Báo Đồng Nai điện tử
En

Phập phồng lo với nước giải khát vỉa hè

09:07, 22/07/2011

Nhu cầu nước giải khát ngày càng tăng mạnh, theo sau đó là hàng loạt các gian hàng bán nước giải khát dạng vỉa hè thi nhau mọc lên nhằm phục vụ nhu cầu của khách. Tuy nhiên, phía sau những thứ nước giải khát nhằm thỏa cơn khát tức thời của mọi người là vấn đề nan giải về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhu cầu nước giải khát ngày càng tăng mạnh, theo sau đó là hàng loạt các gian hàng bán nước giải khát dạng vỉa hè thi nhau mọc lên nhằm phục vụ nhu cầu của khách. Tuy nhiên, phía sau những thứ nước giải khát nhằm thỏa cơn khát tức thời của mọi người là vấn đề nan giải về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Dạo quanh các con đường ở TP.Biên Hòa, khách hàng không khó để tìm cho mình những loại thức uống dưới dạng xe đẩy di động. Nhiều chai lọ không nhãn mác đựng bên trong thứ nước đủ màu sắc xanh, đỏ... Với giá cả chỉ từ 4-8 ngàn đồng, các loại nước giải khát như: sâm lạnh, bông cúc, trà sữa, nước ép… thu hút khá đông khách.

* Tranh nhau... hút khách

Dọc tuyến đường 30-4, phường Trung Dũng, đoạn gần Trung tâm tổ chức sự kiện tỉnh đổ về công viên Biên Hùng, có không dưới 4 xe bán nước di động trên vỉa hè. Quanh khu vực các chợ: Tam Hòa, Kỷ Niệm, Biên Hòa…, các xe bán nước giải khát lưu động còn lấn lối đi của người dân. Không chỉ vậy, nhiều quầy nước uống còn được chủ nhân tự tiện đặt cạnh những đống rác, cống thoát nước… 

Bán nước giải khát giữa đường đi đầy khói, bụi.
Bán nước giải khát giữa đường đi đầy khói, bụi.

Tại khu vực bến xe buýt ở ngã tư Vũng Tàu, khi tài xế vừa dừng bánh, tốp người bán dạo nhanh chóng lao lên xe kèo nài khách mua nước uống. Nhiều người trong số đó còn dùng chiêu “mua 3 tặng 1” nhằm câu được nhiều khách. Nhưng khi theo chân họ đến chỗ lấy hàng chúng tôi mới tá hỏa, tất cả nước giải khát mà họ bán được đặt trong thùng nhựa với lềnh làng nước đá đã tan chảy. Khi khách hỏi mua bịch nước sâm, người phụ nữ khoảng 35 tuổi hồ hởi đưa tay trần vào thùng và tháo sợi dây thun buột bịch nước ra để… cho thêm đá vào.

Hàng ngày, vào những lúc trời nắng nóng, khách tìm đến mua nước tại các xe đẩy di động trên vỉa hè không ít. Một chị bán nước sâm lạnh trước cổng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết: “Khách hàng chủ yếu là học sinh, sinh viên và giới bình dân nên đắt hàng lắm. Có hôm mới 3 giờ chiều đã bán sạch hàng”.

Không chỉ có sâm lạnh, dọc tuyến đường quốc lộ đoạn gần nhà chờ xe buýt ở siêu thị Big C và khu vực ngã tư Amata, nhiều người bán dạo xách trên tay đủ loại nước tự chế. Từ nước chanh, tắc, cam, cho đến sữa đậu nành…, họ chỉ bán với giá 5.000 đồng/bịch. Tuy nhiên, quan sát kỹ mới thấy những loại nước trên đã tan chảy từ đá thành nước cách đó khá lâu lại kèm theo hơi khói bụi, nhưng vẫn được chuyền tay từ người bán đến người mua.

Khoảng 20 phút quan sát một xe bán nước giải khát dạo gần Trường THCS Trần Hưng Đạo, chúng tôi đếm được hơn 10 người khách tấp vào mua nước. Không chỉ mua về nhà uống, nhiều người dừng lại uống một lúc 2-3 ly nước nhằm thỏa mãn cơn khát. Bạn Nguyễn Thị Thùy Trang (19 tuổi, thí sinh dự thi vào Trường đại học Đồng Nai) cho biết: “Nước giải khát bán ngoài vỉa hè giá hợp với túi tiền tụi em nên uống cũng thoải mái. Vô quán uống đắt lắm, mà chưa hẳn đã ngon và thoải mái như ngoài đường”.

* Chất lượng… hên xui

Trước cổng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai có 3 xe bán nước giải khát dạo đậu kề sát nhau. Bên cạnh các xe này là miệng cống bốc mùi hôi nồng nặc. Chị bán nước sâm gần đó thản nhiên đập đá dưới lòng đường bất chấp rác rưởi hay bụi bẩn, nhưng vẫn có nhiều người vô tư uống nước từ loại đá mất vệ sinh đó.

Trước cổng Bệnh viện đa khoa khu vực Thống Nhất, xe bán nước uống đậu liền kề với những người bán nước dạo dọc quốc lộ. Thi thoảng gió thổi bụi mù mịt nhưng người bán vẫn cứ thế hồn nhiên pha chế các loại nước, dù họ luôn biết rõ như thế là không an toàn. Phần lớn những người bán nước giải khát ở vỉa hè đều dùng tay trần bốc đá cho vào ly, bịch ny-lông. Giữa trưa, mặc cho mồ hôi nhiễu từng giọt xuống bao đá, những người bán hàng vẫn vô tư làm nước cho khách. Cạnh đó chỉ có một xô nước nhỏ xíu, chị ta bỏ tất tần tật ly, muỗng vào nhúng nước rồi vớt lên làm cho khách uống.

Hãi hùng nhất là quanh các nhà chờ, bến xe buýt…, một số người vô ý thức tiểu tiện trước đó nhưng chủ nhân của những xe bán nước dạo vẫn thản nhiên đậu và chế biến nước giải khát. Uống vội ly nước cam ép, chị Vũ Thị Thanh Hà (ở phường Trảng Dài, TP,.Biên Hòa) thật thà cho biết: “Khát quá nên uống đại cho đỡ khát chứ hơi đâu xét nét chuyện an toàn ở mấy loại nước vỉa hè này”...

Nước giải khát bán dạo luôn làm người ta lo lắng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nước giải khát bán dạo luôn làm người ta lo lắng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đậu xe dưới lòng đường quốc lộ đoạn gần ngã tư Amata, một người phụ nữ bán nước giải khát hồn nhiên rao: “Nước sâm đặc biệt, chất lượng nhưng giá chỉ 3 ngàn đồng/ly thôi”. Tôi cho xe dừng lại mua một bịch uống thử nhưng nuốt không trôi vì mùi hôi hăng hắc và vị nhẩn đắng phát ra từ loại nước đặc biệt này. Không biết các thứ nước uống này được nấu từ những loại hóa chất nào? Chất lượng và hạn sử dụng ra sao, bởi quan sát hầu hết những chai lọ nước đủ màu nói trên không hề có ngày sản xuất, hạn sử dụng, xuất xứ. Có chăng, người chế biến chỉ giải thích qua loa rằng tất cả nước giải khát trên đều do họ tự nấu nên khách hàng cứ yên tâm về chất lượng. Nhưng khi khách hàng thắc mắc những loại nước ấy nấu ra sao, bằng loại chất gì thì họ im lặng và giả lơ…

Bác sĩ Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết: “Những loại thức uống vỉa hè thường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngay từ khâu pha chế, các vật dụng cũng không đảm bảo vì người bán thường sử dụng nhiều lần nhưng lại ít kiểm tra vệ sinh. Chưa kể, nguồn nước chế biến ra loại thức uống cũng không rõ xuất xứ từ đâu nên dễ gây ra các chứng bệnh về tiêu hóa”. Cũng theo lời bác sĩ Hùng, nếu sử dụng những loại thực phẩm kém vệ sinh sẽ gây rối loạn tiêu hóa, nặng hơn có thể nhiễm trùng tiêu hóa và các chứng bệnh: dịch tả, thương hàn, cúm… Trẻ em sử dụng thức ăn đường phố dễ bị các chứng bệnh về tay chân miệng.

Thời tiết nắng nóng thất thường sẽ làm gia tăng nguy cơ các loại bệnh lây qua đường tiêu hóa. Vì thế, khách hàng nên thận trọng với những loại nước uống không rõ nguồn gốc, bắt mắt được bán dạo khắp nơi.

Trung bình mỗi ngày tại khoa nhiễm bệnh viên Đa khoa Đồng Nai tiếp nhận khoảng 5 ca bệnh mà nguyên nhân xuất phát từ việc sử dụng nguồn thực phẩm kém vệ sinh. Vào các tháng cao điểm giao mùa từ tháng 5-7, mỗi ngày khoa nhiễm nhận điều trị không dưới 10 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm. Để giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, mọi người nên hạn chế tối đa việc sử dụng những thực phẩm không rõ xuất xứ.

 

 

 

 

 

 

 

 

Tùng Minh

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
Đơn vị cung cấp Đánh Thức Sức Mạnh Cùng 7 Up uy tín