Từ sự hỗ trợ của các nhà từ thiện, hai anh em Đỗ Khắc Hưng - Đỗ Khắc Khải (học sinh Trường THCS Mã Đà, xã Mã Đà, huyện Vĩnh cửu) đã có xe đạp đi học. Theo thời gian, chiếc xe đạp của hai em giờ đã cọc cạch, bung vè, hỏng thắng... Có hôm, Hưng và Khải phải vác xe lên vai băng rừng đến trường hoặc gửi tạm nhà dân ven đường.
Từ sự hỗ trợ của các nhà từ thiện, hai anh em Đỗ Khắc Hưng - Đỗ Khắc Khải (học sinh Trường THCS Mã Đà, xã Mã Đà, huyện Vĩnh cửu) đã có xe đạp đi học. Theo thời gian, chiếc xe đạp của hai em giờ đã cọc cạch, bung vè, hỏng thắng... Có hôm, Hưng và Khải phải vác xe lên vai băng rừng đến trường hoặc gửi tạm nhà dân ven đường.
* Quà... xe đạp
Trên đường đi công tác về xã Mã Đà, chúng tôi gặp Hưng và Khải đang công kênh chiếc xe đạp của mình, khi cả hai chỉ còn chưa đầy một cây số nữa là đến cổng trường. Hưng cho biết, nhà hai em ở đội 3, ấp 2, cách Trường THCS Mã Đà khoảng 20km. Để kịp giờ học, hai em phải thay phiên đạp xe, vượt qua hàng chục con dốc thẳng, len lỏi qua những cánh rừng, men theo những con đường mòn gập ghềnh. Trước kia, khi chưa được tặng xe đạp, Hưng phải dậy thật sớm để cuốc bộ ra đường DT761 chờ xe xin quá giang. Hưng cho hay, việc quá giang xe khỏe hơn đi xe đạp, nhưng rất dễ bị trễ học và về nhà muộn. Hưng nói: "Ngày nào không quá giang xe được thì em bỏ buổi học. Còn khi tan lớp, do cả nhóm tranh nhau xin quá giang nên có bữa phải đến 2 giờ chiều em mới về tới nhà, muốn xỉu vì bụng đói".
Chuyện của anh em Hưng, Khải (và nhiều học sinh khác ở Trường THCS Mã Đà) miệt mài đèo nhau bằng xe đạp đến trường được thầy Trần Hồng Phúc kể lại trong xúc động. Theo thầy Phúc, chiếc xe đạp giá chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng không phải gia đình nào trong xã cũng sắm được xe cho con đi học. Không có xe, các em phải len rừng bằng đôi chân, hoặc được gia đình chở ra đường chính rồi ngoắc xe máy, ô tô, xe tải xin quá giang đến trường. Thầy Phúc nói: "Đến nay, trường chúng tôi đã trao được 10 xe đạp cho học sinh nghèo. Những chiếc xe đạp này là niềm động viên, khích lệ những học sinh nghèo như anh em Hưng, Khải trong những năm học qua". Rồi thầy Phúc khát khao thay học trò của mình: "Hình ảnh học sinh Mã Đà nhễ nhại mồ hôi, cọc cạch đạp xe đến trường sẽ đẹp hơn nếu như các em được tặng xe nhiều hơn nữa".
Món quà xe đạp đến với học sinh nghèo vùng sơn cước Mã Đà quý giá hơn khi chúng tôi được anh Trần Huỳnh Hạt, Bí thư xã đoàn Mã Đà, kể lại chuyện tình cờ anh tìm được nhà tài trợ xe đạp cho các em. Anh Hạt nhớ lại, trong một lần đi câu cá giải trí, anh được một nhóm bạn từ TP.Hồ Chí Minh ngỏ ý sẽ góp tiền mua xe đạp tặng học sinh nghèo nơi đây, khi nhóm bạn câu cá này xúc động nhìn cảnh các em nhỏ áo trắng ngả màu, nhễ nhại mồ hôi trên những chiếc xe đạp cũ kỹ, không phanh trên đường. Anh Hạt cho hay, anh cứ nghĩ họ nói chơi, không ngờ hành động thật. Vài tháng sau, nhóm này thông qua UBND xã đã mang 20 chiếc xe đạp mới hiệu Martin xuống tặng. Số xe này sau đó được địa phương phân đều cho học sinh nghèo ở các ấp trong xã. Anh Hạt nói: "Hôm ấy, do bận công tác nên tôi không tham dự buổi trao tặng xe đạp cho các em. Sau này, tôi được cô Hà, cán bộ Mặt trận xã, nói lại là rất vui và rất xúc động. Họ hứa sẽ cố gắng vận động thêm nhiều xe đạp hơn để giúp đỡ các em". Cũng theo anh Hạt, chương trình học bổng tiếp sức cho học sinh nghèo dù chỉ vài trăm ngàn đồng/em trong suốt năm học, nhưng các em đón nhận rất phấn khởi, huống chi đó lại là những chiếc xe đạp mới có giá tiền triệu. Anh Hạt cho biết thêm, đến nay, xã Mã Đà đã tiếp nhận được 118 xe đạp do các mạnh thường quân gửi tặng học sinh nghèo và các em luôn xem đó là món quà ý nghĩa nhất trong quá trình vượt rừng tìm chữ của mình.
* Đẹp lắm, xe đạp ơi...
Từ ngày nhận được chiếc xe đạp mới do các anh trong nhóm câu cá trao tặng, em Nguyễn Thúy Hiền (lớp 6, nhà ở ấp 2, xã Mã Đà) có trách nhiệm chở em gái Nguyễn Thu Hồng (lớp 4) đều đặn 2 buổi đến trường học. Hiền cho biết, ngoài em gái, Hiền còn cho bạn Thịnh, Châu học cùng lớp quá giang, nếu gia đình các bạn này không đưa đón con. Dù phải chở 3 người nhưng chiếc Martin của Hiền vẫn bon bon trên đập thủy điện Trị An giữa trưa nắng. Hiền nói: "Em không thấy mệt. Dốc cao thì cả 3 cùng xuống dắt xe đi bộ. Dốc lài thì 2 người ngồi trên xe, một người vừa chạy, vừa đẩy phía sau nên vui lắm".
Cũng như Hiền, các em học sinh Trường THCS Mã Đà như: Nguyễn Thanh An (lớp 8/1), Phạm Thanh Phong (lớp 8/2), Điểu Tấn Hào (lớp 4)... đều biết chia sẻ món quà xe đạp của mình với các bạn trong lớp. Các em cho hay, đạp xe đi học một mình không vui bằng việc chở bạn đi cùng để chuyện trò suốt đoạn đường đến lớp. Gặp đường dốc thì cả hai cùng đạp; hết dốc thì thả trớn phăng phăng không thua gì xe đạp điện. "Hôm nào xe bị xẹp bánh thì em và bạn thay nhau dắt bộ. Như vậy, đỡ mệt và đỡ buồn hơn là một mình em lủi thủi dắt xe..." - Phong nói.
Đem câu chuyện "giấc mơ xe đạp" của học sinh nghèo về UBND xã Mã Đà, chúng tôi được bà Đậu Thị Ngọc Hà, Phó chủ tịch Mặt trận xã, cho biết trong những chuyến tháp tùng cán bộ các sở, ngành của tỉnh về Mã Đà công tác, bà bắt gặp sự xúc động của họ lúc chứng kiến cảnh hàng chục cánh tay của các trò nhỏ vẫy xin đi nhờ xe lúc tan trường. Chính hình ảnh đó mà khi có dịp về lại địa phương, họ không quên mang theo món quà xe đạp và học bổng gửi tặng các em. Cũng theo bà Hà, để tiếp sức cho học sinh nghèo Mã Đà, chính quyền và nhà trường đã lập khu nội trú, hỗ trợ kinh phí xe đưa đón đối với học sinh nghèo..., để bước chân đến trường của các em bớt vất vả. Tuy vậy, những cố gắng của nhà trường và địa phương cũng chỉ giúp được một phần nhỏ trước bao khó khăn mà học sinh nghèo nơi đây gặp phải. Bà Hà nói: "Hàng ngày, tôi vẫn còn nhìn thấy những cánh tay vẫy xin đi nhờ xe của các em. Vì vậy, chúng tôi cũng như các học sinh nghèo nơi đây rất cần những món quà xe đạp do những nhà từ thiện gửi tặng".
Cô Trần Thị Hòa, Hiệu phó Trường THCS Mã Đà bộc bạch, với những gia đình khá giả thì việc mua xe đạp, xe gắn máy cho con làm phương tiện đến trường là chuyện đơn giản. Nhưng với người dân nghèo ở xã Mã Đà, xe đạp loại rẻ tiền nhất (giá trị chỉ vài trăm ngàn đồng) mua tặng con vào đầu năm học cũng khó thực hiện. Cô Hòa cho hay, đó là điều có thật ở trường cô. |
Trên đường trở về TP.Biên Hòa, thêm một lần nữa chúng tôi đón nhận một thành viên nhỏ đang lóng ngóng bên gốc cây ven đường chờ xe quá giang. Em tên Hà Văn Nhật (lớp 6/1), từ cầu Mã Đà vào nhà em thêm 3km nữa. Sáng Nhật lội bộ ra đây đứng chờ xe quá giang đến trường. Tan lớp, Nhật thủng thẳng cất bước về và luôn đảo mắt nhìn lại phía sau, hễ thấy xe máy chạy tới thì vẫy tay xin đi nhờ. Nhật bày tỏ, nhiều lần em đòi bố mẹ mua xe đạp để em tự đạp đi học, nhưng bố mẹ nói không có tiền nên em không dám xin nữa. Nhật nói: "Mỗi ngày đi học em đều mang mũ bảo hiểm theo để các cô chú cho đi nhờ khỏi ái ngại. Chính nhờ mang theo mũ bảo hiểm nên em dễ dàng đón được xe hơn các bạn khác".
Đoàn Phú