Báo Đồng Nai điện tử
En

Đắc Lua xa xôi
Bài cuối: Khát vọng Đắc Lua

10:06, 05/06/2011

Chính quyền và nhân dân xã Đắc Lua hiện có 3 điều khát khao: chiếc cầu tại ấp 10, hệ thống kênh mương nội đồng và những dự án nông thôn mới sớm được đầu tư để thay đổi diện mạo, đưa Đắc Lua thoát khỏi cảnh xa xôi, biệt lập.

Chính quyền và nhân dân xã Đắc Lua hiện có 3 điều khát khao: chiếc cầu tại ấp 10, hệ thống kênh mương nội đồng và những dự án nông thôn mới sớm được đầu tư để thay đổi diện mạo, đưa Đắc Lua thoát khỏi cảnh xa xôi, biệt lập.

Cây bắp lai đang được nông dân Đắc Lua luân canh theo kiểu hai vụ bắp, một vụ lúa. Ảnh: Đ.Phú

Cây bắp nơi “rốn” lũ

Đắc Lua vốn được xem là “rốn” lũ của huyện Tân Phú và trận lũ những năm 1998, 2000, 2001 đã giìm Đắc Lua trong biển nước. Là xã đặc biệt khó khăn nên mỗi khi cơn lũ đi qua, Đắc Lua càng thêm xơ xác. Ông Hà Văn Dự (nguyên thường trực Đảng ủy xã) cho biết, sau trận lũ dữ dội năm 2001, mãi đến nay Đắc Lua vẫn chưa có trận lũ nào tương tự. Cũng nhờ vậy, người dân mới có điều kiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo ý muốn. Ông Dự nói: “Để sống chung với lũ, Đảng ủy và chính quyền xã Đắc Lua đã vận động nhân dân tập trung sản xuất những cây trồng ăn chắc, thu hoạch sớm trước khi lũ về. Nhưng do sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc vào nước trời nên đời sống của nhân dân trong xã vẫn còn bấp bênh, số hộ đói nghèo còn nhiều”.

Từ năm 2002, nông dân xã Đắc Lua đã làm quen với cây bắp lai. Nhưng để đưa cây trồng này vào tập quán sản xuất của nông dân, khi mà hệ thống kênh mương thủy lợi của xã còn rất hạn chế, Đảng ủy xã phải đưa cây bắp lai vào nghị quyết như là cây trồng chủ lực. Đồng thời, chỉ đạo chính quyền, đoàn thể, các chi ủy, đảng viên phải nghiêm túc thực hiện nên cây bắp lai mới dần có chỗ đứng. Khi cây bắp trụ được trên vùng lũ Đắc Lua thì diện tích cây lúa và các cây trồng kém năng suất khác dần bị thu hẹp. Ông Đào Huy Tỉnh, Chủ tịch UBND xã, cho hay: “Cây bắp lai hiện chiếm gần như tuyệt đối diện tích đất sản xuất trên địa bàn xã. Nhưng lúc mới đưa cây bắp ra trồng thí điểm, địa phương vấp phải khó khăn do nông dân áp dụng sai quy trình, cây bắp kém năng suất nên họ không muốn trồng cây này. Đảng ủy xã sau đó đã phải ra nghị quyết, quyết liệt chỉ đạo địa phương, nếu nông dân nào không đồng hành trồng bắp lai thì bộ phận thủy nông của xã sẽ cắt nước, chính quyền không hỗ trợ vốn để sản xuất. Đặc biệt, đảng viên nào không đồng thuận trồng bắp lai thì chi bộ cơ sở đó phải có trách nhiệm đôn đốc hoặc xếp loại đảng viên yếu kém. Từ đó, cây bắp mới có chỗ đứng và cho năng suất ngày một cao”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Chuyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết thêm, cây bắp lai thật sự đã góp phần giúp người dân Đắc Lua xóa đói giảm nghèo, vươn lên ổn định. Để cây bắp lai có chỗ đứng trên vùng đất này, ngoài việc được sự chỉ đạo đôn đốc và kiên quyết của cấp ủy Đảng, chính quyền, một yếu tố vô cùng quan trọng kích thích nông dân trồng bắp lai là sự quan tâm đầu tư hệ thống kênh mương (kiên cố và tạm thời) của cấp trên. Ông Chuyền nói: “Hiện tại, trên địa bàn xã có 40% diện tích đất nông nghiệp sản xuất được 3 vụ/năm. Số còn lại nông dân chỉ sản xuất được một vụ bắp, một vụ lúa nhưng vẫn còn bấp bênh. Nguyên nhân là do thiếu hệ thống nước tưới mùa khô và tiêu nước vào mùa mưa. Chính vì vậy, nông dân Đắc Lua hiện đang rất cần được huyện, tỉnh tiếp tục hỗ trợ đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp”.

