Đôi chân không còn nguyên vẹn nhưng mỗi ngày chị Phạm Thị Thủy (45 tuổi, quê ở tỉnh Ninh Bình, tạm trú ở phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) vẫn rảo bước trên khắp ngả đường Biên Hòa để bán vé số. Mỗi khi có ai hỏi thăm về gia cảnh, chị lại cười, nụ cười thể hiện niềm tin vào một cuộc sống tốt đẹp.
Đôi chân không còn nguyên vẹn nhưng mỗi ngày chị Phạm Thị Thủy (45 tuổi, quê ở tỉnh Ninh Bình, tạm trú ở phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) vẫn rảo bước trên khắp ngả đường Biên Hòa để bán vé số. Mỗi khi có ai hỏi thăm về gia cảnh, chị lại cười, nụ cười thể hiện niềm tin vào một cuộc sống tốt đẹp.
* Không đầu hàng số phận
Cuộc sống của chị Thủy là chuỗi ngày dài lam lũ nơi vùng quê nắng gió với 3 đứa con và người chồng suốt ngày say xỉn, hay đánh vợ mắng con. Từ lâu, chị đã trở thành người chèo chống ngôi nhà nhỏ ấy để nuôi con ăn học.
Trong một lần đẩy xe đi bán rau dạo, chị Thủy bị xe tông gãy chân và dập lá lách. Nhà nghèo, cái ăn còn không đủ no, sau tai nạn chị lại trở thành người tàn tật do vết thương ở chân phải tháo khớp. Những tháng ngày cơ cực đối với chị là những thử thách để trui rèn ý chí sinh tồn. Nhớ lại chuỗi ngày đã qua, chị vẫn còn bàng hoàng: “Chồng tôi nhậu nhẹt suốt ngày, trong khi tôi lại bị cụt một chân, không làm gì được. Bởi vậy, mỗi ngày tôi đều phải nghe những lời đay nghiến của chồng…”.
Các con chị Thủy đang độ tuổi ăn học, để chúng chứng kiến cảnh cha đánh mắng mẹ là cực hình đối với chị. Quyết không để bản thân trở thành kẻ ăn bám, mỗi ngày chị lại cố lò cò đôi chân thương tật ra bờ kênh gần nhà mò cua, bắt ốc đổi gạo nuôi con. Nhưng cuộc sống không mỉm cười đối với chị Thủy, khi người chồng vẫn thường kiếm chuyện để hành hạ chị. Bất mãn, chị quyết tâm làm lại cuộc đời, nuôi con ăn học để chứng tỏ chị không thua kém người khác. Nước mắt chực rơi trên gương mặt sạm đen, chị xúc động kể: “Phải làm lại cuộc đời và giải thoát cho bản thân và các con. Nghĩ vậy nên tôi thu vén đồ đạc rồi đưa các con ra đón xe vào Đồng Nai tìm việc làm. Ở vùng đất mới này, dù khổ cách mấy tôi cũng phải lo cho con ăn học đến nơi đến chốn, không thì số nó lại long đong, tội lắm…”.
* Chờ ngày hái quả ngọt
Đều đặn mỗi ngày, nắng cũng như mưa, mọi người lại thấy ở khu công viên Nguyễn Văn Trị (TP.Biên Hòa) có một người phụ nữ chân đi khập khiễng mời khách mua vé số với nụ cười rất tươi. Nhiều hôm, chị còn rong ruổi khắp các quán cà phê, khu vực chợ, nơi đông dân cư để có thể bán được vé số nhiều hơn. Mỗi ngày chị đi không dưới 8 cây số, cứ 4 giờ 30 sáng xuất hành đến 5 giờ chiều mới về lại phòng trọ với các con nhỏ.
Nguyễn Thị Trang (16 tuổi), con gái lớn của chị, học vừa xong lớp 9 đã được chị làm hồ sơ xin chuyển trường vào học ở TP.Biên Hòa. Chị Thủy cho biết, tuy còn nhỏ nhưng bé Trang rất hiểu chuyện và phụ giúp mẹ rất nhiều trong việc nhà, trông nom các em. Còn Nguyễn Thị Anh và Nguyễn Thanh Dũng, do tuổi còn quá nhỏ, chưa thể giúp mẹ được gì nên chị quyết tâm không để con đứt gánh ăn học nửa đường. Lặn lội bán vé số mỗi ngày kiếm được khoảng 100 ngàn đồng, chị dành dụm để trang trải việc học cho các con, vừa làm kế sinh nhai qua ngày của 4 mẹ con.
Mới đây, có người phụ nữ ở đường Võ Thị Sáu (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) thấy hoàn cảnh khó khăn của chị Thủy đã ngỏ ý muốn giúp đỡ thì chị lại từ chối. Chị Thủy tâm sự: “Tôi khó khăn thật, nhưng còn có những người còn khó khăn hơn mình. Tuy mất một chân nhưng tôi còn bước đi được, vẫn chưa là gánh nặng của xã hội. Kiếm được đồng tiền do chính mình làm ra tôi sẽ giáo dục con cái biết quý đồng tiền hơn là do người khác mang lại”. Rồi chị kể về tương lai, về những hoạch định chị vạch sẵn để 3 đứa con tiếp tục đến trường. Chị hồ hởi khoe: “Mình vất vả nhưng được cái 3 đứa nhỏ rất ngoan và học chăm. Có lẽ ông trời đã bù lại niềm hạnh phúc ấy cho mình sau khi làm mất đi của mình một vài thứ, để mình không tuyệt vọng”.
Nói xong, chị ôm lấy đôi nạng gỗ cũ khệ nệ bước đi. Bóng chị hòa vào dòng người qua lại trên khắp ngả đường để bán vé số mưu sinh. Bằng chính sức lao động của mình, chị đã chắp cánh cho những đứa con thân yêu thực hiện ước mơ được tung tăng đến lớp. Tôi nghe đâu đó có tiếng thở dài, tiếng trở mình khe khẽ vào mỗi đêm, bởi không dễ gì để một người phụ nữ tật nguyền sống tha hương nuôi con ăn học mà không có chồng bên cạnh…
Tùng Minh