Từ cái lỗ khoét trên tường, chị Phạm Thị Lan (tạm cư tại trường mẫu giáo phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) nhìn chằm chằm vào ngôi nhà xây trước mắt mà mơ ước cái ngày 5 đứa con và trên chục đứa cháu ngoại của chị sẽ được sống trong căn nhà mới như vậy.
Từ cái lỗ khoét trên tường, chị Phạm Thị Lan (tạm cư tại trường mẫu giáo phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) nhìn chằm chằm vào ngôi nhà xây trước mắt mà mơ ước cái ngày 5 đứa con và trên chục đứa cháu ngoại của chị sẽ được sống trong căn nhà mới như vậy.
* Đi đâu cũng gặp ô nhiễm
Anh Phạm Văn Ngoan lầm lủi nách con đi vệ sinh.
15 năm trước, gia đình chị Lan dựng được một căn nhà tạm nơi khu đất ngập nước (đất công) thuộc tổ 14, khu phố 3, phường Quyết Thắng để sinh sống. Cùng cảnh nghèo như chị, 12 hộ gia đình khác cũng nhanh chóng tranh nhau lấp đầm, dựng nhà tạm cư. Chị Lan cho hay, gia đình chị quyết bám trụ ở đây vì không còn nơi nào khác để ở và một lý do khác nữa là cố ở để được hợp thức hóa đất đai.
Trên diện tích 1.000m2 lầy lội này, 13 hộ dân cũng bức bối với tình trạng ngập úng, nước tù, ao đọng, ruồi, muỗi, mùi hôi thối và lời nhiếc mắng cay cú của những hộ giàu xung quanh. Chính vì vậy, phường Quyết Thắng và TP.Biên Hòa đã quyết định xóa khu tạm cư không đảm bảo môi trường sống của họ bằng dự án xây dựng chung cư 12 tầng. Bà Trần Thiên Thu thất vọng cho hay, bà và các hộ dân khác chờ 16 tháng rồi mà vẫn chưa thấy hình hài căn nhà 12 tầng như những gì chính quyền, khu phố đã thuyết phục bà con khi tháo nhà giao mặt bằng. “Khi không còn tiền thuê nhà trọ để ở, tụi tui được bố trí ở tạm nơi đây. Mới đầu cũng sạch sẽ, sau vài cơn mưa thì bì bõm nước” - bà Thu nói.
Mặc cho người lớn than vãn chuyện nước đọng hay ao tù, lũ nhóc con của các chị Thu, Đào, Lệ, Thúy… vẫn thích thú đùa nghịch, bắt cá, xúc lăng quăng, nòng nọc từ các vũng nước bao quanh nhà. Chỉ hơn 4 tháng thỏa thê dầm nước, đôi chân của các em nhanh chóng bị ghẻ lở, nước bẩn ăn mòn. Vậy mà, nét mặt chúng vẫn không biểu lộ vẻ khó chịu, ngứa ngáy như người lớn. Cu Cùng (5 tuổi) cười toe toét khi chúng tôi ghi hình cảnh một chân em gác lên thềm đá, chân còn lại ngâm dưới nước bẩn mà tay thì cào cấu chỗ ngứa nơi bàn chân với dáng vẻ khoái chí. Trong khi đó, bé Khánh Hòa (6 tuổi) thì thò tay xuống nước xúc nòng nọc đang bám quanh cột nhà để chơi. “Tụi nhỏ không biết dơ sạch, do đã quen với cảnh ngập nước kể từ khi chúng tự biết chơi một mình” - chị Thu (mẹ bé Khánh Hòa) cho biết.
Đôi chân của các đứa trẻ trong khu nhà tạm đều bị ghẻ lở vì dầm nước. |
Nói rồi chị Thu nhăn nhó bày tỏ, tưởng thoát được môi trường ô nhiễm nên chị và những hộ khác hồ hởi giao mặt bằng cho địa phương và địa phương giao mặt bằng lại cho Ban quản lý dự án triển khai thi công. Vậy mà, sau nhiều tháng lòng vòng thuê phòng trọ, tạm chiếm các khu đất trống quanh đó của các hộ dân khác làm nơi ở, đến khi hết tiền và bị đuổi thì chị và 4 hộ khác mới được địa phương giải quyết cho về đây tạm cư. Chị Thu nói: “Chúng tôi luôn biết ơn địa phương đã kéo điện, nước đến từng phòng cho dân sinh hoạt và trang bị máy bơm hút nước, chống ngập. Tuy vậy, chúng tôi vẫn không hài lòng vì dự án triển khai kéo dài, không hỗ trợ người dân tiền thuê nhà trọ và các điều kiện sinh hoạt khác trong quá trình chờ tái định cư, nhất là bây giờ chúng tôi vẫn tiếp tục sống trong cảnh môi trường ô nhiễm”.
