Báo Đồng Nai điện tử
En

Phú Quốc - khúc tráng ca tự do
Bài 5: Vẫn sống tự do

09:06, 22/06/2011

Chưa đầy 6 năm sau ngày trở lại chiếm đóng Phú Quốc, thực dân Pháp đã chọn nơi đây để lập nhà tù lớn nhất Đông Nam Á, giam cầm các chiến sĩ cách mạng, vì hòn đảo này có vị trí quân sự chiến lược, xa đất liền, xa các cơ quan báo chí ngôn luận để chúng dễ bề đàn áp tù nhân.

Chưa đầy 6 năm sau ngày trở lại chiếm đóng Phú Quốc, thực dân Pháp đã chọn nơi đây để lập nhà tù lớn nhất Đông Nam Á, giam cầm các chiến sĩ cách mạng, vì hòn đảo này có vị trí quân sự chiến lược, xa đất liền, xa các cơ quan báo chí ngôn luận để chúng dễ bề đàn áp tù nhân. Lợi dụng các doanh trại của tàn quân Tàu - Tưởng để lại, trên diện tích hơn 40 hécta, chúng xây dựng Căng Cây Dừa, gồm bốn trại A, B, C, D, có hàng rào thép gai dày bao quanh, phía trên mắc dây điện trần và đèn bảo vệ.

 

Ở Căng Cây Dừa, các chòi canh thường xuyên có lính gác. Mỗi cổng lại có một tiểu đội lính tuần tiễu được trang bị tiểu liên và súng trường. Vành ngoài có công sự chiến đấu.

 

Với số tù binh đông gấp 30 lần so với bao sắc lính canh, Căng Cây Dừa trở thành nhà tù đồ sộ nhất Đông Dương. Những chủ nhân “bất đắc dĩ” trên hòn đảo châu ngọc này đã phải gánh chịu tất cả những “kinh nghiệm”, thủ đoạn đàn áp, tra tấn dã man của chế độ thực dân xâm lược sắp đến ngày tàn.

 

Di tích Nhà tù Phú Quốc.(Ảnh: T.L)

Kẻ thù tìm mọi cách giết chết tự do ở những người yêu nước và cộng sản mà chẳng may trên bước đường tranh đấu họ sa vào tay chúng. Nhưng binh hùng tướng mạnh, tàu chiến tàu ngầm, mưa bom bão đạn không khuất phục một dân tộc đã thề hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ thì làm sao chúng có thể trói buộc được “những con khôn của giống nòi”, “những chàng trai quý gái yêu” của nước Việt.

 

 Ở Căng Cây Dừa, những tù binh Việt Minh “vẫn sống tự do” theo nghĩa đầy đủ nhất của từ này. Bên ngoài các bức tường nhà giam là quản ngục và các sắc lính. Bên trong lại là các ban đại diện do chính tù binh lập ra. Bởi vì họ không như các tù binh khác, vốn là những tay đầu trộm đuôi cướp, sống nhờ vào sự tước đoạt của dân lành. Họ là những chiến sĩ đấu tranh cho một lý tưởng cao cả và thiêng liêng. Nhà lao của kẻ thù cũng là một trường tranh đấu để bảo vệ lý tưởng và những phẩm giá con người.

 

Chế độ tự quản chẳng những giúp cho các tù binh nương tựa, đỡ đần cho nhau trong cuộc sống khắc nghiệt mà còn đoàn kết để đấu tranh chống lại bọn ác ôn, chống việc chào cờ, hát quốc ca của kẻ thù. Đối với những người tù cộng sản, đấy là việc còn hơn sỉ nhục.

 

Sự chà đạp lên Công ước quốc tế về tù binh là bằng chứng về tội ác chống lại loài người, bằng chứng về sự khốn quẫn của một thế lực bạo tàn. Do đó, cao hơn việc chống kẻ thù đàn áp, tra tấn là cuộc đấu tranh đòi thực thi Công ước quốc tế về tù binh ở nhà lao Cây Dừa Phú Quốc.

 

Đối với tù Cây Dừa “đấu tranh này là trận cuối cùng”, với lòng khao khát tự do mãnh liệt, bởi ngoài kia Đất Mẹ vẫn đang chờ !

