Báo Đồng Nai điện tử
En

Rà điện đánh bắt cá tôm: SOS!

08:05, 12/05/2011

Hiện nay, chỉ cần bỏ ra trên 1 triệu đồng là ngư dân sẽ có ngay một bộ rà điện vừa cơ động vừa hiệu quả để đánh bắt cá, tôm... Chính loại "ngư cụ" mang tính hủy diệt cao này được ngư dân sử dụng ngày càng nhiều, đã và đang góp phần làm cho nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt...

Hiện nay, chỉ cần bỏ ra trên 1 triệu đồng là ngư dân sẽ có ngay một bộ rà điện vừa cơ động vừa hiệu quả để đánh bắt cá, tôm... Chính loại "ngư cụ" mang tính hủy diệt cao này được ngư dân sử dụng ngày càng nhiều, đã và đang góp phần làm cho nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt...

 

* Dòng điện nghiệt ngã!

 

Bây giờ, việc người dân dùng xung điện (rà điện) để rà chích cá tôm là chuyện thường ngày tại các vùng sông nước! Dân rà điện gần như thản nhiên "càn quét" cả ngày lẫn đêm trên đồng ruộng, dưới sông suối, ao hồ... Mùa mưa đến, nước băng đồng, họ rà điện trên bộ. Khi nước rút, thì dùng xuồng, ghe "tảo thanh" cá tôm, thậm chí "mò lặn" xuống tận... đáy sông, suối, ao hồ để rà chích!

 

Rà điện trên cạn.

Trong vai một dân rà điện đến đặt hàng, chúng tôi được ông chủ một cơ sở làm bình ắc-quy ở  TP.Biên Hòa ra giá: "Nếu anh đặt bình ắc-quy cải tiến thành điện xoay chiều có điện thế 220 volt thì...1 triệu 2 trăm ngàn đồng. Nhưng cỡ  này chỉ bắt được cá nhỏ, cá con ở tầm cạn. Còn anh đặt loại bình ắc-quy lớn, nối lại 2-3 bình với nhau, có điện thế trên 350 volt thì có giá 2 triệu 5 trăm ngàn đồng. Anh cứ xài loại "mạnh" này đi, tôi bảo đảm khi anh... chích, thì con cá cỡ vài  ba ký có... trốn sâu dưới nước 3-4m  cũng phải "nổ đầu", trồi lên mặt nước ngay!". Nghe ông chủ cơ sở làm bình ắc-quy nói tới đây, chúng tôi không khỏi giật mình, vì với điện thế cao như vậy, rủi bị giựt chắc là... toi mạng! Thấy chúng tôi có vẻ e ngại, ông chủ cơ sở này giải thích: "Ối dào! Anh đừng lo, tôi sẽ làm thêm một cái "rờ-le", trong lúc rà điện, lỡ anh có bị trượt, té ngã thì "rờ-le" sẽ tự động ngắt điện ngay!".

 

Được biết, những ngư dân sử dụng loại "ngư cụ" này đánh bắt thủy sản khá hiệu quả. Họ chỉ cần mang bình điện trên vai, hay lắp đặt dưới ghe, thuyền, hoặc chuyền dây dẫn điện để "lặn" dưới đáy sông rà chích tôm cá đều được. Chính nhờ tính năng cơ động và hiệu quả này mà ngày càng có nhiều ngư dân chuyển sang dùng xung điện để "hỗ trợ", hay thay thế các loại ngư cụ truyền thống. Thậm chí, có người còn mua sắm cả những chiếc ghe, xuồng "chuyên dụng" cho việc rà điện, trên đó họ lắp đặt... cả máy phát điện, bình ắc-quy, hệ thống biến thế! Một ngư dân chuyên rà điện ở bến đò Lạc An, huyện Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) cho rằng: "Để làm một chiếc xuồng có lắp đặt máy đuôi tôm và hệ thống rà điện phải mất trên chục triệu đồng. Bù lại, hiệu quả đánh bắt cá tôm khá cao. Bởi, nhờ có máy, xuồng có thể... lướt nhanh trên mặt nước, đi xa và len lõi được vào các ngóc ngách tại các vùng sông nước, chà cây rậm rạp, hoang vắng mà không sợ ai... phát hiện!".

 

* Đâu có cá tôm, đó có dân... rà điện!

 

Một sáng chủ nhật, nhân con nước đang lớn, đứng trên cầu Thủ Biên chưa đầy 30 phút, chúng tôi đã thấy dọc theo hai bên bờ sông Đồng Nai thuộc xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu và xã Lạc An, huyện Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) đã có đến 4 chiếc ghe "rà điện" đang vô tư... hoạt động! Dõi theo các ngư dân này, thi thoảng chúng tôi mới thấy họ "chích" được vài ba con cá nhỏ. Thậm chí, có chỗ ghe này vừa "rà" xong, thì lại có ghe khác tới..."chích" tiếp! Một anh nuôi cá bè trên sông  gần khu vực xã Lạc An bức xúc: "Ngày nào cũng có cả... chục ghe rà điện "quần" nát khu vực này! Nhiều khi thấy họ rà điện gần bè, sợ "tê" cá của mình mà mình cũng không dám... nặng lời, vì sợ họ...phá!".

 

Dọc theo con sông Thao chảy ra đập Bến Súc, thuộc khu vực giáp ranh hai xã Thiện Tân và Tân An (huyện Vĩnh Cửu) hầu như ngày nào cũng có nhiều ghe rà điện luồng lách dọc sông này để bắt cá tôm. Một cư dân đã sinh sống trên 20 năm tại đây cho biết: "Những người rà điện đa số là dân địa phương, thuộc diện nghèo, họ buộc phải kiếm sống bằng công việc này. Có lẽ chính quyền địa phương biết họ, nhưng... chịu! Mười mấy năm về trước, cá tôm ở con sông này làm gì cho hết. Từ khi có ba cái vụ rà điện, đánh thuốc bắt cá thì ở đây rong rêu cũng chẳng sống nổi, nói gì đến cá, tôm!".

 

Một chiếc ghe rà điện "chuyên dụng".

Ngay tại đoạn sông Đồng Nai trong nội ô TP.Biên Hòa, nhất là đoạn thuộc các phường Thống Nhất, Tân Mai và xã Hiệp Hòa, không ít lần chúng tôi bắt gặp một số ngư dân vẫn dùng lưới cào có câu dây dẫn điện để bắt cá tôm... Nếu phát hiện có lực lượng tuần tra trên sông, họ chỉ việc tháo dây dẫn điện ném xuống sông phi tang! Đó là chưa kể, không ít người dân sống trên các nhà sàn dọc bờ sông còn có sáng kiến là dùng điện nhà để bẫy cá, tôm. Họ giăng dây dẫn điện chằng chịt ngầm dưới nước, quanh các trụ đỡ sàn nhà. Sau đó, họ đứng trên sàn nhà chờ cho nước dâng, nếu phát hiện cá tôm vào "cái bẫy điện", họ cứ việc mở cầu giao điện và... chẳng có chú cá nào có thể thoát!

 

Đáng "nể" nhất là tại ngã ba Vàm, ở bến đò Hiếu Liêm, xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu). Không như những người rà điện trên mặt nước, nơi đây có nhiều người chuyên lặn mò bắt cá tôm dưới đáy sông bằng xung điện vào mùa khô, khi nước sông Đồng Nai trong xanh. Những chiếc ghe rà điện mà họ sử dụng có trang bị thêm hệ thống dây dẫn điện và ống dẫn dưỡng khí. Khi lặn, họ "ngậm" ống dưỡng khí, đầu đội đèn chiếu sáng, tay cầm "cần bắn điện" tự chế. Thời gian lặn có thể lâu cả tiếng đồng hồ và lặn sâu đến 4-5m! Thường vào lúc 2-3 giờ sáng, họ đã lặn mò chích cá tôm dưới đáy sông. Lợi dụng ban đêm, mắt của các loài cá tôm rất dễ "cảm quang" với ánh sáng từ ánh đèn soi nên chúng rất dễ bị phát hiện và bị tấn công bất ngờ. Một chị thường lui tới thu mua cá tôm của họ tỏ ra cảm thông khi cho rằng: "Họ lặn mò chích điện bắt cá tôm suốt đêm dưới đáy sông, cực khổ lắm! Đã vậy, càng ngày cá tôm càng ít đi, mỗi đêm họ kiếm được vài ba ký cá bé, cá tạp là mừng lắm rồi!".

 

Một buổi trưa nắng gắt, chúng tôi tình cờ gặp một người đàn ông tuổi trung niên, đang neo đậu ghe rà điện dưới bóng cây gần đập bến Súc để  ăn trưa. Ông ngao ngán, tâm sự: "Hồi đó, ở đập bến Súc này, tui chỉ cần "quần" vài tiếng đồng hồ thì cũng được cả chục ký cá". Nay do có quá nhiều người tham gia rà điện nên riết rồi cá tôm ở khúc sông này cũng chẳng còn! Từ sáng tới giờ, tui chèo ghe rà điện dọc hai bên bờ sông cả vài ba cây số mà chỉ được có mấy con cá rô phi nhỏ xíu, lỗ tiền xăng dầu, tiền sạc... điện!

 

* Ngăn chặn rà điện bằng cách nào?

 

Ngày 2-1-1998, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 01 nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để đánh bắt thủy sản... Đến nay, đã gần 13 năm trôi qua, nhưng xem ra việc thực thi chỉ thị này ở nhiều nơi vẫn còn chưa nghiêm, thậm chí có nơi lơ là, nên dân rà điện đánh bắt cá tôm mới có điều kiện hoành hành.

 

Ghe rà điện dưới sông.

Ai cũng biết, việc dùng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản là tận diệt luôn cả bầy cá nhỏ, cá bột, cùng các loài sinh vật có ích, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Đó là chưa kể, đây đó đã xảy ra nhiều trường hợp người rà điện bị thiệt mạng do dùng xung điện bắt cá tôm!

 

Tất nhiên, việc người dân dùng xung điện, chất nổ, chất độc... để đánh bắt thủy sản là hành vi vi phạm pháp luật cần được xử lý. Nhưng xét về hoàn cảnh xã hội, đa số là dân nghèo, vì cuộc sống mà họ đành... chấp nhận phạm pháp. Thiết nghĩ, ngoài biện pháp răn đe, chế tài bằng pháp luật, việc tiếp tục tổ chức tuyên truyền nội dung tinh thần Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ đến mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời vận động, giáo dục và có chính sách hỗ trợ, giúp vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng "rà điện chuyên nghiệp" chuyển nghề, tạo việc làm ổn định cho họp, cũng là những biện pháp tích cực nhằm hạn chế tình trạng rà điện, hủy diệt nguồn lợi thủy sản hiện nay.

 Lê Hoàng

 

 

                                                                              

 

 

Tin xem nhiều