bò về. Vậy mà không con bò nào bị đói, kêu rống!".

 

Rồi những người chăn bò như Út Bé, Tèo Anh tiếp tục ngả lưng trên những đống lá khô, nhịp chân theo điệu nhạc phát ra từ chiếc radio hoặc điện thoại di động. Lúc này, chú bò đực của Bé Bự đuổi con bò cái chạy ào qua trước mặt chủ đang thong thả nghỉ trưa cùng bạn. "Hành vi" của chú bò kia làm cả nhóm hoảng hốt, Bé Bự bị nhóm bạn trách sao không bán con bò đó đi cho rồi. Nghe bạn trách, Bé Bự vẫn cười trừ, phân trần: vì nó là con bò giống, nặng gần 3 tạ thịt, bán cũng được trên 20 triệu đồng. "Nó còn là tiền phụ thu thêm của tui. Khi gia đình nào nuôi bò lẻ cần nhờ bò đực phối giống, tui cho phối và lấy tiền bỏ túi riêng để tiêu xài. Còn nếu bán bò thì phải đưa hết tiền cho vợ"- Bé Bự cười nói.

 

* Khi cỏ còn xanh trên đồng

 

Tận dụng các đồng cỏ hoang từ các dự án, khu công nghiệp chưa triển khai trên địa bàn huyện, cùng với nguồn vốn được chi trả sau khi dự án thu hồi đất..., những hộ nuôi bò như gia đình Út Bé, Tèo Anh... và các hộ khác tại cánh đồng Đoàn Kết (xã Vĩnh Thanh), Xóm Hố (xã Phú Hội), Ông Kèo (xã Phước Khánh)... tiếp tục duy trì và phát triển đàn bò. Theo các hộ nuôi bò này, họ chỉ dừng nuôi bò khi dự án hoàn thành, thu hẹp đồng cỏ. Đến ngày ấy thì tiền triệu cũng đã lọt vào túi của họ. Nhiều người chăn bò ở đây cho hay, hiện họ sống khỏe nhờ tận dụng những khu đất này để nuôi bò đàn. Ông Lê Hưng (ấp Xóm Hố) cho biết, với giá thịt bò hiện nay, đàn bò trên 30 con của gia đình ông là tài sản lớn. Ông Hưng nói: "Một năm, tui cũng lãi được vài chục triệu đồng từ bán bò thịt và phân bò. Việc chăn bò giờ không tốn công như trước, sáng tui chỉ cần lùa bò ra đồng cho ăn, chiều lùa cả đàn về chuồng và nhốt lại, không cần cho ăn gì thêm".

 

Sau khi dự án khu dân cư Đông Sài Gòn triển khai thu hồi đất, hàng ngày ông Năm Vinh (xã Phú Thạnh) vẫn thả bò trên cánh đồng của mình cùng với bò của và các hộ khác mà không gặp một lời phàn nàn. Đàn bò 15 con của ông mát cỏ nên phây phây, chóng lớn. Ông Năm Vinh bày tỏ, lúc bị thu hồi đất ông cũng lo, nhưng khi cầm số tiền lớn trong tay ông lại nghĩ đến việc phát triển đàn bò hơn là mua đất, tậu nhà. Trong khi đó, cũng là hộ bị thu hồi đất như ông Năm Vinh, ông Hai Nhơn chỉ dám nuôi nhỏ lẻ vài con bê khi thất nghiệp. Ông Hai Nhơn nói: "Bò bây giờ đang lúc có giá, những năm trước nếu mạnh dạn nuôi bò đàn thì giờ đây tui trúng đậm rồi". Theo nhẩm tính của nông dân, một con nghé giống chỉ 8-10 triệu đồng, sau một năm nuôi sẽ lãi gấp đôi, còn nuôi bò cái thì lãi nhiều hơn nữa. Tuy vậy, không phải nông dân nào cũng có tiền để đầu tư nuôi bò và nơi nào cũng có đồng cỏ để chăn thả. "Chỉ có những khu đất quy hoạch phát triển công nghiệp bỏ đất hoang (do chưa triển khai dự án) thì mới có đồng cỏ cho bò đàn ăn" - Năm Vinh bộc bạch.

 

Chiếc radio luôn là bạn đồng hành của Út Bé trong những buổi chăn bò.

Một cán bộ nông nghiệp ở xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) cho biết, việc nông dân tận dụng các đồng cỏ tại các khu, cụm công nghiệp chưa xây dựng hạ tầng để chăn thả trâu, bò hiện không gặp trở ngại từ phía các chủ dự án. Nhưng việc phát triển đàn bò từ việc tận dụng đồng cỏ kiểu này chỉ mang tính tạm bợ, người nuôi bò duy trì đàn được trong thời gian ngắn. Đó là cách làm của một số nông dân trên địa bàn. Còn phát triển tổng đàn trâu, bò theo hướng chuồng trại khép kín thì địa phương không còn quỹ đất để chăn thả, trồng cỏ. Trong khi đó, ông Huỳnh Nghĩa (xã Vĩnh Thanh) cho hay, bấy lâu nay ông thoải mái thả bò trên cánh đồng dự án khu dân cư Ông Kèo. Ông không quan tâm nhiều đến việc dự án triển khai nhanh hay chậm, mà điều ông quan tâm nhất là đàn bò 25 con của gia đình ông chăn thả ở đây sẽ được ăn cỏ vài năm nữa. Lúc ấy, ông đã thu tiền triệu sau mỗi đợt bán bò. Và hiện tại, ông đang tranh thủ lúc bò được giá thì phát triển thêm đàn.

Với nhiều khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Nhơn Trạch đã được quy hoạch, một số nơi vẫn còn đất trống và đó lại là nơi lý tưởng để nông dân nuôi thả bò. Cũng nhờ vậy, với số tiền mà dự án bồi thường khi thu hối đất, nông dân đã mua bò về nuôi và thu lợi.

 

Mặc cho các nhà làm dự án đang ráo riết tìm vốn đẩy mạnh san lấp mặt bằng, xây dựng công trình và rào chắn..., Út Bé, Tèo Anh và những người bạn chăn bò trên cánh đồng Tám Phước vẫn say giấc ngủ bên bóng râm. Còn đàn bò của họ thì vẫn ung dung nhai lại cỏ. Tuy vậy, trong sự thỏa mãn của mình bên đàn bò, anh Út Bé vẫn đang nghĩ đến chuyện: "Đã đến lúc tui phải xa bò, quay lại công việc của người thợ và sẽ chấm dứt những ngày rong chơi, bẫy chim, bẫy chuột... cùng nhóm bạn chăn bò ở đây" - Út Bé nói.

 

Đoàn Phú                      

 

 

 

 

Tin xem nhiều