Báo Đồng Nai điện tử
En

Lớn mạnh theo cuộc trường chinh của dân tộc
Bài 5: Đánh bại giặc Mỹ xâm lược

09:05, 02/05/2011

Đồng Nai là chiến trường ác liệt, nơi tập trung một lượng lớn binh lực của quân viễn chinh Mỹ, quân chư hầu và quân ngụy. Nhưng với ý chí tiến công địch, lực lượng vũ trang (LLVT) Đồng Nai phối hợp với bộ đội chủ lực Miền, dân quân du kích và nhân dân liên tục tổ chức đánh địch, làm thay đổi cục diện chiến trường, góp phần cùng cả nước "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Đồng Nai là chiến trường ác liệt, nơi tập trung một lượng lớn binh lực của quân viễn chinh Mỹ, quân chư hầu và quân ngụy. Nhưng với ý chí tiến công địch, lực lượng vũ trang (LLVT) Đồng Nai phối hợp với bộ đội chủ lực Miền, dân quân du kích và nhân dân liên tục tổ chức đánh địch, làm thay đổi cục diện chiến trường, góp phần cùng cả nước "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

 

* Sáng tạo các hình thức tác chiến

 

Năm 1964, LLVT địa phương từ tỉnh đến huyện được tăng cường, củng cố tổ chức. Bên cạnh các cơ quan Tỉnh đội (như: tham mưu, chính trị, quân nhu, quân giới...), tỉnh còn thành lập trường quân sự đào tạo cán bộ và huấn luyện tân binh. Ở Biên Hòa, ngoài đại đội 240, ta thành lập thêm đại đội 245 và các đại đội công binh đánh giao thông đường bộ, đường sắt.

Tiến công sân bay Biên Hòa tháng 4-1975. Ảnh: T.L

Tháng 10-1964, các đơn vị vũ trang của Biên Hòa, Vĩnh Cửu phối hợp với các đơn vị đặc công, pháo binh Miền và Quân khu đánh phủ đầu vào sân bay Biên Hòa, tiêu hủy 59 máy bay, diệt và làm bị thương 293 tên địch, tiêu hủy 2 kho đạn, một kho xăng dầu. Chiến thắng sân bay Biên Hòa đã làm nức lòng quân dân cả nước và bạn bè thế giới, được Bác Hồ khen ngợi và tặng thưởng Huân chương quân công hạng nhất.

 

Sau thất bại nặng nề trên khắp chiến trường miền Nam, Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh và quân chư hầu vào miền Nam để thay quân ngụy, thực hiện chiến lược "chiến tranh cục bộ". Mỹ đã bố trí lại chiến trường, mở rộng sân bay Biên Hòa, xây dựng khu Long Bình thành tổng kho liên hợp quân sự lớn nhất miền Nam và tiếp tục xây dựng, mở rộng các căn cứ quân sự, trại huấn luyện trên địa bàn tỉnh.

 

Trước tình hình đó, tháng 9-1965, Trung ương Cục quyết định thành lập U1 (đơn vị chiến trường tương đương cấp tỉnh), gồm: thị xã Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu, do đồng chí Nguyễn Sơn Hà làm Bí thư, đồng chí Trương Văn Lễ làm Phó bí thư, đồng chí Trần Công An (Hai Cà) làm Tỉnh đội trưởng. Như vậy, đến cuối năm 1965, trên địa bàn Đồng Nai tồn tại 3 đơn vị cấp tỉnh (Biên Hòa, U1 và Bà Rịa - Long Khánh) với nhiệm vụ chuẩn bị địa bàn, củng cố và phát triển LLVT, sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu với quân viễn chinh Mỹ và chư hầu. Cùng thời gian này, đại đội 238 được thành lập với phần lớn những chiến sĩ đặc công có trình độ tác chiến tốt, trang bị đầy đủ vũ khí. Nhiệm vụ trọng tâm của C238 là đánh vào các căn cứ đầu não, sân bay, kho tàng của Mỹ - ngụy ở Biên Hòa.

 

Ngày 23-8-1965, được sự hỗ trợ tích cực của biệt động thị xã Biên Hòa, đoàn pháo binh Miền kết hợp với pháo binh thị xã Biên Hòa tiến công sân bay Biên Hòa lần thứ 2, phá hủy 68 máy bay các loại, 8 dàn hỏa tiễn, 30 xe quân sự, 22 bồn dầu, diệt và làm bị thương 300 quân Mỹ - ngụy. Những thắng lợi đó là đòn đánh phủ đầu quân viễn chinh Mỹ ngay khi chúng đặt chân lên đất Biên Hòa, khẳng định quyết tâm của quân và dân ta đánh Mỹ và thắng Mỹ.

 

* Đánh bại giặc Mỹ xâm lược

 

Từ cuối năm 1965, Mỹ - ngụy mở hàng trăm cuộc hành quân càn quét trên các tỉnh miền Đông Nam bộ nói chung và Biên Hòa, Long Khánh nói riêng. Bom đạn Mỹ đã hủy diệt từng cánh rừng lớn, đốt cháy hàng ngàn héc ta cao su nhằm đẩy lực lượng của ta ra xa, đồng thời mở nhiều cuộc phản công chiến lược đánh vào Chiến khu Đ và các cơ quan, căn cứ đầu não của cách mạng, gây cho ta nhiều tổn thất.