Cần thêm nhịp cầu

“Ngoài nhu cầu cấp thiết về hệ thống kênh mương thủy lợi, những năm qua, xã Đắc Lua liên tục đề xuất cấp trên ưu tiên đầu tư cho địa phương một chiếc cầu nối liền hai bờ Đắc Lua với xã Quảng Ngãi (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng)” - ông Đào Huy Tỉnh cho biết thêm. Bởi theo ông Tỉnh, để vào - ra xã Đắc Lua hiện có 5 ngả đường, gồm: vượt phà ấp 10 của ông Thoa, ông Tuấn; bến phà ấp 7 của ông Phúc; bến phà ấp 5 của bà Oanh; bến phà ấp 6 của ông Rong và bến phà ấp 10 của ông Hạnh. Tuy nhiên, cả 5 ngõ đường này đều phải vào - ra bằng đò (còn có một cửa nữa để vào xã Đắc Lua từ xã Nam Cát Tiên, nhưng đây là đường nội bộ của rừng cấm Cát Tiên). Chính vì vậy, có một cây cầu bê tông kiên cố vượt sông để ra - vào Đắc Lua luôn là sự khát khao cháy bỏng của người dân nơi đây.

Bao giờ Đắc Lua thoát được cảnh đò ngang như thế này? Ảnh: Đ.Phú

Hai ông Tuấn, Thoa (chủ bến phà ấp 10) cho biết, dựa vào chiếc đò ngang này mà hai ông đã nuôi được 8 đứa con học đại học, cao đẳng tại TP.Biên Hòa và TP.Hồ Chí Minh. Cũng từ công việc đưa đò hàng ngày mà hai ông thấu hiểu sự chờ đợi, gian truân của người dân Đắc Lua mỗi khi có nhu cầu rời xã để đi chợ, đi học, vận chuyển nông sản... “Chúng tôi cũng khát khao có được chiếc cầu để thuận tiện cho mọi người đi lại. Cho dù điều này sẽ tác động không ít đến công việc mưu sinh của chúng tôi” - ông Tuấn nói. Riêng ông Thoa thì bộc bạch, mới đầu cha của ông chỉ khai phá nơi đây để làm bến nước tắm giặt, tưới cây. Dần dần, người dân có nhu cầu qua lại nên gia đình ông chuyển sang đưa đò. Sau đó, cha của ông giao chiếc đò lại cho ông để ông tiếp tục công việc mưu sinh và nuôi con ăn học. Ông Thoa nói: “Tuy vậy, tôi cũng như mọi người, vẫn khát khao có được chiếc cầu bắc sang Đắc Lua để thay cho những chiếc đò ngang bất tiện, tốn kém và hiểm nguy luôn chực chờ”.

Chở phía sau xe máy những buồng chuối nặng trĩu để chuẩn bị qua bên kia bờ bằng cầu phao của bà Oanh tại ấp 5, ông Nguyễn Văn Học (huyện Cát Tiên) cho hay, vì bên Đắc Lua đường sá trắc trở nên giá chuối xanh rất rẻ. Riêng các mặt hàng nông sản khác thì bao giờ cũng được thương lái thu mua thấp hơn so với bên kia sông vài ngàn đồng/kg. Trong khi đó, ở bên bờ đối diện, anh Bá Kiên phải kiên nhẫn chờ ông Học chở hàng qua sông rồi mới đến lượt mình xuống đò qua Đắc Lua. Sang bên xã Đắc Lua, anh Bá Kiên cho biết: “Do trong xã chưa có đại lý phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đa dạng, giá bán cũng đắt hơn bên huyện Cát Tiên nên anh phải vượt sông sang huyện Cát Tiên mua thuốc, phân về phun bắp, bón lúa để giảm chi phí”. Tuy vậy, khi qua bên huyện Cát Tiên mua, anh phải chịu khoản chi phí tiền xăng giá 22-25 ngàn đồng/lít nếu muốn sang bên kia bờ bằng xe gắn máy.

Ông LÃ PHÚ QUÂN, Bí thư Đảng ủy xã cho hay, tuy xa trung tâm huyện nhưng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Đắc Lua vẫn quyết tâm thoát khỏi vị thế một xã nghèo, bằng nội lực của chính mình và từ sự tận dụng có hiệu quả các chương trình đầu tư của trung ương, địa phương. 3 điều khát vọng mà nhân dân xã Đắc Lua mong chờ cấp trên đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội: chiếc cầu, hệ thống kênh mương nội đồng và chương trình nông thôn mới.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết tất cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tiêu dùng tại xã Đắc Lua đều được bán giá cao hơn so với tại trung tâm huyện Cát Tiên từ 5-10%. Còn giá mua vào cũng chênh lệch chừng ấy. Riêng các mặt hàng xây dựng, như: đá, xi măng, sắt thép, thì cao hơn 10%. Theo ông Lê Văn Hải, Phó chủ tịch UBND xã Đắc Lua, những cái khó của địa phương đều xuất phát từ giao thông đi lại, vận chuyển hàng hóa khó khăn. Do đó, một chiếc cầu nối liền đôi bờ để gỡ khó hiện là khát vọng, là giải pháp quyết định đối với sự phát triển của Đắc Lua.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều