Bà Tám bán xôi hớt hải chạy theo xe... bắt chó, nhưng không còn kịp! Con chó mực của bà đã bị “nhân viên bắt chó” dùng thòng lọng tròng vào cổ, lôi nó lên xe! Mặc cho bà Tám kêu la, chiếc xe “bắt chó” vẫn tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ...
Bà Tám bán xôi hớt hải chạy theo xe... bắt chó, nhưng không còn kịp! Con chó mực của bà đã bị “nhân viên bắt chó” dùng thòng lọng tròng vào cổ, lôi nó lên xe! Mặc cho bà Tám kêu la, chiếc xe “bắt chó” vẫn tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ...
* Coi chừng xe bắt chó!
Một buổi sáng, bà con ở khu chợ Phúc Hải, phường Tân Phong, TP.Biên Hòa, nhốn nháo khi thấy một chiếc xe bắt chó đang “tuần tra” trên phố. Khi xe này chạy chầm chậm ngang qua chợ, anh Tài, ngụ gần chợ này, liền bỏ dở tô mì đang ăn khi phát hiện trên xe bắt chó, hình như có con chó bị bắt giống như con chó Lu của anh. Bán tín bán nghi, anh chưa kịp quay về nhà để xem sự tình, thì đứa con trai anh cũng vừa ra đến gặp anh, rồi mếu máo thông báo: “Ba ơi! Con chó Lu bị xe bắt chó bắt hồi...”. Anh Tài tỏ ra giận dữ, nạt đứa con: “ Trước khi đi ăn sáng, tao thấy con Lu đang ở trong nhà mà. Tại sao nó lại bị bắt?”. Đứa con khóc thút thít mà rằng: “Tại nó ra ngoài đường… tè ở cột đèn”. Nhiều người nghe chuyện, khuyên anh Tài nên nhanh chóng đến Chi cục Thú y Đồng Nai đóng tiền phạt mà lãnh chó về. Còn trường hợp chị Tám cà phê ở phường Thống Nhất thì có vẻ đau đớn và thương tâm hơn. Chị kể cho chúng tôi nghe bằng giọng bức xúc: “Tội nghiệp con chó Cún cưng của tôi. Nó mới vừa đẻ được mấy bữa, mới ra đường rong chơi rồi không thấy trở về. Đến chiều, khi tôi nghe đàn chó con chưa mở mắt kêu la om sòm, tôi mới biết là mẹ chúng bị người ta bắt! Mấy hôm sau, tôi được chị bán bánh mì ở đầu đường cho biết là nó bị xe bắt chó... bắt. Tôi liền lên Chi cục Thú y Đồng Nai để lãnh nó về, nhưng mấy nhân viên ở đây nói là đã quá thời gian quy định nên họ đã “thanh lý” nó rồi!”.
Phòng và trị bệnh cho chó.
Hầu như đa số người nuôi chó để chó chạy rông ngoài phố đều tỏ ra hậm hực khi chó của họ bị xe bắt chó… “câu lưu”, nên đôi khi dẫn đến tranh cãi, thậm chí gây hấn với nhân viên bắt chó. Ông Q. ngụ phường Hố Nai phân trần với chúng tôi: “Con chó tôi ngồi cách cửa nhà trước có mấy bước, thế mà nhân viên bắt chó cũng xông đến. May sao, nó đã chạy thoát được… cái thòng lọng, rồi chạy lòng vòng tìm hướng vào nhà, thế mà họ cũng cố rượt theo đến tận cửa. Dù chó chưa bị bắt, nhưng tôi cũng đã “làm” cho họ một trận!”.
* Chó thả rông, mối hiểm nguy khó lường...
Chưa kể nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ chó, dẫn đến nhiều cái chết thương tâm trong cộng đồng lâu nay đã được các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo, mà chỉ tính riêng những trường hợp tai nạn giao thông do chó chạy rông gây ra cũng đủ thấy đây là mối nguy hiểm khó lường!
Anh Võ Minh Việt, công nhân ở KCN Biên Hòa 2, khi đi xe máy đến vòng xoay Tam Hiệp, chỉ vì tránh một con chó đang băng qua đường mà anh đã lao xe vào sóng lươn, bị gãy chân phải, phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Anh Võ Quốc Phong, ngụ KP2, phường Quyết Thắng, thì kể: “Trên đường đi làm về, khi đến khu vực gần rạp chiếu bóng Lido, thình lình một con chó khá to lao ra đường, xe máy tôi đã đâm thẳng vào nó. Hậu quả, chiếc xe thì ngã, còn tôi bị hất văng xa 3 - 4m, nằm bất tỉnh. May nhờ mấy người gần đó ra đỡ vào lề đường sơ cứu, tôi mới tỉnh lại! Khi tôi hỏi nhà người chủ của con chó đã gây tai nạn cho tôi để “mắng vốn” thì chẳng ai chịu chỉ!”. Bà Đào Thị Tốt, cũng ngụ tại phường Quyết Thắng, lúc mờ sáng trên đường đi mua bán, khi đi ngang qua khu vực gần Trường PTCS Quyết Thắng, đã bị một con chó ở một ngôi nhà gần đó lao ra tấn công, cắn bà nhiều vết khá sâu, máu chảy khá nhiều. Khi tìm được chủ con chó này, người chủ lại nói một câu khá vô trách nhiệm: “Tại bà ôm rổ rá đi ngang qua nhà nó, nó tưởng là kẻ gian nên nó mới cắn!”. Bà Tốt sau đó đành phải bỏ tiền túi ra chữa vết thương và chích ngừa chó dại.
Không thể nêu hết các trường hợp tai nạn do chó thả rông gây ra, nhất là về tai nạn giao thông, dẫn đến không ít trường hợp chết người! Thế nhưng, khi sự cố xảy ra, hầu như các chủ chó thường viện dẫn nhiều lý do… tại, bị, bởi… để thoái thác trách nhiệm của mình. Thậm chí, có người vì… thương chó, còn “mắng nhiếc” kẻ làm chó mình bị què, bị đau! Như trường hợp anh Lý Hoàng Dũng chẳng hạn. Trên đường chở hai đứa con nhỏ bằng xe máy về quê, đến đoạn gần UBND xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu), anh Dũng phát hiện từ xa, giữa lòng đường có 3 con chó đang cắn nhau, nên anh đã giảm tốc độ lại. Thế nhưng một con chó bị “thua trận” chạy cong đuôi, lại lao ngay vào xe anh! Biết không thể nào né tránh kịp, anh bèn giữ chặt tay lái, nhắm mắt cho xe đâm đại vào con chó! Chiếc xe chao đảo, nhưng sau đó cũng lấy lại được thăng bằng, đứa bé ngồi phía sau rơi xuống đường, cùng lúc có chiếc xe tải chạy tới, tránh kịp, cháu bé chỉ bị xây xát..., cả ba cha con anh may mắn thoát chết trong gang tấc! Đã vậy, bà chủ con chó này nhà ở ven đường chạy ra, thấy con chó nằm tại chỗ rên la, đã cất tiếng la ó cho rằng anh đã cố tình… cán chó của bà! Chưa kể, có không ít công nhân vệ sinh quét rác trên đường phố “lúc mờ sáng” thường than phiền: “Quét rác thì chúng tôi không ngại, ngại nhất là quét… phân chó!”.
* Làm ơn mắc oán!
Thật ra, nhân viên bắt chó chỉ là người thừa hành nhiệm vụ nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho mọi người. Tổ bắt chó chạy rông thuộc Chi cục Thú y Đồng Nai hiện chỉ có vỏn vẹn 2 người... có nghiệp vụ “chuyên môn” bắt chó. Với lực lượng quá mỏng, lại phải hoạt động nhiều nơi trên địa bàn thị trấn, thị tứ của tỉnh nên công việc của các anh khá vất vả! Anh Nguyễn Công Thành, phụ trách tổ bắt chó thuộc Chi cục Thú y Đồng Nai cho biết: “Đây là công việc rất dễ mếch lòng và đụng chạm. Người ít, việc nhiều. Đã vậy, không ít trường hợp các nhân viên này bị các chủ nuôi chó hành hung, gây thương tích, nhiều khi phải nén lòng cam chịu!”. Điều đáng buồn là khi tổ bắt chó làm nhiệm vụ, nếu có sự cố xảy ra, hầu như sự can thiệp của chính quyền địa phương thường rất “chậm trễ”, đôi khi đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau. Anh Thành bức xúc, kể: “Mới đây, tổ bắt chó tụi tui bắt được một con chó chạy rông gần địa bàn chợ Phúc Hải, phường Tân Phong đưa lên xe bắt chó rồi chạy tiếp đến địa bàn phường Trung Dũng. Thế mà người chủ và những người “nóng ruột” cho con chó này đã cùng nhau dùng xe máy đuổi theo chận đầu xe bắt chó để “cướp chó” lại và hành hung nhân viên bắt chó đến độ gây thương tích khá nặng trước sự bàng quan của người đi đường. Khi chúng tôi nhờ chính quyền địa phương xử lý, can thiệp, thì nhận được câu trả lời là… bắt chó địa bàn Tân Phong thì Tân Phong xử lý. Đến Tân Phong thì được trả lời là “bị hành hung ở Trung Dũng” thì Trung Dũng xử lý! Coi như… huề!!!”.
Bắt chó chạy rông. (Ảnh minh họa)
Theo quy định hiện hành, chó bị bắt phải “tạm giam” trong vòng 48 giờ. Trong thời hạn này, chủ nuôi đến lãnh chó về phải nộp phạt từ 10 - 20 ngàn đồng nếu trưng được giấy chứng nhận còn hiệu lực đã chích ngừa dại cho chó, bằng không chủ phải nộp 50 ngàn đồng vì thêm lệ phí chích ngừa dại cho chúng. Sau thời hạn 48 giờ, số chó không người nhận sẽ được thanh lý cho các “hàng quán” có nhu cầu, tiền thu được sẽ sung vào công quỹ. Việc làm thủ tục “trả chó” cho người nhận lắm lúc cũng gặp không ít phiền toái do việc chủ “chó cỏ” mạo nhận thành chủ “chó xịn”! Do chó không có “chứng minh thư” nên việc xác định người đến lãnh chó ai là chủ cũng khó. Nhưng qua kinh nghiệm, nếu là chủ chó nào, khi gọi đúng tên chó đó thì chúng sẽ mừng và vẫy đuôi. Nhưng khổ nỗi, có một số chó do bị bắt đột ngột, “mất hồn” nên gặp ai đến lãnh cũng… vẫy đuôi mừng rỡ! Trường hợp này dù là chủ thật của chó, thì họ cũng phải chờ qua 48 giờ. Sau đó, nếu không còn ai đến nhận “chó xịn” này thì chủ mới được phép mang chó về. Ông Hoàng Sơn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cho rằng: “Thật ra, hiện người dân nuôi chó cũng đã dần có ý thức và nhận ra trách nhiệm của mình đối với vật nuôi. Số chó bị bắt được chủ đến nhận lãnh ngày càng nhiều và họ cũng “vui lòng” tuân thủ quy định. Nhờ vậy, ít nhiều cũng đã hạn chế được việc thả chó chạy rông ngoài phố”.
Bắt chó chạy rông là trách nhiệm của cơ quan thú y. Để chó chạy rông là trách nhiệm của người nuôi chó. Nếu “hai trách nhiệm” này có sự hỗ tương và cảm thông lẫn nhau thì công việc truy bắt chó trên đường phố sẽ chỉ là việc “chẳng đặng đừng”!
Theo quy định hiện hành, chó bị bắt phải “tạm giam” trong vòng 48 giờ. Trong thời hạn này, chủ nuôi đến lãnh chó về phải nộp phạt từ 10 - 20 ngàn đồng nếu trưng được giấy chứng nhận còn hiệu lực đã chích ngừa dại cho chó, bằng không chủ phải nộp 50 ngàn đồng vì thêm lệ phí chích ngừa dại cho chúng. |
Lê Hoàng