Báo Đồng Nai điện tử
En

Định cư trên vùng đất khát

09:06, 12/06/2011

Khu Đồi 57, ấp Suối Râm, xã Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) được ví như vùng đồi khát, đồi cằn. Để cải hóa ngọn Đồi 57 hoang sơ thành xóm làng, khu dân cư đông đúc, những cư dân tứ xứ về đây lập nghiệp đã kiên trì bám trụ với một khát vọng cháy bỏng: Cuộc sống sẽ sớm đổi thay nhờ cần cù lao động.

Khu Đồi 57, ấp Suối Râm, xã Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) được ví như vùng đồi khát, đồi cằn. Để cải hóa ngọn Đồi 57 hoang sơ thành xóm làng, khu dân cư  đông đúc, những cư dân tứ xứ về đây lập nghiệp đã kiên trì bám trụ với một khát vọng cháy bỏng: Cuộc sống sẽ sớm đổi thay nhờ cần cù lao động.

 

* Sự sống trên vùng đất khát

 

Đường vào Đồi 57 tuy được chính quyền xã Long Giao đầu tư, duy tu nhưng vẫn chưa đủ sức chống chọi lại sự bào mòn, sạt lở của dòng nước từ trên cao tuôn xuống. Chính vì vậy, giao thông giữa Đồi 57 với bên ngoài càng thêm khó khăn (chỉ có phương tiện xe gắn máy mới len theo các triền đá để ra bên ngoài). Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khu Đồi 57 bộc bạch, về giao thông, dân cư Đồi 57 vẫn có thể hợp lực cùng địa phương khắc phục từng năm. Nhưng nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của trên 150 hộ dân Đồi 57 hiện vẫn chưa có giải pháp. Bởi, đã có rất nhiều dự án, nhà khoa học đến đây thăm dò địa chất, hàng chục mũi khoan được khoan sâu vào lòng đất nhưng vẫn không tìm ra nước. "Ngay cả ý tưởng xây dựng hồ chứa nước trên đồi cũng bị thiên nhiên bác bỏ vì tầng đất nơi đây không thể giữ được nước lâu ngày"- ông Tiến nói.

Do thiếu điện nên vẫn còn cảnh quay nước giếng để tưới tiêu và sinh hoạt tại Đồi 57.

Không có nước tưới cây, cư dân Đồi 57 chủ yếu sản xuất màu và dựa vào nước trời. Riêng nước sinh hoạt, khi mùa nắng đến thì 2/3 dân cư ở Đồi 57 phải gồng gánh ra bên ngoài hoặc tìm đến những nơi khác có nước ngầm để mua về sử dụng. Theo ông Nguyễn Văn Sửu, Chủ tịch UBND xã Long Giao: Đồi 57 chiếm gần 1/4 diện tích đất tự nhiên của xã (trên 600 hécta). Thu nhập chính của dân cư trong đồi chủ yếu sản xuất nông nghiệp, với các cây trồng: điều, bắp, đậu và chăn nuôi gà, bò. Việc nuôi heo hay trồng các loại cây cho thu nhập cao (như: chôm chôm, sầu riêng, cà phê...) ở đây không thể thực hiện, vì vào mùa nắng bị thiếu nước trầm trọng".

 

Vậy mà, chỉ sau vài cơn mưa đầu mùa, màu xanh ở Đồi 57 nhanh chóng quay trở lại. Những thửa bắp lai, mì, đậu... với một màu xanh mơn mởn chạy dọc theo các triền cao và leo lên cả đỉnh đồi. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Nhật Nam (nông dân tổ 8) cho hay, để lập nghiệp trên vùng đất khô khốc này, ông và nhiều nông dân khác tìm mọi cách đưa nguồn nước về cung cấp cho cây trồng, vật nuôi. Năm 1990, ông Nam đã mạnh dạn đào khoét vài miệng giếng mới tìm được ít nước tưới cho 250 cây cà phê. Thời điểm này, Đồi 57 chưa có điện, gia đình ông cũng không có tiền để mua máy bơm để tưới cây. Để chống chọi với nắng hạn nơi đồi cao, vợ chồng ông Nam kiên trì quay tay từng thùng nước đem ra vườn tưới. Ông Nam bày tỏ, ông là một trong số gần 40 hộ dân may mắn sinh sống tại khu vực có một ít nước ngầm. Còn những khu vực khác có khi đào nát vườn cũng không tìm ra được mạch nước. "Nhưng để tồn tại nơi vùng đất này, chúng tôi phải tìm mọi cách để trồng trọt, chăn nuôi, tích nước, thông đường và quyết chí biến sỏi đá thành cơm"- ông Nam nói.

