Nhằm chấn chỉnh tình trạng bơm hút cát trái phép (trộm cát) trên các tuyến sông, rạch thuộc địa bàn Đồng Nai, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các địa phương, cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác và kinh doanh, mua bán cát xây dựng trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật. Việc xử lý nạn trộm cát hiện nay ra sao?
Nhằm chấn chỉnh tình trạng bơm hút cát trái phép (trộm cát) trên các tuyến sông, rạch thuộc địa bàn Đồng Nai, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các địa phương, cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác và kinh doanh, mua bán cát xây dựng trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật. Việc xử lý nạn trộm cát hiện nay ra sao?
* Thực trạng trộm cát
Quy hoạch khu vực cấm hoạt động khai thác khoáng sản giai đoạn 2011-2020 của UBND tỉnh có nội dung: “Cấm hoạt động khai thác cát xây dựng trên hệ thống sông Đồng Nai, từ phía dưới đập Trị An đến hạ nguồn; tạm thời cấm khai thác cát nhiễm mặn thuộc hệ thống các sông Nhà Bè, Đồng Tranh, Lòng Tàu để làm vật liệu san lấp…”. Tuy nhiên, qua công tác truy bắt bọn trộm cát những năm gần đây, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (PC68) phát hiện tình trạng trộm cát vẫn diễn ra trên các sông, rạch ở Đồng Nai, như: khu vực bến đò Xóm Lá (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa), cù lao Hiệp Hòa (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), ấp Dòng Dài (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa); vàm Bà Chèo (xã Tam An, huyện Long Thành); rạch Kè và rạch Tà Lọt (huyện Nhơn Trạch); ấp 4, xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu), ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu)...
Các ghe mua cát của sà lan nạo vét luồng lạch rồi đem bán cho các bến bãi kinh doanh cát. Ban đêm các ghe này có thể tham gia bơm hút trộm cát.
Chị N.T.T. (ở ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa) bức xúc cho biết: “Hàng đêm, đoạn sông thuộc ấp Thới Sơn luôn có ghe bơm hút cát bám theo sà lan (nạo vét luồng lạch ban ngày) để hút trộm cát”. Ngày 21-6, quan sát thực tế trên đoạn sông này, chúng tôi thấy có nhiều ghe tải (loại thường dùng để chở cát) đậu hai bên bờ sông. Theo ghi nhận của Thanh tra giao thông tỉnh, có khoảng 40 ghe nghi bơm hút cát đậu hai bên bờ sông, nhiều nhất là ở phía tỉnh Bình Dương. Bên bờ sông phía huyện Vĩnh Cửu gần đây cũng xuất hiện một bãi trữ cát không phép.
Ở huyện miền núi Tân Phú, nạn trộm cát diễn biến phức tạp cả ở sông Đồng Nai (đoạn giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng) và sông La Ngà (đoạn giáp với tỉnh Bình Thuận). Theo một lãnh đạo Công an huyện Tân Phú, ở các đoạn sông này có tình trạng đối tượng bơm hút cát (được phép của tỉnh bạn) hoạt động “xâm lấn” qua phần đáy sông của Đồng Nai, nhưng khó phát hiện được. Tại xã Đắc Lua, lợi dụng việc cho phép bơm hút cát ven sông để làm đường bê-tông bao quanh xã, người dân sống ven sông đã bơm cát sông để sử dụng hoặc bán, dù con đường hiện đã hoàn thành. Còn tại khu vực bến đò Năm Bửu (xã Phú Thịnh), việc trộm cát, mua bán cát diễn ra khá tấp nập. Tại đây, các xe tải ben (loại nhỏ) chạy đến tận bờ sông và được bơm cát trực tiếp từ dưới sông (hoặc trên bãi) lên thùng xe. Sau nhiều ngày theo dõi, Công an huyện Tân Phú đã bắt quả tang một ghe bơm hút cát không phép ở khu vực này vào ngày 2-6. Nhưng có mặt tại bến đò Năm Bửu vào ngày 3-6, chúng tôi vẫn thấy các xe tải chở đầy cát ướt đi tiêu thụ. Một người dân ở đây cho biết, do bị công an truy quét “quá rát” nên các ghe bơm cát đã di chuyển sang hướng Định Quán, cách bến đò Năm Bửu vài cây số để “né”.
