Báo Đồng Nai điện tử
En

Phú Quốc - khúc tráng ca tự do
Bài 1:Minh định lãnh thổ

10:06, 15/06/2011

Người Việt, bạn hẳn từng nghe về Phú Quốc - hòn đảo ngọc của đất nước ta. Với diện tích gần 600 km2, nằm ở cực Tây Nam của Tổ quốc, Phú Quốc có đầy đủ rừng, biển, sông, hồ, đồng bằng, đồi núi,… như một Việt Nam thu nhỏ. Đương thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói, với sự ưu đãi đặc biệt của thiên nhiên, “không một huyện nào ở nước ta thuận lợi như Phú Quốc”.

Tượng Anh hùng Nguyễn Trung Trực.

Người Việt, bạn hẳn từng nghe về Phú Quốc - hòn đảo ngọc của đất nước ta. Với diện tích gần 600 km2, nằm ở cực Tây Nam của Tổ quốc, Phú Quốc có đầy đủ rừng, biển, sông, hồ, đồng bằng, đồi núi,… như một Việt Nam thu nhỏ. Đương thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói, với sự ưu đãi đặc biệt của thiên nhiên, “không một huyện nào ở nước ta thuận lợi như Phú Quốc”.

 

Ở Phú Quốc có biết bao huyền thoại. Về biển bao la và hào phóng. Về núi rừng thâm u và cao cả. Về dòng sông thơ mộng và hiền hòa,… Trong thiên ký sự này, chúng tôi muốn kể với các bạn về một huyền thoại khác. Huyền thoại về những người chân đất đầu trần, tay không tấc sắt nhưng đã biến một nơi mà bao người gọi là “địa ngục trần gian” thành một trường tranh đấu cho độc lập, tự do của dân tộc, giống nòi.

 

Thuở hồng hoang, Phú Quốc chỉ có rừng và biển, là lãnh địa của muông thú man dại. Những cư dân đầu tiên hẳn là người Việt trốn tránh chiến tranh, loạn lạc ở miền ngoài, mai danh ẩn tích, tìm kế sinh nhai nơi cuối bể cùng trời. Là người Khmer có cùng thân phận. Rồi người Hoa ở tận Hải Nam. Nhưng nào có khác chi.

 

Phú Quốc thực sự trở thành hòn đảo có thể dâng cho đời bao châu báu và trở thành mảnh đất thiêng liêng của nước Việt từ khi Mạc Cửu, một người Hoa tự xem mình là người con nước Việt đến đây lập đất xây làng.

 

Mạc Cửu đã chiêu tập dân xiêu tán ở các xứ Phú Quốc, Vũng Thơm, Rạch Giá, Cà Mau lập thành 7 xã. Từ đó hình thành trấn Hà Tiên. Đầu thế kỷ XVII, vùng Hà Tiên, bao gồm cả Phú Quốc, dân cư đã trở nên đô hội, thành lũy đã được dựng xây. Năm 1708, họ Mạc đã cùng cư dân khắp trấn tự nguyện đưa cả vùng đất giàu có về với đất mẹ - giang sơn nước Việt.

 

Công lao của cha con Mạc Cửu - Mạc Thiên Tích đối với vùng đất phía Tây Nam của Tổ quốc thật to lớn. Họ Mạc không chỉ đời nối đời mở mang bờ cõi, giữ gìn phên dậu quốc gia mà còn khơi nguồn văn mạch, giáo hóa dân tình. Sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn từng nhận xét: “Học trò biết chữ, nhà nông chăm làm ăn… Tính người nhẹ nhõm, ham thích phong lưu. Không ai gian tham, không ai trộm cắp…”. Hơn nữa, anh tài bốn phương, kể cả người nước ngoài, tụ hội, buôn bán, xướng họa văn chương.

 

Trên đất nước Việt Nam, bất kể ai, có đóng góp với giang sơn gấm vóc, nghìn đời luôn được ghi ơn.

 

Tại Phú Quốc, có một trong những nơi không ngày nào thiếu nén nhang thơm. Đó là Dinh Bà Trong, nơi thờ Kim Giao Thần Nữ, người được cư dân Phú Quốc xem là người đầu tiên khai phá hòn đảo châu ngọc này. Nhà Nguyễn cũng đã sắc phong bà Kim Giao thành thành hoàng của Phú Quốc.

 

Ở thế kỷ XIX, vùng đất Phú Quốc - Hà Tiên - Kiên Giang và cả Nam bộ lại một phen dậy sóng. Lần này, sóng gió đến từ trời Tây.

 

Sau khi đánh chiếm Đà Nẵng không thành, mùa xuân năm 1859, thực dân Pháp đổi hướng, quay thuyền về Nam.

 

Dưới cờ của Bình Tây Đại Nguyên soái được dân phong - Trương Định, hồi ấy có một anh lính xuất thân thuyền chài. Đó là Nguyễn Trung Trực, còn gọi là Quản Lịch, người miệt Đầm Dơi, Cà Mau, thuộc tỉnh Hà Tiên.

