Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện ở xóm cưa bom

09:05, 17/05/2011

Cuộc sống khó khăn, họ bất chấp hiểm nguy mà lao mình vào những hố bom, khu quân sự đào bới trộm những mảnh bom, vỏ đạn còn sót từ thời chiến tranh để bán phế liệu. Hậu quả, người thì mất mạng, kẻ tật nguyền...

Cuộc sống khó khăn, họ bất chấp hiểm nguy mà lao mình vào những hố bom, khu quân sự đào bới trộm những mảnh bom, vỏ đạn còn sót từ thời chiến tranh để bán phế liệu. Hậu quả, người thì mất mạng, kẻ tật nguyền...

 

* Xóm cưa bom

 

Những người cao niên ở xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) cho biết, sau năm 1975, bom đạn, vật liệu nổ và các phế liệu, như: mảnh bom, vỏ đạn, kẽm gai, sắt thép... còn tồn dư, rơi vãi trên các cánh đồng, khu quân sự, đồn bót của ngụy quân, ngụy quyền ở vùng đất Xuân Tâm và các xã vùng ven rất nhiều. Lúc bấy giờ, do đời sống còn khó khăn, nhiều hộ dân đổ xô tìm đến đây thu nhặt phế liệu để bán. Ông Võ Văn Côi (ngụ ở ấp 1, xã Xuân Tâm) nhớ lại, nhóm rà tìm phế liệu của ông có 4 người, gồm: Phúc, Dũng, Lương, Côi. Trong thời gian liều mạng vì cuộc sống, hai ông Lương, Dũng bị nạn tử vong. Ông Côi bị thương nhẹ ở chân và sau đó thấy sợ nên cùng ông Phúc (anh rể) bỏ nghề. Ông Côi nói: "Chỉ cần chiếc máy rà phế liệu tự chế hơn một trăm ngàn đồng là làm được nghề này". Cũng theo ông Côi, công việc thu nhặt phế liệu còn sót lại sau chiến tranh có rất nhiều cách: dùng máy rà để phát hiện phế liệu nằm dưới lòng đất; đến các khu đồn bót cũ, các hố bom đào xới; lén lút vào khu quân sự để nhặt trộm...

 

Khu đồi Mỹ giờ là những cánh đồng, nương rẫy bằng phẳng, xen kẽ các hộ dân sinh sống.

Bằng kinh nghiệm của người chuyên sống bằng nghề thu lượm phế liệu từ những hố bom, ông Lương Thành Phong (61 tuổi, ngụ tại ấp 2, xã Xuân Tâm) cho biết, công việc của ông không nguy hiểm như những người rà tìm, cưa, đục bom, đạn lấy phế liệu, thuốc nổ. Hàng ngày, ông tìm đến các hố bom rồi dùng cuốc, xẻng đào bới các mảnh bom đã nổ đem về bán. Ông Phong bộc bạch, những hố nhỏ thường quả bom chỉ vỡ đôi, vỡ tư nên thu nhặt rất dễ. Trong khi đó, những hố sâu, to thì phải cần mẫn đào bới thu nhặt từng mảnh vụn kích cỡ chỉ bằng vài ngón tay, bàn tay. "Người thu lượm phế liệu kiểu như tui khi thấy bom đạn chưa nổ, còn nguyên thì tránh, không dám lại gần. Còn những người chuyên rà tìm bom, đạn để lấy thuốc, lấy kíp thì rất khoái món này. Vì vậy, chỉ cần sơ sẩy một chút là mất mạng ngay".

 

Mỗi ngày, những cư dân của xóm cưa bom thu nhặt phế liệu sắt thép các loại, hoặc lén lút lấy thuốc nổ bán cho những người hành nghề khai thác đá, đào giếng, đánh bắt cá từ các nơi khác đến, nhưng cuộc sống của họ vẫn khó khăn. Anh Trần Lư (ở ấp 2, xã Xuân Tâm) cho biết, do đời sống khó khăn, không có việc làm lúc nông nhàn nên dân địa phương mới liều lĩnh bắt chước, hoặc mềm lòng trước sự rủ rê của dân hành nghề này từ các nơi khác đến mà liều mình với việc rà tìm, cưa, đục bom đạn. Cứ vậy, người thành thạo chỉ cách cho người mới vào nghề và thành quả sau những ngày lao động suôn sẻ như ma lực đã lôi kéo cả xóm, làng ra các bãi bom, đạn để thu vét những gì còn sót lại sau chiến tranh, thậm chí họ còn lén lút, xâm nhập trái phép vào các khu vực trường bắn (đóng trên địa bàn xã Xuân Tâm) để tìm phế liệu. "Hơn 10 năm trước, dân địa phương sống bằng nghề này khá phổ biến nên ở đây được gọi là xóm cưa bom, nhặt phế liệu. Nay bom đạn không còn nên cũng không còn người làm công việc này nữa và tên gọi xóm cưa bom, phế liệu cũng dần phai nhạt"- ông Quảng Văn Thương, Trưởng ấp 2, xã Xuân Tâm cho biết thêm.

 

* Cuộc sống đổi thay

 

Khu Bằng Lăng (ấp 2, xã Xuân Tâm) trước kia nằm lọt thỏm giữa các bãi bom đạn. Vì vậy, với công việc thu nhặt phế liệu từ những hố bom, ông Năm Phong cũng kiếm đủ miếng ăn cho 10 người trong gia đình đắp đổi qua ngày. Ông Năm Phong cho biết, nay ông không còn sức để làm công việc này nữa. Các hố bom, đạn xưa giờ cũng được người ta san bằng để lấy đất sản xuất nông nghiệp. Ông Năm Phong nói: "Do đói khổ nên chúng tôi mới liều mạng để kiếm sống bằng cái nghề nguy hiểm này. Nay được chính quyền và bộ đội tuyên truyền khá nhiều nên mọi người đã ý thức được những nguy hiểm từ những công việc rà tìm, cưa, đục bom đạn. Tuy vậy, hiện vẫn còn một số người ngoan cố lén lút rà tìm bom, đạn để lấy sắt, thép bán phế liệu. Nhưng dù họ có cố gắng rà tìm, đào bới thì bom, đạn, phế liệu cũng chẳng còn".

 

Những người cưa bom, thu lượm phế liệu giờ đã bỏ nghề, làm công việc khác. Ảnh: Đ.PHÚ

Để cho chúng tôi chứng kiến sự đổi thay của người dân ở xóm cưa bom, ông Trương Công Lý, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Xuân Tâm, cử người dẫn chúng tôi vào khu vực Đồi Mỹ. Ông Lý còn thông tin thêm, hiện các dấu tích chiến tranh không còn nữa, các hố bom đạn đã được san phẳng để trồng tỉa. Khu vực này giờ trở thành những cánh đồng trồng màu bạt ngàn với bắp, đậu, lúa, cây công nghiệp và lấp ló phía xa là các xóm dân cư. Cái nghèo khó đã từng bước được đẩy lùi, công tác tuyên truyền vận động nhân dân luôn được chính quyền, đoàn thể cơ sở thực hiện thường xuyên nên không còn hiện tượng người người, nhà nhà rủ nhau vào Đồi Mỹ, các khu quân sự... rà tìm bom, đạn để lấy phế liệu, thuốc nổ như trước.

Ông VÕ VĂN CÔI bày tỏ, kể từ khi bị tai nạn (năm 2007, ông bị thương, còn ông Dũng thì tử vong), ông bỏ nghề rà tìm phế liệu. Ngoài cái chết của ông Dũng, ông đã chứng kiến trên 7 vụ nổ trái đạn trên địa bàn xã với 10 người chết, một số người bị thương. Trong đó, có những nạn nhân của bom đạn là trẻ chăn trâu, người nhặt phế liệu nhặt phải kíp nổ do những người cưa bom sau khi lấy thuốc, nhôm rồi vứt bỏ.

 

Đưa chúng tôi đi thực địa để xem xét những hố bom nhỏ dọc đường, ven các bờ suối, triền đồi, ông Trần Minh Quang (Trưởng ban công tác Mặt trận ấp 2) giải thích, phần lớn các hố bom đạn đã được nước mưa, người dân vùi lấp theo thời gian. Một số khác thì được người dân nạo vét thành ao nuôi cá, chứa nước để tưới tiêu nông nghiệp. Hơn nữa, do cuộc sống của đại bộ phận người dân nơi đây đã ổn định, không còn cảnh đất bỏ hoang, hộ nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất, tạo việc làm nên không còn cảnh "túng quá hóa liều", dẫn đến chuyện nhắm mắt mưu sinh từ những quả bom, đạn chưa nổ. Ông Quang bày tỏ, do địa phương làm tốt công tác truyên truyền nên những người dân trước kia chuyên sống bằng nghề cưa đục bom, đạn giờ đã hiểu biết việc làm này vi phạm pháp luật và rất nguy hiểm. Vì vậy, khi phát hiện bom, đạn, người dân đã kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng đến thu gom, chứ không còn cảnh tự ý cưa cắt lấy thuốc, phế liệu đem bán.

 

"Những tiếng nổ xé trời ngoài đồng và những cái chết thương tâm đã từng xảy ra trên địa bàn xã Xuân Tâm. Điều đó là quá đủ để cảnh tỉnh những ai còn cố tình rà tìm phế liệu, cưa bom đạn và nghịch phá những vật liệu nổ..." - ông Quang thổ lộ.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều