Báo Đồng Nai điện tử
En

Phú Quốc - khúc tráng ca tự do
Bài 2:Đất đảo anh linh

10:06, 17/06/2011

Phú Quốc là hình ảnh về nước Việt Nam thu nhỏ. Trong những năm tháng vinh quang. Và cả những ngày cay đắng.

Phú Quốc là hình ảnh về nước Việt Nam thu nhỏ. Trong những năm tháng vinh quang. Và cả những ngày cay đắng.

 

Phú Quốc - hòn đảo ngọc, nơi diễn ra trận đánh Tây cuối cùng của Nguyễn Trung Trực, người đã tấu khúc nhạc mở đầu cho một cuộc tổng công kích hầu như toàn bộ các đồn lũy của người Pháp trên đất Nam kỳ lục tỉnh như chính kẻ thù đã cay đắng nhìn nhận.

 

Đền thần Nguyễn Trung Trực trên đảo Phú Quốc

Phú Quốc - hòn đảo ngọc, nơi trả lời cho đội quân viễn chinh hùng mạnh nhất thế giới ở thế kỷ XIX biết rằng, có thể họ đã chiến thắng tại Đông Dương, nhưng không bao giờ nắm giữ được tâm hồn của những người dân ở đây.

Tâm hồn ấy là gì ?

 

Là lời khẳng định đanh thép của Nguyễn Trung Trực: Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây. Là lời thề với núi sông của Hồ Chí Minh gần một thế kỷ sau: Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập.

 

Phú Quốc đã phát triển rất nhanh. Đầu thế kỷ XVII, nơi đây còn là hải đảo hoang vắng. Khi Mạc Cửu đến Hà Tiên, Phú Quốc có người cai quản, công cuộc khai khẩn tự do và rộng mở. Chẳng mấy chốc, danh tiếng về hòn đảo ngọc của nước Việt bay xa khắp nơi. Từ 7 thôn thời Mạc Cửu, Phú Quốc đã tăng thành 13 thôn thời nhà Nguyễn. Phú Quốc mở ra cửa ngõ giao thương của Nam bộ không chỉ với các các vùng, miền của Tổ quốc mà cả với nhiều nước ở châu Á, như: Xiêm La, Chân Lạp, Mã Lai, Trung Quốc,…

 

Tuy nhiên, từ thời Thiệu Trị trở đi, khi thế nước suy yếu, hòn đảo giàu có của Tổ quốc cũng phải gánh lấy tai họa. Dân lành không còn cảm thấy bình an trong ngôi nhà và phố xá của mình. Họ tìm về đất liền hoặc phải lẩn tránh trong rừng sâu.

 

Sau khi Nguyễn Trung Trực bị hành quyết, Phú Quốc chính thức rơi vào tay của thực dân Pháp. Khắp nơi trên hòn đảo giàu có và tươi xanh của Tổ quốc ngày nào nhuốm một màu tang tóc, hoang tàn sau trận chiến cuối cùng của người anh hùng Nhật Tảo đối với quân ngoại xâm.

 

Thực dân Pháp đến. Đầu tiên, chúng chú ý đến các mỏ và các vùng đất màu mỡ trên đảo, bèn nâng Phú Quốc thành một đơn vị hành chính ngang cấp tỉnh, do Tham biện phụ trách. Sau đó không lâu, chúng lại đưa tù khổ sai đến lập sở trồng dừa. Những ruộng đất màu mỡ nhất của Phú Quốc biến thành rừng dừa, người dân mất đất, mất nghề lang bạt khắp nơi trên đảo tìm kế sinh nhai.

 

Dừa cũng không đáp ứng được lòng tham của những kẻ cướp đất. Giặc Pháp lại lập đồn điền cao su trên đất đảo.

Phú Quốc - hòn đảo ngọc trở thành hình ảnh tiêu biểu cho cuộc sống lầm than, tủi nhục của người dân Việt khi nước mất, nhà tan!

 

Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương. “Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ nghèo nàn” (Hồ Chí Minh).

 

Niềm tủi cực càng thêm cay đắng!

 

Nỗi hờn căm càng chất chứa tâm can!

 

Nối tiếp ngọn lửa cách mạng từ núi rừng Yên Thế, Yên Bái. Từ Nghệ Tĩnh, Bắc Sơn. Rồi Hóc Môn, Bà Điểm… Mùa Thu năm 1945, dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập.

Phú Quốc - hòn đảo ngọc, sau gần 250 năm đã trở thành hòn đảo tự do, hòn đảo của những người dân cày, thuyền chài sớm hôm cần mẫn.

 

Ở Phú Quốc, hiện còn ngôi từ đường và cây me hơn trăm tuổi. Từ giờ phút ấy, ngôi từ đường và cây me này mãi mãi đi vào lịch sử. Bởi đây là nơi mà một chính quyền mới ra đời, non trẻ nhưng giàu sức sống mãnh liệt. Bởi nó là chứng nhân cho hai cuộc kháng chiến lâu dài và ác liệt mà người Phú Quốc đã trải qua.

 

Trăm năm bia đá thì mòn. Nhưng tượng đồng, bia đá cần phải được dựng lên để nhắc nhở con người, rằng: Hãy sống và nhớ lấy! Máu đỏ của những anh hùng liệt sĩ hữu danh và vô danh đã hóa thành màu xanh trên ruộng vườn, sông núi và trong mỗi tâm hồn con người. Đừng bao giờ lãng quên những con người cùng năm tháng bi hùng ấy, cho dẫu tượng đồng, bia đá mà ta dựng nên có mòn đi với thời gian.

 

Núi Hàm Ninh cao ngất, dựng giữa trời xanh một vùng cỏ cây huyền ảo.

 

Truông Am quyện khói hương trầm.

 

Chùa Kim Muôn ẩn hiện dưới bóng mây.

 

Đình Dương Đông nồng ấm tình người mở đất.

 

Đó là núi, là truông. Là đình, là chùa.

 

Đó cũng là nơi tụ hội nghĩa khí. Là chốn đi về của các chiến sĩ, tù binh vượt ngục Phú Quốc. Là nơi để tấm lòng son của người dân đất đảo tỏ bày với tổ tiên, nòi giống.

 

Phú Quốc - hòn đảo ngọc, hòn đảo anh linh của trời Nam đất Việt.

 

Trên từng bậc đá thô mộc ở Phú Quốc có dấu chân của những chiến binh chiến đấu dưới cờ của anh hùng Nguyễn Trung Trực. Con đường gian nan nhất là con đường của những người yêu nước, thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Con đường của máu và nước mắt. Con đường của chông gai và đạn lửa. Nhưng chỉ có con đường đó mới dẫn đến tự do cho muôn triệu con người và sự vững bền của giang sơn xã tắc.

 

Thị trấn Dương Đông trên đảo Phú Quốc.

Trên từng bậc đá thô mộc này có dấu chân của những du kích và cựu tù Phú Quốc. Chiến khu nằm giữa rừng sâu, dưới tán thâm u của những cổ thụ từ thời mở đất. Trời Phật và anh linh cha ông cùng núi rừng đã chở che cho đoàn quân kháng chiến. Dân chài, dân cày đùm bọc, cưu mang những người không chịu sống quỳ. Rừng sâu là nơi hội tụ. Rừng sâu cũng là nơi xuất phát của những trận tấn công vào hàng ngũ quân xâm lược.

 

Khi tự do bị cướp mất, mồ mả cha ông bị giày xéo, con người sẽ quyết dành tự do vì đấy là điều thiêng liêng nhất.

Khi đã vượt ra khỏi tù ngục của quân xâm lược, con người sẽ không bao giờ chịu đứng yên cho kẻ thù xiềng gông mình một lần nữa.

 

Từ đây, khởi đầu cho một huyền thoại mới ở Phú Quốc.

 

B.Q.H

 

 

 

 

Tin xem nhiều