Báo Đồng Nai điện tử
En

Lớn mạnh theo cuộc trường chinh của dân tộc
Bài 2: Sự ra đời của Chiến khu Đ và Chi đội 10 Biên Hòa

10:04, 25/04/2011

Do vị trí đặc biệt về địa lý quân sự (vùng đất án ngữ phía đông Sài Gòn) nên Biên Hòa đã trở thành một khu vực phòng thủ kiên cố của giặc Pháp. Từ đây, chúng xua quân chiếm đất, chiếm dân, lập tề và tổ chức các cuộc hành quân càn quét nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến. Để tồn tại và phát triển, lực lượng vũ trang (LLVT) cách mạng phải gấp rút xây dựng chiến khu và tổ chức thành một khối thống nhất, tập trung dưới sự lãnh đạo của Đảng...

Do vị trí đặc biệt về địa lý quân sự (vùng đất án ngữ phía đông Sài Gòn) nên Biên Hòa đã trở thành một khu vực phòng thủ kiên cố của giặc Pháp. Từ đây, chúng xua quân chiếm đất, chiếm dân, lập tề và tổ chức các cuộc hành quân càn quét nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến. Để tồn tại và phát triển, lực lượng vũ trang (LLVT) cách mạng phải gấp rút xây dựng chiến khu và tổ chức thành một khối thống nhất, tập trung dưới sự lãnh đạo của Đảng...

 

* Mã Đà sơn cước anh hùng tụ

 

Đầu năm 1946, thực dân Pháp tổ chức toàn tỉnh Biên Hòa thành một tiểu khu, do trung đoàn bộ binh thuộc địa số 22 (22 RIC) phụ trách. Chúng chia Tiểu khu Biên Hòa thành 3 chi khu, gồm: Tân Mai, Xuân Lộc và Long Thành. Ở mỗi chi khu, quân Pháp bố trí lực lượng gồm một tiểu đoàn. Ngoài lực lượng chiếm đóng nêu trên, quân Pháp còn bố trí tại Biên Hòa một lực lượng ứng chiến cơ động, gồm: một tiểu đoàn cơ giới, một tiểu đoàn pháo binh, một đội thiết giáp, hai đội Com-măng-đô và một số lực lượng tăng cường khác (như: không quân, thủy quân...). Với cách bố trí lực lượng như vậy, thực dân Pháp đã biến Biên Hòa thành một trung tâm chỉ huy đánh phá phong trào cách mạng ở các tỉnh miền Đông Nam bộ.

 

 Các đồng chí nguyên là chỉ huy Chi đội 10.

Để xây dựng và phát triển LLVT tập trung, vấn đề cấp thiết đối với cách mạng lúc này là phải xây dựng căn cứ địa kháng chiến, nơi trú giấu quân, huấn luyện và xuất phát tiến công địch. Chấp hành nghị quyết của hội nghị quân sự Nam bộ ngày 20-11-1945 về "Củng cố, xây dựng LLVT cách mạng và đặt LLVT dưới sự lãnh đạo của Đảng" và hội nghị Xứ ủy lâm thời Nam bộ mở rộng lần thứ 2 ngày 10-12-1945 tại tỉnh Chợ Lớn về việc "Thành lập Ủy ban kháng chiến miền Nam", Nam bộ được phân thành 3 khu 7 - 8 - 9 và triển khai các biện pháp nhằm củng cố LLVT, xây dựng các chi đội Vệ quốc đoàn và căn cứ địa kháng chiến. Khu bộ 7 cũng đã được thành lập, gồm các tỉnh: Biên Hòa, Bà Rịa, Chợ Lớn, Thủ Dầu Một, Gia Định, Tây Ninh và thành phố Sài Gòn, do đồng chí Nguyễn Bình, một cán bộ quân sự cao cấp được Trung ương Đảng cử vào giữ chức khu bộ trưởng, đồng chí Trần Xuân Độ làm chính ủy.

 

Ngày 17-12-1945, Khu bộ trưởng Nguyễn Bình cùng toàn bộ cơ quan Khu bộ 7 chuyển về xây dựng hệ thống phòng thủ tại Tân Uyên, nơi đứng chân của Vệ quốc đoàn Biên Hòa. Tân Uyên từ đây trở thành căn cứ địa của Khu 7 và nhiều đơn vị vũ trang các địa phương dồn về. Dựa vào địa thế hiểm yếu của Tân Uyên, các đơn vị vũ trang cách mạng có thể trú đóng bảo toàn lực lượng, xây dựng cơ sở hậu cần kỹ thuật, tổ chức huấn luyện, đồng thời xuất phát tiến công địch trên các chiến trường phụ cận.

 

Đầu năm 1946, Pháp đưa các đoàn tàu chiến dọc theo sông Đồng Nai lên Tân Uyên thăm dò lực lượng cách mạng. Các phân đội Vệ quốc đoàn Biên Hòa tổ chức phục kích chặn đánh địch. Bộ đội do đồng chí Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy đã bắn hỏng một tàu, tiêu diệt và làm bị thương 30 tên địch. Bị đánh một đòn đau, ngày 24-1-1946, Pháp huy động 4.000 quân phối hợp thủy - lục - không quân tiến công căn cứ Tân Uyên từ 4 hướng. Lần đầu tiên đương đầu với một trận càn mà lực lượng, vũ khí của địch áp đảo, các đơn vị của Vệ quốc đoàn Biên Hòa cùng đơn vị bảo vệ căn cứ Khu 7 chiến đấu rất anh dũng. Dựa vào địa thế hiểm yếu của căn cứ, bộ đội ta bí mật xây dựng các trận địa phục kích với nhiều chướng ngại vật để chặn đánh địch, buộc địch phải đánh theo ý của mình. Từ nhiều vị trí phục kích, bộ đội ta nhảy ra dùng gươm, mã tấu đánh giáp lá cà với địch. Trận đánh diễn ra quyết liệt từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều cùng ngày, quân ta tiêu diệt 220 tên địch, đốt cháy 6 xe cam-nhông, bắn chìm 2 xuồng chiến đấu, thu nhiều vũ khí, đạn dược của địch và rút về căn cứ an toàn.

