Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống Lực lượng vũ trang Đồng Nai (15-5-1946 *15-5-2011)
Lớn mạnh theo cuộc trường chinh của dân tộc
Bài 1: Những năm tháng không quên

10:04, 24/04/2011

Ngày 15-5-1945, theo yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tại Xóm Đèn (xã Tân Hòa, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương ngày nay), Tỉnh ủy Biên Hòa đã triệu tập hội nghị quân sự toàn tỉnh và quyết định 2 vấn đề trọng đại lúc bấy giờ.

Ngày 15-5-1945, theo yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tại Xóm Đèn (xã Tân Hòa, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương ngày nay), Tỉnh ủy Biên Hòa đã triệu tập hội nghị quân sự toàn tỉnh và quyết định 2 vấn đề trọng đại lúc bấy giờ. Đó là nghị quyết thống nhất các lực lượng vũ trang (LLVT) toàn tỉnh, gồm: du kích Sở Tiêu, Vệ quốc đoàn quận Châu Thành, Vệ quốc đoàn Biên Hòa thành Vệ quốc đoàn Biên Hòa; xây dựng Chiến khu Đ thành căn cứ địa kháng chiến của tỉnh. Sự kiện ngày 15-5-1946 là một mốc son quan trọng, đánh dấu sự ra đời của LLVT Đồng Nai.

 

* Các tổ chức vũ trang kháng chiến đầu tiên ở Đồng Nai

 

Trước Cách mạng tháng 8-1945, Biên Hòa (Đồng Nai) có nhiều tổ chức vũ trang do các sĩ phu yêu nước thành lập để chống thực dân Pháp xâm lược. Cách mạng tháng 8 thành công, đất nước ta bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do, hạnh phúc. Nhưng thực dân Pháp dã tâm đã quay lại cướp nước ta một lần nữa. Ngày 23-9-1945, được quân Anh và quân Nhật giúp sức, quân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, chính thức mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.

Lực lượng vũ trang Biên Hòa phục kích địch tại mặt trận Xuân Lộc đầu năm 1946.

Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân Biên Hòa nhất tề đứng lên đánh địch. Đêm 23-9-1945, đồng chí Hà Huy Giáp thay mặt Xứ ủy Nam bộ triệu tập hội nghị cán bộ toàn tỉnh Biên Hòa và ra quyết nghị củng cố lại tổ chức Đảng bộ tỉnh Biên Hòa từ tỉnh xuống các quận, củng cố UBND tỉnh, xây dựng Mặt trận Việt Minh. Hội nghị đã bầu ra Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh gồm 11 người, do đồng chí Trần Công Khanh làm bí thư, đồng chí Hoàng Minh Châu làm phó bí thư, đồng chí Phan Đình Công làm ủy viên thường vụ phụ trách quân sự. Hội nghị cũng chỉ rõ một số biện pháp khẩn trương để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, trong đó nhấn mạnh: "Tổ chức trường huấn luyện quân sự để xây dựng LLVT kháng chiến".

 

Nhằm gấp rút đào tạo LLVT địa phương, cuối tháng 9-1945, Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa thành lập trại huấn luyện cán bộ quân sự của tỉnh tại ấp Vĩnh Cửu, xã Tam Hiệp (nay thuộc phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa). Ngày 26-9-1945, trại huấn luyện khai giảng khóa đầu tiên, với 70 học viên ở các địa phương trong tỉnh Biên Hòa và các khu vực lân cận tự nguyện về học tập. Cùng với hoạt động huấn luyện quân sự, khắp các địa phương trong tỉnh Biên Hòa, các đơn vị vũ trang cách mạng cũng được thành lập. Tại quận Châu Thành, UBND Cách mạng lâm thời thành lập một đơn vị vũ trang do quận quản lý gồm 5 tiểu đội, có 30 súng trường, do Đội Nghiệp (sau là Lê Văn Ngọc) chỉ huy. Tại quận Long Thành, LLVT được xây dựng trên cơ sở hợp nhất các đơn vị: Vệ binh Long Thành (77 người, 11 súng); Cộng hòa vệ binh Thủ Đức (50 người, 12 súng); Công nhân thành Tuy Hạ (20 người, 18 súng); Trại huấn luyện Vĩnh Cửu - Bình Đa (11 người, 11 súng). Tại Xuân Lộc, Ủy ban công nhân cách mạng các đồn điền cao su thành lập các đơn vị công nhân chiến đấu với các trang bị giáo, mác và một số súng trường, súng thu được của các chủ đồn điền, mã tà, hương quản. Riêng LLVT tập trung của quận cũng có 30 người, 20 súng các loại. Tại quận Tân Uyên, LLVT phát triển mạnh mẽ hơn cả. Nơi đây vốn có sẵn một đơn vị vũ trang địa phương (do đồng chí Nguyễn Văn Quỳ - Chín Quỳ - chỉ huy) tồn tại từ sau sự kiện Nam kỳ khởi nghĩa 23-11-1940, quân số khoảng một tiểu đội. Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Biên Hòa, Ủy ban kháng chiến miền Đông tan rã, đồng chí Huỳnh Văn Nghệ, thành viên của ủy ban, cùng với 40 chiến sĩ lui về vùng Tân Tịch, Mỹ Lộc - quê hương ông để tiếp tục củng cố, xây dựng lực lượng.

 

Trên cơ sở lực lượng hiện có, cộng với số quân của tiểu đội Nguyễn Văn Quỳ, Huỳnh Văn Nghệ từng bước chỉ huy phát triển LLVT kháng chiến. Về sau, các đơn vị vũ trang nhỏ lẻ, tự vệ chiến đấu thuộc các xã ở Tân Uyên, Trại huấn luyện quân sự Sở Tiêu của tỉnh Biên Hòa, tiểu đội công nhân hàng hải Sài Gòn lần lượt gia nhập, bổ sung vào lực lượng bộ đội Huỳnh Văn Nghệ. Toàn bộ lực lượng này gọi chung là Vệ quốc đoàn Biên Hòa, được tổ chức thành 5 phân đội chiến đấu, do Huỳnh Văn Nghệ làm chỉ huy trưởng. Đây được xem là những đơn vị giải phóng quân (sau là Vệ quốc đoàn) đầu tiên của tỉnh Biên Hòa, nòng cốt của lực lượng bộ đội địa phương các quận và Chi đội 10, Trung đoàn 310 sau này.

 

* Những chiến công đầu của LLVT Biên Hòa

 

Ngày 25-10-1945, thực dân Pháp đã xua một đơn vị thuộc binh đoàn kỵ binh thiết giáp, do đại tá Massu chỉ huy, có sự hỗ trợ của quân Anh - Ấn, tiến chiếm thị xã Biên Hòa. Sau đó, chúng tiếp tục đánh chiếm Long Thành, Xuân Lộc, Tân Uyên. Trên khắp các ngả đường tiến quân của địch, lực lượng tự vệ chiến đấu phối hợp với các đơn vị Vệ quốc đoàn ở các quận đã tổ chức phục kích đánh địch.

 

Trên dọc quốc lộ 1, tự vệ chiến đấu quận Châu Thành phối hợp với bộ đội Nam tiến, học viên trại huấn luyện Vĩnh Cửu - Bình Đa, công nhân xe lửa chặn đánh địch từ Thủ Đức, suối Lồ Ồ đến thị xã Biên Hòa. Lực lượng tự vệ chiến đấu Xuân Lộc cùng bộ đội Nam tiến chặn đánh địch quyết liệt ở An Lộc, Suối Tre, Núi Thị, Bàu Sao, ngã ba Tân Phong, Hàng Gòn. Tại Suối Tre, Núi Thị, trước sự chặn đánh của quân ta, quân Pháp không tiến lên được mà phải dựa vào quân Nhật để tìm đường vòng vượt qua. Dọc quốc lộ 20, tự vệ chiến đấu chặt ngã cây, phá cầu cống lập chướng ngại vật từ ngã ba Dầu Giây đến Định Quán. Đội du kích ấp Võ Dõng lúc ẩn, lúc hiện dùng ná bắn tên có tẩm độc và bẫy đá tiêu diệt nhiều tên giặc Pháp. Dọc quốc lộ 15, tự vệ chiến đấu Long Thành cùng với bộ đội Bình Xuyên từ mặt trận phía Nam Sài Gòn rút về tổ chức đánh địch nhiều trận gây tiếng vang lớn. Ngày 27-10-1945, tự vệ chiến đấu phục kích diệt một tiểu đội địch ở Phước Thiền, thu 9 súng. Ngày 28-10-1945, Vệ quốc đoàn quận cùng du kích Tam Phước, Phước Tân chặn đánh địch ở Dốc 47, bắn cháy một xe chở quân. Dọc tỉnh lộ 16 và sông Đồng Nai thuộc khu vực Tân Uyên, Vệ quốc đoàn Biên Hòa tổ chức nhiều trạm canh gác và trận địa phục kích. Các cuộc hành quân đánh chiếm quận lỵ Tân Uyên của quân Pháp đều bị Vệ quốc đoàn Biên Hòa chặn đánh, bẻ gãy. Riêng cuộc chiến đấu ngăn chặn địch tiến chiếm Tân Uyên ngày 24-1-1946, Vệ quốc đoàn Biên Hòa đã tiêu diệt 220 tên Pháp, thiêu hủy 6 xe cam-nhông, bắn chìm 2 xuồng đổ bộ.

 

Trong điều kiện tương quan lực lượng quá chênh lệch, trước kẻ thù là một đội quân xâm lược có xe tăng, tàu bay, pháo binh yểm trợ..., LLVT Biên Hòa sau những trận chiến đấu quyết liệt đã rút lui để bảo toàn lực lượng. Thế nhưng, hoạt động chiến đấu của Vệ quốc đoàn và du kích các địa phương Biên Hòa những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã góp phần tiêu hao sinh lực địch, làm chậm bước tiến quân của chúng, gây được tiếng vang lớn, cổ vũ tinh thần đấu tranh chống quân xâm lược của nhân dân ta, đồng thời giúp cho lực lượng kháng chiến rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu về tổ chức lực lượng và trình độ kỹ - chiến thuật tác chiến đánh địch về sau này.

 

Đức Việt

 

 

Tin xem nhiều