* Gian nan xử lý
Hoạt động trộm cát trên các tuyến sông, rạch khá nhiều nhưng việc xử lý dứt điểm vấn nạn này hiện không đơn giản. Hiện giá cát xây dựng bán lẻ ở các đại lý trên 200 ngàn đồng/m3, trong đó cát sông Đồng Nai có giá đến 280 ngàn đồng/m3, cát ở miền Tây chỉ 220 ngàn đồng/m3. Do cát sông Đồng Nai có giá cao nên các đối tượng trộm cát đã tìm mọi cách hoạt động. Khi bị phản ứng, các đối tượng này sẵn sàng đe dọa, tấn công người dân. Anh Nguyễn Văn Tứ (ở ấp Tam Hòa, xã Hiệp Hòa) cho biết: “Một đêm đầu tháng 5-2011, bức xúc việc bọn trộm cát hoạt động quá gần bờ nên tôi đã xua đuổi họ. Không ngờ bọn họ tấp ghe vào bờ và đánh tôi đến ngất xỉu. Vợ con tôi phát hiện, chạy ra giải vây họ mới rút lên ghe tẩu thoát”. Hay đêm 19-5, bọn trộm cát ở cù lao Tân Vạn thậm chí còn tấn công lại lực lượng công an, gây thương tích cho đại úy Phạm Văn Phú (thuộc PC68).
Ngày 16-5-2011, UBND tỉnh ban hành chỉ thị số 16 về tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động bơm hút cát không phép trên sông, rạch thuộc địa bàn Đồng Nai. Theo đó, UBND cấp huyện sẽ lập đoàn kiểm tra, xử lý các phương tiện và thiết bị bơm hút cát không phép trên địa bàn quản lý của mình, theo đúng quy định của pháp luật. Người dân có phương tiện thủy nội địa bơm hút cát không phép nên tự giác tháo dỡ các thiết bị bơm hút, chuyển đổi công năng của phương tiện nhằm bảo đảm cuộc sống. Sau ngày 30-6-2011, các cơ quan chức năng khi kiểm tra phát hiện phương tiện bơm hút cát không phép đang di chuyển hoặc neo đậu trên địa bàn quản lý sẽ tạm giữ phương tiện và máy móc, thiết bị bơm hút cát để xem xét, đề xuất xử lý theo quy định. Ngoài ra, còn kiểm tra các bến bãi mua bán cát không phép để xử lý…
Một bãi mua bán cát không phép mới lập bên bờ sông Đồng Nai, thuộc huyện Vĩnh Cửu.
Thế nhưng, việc thực hiện chỉ thị này còn có một số vướng mắc cần tháo gỡ. Bởi, để kiểm tra trên sông, hầu như các UBND cấp huyện đều không có sẵn phương tiện thủy để đáp ứng. Lãnh đạo PC68, đơn vị có chức năng tạm giữ phương tiện thủy, thì cho biết: “Nếu không bắt quả tang phương tiện đang bơm hút trộm cát thì không có cơ sở để tạm giữ phương tiện của người dân. Các đối tượng trộm cát cũng rất ranh ma, vào ban ngày họ rửa sạch ghe, khiêng máy móc (hoặc đầu bơm) lên bờ cất giấu khiến lực lượng kiểm tra khó phát hiện”.
Trước đây, khi kiểm tra các bến bãi kinh doanh cát, lực lượng chức năng có thể phát hiện việc mua bán cát trộm, nếu họ mua bán cát khai thác từ sông Đồng Nai (vốn cấm khai thác cát toàn tuyến theo quy hoạch, chỉ được mua bán nguồn cát từ miền Tây). Từ cuối tháng 5-2011 đến nay, một đơn vị quân đội được UBND tỉnh cho phép nạo vét bến thủy, tận thu cát để thông luồng bến thủy nội địa trên sông Đồng Nai (thuộc phường Bửu Long). Đoạn quản lý đường thủy nội địa số 10 quy định luồng nạo vét dài khoảng 5km nên các xáng cạp đã nạo vét cả ngàn mét khối cát mỗi ngày. Những bến bãi kinh doanh cát đã tranh mua nguồn cát sông Đồng Nai tận thu này để có thể lập lờ với nguồn cát thu mua từ các ghe hút trộm cát. Tình trạng mua bán cát tận thu này cũng khiến việc thực hiện Chỉ thị 16 (kiểm tra nguồn cát bơm hút trái phép) của UBND tỉnh gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường cho biết, do chỉ thị 16 mới ban hành nên vẫn chưa có báo cáo của các địa phương về việc kiểm tra tình trạng khai thác và kinh doanh cát trên địa bàn quản lý (tính đến ngày 15-6). Trong khi đó, một vị cán bộ đề nghị lập đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, có trang bị phương tiện thủy phù hợp để hoạt động thường xuyên, liên tục trong vài tháng (kể cả mật phục), mới mong xử lý triệt để nạn trộm cát trên các sông, rạch ở Đồng Nai.
Thanh Toàn