Báo Đồng Nai điện tử
En

Những trận đánh làm bạt vía quân thù
Bài 4: Trận đánh "lừng lẫy khắp năm châu"

08:05, 12/05/2011

Giai đoạn năm 1964-1965, đế quốc Mỹ tăng cường leo thang chiến tranh ở Việt Nam bằng việc đưa quân Mỹ trực tiếp tham chiến ở chiến trường, nâng cấp sân bay Biên Hòa thành sân bay quân sự lớn nhất miền Nam. Từ đây, trận tập kích vào sân bay Biên Hòa của quân dân Biên Hòa đã giáng một đòn choáng váng vào quân xâm lược Mỹ.

Giai đoạn năm 1964-1965, đế quốc Mỹ tăng cường leo thang chiến tranh ở Việt Nam bằng việc đưa quân Mỹ trực tiếp tham chiến ở chiến trường, nâng cấp sân bay Biên Hòa thành sân bay quân sự lớn nhất miền Nam. Từ đây, trận tập kích vào sân bay Biên Hòa của quân dân Biên Hòa đã giáng một đòn choáng váng vào quân xâm lược Mỹ.

 

* Biến ý chí thành hành động

 

Mùa khô năm 1964-1965, Quân ủy Miền và Tỉnh ủy Biên Hòa đã xác định: "Để đánh và thắng Mỹ trên chiến trường Biên Hòa, lực lượng cách mạng, nhất là lực lượng vũ trang phải áp sát vào thành phố, thị xã, kéo căng địch ra mà đánh. Toàn quân, toàn dân đánh Mỹ đều khắp bằng mọi thứ vũ khí hiện có. Kết hợp ba mũi giáp công để tấn công địch trên mọi mặt trận, mọi lúc, mọi nơi".

 

Lực lượng đánh sân bay Biên Hòa trước giờ xuất kích. Ảnh: T.L

Để thực hiện quyết tâm này, đầu tháng 10-1964, Tỉnh ủy Biên Hòa đã cử cán bộ phối hợp với các trinh sát đặc công Miền đi điều nghiên địa hình sân bay Biên Hòa chuẩn bị cho trận đánh. Thông qua cơ sở nội tuyến của ta bên trong sân bay, lực lượng điều nghiên trận đánh đã nắm được nhiều thông tin, tài liệu quan trọng về lực lượng, sơ đồ, hệ thống bố phòng của địch ở sân bay để báo cho Bộ chỉ huy Miền nắm. Theo đó, sân bay Biên Hòa là một trong những sân bay quan trọng nhất của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, có diện tích trên 40km2 với 2 đường băng dài 3.600m và 1.000m. Bên trong sân bay được chia thành 6 khu vực, mỗi khu vực chứa từ 170-190 máy bay. Lực lượng địch thường xuyên có mặt trong sân bay trên 2.000 tên, gồm: giặc lái, nhân viên kỹ thuật, binh lính Mỹ và lính ngụy bảo vệ sân bay. Ngoài ra, trong sân bay còn có một đại đội pháo, một đại đội xe tăng, 2 tiểu đoàn lính dù và thủy quân lục chiến, một tiểu đoàn quân khuyển gồm 100 con. Sân bay có hệ thống chỉ huy, liên lạc hiện đại và hệ thống phòng thủ kiên cố, với nhiều lớp rào kẽm gai bùng nhùng chồng lên nhau dày khoảng 1.000m. Dưới lớp hàng rào, địch còn đặt nhiều loại mìn và pháo sáng khá nhạy (chỉ cần một con vật nào bò ngang mà chạm vào thì mìn phát nổ, địch sẽ phát hiện ngay). Chung quanh lớp hàng rào, cứ 100m có một lô cốt canh giữ. Ban đêm, sân bay được chiếu sáng bằng hệ thống đèn pha cực mạnh để cảnh giác sự xâm nhập từ bên ngoài. Từ sân bay này, không quân Mỹ đã mang bom đạn đi phục vụ các cuộc càn quét và gây nhiều tội ác với đồng bào ta ở miền Nam.

 

Nhận được báo cáo chi tiết về cách bố phòng của địch trong sân bay Biên Hòa, Bộ Tư lệnh Miền đã cử hai đồng chí Lương Văn Nho, Nguyễn Hồng Lam trực tiếp về Biên Hòa chỉ huy, tổ chức trận đánh. Thị ủy Biên Hòa, Huyện ủy Vĩnh Cửu đã cử các đội công tác đặc biệt hướng dẫn trinh sát pháo binh, bộ đội đặc công nhiều lần đột nhập vào sân bay điều nghiên tình hình và chọn địa hình bố trí trận địa pháo. Mọi công tác chuẩn bị đảm bảo bí mật tuyệt đối.

 

* Dội bão lửa xuống đầu quân xâm lược Mỹ

 

Sau khi kiểm tra lần cuối phương án trận đánh, kế hoạch tác chiến được thông qua, chiều 31-10-1964, từ căn cứ Chiến khu Đ, các lực lượng gồm: Đoàn 75 pháo binh Biên Hòa, bộ đội đặc công, bộ đội chủ lực của Miền và Quân khu, bộ đội địa phương của 2 huyện Tân Uyên, Vĩnh Cửu, đội vũ trang thị xã Biên Hòa, với vũ khí trang bị chỉ có 9 khẩu súng cối 81 ly, 2 khẩu ĐKZ 75 ly và một số cơ số đạn pháo, đã bí mật hành quân đến hốc Bà Thức (Tân Phong) đặt trận địa pháo, cách sân bay Biên Hòa khoảng 1km về phía Đông Bắc. Lúc này, mọi công tác chuẩn bị để giành hiệu suất cao cho trận đánh được các chiến sĩ thực hiện khá khẩn trương. Các mục tiêu quan trọng trong sân bay, như: bãi đậu máy bay, kho xăng dầu, vũ khí, trại lính... đã được đưa vào tầm ngắm của các loại pháo, cối của ta.

 

23 giờ 30 ngày 31-10-1964, lệnh tiến công vào sân bay Biên Hòa đã được chỉ huy trận đánh ban ra. Ngay lập tức, pháo ta đồng loạt gầm lên, bắn tấp nập vào các mục tiêu trong sân bay. Các quả đạn được rót chính xác vào từng mục tiêu khiến cho sân bay Biên Hòa chìm trong biển lửa, cháy sáng rực cả một góc trời. Cả thị xã Biên Hòa và các vùng phụ cận như rung lên vì những tiếng nổ long trời, lở đất. Chỉ trong vòng 15 phút tấn công với 130 quả đạn pháo, cối được bắn chính xác vào các mục tiêu, quân ta đã phá hủy 59 máy bay, trong đó có 21 máy bay B57 (loại máy bay tối tân nhất của Mỹ lúc bấy giờ mới được đưa từ Philippine sang để chuẩn bị đi gây tội ác ở miền Bắc), 11 máy bay AD6, một máy bay do thám U2; diệt và làm bị thương 293 tên địch (hầu hết là giặc lái và nhân viên kỹ thuật Mỹ); tiêu hủy và làm nổ tung 2 kho bom đạn lớn, 1 kho xăng, một đài quan sát và 18 trại lính.

Đại sứ Mỹ Taylor đứng chết lặng trước cảnh hoang tàn của sân bay Biên Hòa sau trận đánh.

Sau khi bị cú đánh bất ngờ như trời giáng này, sáng 1-11-1964, đại sứ Mỹ Taylor tức tốc đến sân bay Biên Hòa để rồi thẫn thờ nhìn xác những chiếc máy bay bốc cháy nằm ngổn ngang mà ngao ngán thở dài: "Rõ ràng, Việt cộng đã làm một việc chưa hề có... Tôi không muốn nhìn thấy cảnh tượng này nữa...". Chiến thắng sân bay Biên Hòa đã làm nức lòng bè bạn năm châu và nhân dân tiến bộ trên thế giới. Báo "Thế giới" của Cộng hòa liên bang Đức số ra vài ngày sau trận đánh đã nhận xét "Trận đòn của Việt cộng đánh vào sân bay Mỹ ở Biên Hòa làm cho các nhà quân sự ở Hoa Thịnh Đốn rất đau đầu. Người ta cho rằng, không cần có thêm gì nữa Việt cộng cũng có khả năng lập lại một cuộc tiến công như vậy vào các vị trí chiến lược quan trọng khác mà không bị thương vong một người nào. Việt Cộng ở Biên Hòa đã thực hiện một điều lý tưởng về chiến thuật quân sự là dùng phương tiện tối thiểu để thu được kết quả tối đa và gây tác hại hàng chục triệu USD cho không quân Mỹ".

 

Trận đánh vào sân bay Biên Hòa vào đêm 31-10-1964 được xem là một trận đánh táo bạo, bất ngờ, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Đây cũng là trận đánh đầu tiên của các lượng lượng vũ trang miền Nam vào một sân bay chiến lược của Mỹ kể từ lúc Mỹ đưa quân trực tiếp tham chiến tại Việt Nam. Sau trận đánh, lực lượng pháo binh Miền đã được tặng thưởng huân chương Quân công hạng nhất, loại huân chương cao nhất mà lần đầu tiên Đảng, Nhà nước tặng thưởng cho quân giải phóng ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bác Hồ kính yêu cũng đã làm bài thơ ca ngợi chiến thắng sân bay Biên Hòa:

 

"Uy danh lừng lẫy khắp năm châu

Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu

Thành đồng chiến thắng lay lầu trắng

Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu"

 

Đức Việt

 

 

 

 

Tin xem nhiều