 

Sau trận đánh này, ngày 20-2-1946, tại rừng Lạc An, Bộ Tư lệnh Khu 7 họp hội nghị bất thường, đề ra nhiệm vụ xây dựng địa bàn đứng chân, phân bố quy định các khu vực, bố trí hệ thống phòng thủ nhiều tầng, nhiều vùng để đảm bảo chiến đấu ngăn chặn địch, bảo vệ an toàn căn cứ. Hội nghị thành lập ban căn cứ địa Tân Uyên do đồng chí Nguyễn Văn Quỳ chỉ huy và ra mắt "Trung đội danh dự gương mẫu" làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ. Toàn bộ vùng căn cứ được chia thành nhiều khu vực mang mật danh: A, B, C, Đ... Trong đó, Đ là mật danh chỉ khu vực hố Ngãi Hoang (xã Lạc An), nơi đặt "tổng hành dinh" của Bộ Tư lệnh Khu 7. Từ đây, danh từ Chiến khu Đ ra đời.

 

* LLVT tập trung đầu tiên của tỉnh Biên Hòa

 

Cuối tháng 4-1946, Bí thư Khu ủy Khu 7 Nguyễn Đức Thuận về Biên Hòa triệu tập hội nghị cán bộ toàn tỉnh tại Cù lao Vịt (xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu) để kiểm điểm tình hình lãnh đạo cuộc kháng chiến ở địa phương và đưa các LLVT vào guồng máy kháng chiến chung do Đảng lãnh đạo. Tại hội nghị này, Tỉnh ủy Biên Hòa chính thức thành lập và xây dựng hệ thống tổ chức Đảng các cấp từ tỉnh xuống các địa phương, xây dựng các đơn vị LLVT và củng cố các đoàn thể kháng chiến. Các đồng chí: Trần Minh Trí, Huỳnh Văn Lũy được chỉ định giữ chức vụ Bí thư và Phó bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa. Chỉ huy trưởng Vệ quốc đoàn Huỳnh Văn Nghệ được cử giữ trách nhiệm Phó chủ tịch Ủy ban hành chính, kiêm ủy viên quân sự tỉnh. Tiếp sau hội nghị Cù lao Vịt, hội nghị quân sự toàn tỉnh tại Xóm Đèn (xã Tân Hòa, huyện Tân Uyên) đã ra quyết nghị thống nhất các LLVT, gồm: Du kích Sở Tiêu, Vệ quốc đoàn quận Châu Thành, Vệ quốc đoàn Biên Hòa, thành Vệ quốc đoàn Biên Hòa; tiếp tục xây dựng Chiến khu Đ thành căn cứ địa kháng chiến của tỉnh.

 

Chi đội 10 Biên Hòa tại Chiến khu Đ. Ảnh:TL

Tháng 6-1946, chấp hành chỉ thị của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu 7, Vệ quốc đoàn Biên Hòa và Vệ quốc đoàn Long Thành nhập lại thành Chi đội 10, do đồng chí Huỳnh Văn Nghệ làm chi đội trưởng, đồng chí Phan Đình Công làm chính trị viên. Lúc mới thành lập, Chi đội 10 có 3 đại đội A, B, C với tổng số quân khoảng 800 người, được trang bị 150 súng trường, 15 súng lửa, 4 súng máy, 16 súng lục và 200 lựu đạn. Đại đội A do 2 đồng chí Nguyễn Văn Quang và Vũ Đình Vị chỉ huy, địa bàn hoạt động ở vùng hữu ngạn sông Đồng Nai (thuộc quận Tân Uyên). Đại đội B do 2 đồng chí Lê Văn Ngọc và Nguyễn Văn Khoa chỉ huy, hoạt động ở vùng tả ngạn sông Đồng Nai (thuộc quận Xuân Lộc và Châu Thành). Đại đội C do 2 đồng chí Lương Văn Nho và Lưu Văn Phảng chỉ huy, địa bàn hoạt động chủ yếu ở quận Long Thành. Ngoài 3 đại đội A, B, C, Chi đội 10 còn có các cơ quan, đơn vị như: Văn phòng chi đội, Ban quản trị, Binh công xưởng, Quân y viện... Nhiệm vụ của Chi đội 10 lúc bấy giờ là đứng chân và hoạt động chủ yếu trong phạm vi tỉnh Biên Hòa, do Tỉnh ủy Biên Hòa trực tiếp lãnh đạo và cung ứng hậu cần.

 

Như vậy, đến tháng 7-1946, trên địa bàn tỉnh Biên Hòa đã hình thành được 2 loại hình tổ chức vũ trang: Chi đội 10, LLVT tập trung của tỉnh và các quận quân sự làm chân rết cho Chi đội 10 cơ động chiến đấu. Có thể xem đây là giai đoạn hình thành, thống nhất và đặt cơ sở cho sự phát triển LLVT 3 cấp của tỉnh Biên Hòa trong giai đoạn lịch sử tiếp theo.

Đức Việt

 

 

Tin xem nhiều