Báo Đồng Nai điện tử
En

Cho em tình thương

10:06, 29/06/2011

Men theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ nằm trong khuôn viên của Trung tâm huấn nghệ cô nhi Biên Hòa, nơi đang nuôi dưỡng 26 đứa trẻ từ sơ sinh đến 4 tuổi bị đấng sinh thành bỏ rơi...

Men theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ nằm trong khuôn viên của Trung tâm huấn nghệ cô nhi Biên Hòa, nơi đang nuôi dưỡng 26 đứa trẻ từ sơ sinh đến 4 tuổi bị đấng sinh thành bỏ rơi...

 * Thiếu dòng sữa mẹ

Dáng người nhỏ nhắn và nụ cười thật hồn nhiên, nhìn bé gái khoảng 2 tuổi đang bi bô từng tiếng dễ thương, ít ai nghĩ em là một trong số các trẻ sớm gặp cảnh bất hạnh. Mẹ của Hồng Ngọc (tên đứa bé) trót mang thai em khi đang bị bệnh tâm thần. Sau khi Hồng Ngọc chào đời, các cán bộ thuộc Chi cục Bảo trợ xã hội đã làm thủ tục đưa bé vào Trung tâm Huấn nghệ cô nhi Biên Hòa để các cô bảo mẫu chăm sóc. Cũng như bao đứa trẻ sống tại đây, bé Ngọc rất ngoan và khát khao được nằm gọn trong vòng tay ấm áp của người lớn. Cô Nguyễn Thị Bảy, người trực tiếp chăm sóc các bé tại trung tâm, cho biết: “Phần lớn các em vào đây đều có hoàn cảnh éo le, bị bỏ rơi nên từ lúc mới sinh ra không em nào biết đến dòng sữa mẹ…”. Kể cho tôi nghe về trường hợp của bé Nguyễn Thanh Sang (1 tháng tuổi), mới được đưa vào trung tâm chừng 4 ngày, cô Bảy không giấu được sự xúc động: “Bé được phát hiện bị bỏ rơi ở Bệnh viện nhi Đồng Nai. Có lẽ do sinh thiếu tháng nên người bé èo uột và kèm theo chứng bệnh về hô hấp, suy tim…”.

Họ sống là để chắp vá những mảnh đời bất hạnh hằng mong tương lai các em sau này sẽ tươi sáng hơn… Ảnh: T.Minh
Họ sống là để chắp vá những mảnh đời bất hạnh hằng mong tương lai các em sau này sẽ tươi sáng hơn… Ảnh: T.Minh

Vì những lý do nào đó nên những bậc làm cha, làm mẹ của các bé đã không thể giữ lại khúc ruột do chính mình tạo ra. Tuy nhiên, cũng không thể không nhìn nhận lại sự vô tâm, thiếu trách nhiệm của những người đã đang tâm bỏ những đứa trẻ còn quá nhỏ này để tìm sự thanh thản… Ông Võ Ngọc Ẩn, Giám đốc trung tâm, cho biết: “Nhiều em mới đưa vào đây cơ thể rất non yếu, thậm chí có không ít em chưa được cắt rốn mà đã bị cha mẹ vứt bỏ. Suy cho cùng, đó là sự vô tâm và người chịu thiệt thòi hơn ai hết là đứa con do họ rứt ruột sinh ra”.

Có một điểm chung là các bé ở trung tâm không hề ngại tiếp xúc với người lạ. Các em luôn quấn quanh khách đến thăm, không ít em còn tỏ vẻ giận dỗi vì không được người lớn ngó đến. Đứng nép mình bên góc tường, bé Nguyễn Thị Mai nghe cô bảo mẫu gọi lại chào khách đã nhoẻn miệng cười rồi khoanh tay chào mọi người. Nghe mọi người hỏi về mẹ, Mai nhìn xung quanh như không hiểu điều gì. Dường như 3 năm chưa một lần gần gũi mẹ, khiến tiếng gọi thiêng liêng ấy đã trở nên lạc lõng, xa lạ đối với bé và các bạn sống nơi đây…

* Nguyện chắp vá đời em

Trong ngôi nhà nhỏ này hiện có 10 bảo mẫu luân phiên chăm sóc cho các em. Những ngày lễ, Tết, các cô luôn phải túc trực bên các bé như thể chính mình là mẹ ruột. Trong số những bảo mẫu có thâm niên làm việc ở trung tâm, có những người còn rất trẻ. Như cô Đỗ Thị Nhài, mới 25 tuổi nhưng đã có 5 năm làm công việc chăm sóc các bé bất hạnh ở trung tâm. Nhài chưa có gia đình, cũng chưa từng làm mẹ, nhưng tiếng cười, tiếng khóc của trẻ thơ đã cuốn hút Nhài, khiến cô không đành lòng xa rời các bé để tìm cho mình công việc khác.

Nhài tâm sự: “Em chỉ cố gắng làm tốt công việc của mình thôi. Các bé ở đây đều bị bỏ rơi, nếu làm không tốt để bù đắp lại những bất hạnh cho các em thì tội lắm…”. Nói đến đây, Nhài chạy đến ôm chầm lấy đứa trẻ đang bước ra thềm cửa. Thằng bé ngọ nguậy, khóc ré lên không chịu để Nhài bế vào nhà. Sau khi được vuốt ve dỗ dành, lát sau cậu nhóc ngoan ngoãn bước vào nhà trong chơi cùng đám bạn. “Phải dụ ngọt các cháu mới chịu nghe lời, chứ mình mà lớn tiếng quát nạt thế nào cũng làm các cháu hoảng sợ rồi khóc thét lên” - Nhài bộc bạch.

Những đứa trẻ khát khao tình ruột thịt vì bị bỏ rơi từ thuở mới chào đời.    Ảnh: T.Minh
Những đứa trẻ khát khao tình ruột thịt vì bị bỏ rơi từ thuở mới chào đời. Ảnh: T.Minh

Ngôi nhà nhỏ này gồm 6 gian phòng, trong đó có 1 sân chơi khá sạch thoáng, an toàn cho các trẻ nhỏ. Các cô bảo mẫu ở đây phải đảm trách các công việc nuôi dạy trẻ không khác gì người mẹ đang chăm lo cho con. Họ luân phiên làm việc 8 tiếng mỗi ngày và chia thành 3 ca để dễ dàng chăm nom các bé. Cô Bảy chia sẻ: “Mình phải làm việc bằng chính cái tâm chỉ mong bù đắp lại những mất mát tình thương mà các cháu đã không có được từ cha mẹ. Tội lắm, nhắc đến 2 tiếng cha mẹ đứa nào cũng ngây ngô, không hiểu đó là gì…”.

Đang nói chuyện, bỗng có đứa trẻ bị ngã do nghịch phá, cô Bảy vội chạy đến ôm chầm lấy rồi xoa nắn chỗ đau cho em. Thằng bé nằm gọn trong vòng tay của cô Bảy rồi nín khóc và dần chìm vào giấc ngủ. Quay sang nhìn tôi, cô Bảy cười nói: “Trẻ con là vậy, khóc đấy rồi nín đấy. Ngoan thế này mà ai nỡ đành lòng bỏ rơi kia chứ…”. Trong giấc mơ, thằng bé thi thoảng cười bất chợt. Tôi bước chân ra cửa, để lại phía sau lưng một bầu trời dịu mát, nơi có tiếng khóc, cười của trẻ thơ trong vòng tay sưởi ấm của các cô bảo mẫu…         

Tùng Minh



Tin xem nhiều