* Cực quá hóa liều
Ông Trần Xuân Thanh, trưởng khu phố 3, phường Quyết Thắng cho hay: “Do nghèo, lạc hậu nên bà con còn nhiều điểm chưa tốt, như: sinh hoạt mất vệ sinh, ỷ lại, chưa nỗ lực hết mình trong cuộc sống. Riêng dự án thì kéo dài, thiếu chia sẻ những khó khăn trước mắt với người dân khi giải tỏa khu tạm cư”. |
Đường Hà Huy Giáp thông thoáng, những ngôi nhà mới hai bên đường được xây khá đẹp. Từ quán nước tuềnh toàng của chị Lan nhìn qua lỗ bê tông rộng 1m2 (do gia đình chị đập làm lối chui ra, chui vào cho tiện), nước vây kín các căn phòng, dưới chân họ là rác, rêu, cá, rắn và phân bẩn... Vậy mà, mọi người tự nhiên vào ra như không hề giẫm đạp trên những thứ mình thải ra, lẫn bên ngoài và đang hòa trong nước. “Trước khi di chuyển 5 hộ dân vào đây tạm cư, chúng tôi đã làm vệ sinh 2 lần, rồi kéo điện, nước. Vậy mà, chỉ ở vài tuần, bà con cứ bề bộn mọi thứ” - ông Phạm Thanh Long, Chủ tịch UBND phường Quyết Thắng nói.
Cũng theo ông Long, do khuôn viên Trường mầm non Quyết Thắng thấp hơn mặt đường, khả năng thoát nước tự nhiên kém nên mưa đến nơi đây thường bị tù đọng, ứ nước. Khi trường còn hoạt động, dù mưa bão thế nào, các thầy cô giáo ở đây vẫn tìm cách tiêu thoát được nước, như: bơm hút ra cống lớn đường Hà Huy Giáp, khơi thông các rãnh xung quanh trường, dọn dẹp rác thải. Trong khi đó, dù địa phương đã lắp máy bơm nhưng bà con vẫn chưa ý thức cùng nhau góp tiền mua xăng tiêu nước, dọn dẹp vệ sinh, khơi thông cống rãnh khi bị ngập nước. Để đảm bảo sức khỏe, môi trường sống cho các hộ dân, địa phương đã vận động mọi người đổ đất tạo đường đi, triển khai phun thuốc diệt lăng quăng. Đồng thời, địa phương đang có kế hoạch chuẩn bị di dời họ về một chung cư khác ở tạm, chờ dự án ngôi nhà 12 tầng hoàn thành thì bố trí chỗ ở lâu dài cho bà con.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, căn nhà 12 tầng của 13 hộ dân bị giải tỏa tại tổ 14, khu phố 3, phường Quyết Thắng hiện đang chờ tỉnh phê duyệt địa điểm xây dựng, sau đó mới tiến hành khởi công khi công trình hoàn thành, nhà nước mới giao cho TP. Biên Hòa 15 căn hộ để bố trí sử dụng làm nhà tình thương, tái định cư cho hộ nghèo. “13 hộ dân này sẽ được bố trí 13 căn hộ để ở lâu dài theo diện Nhà nước cấp nhà tình thương”- ông Long cho biết thêm.
Trao đổi với chúng tôi, các hộ dân nơi đây tâm sự, việc họ không giữ gìn tốt môi trường sống để dẫn đến ngập lụt, ô nhiễm thì họ gánh chịu là lẽ đương nhiên. Tuy vậy, điều họ không yên tâm là đến nay họ vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ thuê nhà trọ, nhanh chóng bố trí chỗ ở mới, làm hộ khẩu, chứng minh nhân dân, xin việc làm ở công ty… “Chúng tôi luôn khao khát một chỗ ở ổn định, hợp pháp đúng như những gì các đơn vị đã hứa khi vận động chúng tôi tháo dỡ nhà” - các chị Lan, Thu, Thúy, Lệ… bộc bạch.
Thủ tục triển khai khu nhà 12 tầng mới cho các hộ dân tạm cư tại điểm ngập Trường mầm non Quyết Thắng (trong tổng số 13 hộ dân bị giải tỏa ở tổ 14, khu phố 3) cần nhiều thời gian để hoàn thành. Trong lúc chờ được chính quyền cấp nhà tình thương, bố trí định cư, 13 hộ dân trên không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận sống chen chúc tại các khu nhà trọ, nhà người quen và nơi vũng ngập này để chờ đợi. Tất cả đang trông mong ngày công trình sẽ hoàn thành...