 

Từ đặc điểm của chiến trường, Tỉnh ủy Biên Hòa, U1, Bà Rịa-Long Khánh xác định nhiệm vụ của các Đảng bộ: quyết tâm đánh Mỹ; xây dựng LLVT, bảo vệ vững chắc căn cứ, địa bàn; phát triển du kích chiến tranh, tăng cường đánh phá các kho tàng của địch; thực hiện đấu tranh bằng 3 mũi (vũ trang, chính trị, binh vận) với sự kết hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Quán triệt nhiệm vụ này, các LLVT của tỉnh kết hợp với bộ đội chủ lực của Miền và Quân khu liên tục chiến đấu, giành nhiều thắng lợi mang tính quyết định. Tiêu biểu như việc đánh bại 2 cuộc phản công chiến lược mùa khô của địch vào các năm 1965-1966, 1966-1967; đánh thiệt hại nặng khu căn cứ liên hợp quân sự Long Bình; bẻ gãy nhiều cuộc càn quét của quân Mỹ và chư hầu vào Chiến khu Đ, khu lòng chảo Nhơn Trạch, xã Bình Sơn, xã Sông Ray..., gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề.

 

Cuối năm 1967, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương Cục đã giải thể các quân khu, thành lập 5 phân khu. Khu miền Đông giải thể, tỉnh Bà Rịa - Long Khánh và tỉnh Biên Hòa được bố trí lại. Biên Hòa được Trung ương Cục xác định là địa bàn trọng điểm của cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa ở miền Đông. Đồng chí Lê Đức Anh, Phó tư lệnh, tham mưu trưởng Miền đã trực tiếp xuống địa bàn triển khai kế hoạch tiến công, nổi dậy ở Biên Hòa, đồng thời chỉ rõ các mục tiêu tiến công, gồm: Bộ tư lệnh quân đoàn 3 ngụy, sân bay Biên Hòa, tổng kho Long Bình, Bộ tư lệnh dã chiến số 2 của Mỹ ở Long Bình, tòa hành chính tỉnh, Ty cảnh sát ngụy, chi khu Công Thanh, Đức Tu, Trảng Bom. Ở Long Khánh, các mục tiêu được chọn đánh trong đợt tổng tiến công là các khu quân sự và tòa hành chánh.

Bộ đội vượt sông La Ngà tiến về mặt trận Xuân Lộc. Ảnh: T.L

Cuối tháng 1-1968, các LLVT địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực tập trung cho thị xã Biên Hòa lên đến 15 ngàn người. Đúng giao thừa Tết Mậu Thân 1968, lực lượng ta đã nổ súng tấn công ở Biên Hòa và khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Sau một ngày đêm chiến đấu quyết liệt ở mặt trận Biên Hòa, các LLVT giải phóng đã loại khỏi vòng chiến 5.000 tên Mỹ - ngụy, phá hủy và làm hư hỏng 120 máy bay các loại, 127 kho bom đạn cùng nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Sau đợt 1 Xuân Mậu Thân, địch tập trung lực lượng thực hiện âm mưu "Bình định cấp tốc", xây dựng đồn bót, rải chất độc hóa học khai quang và tăng cường đánh phá cách mạng, khủng bố nhân dân, nhất là những gia đình chúng tình nghi là cơ sở cách mạng. Nhưng chúng không ngăn được ý chí tiến công của quân, dân ta trong đợt tổng công kích, tổng khởi nghĩa đợt 2 vào ngày 5-5-1968.

 

Phát huy những thắng lợi mang tính quyết định trên chiến trường, từ năm 1969-1972, phối hợp với các lực lượng bộ đội chủ lực Miền và Quân khu, các LLVT tỉnh đã thừa thắng xông lên giành nhiều thắng lợi lớn và đẩy địch vào tình trạng rệu rã. Những thắng lợi của ta trên chiến trường miền Nam kết hợp với chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" của quân dân Hà Nội và thắng lợi về ngoại giao đã buộc đế quốc Mỹ ký hiệp định Paris, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27-1-1973, rút hết quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam.

 

Sau hiệp định Paris, trước việc địch liên tục vi phạm hiệp định, chấp hành chỉ đạo của Bộ Chính trị, ngày 9-8-1974, Trung ương Cục miền Nam ra chỉ thị: Trong năm 1975 sẽ tạo một bước thắng lợi lớn, có ý nghĩa quyết định làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho ta, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

 

Trên tinh thần đó, từ tháng 1-1975, các LLVT của tỉnh không ngừng được củng cố, bổ sung, đẩy mạnh các hoạt động quân sự trên khắp chiến trường của tỉnh để hỗ trợ bộ đội chủ lực trên các mặt trận khác. Từ đây, ta lần lượt giải phóng các huyện Tân Phú, Định Quán, làm chủ quốc lộ 20; giải phóng và làm chủ các vùng ven thị xã Long Khánh; đập tan tuyến phòng thủ Xuân Lộc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thực hiện trọn vẹn ước mơ của Bác Hồ kính yêu "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào".

 

Đức Việt

 

 

Tin xem nhiều