 

* Vượt khó từ ý chí

 

Trải qua hơn 20 năm dặm trường lên Đồi 57 khai hoang lập nghiệp, ông Lê Nhật Nam đã từng bước cải hóa vùng đất cằn cỗi nơi đây thành màu xanh của 3,5 hécta cà phê, tiêu, điều và chăn nuôi được15 con bò. Ông Nam tâm sự, có giai đoạn tưởng chừng ông đã gục ngã, phải dắt díu vợ con rời Đồi 57 đi nơi khác lập nghiệp. "Bệnh tật không có tiền mua thuốc; ăn uống kham khổ, phải độn thêm khoai, bắp; trồng cây thì phải quay từng thùng nước giếng để tưới... Thời kỳ này, mọi người đều giống nhau cảnh khó nghèo" - ông Nam nhớ lại.

Để trữ nước, gia đình anh Trần Vĩnh Thanh đào hồ trên cao và thiết kế chằng chịt hệ thống dây xả nước trong tưới tiêu.              

Trường hợp của gia đình anh Hồ Văn Tuấn và chị Trần Thị Mai cũng không khác so với gia đình ông Nam. Năm 1989, sau khi vét hết lưng vốn được 100 ngàn đồng, vợ chồng anh chị mới được ông Năm Thái (tổ 4) sang nhượng cho 5 sào đất trống (khi cả hai dạt về Đồi 57 lập nghiệp). Để bám trụ vùng đất này, gia đình anh luôn chắt chiu từng giọt nước của trời tháng tư, tháng năm để gieo hạt. Cả hai còn tranh thủ đi làm mướn cho các hộ khác trong vùng và cố xen những dây tiêu vào những thân cây điều để tìm sự sống. Chị Mai cho biết, đến tận bây giờ, nơi chị ở vẫn không có nguồn nước tưới. Còn nước sinh hoạt vẫn phải mua về sử dụng hoặc hứng nước mưa. Vậy mà cây tiêu chị trồng vẫn xanh tốt và cho thu hoạch được vài tạ/năm."Tôi trồng tiêu bám thân điều, gòn để chúng dựa nhau mà sống. Không có nước tưới thì thiên nhiên kết tạo chúng lại với nhau để chia sẻ từng giọt sương, hơi nước từ đá"- chị Mai bộc bạch.

Ông NGUYỄN VĂN SỬU, Chủ tịch UBND xã Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) cho hay: Nước sinh hoạt, tưới tiêu, đường giao thông đã cản ngăn sự phát triển kinh tế, đời sống của dân khu Đồi 57. Tuy nhiên, trong sự khó khăn chung đó, một nghị lực sống, lao động, chống chọi với thiên nhiên của dân Đồi 57 thời gian qua thật đáng trân trọng. Nhờ vậy, màu xanh và sự no đủ nơi đây đang sinh sôi.

 

Trong khi đó, khu vườn 2,6 hécta của gia đình anh Trần Vĩnh Thanh (ở tổ 3) vẫn không kém màu xanh của cây điều, cà phê, tiêu, cây ăn trái. Anh Thanh cho hay, cũng từ lưng vốn ít ỏi khi vào đây lập nghiệp, anh dần cải tạo khu vườn của mình theo hình thức "lấy ngắn nuôi dài". Nơi cao thì anh Thanh trồng cây điều, tiêu và lập hồ dã chiến để tích nước. Chỗ thấp thì anh trồng cà phê, cây ăn trái. Sau khi đào vài miệng giếng, vườn nhà anh cũng tìm được ít nước để tưới cây. Để có lượng nước tích lũy tưới cho cây trồng, anh Thanh thiết kế liên hoàn hệ thống tưới từ mái nhà (hứng nước mưa) ra hồ chứa, rồi từ hồ chứa tủa ra vườn cây. Anh Thanh nói: "Thiên nhiên nơi đây tuy thách đố con người nhưng cũng chính thiên nhiên dạy cho chúng tôi sự nhẫn nại, tìm tòi và ý chí vượt khó mà ở nơi khác không có được. Vì vậy, để tồn tại, nông dân Đồi 57 đã dùng mọi cách để tìm nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và tưới tiêu".

 

Trưởng khu Đồi 57 Nguyễn Văn Tiến cho biết thêm, phần đông dân cư ở Đồi 57 từ nhiều địa phương trên cả nước về đây lập nghiệp. Trong số trên 150 hộ dân tại đây, hiện có 30% hộ khá, có 67 hộ nghèo. Tuy điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, cây trồng thiếu nước, nhưng vẫn có một bộ phận lớn nông dân trong khu vẫn quyết liệt tìm mọi cách chống chọi với thiên nhiên để tồn tại và thoát nghèo, vươn lên khá giả. "Chính sự cần cù, chịu khó của người dân ở Đồi 57 đã khiến màu xanh của cây trồng dần che phủ màu đen bạc của đất, đá và hòa trong đó là sự sống, ấm no, hạnh phúc, đoàn kết"- ông Tiến bày tỏ.

 

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích