Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi niềm của cư dân xóm 327

10:07, 04/07/2011

Không điện, tắc đường, về đêm, cư dân ở tổ 4 ấp Suối Đục (xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc) thông báo sự hiện diện của mình bằng những ngọn đèn dầu tù mù giữa bạt ngàn cây rừng, đá núi. Giữa bầu trời đầy sao, vợ chồng anh Ba Nghĩa kể với chúng tôi về những khốn khó của người dân nơi đây.

Không điện, tắc đường, về đêm, cư dân ở tổ 4 ấp Suối Đục (xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc) thông báo sự hiện diện của mình bằng những ngọn đèn dầu tù mù giữa bạt ngàn cây rừng, đá núi. Giữa bầu trời đầy sao, vợ chồng anh Ba Nghĩa kể với chúng tôi về những khốn khó của người dân nơi đây.

* Xóm 327

Đón chúng tôi tại UBND xã Xuân Tâm, anh Bùi Minh Đại, Trưởng ban công tác mặt trận, kiêm tổ trưởng tổ lâm nghiệp cộng đồng ấp Suối Đục trao đổi nhanh: xóm 327 (được giao đất trồng rừng theo chương trình dự án 327, 661 của Chính phủ từ năm 1993-1996) trước kia có trên 100 nóc nhà, nay chỉ còn lại 32 hộ bám trụ. Dù được quy hoạch, bố trí dân cư theo dự án 327 nhưng các hộ dân ở đây vẫn chưa được chủ dự án (Lâm trường Xuân Lộc cũ, nay là Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc) triển khai các dự án đường - điện - trường - trạm - giếng khoan. Do dân cư làm nhà ở xen kẽ dưới tán rừng nên từ 17 giờ trở đi, màn đêm đã vây kín cả khu dân cư.

Để ra vào xóm 327 phải đi len lỏi trong các đường lô cao su.
Để ra vào xóm 327 phải đi len lỏi trong các đường lô cao su.

 

Rời UBND xã Xuân Tâm, chúng tôi theo anh Đại vào xóm 327. Trước khi đi, anh Đại cho biết, nhà anh ở cuối xóm nên tiện lợi cho chúng tôi nghỉ lại qua đêm, tiếp cận với người dân và mặc sức hàn huyên, tâm sự để tìm hiểu cuộc sống của bà con nơi đây. Nhưng đường vào xóm 327 và nhà anh Đại thật gian nan. Sau khi đi hết 7 cây số đường nhựa (đoạn Trảng Táo - K4), chúng tôi rẽ vào lô cao su của một đơn vị nông trường. Từ đây, để vào xóm 327, chúng tôi phải đi thêm 3 cây số nữa. Theo tính toán của anh Đại, từ xóm 327 tới điểm trường Nguyễn Văn Trỗi (ấp Gia Ui) khoảng 7 km; cách Trường THCS Nguyễn Hữu Cảnh (xã Xuân Trường) 14 km và cách Trường THPT Xuân Lộc khoảng 26 km. “Lý do tôi lấy chuyện học của bọn trẻ ra so sánh là vì lâu nay các em chịu quá nhiều thiệt thòi”- anh Đại nói.

Sau gần 1 giờ cùng anh Đại luồn lách qua các lô cao su, đường rừng trơn trượt, vượt qua rất nhiều vũng lầy, đường luống khoai, khe nước, xóm 327 lần lượt hiện diện trước mắt chúng tôi, với những nóc nhà tranh, tre, ngói lá nấp sau những tán cây rừng 15-20 tuổi. Theo đề nghị của chúng tôi, anh Đại chỉ tấp vào nhà uống vội ly nước, dặn vợ vài điều rồi nhanh chóng đưa chúng tôi đến thăm gia đình anh Phạm Văn Phước. Anh Đại cho hay, hộ anh Phước đặc biệt nhất xóm, vì nhà anh có con học đại học, học cấp 3.

Thấy chúng tôi từ đầu ngõ, anh Phước mình trần bước vội ra đón. Sau khi pha xong ấm trà, anh Phước mời chúng tôi ngồi, rồi hàn huyên đủ thứ chuyện. Nào là chuyện làm ăn ngày càng khó khăn, dân ở đây thiếu đường, thiếu điện ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất, học hành của lũ nhỏ. “Mẹ vợ tôi năm nay 74 tuổi. Tuy mắt đã mờ, nhưng bà vẫn khát khao cái ngày nơi đây rực sáng ánh điện để bà nhìn thấy rõ mặt từng người trong xóm mỗi khi đến thăm nhà vào ban đêm”- anh Phước bộc bạch.

Đang thu mình trong góc nhà, nghe chúng tôi nói chuyện, cụ Ngô Thị Tây (mẹ vợ anh Phước) cũng lụm cụm bước ra bàn trò chuyện. Theo ý của cụ Tây, từ ngày theo con về đây nhận đất, trồng rừng, cụ chỉ mong muốn duy nhất một điều là cái xóm nhỏ này nhanh chóng có điện. Cụ Tây lý luận, có điện thì ắt có đường. Sau đó thì có thêm các thứ khác nữa, như: cuộc sống ấm no, kinh tế phát triển, xe cộ tấp nập vào ra...

 * Khát vọng giữa rừng…

Rời nhà anh Phước, chúng tôi tiếp tục đến nhà các anh: Trần Văn Long, Chềnh Lý Dưỡng, Trần Văn Sơn,… Tại các nơi này, chúng tôi được họ phản ánh, xóm 327 hiện đang rất cần cấp trên quan tâm đầu tư, hỗ trợ: vốn vay, làm nhà tình thương, điện, đường. Anh Dưỡng phân trần, nếu có nhiều tiền thì anh sẽ khoan giếng, mua phân chăm cho những gốc tiêu đang bám chặt thân cây rừng xum xuê hạt. Được như vậy thì anh giữ được rừng cho Nhà nước, còn rừng lại giúp anh nuôi sống gia đình.

Những điều mà cư dân xóm 327 ấp Suối Đục quan tâm chỉ có vậy. Tuy nhiên, điều đó được anh Nguyễn Văn Nghĩa giãi bày với chúng tôi tại phiến đá trước sân, giữa bầu trời đầy sao lại mang một ý khác, so với những gì mà chúng tôi đã nhìn thấy, thu nhặt được khi cả ngày quần thảo khắp các ngõ ngách xóm 327. Biết chúng tôi không thể trở về TP.Biên Hòa lúc này, vợ chồng anh Nghĩa cố nài nỉ chờ anh thịt con gà để tỉ tê chuyện đời. Anh Nghĩa cho hay, trong người anh như một ổ bệnh, như: tim, gan, thận, huyết áp. Tuy vậy, bà xã anh vẫn vui vẻ để anh tiếp chúng tôi vài xị rượu xuất phát từ tấm lòng và cuộc sống hoang sơ của gia đình. Nghe anh tâm sự, chúng tôi không thể từ chối, quyết nán lại để nghe câu chuyện của họ.

Ở xóm 327, đèn dầu được sử dụng phổ biến khi về đêm. Đèn ắc-quy chỉ dành cho trẻ nhỏ học bài hoặc nhà có khách.  Ảnh: Đ.Phú
Ở xóm 327, đèn dầu được sử dụng phổ biến khi về đêm. Đèn ắc-quy chỉ dành cho trẻ nhỏ học bài hoặc nhà có khách. Ảnh: Đ.Phú

 

Trên phiến đá mát rượi, sương rơi ướt mái đầu, chúng tôi được anh Đại, anh Nghĩa thay phiên nhau nói về mình, người khác, những nỗi vất vả khi vào đây phá rừng làm rẫy, rồi thực hiện chủ trương nhận đất trồng rừng. Câu chuyện của các anh là một quá khứ cơ cực, truân chuyên, nên quyết bám chặt với rừng để chờ một ngày mai tươi sáng, đủ đầy. Anh Nghĩa tâm tư, anh sống được là nhờ sự chu đáo, tháo vát của chị Ba (vợ anh). Khi các con lớn lên đi làm ăn xa thì anh quay sang nhờ con. “Tôi sống trên mỏm đá này, nghĩa là sống trên đống tiền. Tuy vậy, nay tui không còn sức để đục nó đem bán nên cũng tiếc lắm chứ” - anh Nghĩa nói. Còn anh Đại thì bộc bạch, cuộc sống của vợ chồng anh vất vả vì con đông, thêm chuyện hai đứa lớn đột ngột qua đời làm anh bị sốc nặng về mặt tâm lý, nay mới nguôi ngoai. Anh Đại nói: “Giữa núi rừng có bạn hàn huyên chuyện đời để cảm thông và chia sẻ, điều này dân cư xóm 327 hiện dư mà thiếu. Dư vì chuyện của xóm cũng là chuyện chung của từng nhà. Thiếu vì cần người phương xa thấu hiểu để tìm đến chia sẻ, đồng cảm và hiểu hơn nỗi niềm khao khát của chúng tôi”.

Do mải mê câu chuyện, chúng tôi không còn nghĩ đến thời gian, những vết muỗi đốt trên da thịt, hơi rừng ẩm thấp xúm xít quanh mình và sao trời đã rực sáng trên đầu. Tuy nhiên, anh Đại, anh Nghĩa vẫn còn chưa muốn kết thúc câu chuyện. Bởi theo các anh, chừng nào xóm 327 đủ đầy thì nỗi niềm của cư dân tất sẽ biến mất.

Đoàn Phú

 


 

 

Tin xem nhiều