 

Từ khi mới thành lập, Nhà lao Cây Dừa - Phú Quốc có đặc điểm đại đa số tù binh là những người yêu nước, đang tham gia kháng chiến chống quân xâm lược Pháp. 70% vốn là cán bộ, bộ đội và du kích từ khắp mọi miền đất nước, nhiều nhất là từ vùng Hải Phòng, Hải Dương chuyển về. Rời xa đất liền không có nghĩa là rời xa Tổ quốc, vì “ở đâu có tự do, ở đó có Tổ quốc”, vì kẻ thù chỉ giam cầm được thân xác những con người yêu nước, nhưng không thể giết chết trái tim mang khát vọng tự do.

 

Lúc còn ở các căng Bắc Ninh, Bắc Giang, Hỏa Lò, Nhà Tiên, hay Hải Dương, Đoạn Xá, những người tù đã âm thầm tập hợp lại, không khác gì khi còn hoạt động bên ngoài. Trên đường ra Phú Quốc, mỗi người một quê, nhưng trái tim người cộng sản, yêu nước lại kết nối với nhau. Đến khi ra đảo, việc xây dựng lực lượng cách mạng trong nhà tù càng khẩn trương, chặt chẽ và quyết liệt. 

 

Sự hình thành tổ chức Đảng trong nhà tù Cây Dừa ban đầu chỉ từ trại B, sau đến trại A, rồi trại C, từ một chi bộ đến liên chi bộ, rồi cả Đảng bộ nhà tù với trên 500 đảng viên. Thời gian tổ chức chưa đầy 4 tháng.

 

Từ đây, các cuộc đấu tranh đòi thực hiện công ước quốc tế về tù binh được tổ chức và những cuộc đào thoát về căn cứ cách mạng trên đảo và về đất liền cũng đã diễn ra, thành công ngoài dự kiến. Nhưng điều quan trọng hơn cả là sự chứng tỏ cho kẻ thù biết rằng những người mà chúng tìm cách giam cầm, đày đọa thực sự là những con người sống và chiến đấu vì một lý tưởng cao cả.

 

So với lực lượng bảo vệ và các sắc lính trang bị đầy đủ vũ khí, đạn dược trên đảo Phú Quốc, tù binh Việt Minh ở căng Cây Dừa là những người hoàn toàn yếu thế khi tay không tấc sắt. Nhưng vì sao chúng không thể chà đạp lên Công ước quốc tế về tù binh? Vì sao chúng không ngăn cản được những cuộc đào thoát tinh thần? Ngay cả khi chúng giở những trò chiêu dụ bằng vật chất, kể cả gái đẹp vẫn không thể thay lòng đổi dạ được ở những con người “khốn khổ” ấy?

 

Trái lại, trong nhà lao, tù nhân lại là những người bận rộn. Họ tranh thủ từng ngày, từng giờ như chuẩn bị cho một trận đánh lớn sắp diễn ra để cùng nhau học hành, rèn luyện thân thể, tìm phương kế đấu tranh. Hàng ngày, tuy không có lá cờ Tổ quốc nhuộm thắm máu đào của bao anh hùng, liệt sĩ, nhưng họ vẫn chào cờ và hát Quốc ca. Đó là điều kẻ thù không hiểu nổi!

 

Cảng An Thới ở Phú Quốc.

Giữa năm 1953, đầu năm 1954, thực dân Pháp ráo riết chuyển tù binh Việt Minh từ đất liền ra đảo Phú Quốc. Các doanh trại của tàn quân Tàu - Tưởng ngày nào giờ đã chật ních người. Chúng lập thêm nhiều trại mới. Điều đó biểu hiện sự sa lầy của giặc trên các chiến trường và những cuộc tổng tấn công của quân ta đã bắt đầu.

 

Ở trong tù nhưng tai của những người Việt Minh vẫn nghe được âm vang của chiến trường. Với sự tinh nhạy của những người kháng chiến, họ càng hiểu được tình thế của giặc: Chúng đông nhưng không mạnh; Chúng cuống cuồng lại càng tuyệt vọng; Chúng tàn ác nhưng run sợ.

 

Chiến trường tiếp lửa cho cuộc đấu tranh của tù binh Việt Minh ở nhà lao Cây Dừa - Phú Quốc.

 

Bây giờ, họ đang nghĩ xa hơn những gì kẻ thù trù tính. Mắt họ hướng về Hàm Ninh, Dương Tơ, hướng về Đất Mẹ yêu dấu. Lòng họ nào ở trong chốn tù ngục này!

B.Q.H

 

 

 

 

Tin xem nhiều