Báo Đồng Nai điện tử
En

Lớn mạnh theo cuộc trường chinh của dân tộc
Bài 4: Đối đầu quân xâm lược Mỹ

09:04, 29/04/2011

Từ sau hiệp định Genevè đến cuối năm 1960, cùng với toàn Miền, Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai đã trải qua một thời kỳ đấu tranh cách mạng đầy gian khổ, hy sinh với kẻ thù mới là đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Từ sau hiệp định Genevè đến cuối năm 1960, cùng với toàn Miền, Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai đã trải qua một thời kỳ đấu tranh cách mạng đầy gian khổ, hy sinh với kẻ thù mới là đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

 

* Tái xây dựng lực lượng vũ trang

 

Sau khi hiệp định Genevè được ký kết, một bộ phận lớn bộ đội ta trong kháng chiến đã lên đường tập kết ra miền Bắc. Số cán bộ chính trị, quân sự còn ở lại trở về sống trong dân, thực hiện cuộc đấu tranh chính trị buộc địch thi hành hiệp định, khi cần có thể tập hợp lại xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT). Nhưng với mưu đồ thôn tính nước ta, đế quốc Mỹ đã hất chân Pháp, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ở miền Nam để làm công cụ đàn áp phong trào cách mạng, độc chiếm miền Nam Việt Nam.

 

Ngày 1-1-1955, phái đoàn cố vấn quân sự Mỹ (MAAG) vào Sài Gòn huấn luyện, trang bị vũ khí cho quân ngụy và xây dựng bộ máy quân sự của chúng ở miền Nam. Mỹ - Diệm cũng gấp rút đào tạo ngụy tề, đưa những tên ác ôn về các địa phương nắm các chức vụ chủ chốt trong bộ máy ngụy tề cơ sở, củng cố các đơn vị ngụy binh của thực dân Pháp trước đây, biến chúng thành lực lượng nòng cốt của "quân đội quốc gia", dưới sự chỉ huy của MAAG. Mỹ - Diệm còn tăng cường chính sách "tố cộng, diệt cộng", kéo lê máy chém đi khắp miền Nam giết hại những người cách mạng yêu nước.

 

Bộ đội địa phương Long Thành phục kích đánh địch càn quét.

Để đấu tranh trước tình hình mới, Xứ ủy Nam bộ và Liên Tỉnh ủy miền Đông quyết định chia lại địa bàn các tỉnh. Tỉnh Thủ Biên tách thành 2 tỉnh: Biên Hòa và Thủ Dầu Một. Tỉnh Biên Hòa gồm các huyện: Vĩnh Cửu, Long Thành, Tân Uyên, Xuân Lộc, Bà Rá và thị xã Biên Hòa. Các cấp bộ Đảng trong tỉnh cũng ý thức được vấn đề đấu tranh vũ trang nếu địch phá hoại hiệp định nên đã khẩn trương chôn giấu vũ khí, đạn dược và duy trì một số căn cứ ven thị xã Biên Hòa, vùng rừng Sác Long Thành, vùng rừng núi ở Tân Uyên, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc.

 

Ngày 10-7-1956, Mỹ - Diệm mở chiến dịch đánh phá phong trào cách mạng, vùng căn cứ cách mạng các tỉnh miền Đông Nam bộ trong nhiều tháng liền. Trọng điểm càn quét, đánh phá của địch ở tỉnh Biên Hòa là Chiến khu Đ, huyện Long Thành và các đồn điền cao su ở Xuân Lộc. Khắp nơi trong tỉnh, từ đô thị đến nông thôn, các đồn điền cao su, phong trào cách mạng bị dìm trong biển máu.

 

Thực tế tình hình cho thấy, Cách mạng miền Nam không thể giành thắng lợi bằng con đường đấu tranh chính trị đơn thuần mà không kết hợp với đấu tranh vũ trang. Do vậy, tháng 12-1956, Xứ ủy Nam bộ đã ra nghị quyết chuyển từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang. Nắm bắt cơ hội này, các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm tại nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa) đã chủ động nắm bắt tình hình, chuẩn bị nổi dậy phá khám, vượt ngục trở về với cách mạng. 17 giờ 50 ngày 2-12-1956, cuộc vượt ngục được tổ chức thành công, 462 đồng chí thoát được trở về với cách mạng, mang theo 41 khẩu súng lấy được của địch, trang bị cho LLVT ở các tỉnh miền Đông trong những ngày đầu diệt ác, phá tề, tiến lên "đồng khởi" toàn miền Nam.

 

Về sau, Tỉnh ủy Biên Hòa đã tập hợp một số cán bộ, chiến sĩ vượt ngục ở nhà lao Tân Hiệp thành lập đại đội võ trang tuyên truyền, lấy phiên hiệu là đại đội 380 (C380) với quân số gồm 60 người. C380 sau đó được bổ sung quân số lên 100 người, do đồng chí Huỳnh Văn Viên làm đại đội trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Luông làm chính trị viên, hoạt động chủ yếu ở các xã Tân Hòa, Tân Tịch, Mỹ Lộc (huyện Tân Uyên) và huyện Vĩnh Cửu.

 

* Thành lập Trung ương Cục miền Nam

 

Tháng 2-1959, Liên Tỉnh ủy, Ban chỉ huy quân sự miền Đông, Tỉnh ủy Biên Hòa đã chủ động bàn kế hoạch đánh một đòn phủ đầu vào các cơ quan đầu não của Mỹ - Diệm. Điểm được chọn là phái đoàn MAAG, đóng tại nhà máy cưa Biên Hòa (BIF). Đại đội 250 LLVT miền Đông, với phần lớn cán bộ, chiến sĩ là con em của Biên Hòa, được giao trọng trách này. 19 giờ ngày 7-7-1959, các chiến sĩ thuộc đại đội 250 và lực lượng tự vệ mật thị xã đã tiếp cận mục tiêu đã định. Sau hơn 10 phút nổ sung tiến công, ta tiêu diệt 2 tên cố vấn Mỹ và bắn bị thương một số tên khác. Đây là 2 quân nhân Mỹ chết trận đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam sau năm 1954. Trận đánh này được xem là trận đánh Mỹ đầu tiên của quân dân miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

Cuối năm 1961, thực hiện âm mưu chiến lược "chiến tranh đặc biệt" do Mỹ đề xướng, Ngô Đình Diệm đã ra sắc lệnh thành lập các vùng, các khu chiến thuật. Chúng chia miền Nam thành 4 vùng chiến thuật và một biệt khu thủ đô là Sài Gòn - Gia Định. Riêng ở tỉnh Biên Hòa, chúng cho xây dựng nhiều căn cứ quân sự lớn, như: Bộ chỉ huy quân đoàn 3 ngụy, Nha Cảnh sát miền Đông, sân bay Biên Hòa, tổng kho Long Bình và nhiều đồn bót kiên cố dọc các quốc lộ và các địa bàn xung yếu.

Trước tình hình mới, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 23-1-1961, Đảng ta quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay cho Xứ ủy Nam bộ. Ngày 15-12-1961, quân giải phóng miền Nam được thành lập cùng với các quân khu. Lúc bấy giờ, đại đội 380 ở Biên Hòa cũng được chia đều làm nòng cốt xây dựng 3 đại đội tập trung cho 3 tỉnh: Thủ Dầu Một, Biên Hòa và Phước Thành. LLVT của Biên Hòa được lấy tên là đại đội 240 (C240). Ngay sau khi thành lập, C240 có trận đánh tập kích vào yếu khu Trảng Bom, tạo thế cho nhân dân vùng Sông Thao, Bàu Hàm, Hưng Lộc nổi dậy diệt ác, phá kiềm và mở thông tuyến hành lang từ quốc lộ 1 về căn cứ Suối Cả (huyện Long Thành).

Du kích Bảo Chánh lấy đạn địch chế tạo mìn đánh địch. Ảnh: T.L

Cuối năm 1962, thực lực cách mạng ở Biên Hòa đã phát triển khá mạnh. Ngoài C240 tập trung của tỉnh, các huyện đều có từ 1-2 trung đội bộ đội địa phương và dân quân du kích. Cuộc chiến đấu chống địch gom dân lập ấp chiến lược của quân và dân Biên Hòa diễn ra quyết liệt đến đầu năm 1963, làm phá sản một bước kế hoạch bình định nông thôn của Mỹ - Diệm. Qua đấu tranh, LLVT cách mạng càng lớn mạnh, thanh niên thoát ly tham gia cách mạng ngày càng đông.

 

Ngày 1-11-1963, chế độ tay sai Ngô Đình Diệm bị lật đổ, đế quốc Mỹ dựng lên chính phủ bù nhìn mới, tiếp tục áp dụng chiến lược đàn áp phong trào cách mạng miền Nam. Để đối phó và làm thất bại âm mưu của Mỹ, tháng 12-1963, Trung ương Cục chủ trương lập lại tỉnh Biên Hòa - Bà Rịa. Đồng chí Nguyễn Sơn Hà (Năm Trị) làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phan Văn Trang làm Phó bí thư, kiêm chính trị viên Tỉnh đội; đồng chí Nguyễn Thanh Bình làm Tỉnh đội trưởng. Sau khi ổn định tổ chức, Tỉnh ủy Biên Hòa phát động phong trào đấu tranh quân sự, chính trị kết hợp với công tác binh vận rộng khắp toàn tỉnh, kiên quyết phá bình định, phá ấp chiến lược của địch.

 

Đầu tháng 2-1964, đại đội 240 tỉnh Biên Hòa do đồng chí Phan Văn Trang trực tiếp chỉ huy kết hợp với bộ đội huyện Vĩnh Cửu và du kích liên xã tấn công, bao vây đồn Trị An, kêu gọi binh lính địch đầu hàng trở về với  gia đình, với cách mạng. Mất đồn Trị An, địa bàn Chiến khu Đ được mở rộng, tạo điều kiện cho bộ đội ta tiến vào hoạt động tấn công địch ở thị xã và sân bay Biên Hòa.

Đức Việt

 

 

 

 

Tin xem nhiều