 

Sáng ngày 10 tháng chạp năm 1861, Quản Lịch đã cùng với hơn 60 cảm tử quân dũng mãnh đột kích chiến thuyền Espérance, chiến thuyền to nhất của giặc trên sông Vàm Cỏ. Con tàu mà kẻ xâm lược đặt tên là “Hy Vọng” cháy tan tành nơi vàm Nhựt Tảo.

 

Chưa bao giờ người dân kháng chiến lại sung sướng, tự hào đến vậy. Huỳnh Mẫn Đạt gọi đó là “Lửa hồng Nhựt Tảo rêm trời đất”.

 

Còn kẻ thù, mặc dù cố sức che giấu, vẫn phải thừa nhận đây là một biến cố bi thảm đã gây nên một nỗi xúc động sâu sắc nơi người Pháp và kích thích một cách lạ lùng trí tưởng tượng của người An Nam (Paul Vial); là khúc nhạc mở đầu cho một cuộc tổng công kích hầu như toàn bộ các đồn lũy của người Pháp (Alfred Schreiner).

 

Từ giờ phút ấy, Nguyễn Trung Trực cũng như Thủ Khoa Huân, Trương Định,… đã là người anh hùng trong lòng dân.

Chiến công vang dội của Nguyễn Trung Trực buộc triều đình Huế phải thừa nhận, phong ông làm Lãnh binh, giữ chức trấn thủ thành Hà Tiên.

 

Khi nhận chức trấn thủ Hà Tiên, Nguyễn Trung Trực chưa đến nơi thì thành đã mất. Ông đưa quân về Hòn Chông. Rồi vào đêm 16-6-1868, nghĩa quân do Nguyễn Trung Trực chỉ huy đã bí mật, bất ngờ đánh úp đồn Kiên Giang, tiêu diệt đối phương, trong số đó có 5 viên sĩ quan Pháp và làm chủ tình hình được 5 ngày liền.

 

Đây là lần đầu tiên, lực lượng nghĩa quân đánh đối phương ngay tại trung tâm đầu não của tỉnh. Nhận tin chủ tỉnh Rạch Giá cùng viên trung úy Gamard bị giết ngay tại trận, người Pháp gọi đây là một sự kiện bi thảm (un événement tragique).

 

Hai ngày sau sự kiện bi thảm này, thực dân Pháp điều động quân đội từ Vĩnh Long sang tiếp cứu cho đồn Kiên Giang. Đội quân đông đảo do viên Trung tá Hải quân A.Léonard Ansart cầm đầu. Theo chân chúng là những tên Việt gian cấp phủ, cấp huyện như: Trần Bá Lộc, Đỗ Hữu Phương.

 

Ngày 21-6-1868, Pháp chiếm lại đồn Kiên Giang. Nguyễn Trung Trực lui về Hòn Chông rồi ra đảo Phú Quốc. Tại đây, dựa vào địa thế hiểm trở, ông lập chiến khu tại Cửa Cạn nhằm đánh giặc lâu dài.

 

Ba tháng sau, tên Việt gian Huỳnh Văn Tấn một thời từng theo Trương Định kháng chiến đem 150 lính ở Gò Công trên chiếc tàu Groeland đến đảo Phú Quốc để vây Nguyễn Trung Trực và nghĩa quân.

 

Sau nhiều ngày đánh trả quyết liệt với đội quân đông đảo, được trang bị bằng tàu chiến, đại bác, lực lượng của Nguyễn Trung Trực tiêu hao dần, lương thực cạn kiệt. Trong trận cuối cùng ở Cửa Cạn, Nguyễn Trung Trực bị giặc bắt. Nhưng theo sử quan người Pháp Pau Vial, Nguyễn Trung Trực chịu nộp mạng, chỉ vì thiếu lương thực và vì mạng sống của bao nghĩa quân đang bị bao vây hàng tháng trời ròng rã tại Phú Quốc.

 

Đền thờ Mạc Cửu, người có công khai phá vùng đất Tây Nam.

Giặc đưa Nguyễn Trung Trực về giam tại Sài Gòn, ra sức dụ dỗ. Theo lời của Alfred Schreiner, trong suốt thời kỳ bị giam cầm, ông Trực không có lúc nào tỏ ra yếu đuối cả… Ngoài ra, ông chỉ yêu cầu ban cho ông một ân huệ, ấy là được xử tử ông ngay tức khắc.

 

Nguyễn Trung Trực thực hiện đúng như tâm nguyện: Không thắng giặc được ở chiến trường thì thắng giặc nơi pháp trường, khi bị giặc hành hình tại Rạch Giá, còn để lại cho đời câu nói bất hủ: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”.

 

Người anh hùng dân tộc đã ngã xuống, thân không toàn thây.

 

Nhưng Đất Mẹ muôn đời hằng ôm ấp, chở che.

 

Sóng biển Gành Dầu - Phú Quốc ngàn năm mãi vỗ về, ru hời giấc ngủ cho người con trung liệt.

 

B.Q.H

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích