Tại một công trình xây nhà dân dụng gạch cát ngổn ngang ở xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ), người đàn ông chăm chỉ dùng chiếc xẻng xúc cát để trộn hồ cho cánh thợ xây. Sau đó, anh lại tất tả quay sang bê gạch, mặc cho những giọt mồ hôi tuôn rỉ rả trên gương mặt hom hem, tràn qua sóng mũi. Anh tên Phạm Văn Hậu (44 tuổi, ngụ ở ấp 4, xã Sông Ray), cha của 5 đứa con đang trong tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới".
Tại một công trình xây nhà dân dụng gạch cát ngổn ngang ở xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ), người đàn ông chăm chỉ dùng chiếc xẻng xúc cát để trộn hồ cho cánh thợ xây. Sau đó, anh lại tất tả quay sang bê gạch, mặc cho những giọt mồ hôi tuôn rỉ rả trên gương mặt hom hem, tràn qua sóng mũi. Anh tên Phạm Văn Hậu (44 tuổi, ngụ ở ấp 4, xã Sông Ray), cha của 5 đứa con đang trong tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới".
* Không để con "đứt gánh giữa đường"
Năm 2005, tử thần đã cướp khỏi tay anh Hậu người vợ hiền đảm đang bằng một cơn bạo bệnh và để lại cho anh 5 đứa con thơ dại phải chăm sóc. Gia đình chỉ có mảnh đất nhỏ để cất nhà, anh Hậu phải làm đủ thứ nghề, cốt chỉ để nuôi con ăn học. Từ làm nông, bốc vác nông sản, khiêng thùng ong mật... đến nghề thợ hồ, hễ công việc nào kiếm được tiền lo cho 5 đứa con có đủ bữa cơm thì anh chẳng từ chối. Xóm làng thường gọi anh bằng cái tên thân mật "cậu Mười", họ quý mến cái đức tính hiền lành, chăm chỉ một mình "gà trống nuôi con" của anh.
Anh Hậu cho biết: "Tôi vào đây lập nghiệp từ năm 1976. Gia đình đông anh em, tôi là đứa thứ 10 nên mọi người hay gọi tôi là cậu Mười. Vợ tôi mất do bị bệnh suy thận. Khi ấy tôi phải bán ruộng đất để cứu chữa, nhưng...". Nói đến đây, giọng anh Hậu chùng lại, nơi khóe mắt có những giọt nước mắt lăn dài xuống sóng mũi. Bao năm nay anh cố nén những cảm xúc, những thú vui đời thường chỉ để hì hục kiếm tiền lo cho 5 đứa trẻ yên lòng ăn học.Không phụ lòng cha, các con của anh Hậu đều chăm ngoan, học giỏi.
Con trai lớn Phạm Nhật Trường (22 tuổi, đang học năm cuối Trường đại học Tôn Đức Thắng) của anh Hậu, 12 năm liền đều đạt thành tích học sinh giỏi của huyện, tỉnh. Ngày Trường nhận giấy báo trúng tuyển đại học, anh Hậu là người mừng hơn ai hết. Anh tâm sự: "Hay tin Trường đậu đại học, tôi vừa mừng vừa lo. Thằng bé sợ nặng gánh cho tôi nên nhất quyết xin nghỉ học để tìm việc làm phụ cha nuôi các em. Sau nhiều đêm trằn trọc suy tính, tôi quyết tâm không cho Trường bỏ học. Nhà tôi nghèo nên muốn thoát nghèo chỉ có con đường cho con cái ăn học thành tài". Ngày đưa con lên TP.Hồ Chí Minh nhập học anh phải căn dặn đủ điều, vì lo những cám dỗ chốn thị thành sẽ biến đứa trẻ thôn quê thành miếng mồi cho kẻ xấu lợi dụng. Trường lên đại học được 3 năm thì đứa con trai thứ 2 Phạm Thanh Phong của anh cũng đậu đại học. Đôi vai vốn đã nặng gánh cơm áo của anh Hậu càng trở nên khó nhọc hơn. Biết rõ khó khăn của ba, Trường và Phong vừa học vừa kiếm việc làm thêm để giảm bớt khó khăn trong đời sống, kiếm thêm chi phí trang trải việc học hành.
Noi gương các anh, Linh, Phương, Thắng (3 đứa con tiếp theo của anh Hậu) sau giờ học lại đi lấy hạt điều về bóc vỏ để phụ giúp ba kiếm tiền. Anh nói giọng nghẹn ngào: "Nhiều lúc thấy thương tụi nhỏ lắm. Con người ta được cho học thêm đủ thứ, trong khi con mình phải học một buổi, buổi kiếm tiền phụ ba. Thấy tôi cực quá, tụi nhỏ cứ đòi nghỉ học, nhưng nếu để chúng nghỉ ngang thì tương lai sẽ tối lắm. Bởi vậy, dù có nai lưng làm mười mấy tiếng/ngày tôi cũng phải cố".
* Tin vào tương lai
Trước đây, mọi việc trong gia đình đều có sự chia sẻ của người vợ đảm đang, nhưng từ khi vợ mất, anh Hậu phải gánh vác tất cả vì các con còn quá nhỏ. Từ những công việc nhỏ trong gia đình đến những việc kiếm tiền nặng nhọc, anh đều làm tất. Nhiều lúc hết việc ở công trình, anh còn đi làm thuê việc đồng áng cho người khác để kiếm ăn mỗi ngày. Linh, Phương, Thắng đi học cách nhà gần 5 cây số phải đi nhờ xe chúng bạn vì chiếc xe đạp cũ đã hỏng hóc. Có những lúc Trường và Phong thấy anh Hậu cực khổ quá nên định nghỉ học ở nhà phụ giúp ba. Nhưng nhờ thầy cô và hơn hết là ba, nhỏ to khuyên nhủ nên các em vẫn tiếp tục đến trường để hoàn thành giấc mơ trở thành kỹ sư.
Cuối năm nay, Trường sẽ tốt nghiệp ra trường ngành công nghệ thông tin, cũng là lúc Linh bước vào ngưỡng cửa đại học. Linh ngậm ngùi: "Thấy cha khó nhọc vì con nên tụi em phải cố gắng học. Học cho bản thân và học để thoát nghèo. Em đã làm xong hồ sơ thi vào trường đại học ngân hàng. Em muốn sau này kiếm thật nhiều tiền bằng chính năng lực và công sức của mình để bù đắp lại những vất vả của cha". Còn Phương, cô bé học sinh lớp 9 giỏi môn vật lý của tỉnh nuôi cho mình những hoài bão: "Em muốn sau này trở thành cô giáo dạy môn vật lý. Em không muốn đi làm xa gia đình, em muốn làm ở quê để còn phụng dưỡng ba lúc tuổi già". Sống trong nghèo khó nhưng những vất vả của anh Hậu đã được bù đắp lại bằng sự nỗ lực trong học tập, sự hiếu thảo của các con và sự giúp đỡ của địa phương.
Biết rõ hoàn cảnh của gia đình anh Hậu, chính quyền địa phương cùng hội khuyến học của xã đã đề nghị nhà trường xét miễn, giảm học phí cho các con anh. Gia đình anh Hậu cũng được địa phương xét vào diện xóa đói giảm nghèo, được trợ cấp vào mỗi dịp lễ, tết... Nhờ các con đều học giỏi, chăm ngoan nên vào năm 2007, Trường THCS Ngô Quyền (ở xã Sông Ray) đã xây tặng gia đình anh Hậu căn nhà tình thương để cha con anh ổn định chỗ ở. Chỉ tay về những bằng khen của các con được treo trang trọng trên vách, anh Hậu hớn hở nói: "Đây là động lực để tôi quên đi những nặng nhọc mà lao vào kiếm tiền nuôi con. Niềm vui của người cha, người mẹ chỉ vậy là đủ rồi. Mong sao, các con tôi khi trưởng thành sẽ không quên những tháng ngày khốn khó để sống có ích và biết quan tâm, chia sẻ với những người nghèo". Ông Trần Văn Cửu, trưởng ấp 4 tâm sự: "Gia đình anh Hậu thuộc diện nghèo và rơi vào trường hợp gà trống nuôi con. Tuy nhiên, bản thân anh luôn giáo dục nếp sống tốt cho các cháu, cố gắng nuôi con ăn học nên người. Phụ nữ mất chồng nuôi con đã khó, đàn ông mất vợ khi còn trẻ, lại ở vậy để nuôi con nên người như anh Hậu càng khiến chúng tôi khâm phục".
Bài học về cách sống, cách cư xử tốt đẹp ở đời luôn được anh Hậu gói gọn vào từng câu chuyện kể để chuyển tải đến các con. Và một ngày không xa, ngôi nhà nhỏ này sẽ có bóng dáng những kỹ sư, của nhà tài chính ngân hàng, của cô giáo và anh bác sĩ. Ước muốn ấy không chỉ của riêng anh Hậu và các con, mà đó còn là mong ước của nhiều người biết đến họ, khi thấy phía sau những tà áo trắng tinh khôi đều đặn đến lớp của Trường, Phong, Linh, Thắng... là hình dáng của người cha đang ngày ngày vất vả vì con.
Tùng Minh - Lan Hiệp