Mặc dù hoạt động quảng cáo trái quy định diễn ra tràn lan, nhưng các cơ quan chức năng hiện đang gặp khó khăn trong việc xử lý.
Mặc dù hoạt động quảng cáo trái quy định diễn ra tràn lan, nhưng các cơ quan chức năng hiện đang gặp khó khăn trong việc xử lý.
* Có quy định, nhưng vẫn vi phạm
Ngày 25-4, trên cơ sở những quy định của Luật Quảng cáo, UBND tỉnh đã ban hành quy định về tuyên truyền cổ động trực quan và quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngoài nội dung tuyên truyền cổ động trực quan bằng pa nô, băng rôn, cờ phướn để phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…, UBND tỉnh cũng quy định rõ các hoạt động quảng cáo để thu lợi của các cá nhân và doanh nghiệp. Trong đó có những khu vực cấm quảng cáo các dịch vụ, như: trụ sở cơ quan của Đảng, Nhà nước các cấp, tổ chức chính trị, chính trị xã hội, doanh trại quân đội, trụ sở công an và các tổ chức quốc tế đóng chân trên địa bàn tỉnh; các di tích lịch sử… Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn quy định những hình thức, phương tiện và nội dung quảng cáo bị cấm, như: quảng cáo trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; quảng cáo gian dối… Văn bản mới ban hành của UBND tỉnh cũng nêu ra những sản phẩm hàng hóa cấm quảng cáo, như: thuốc lá, rượu (chỉ được quảng cáo trong phạm vi sản xuất, bên trong các cửa hàng, đại lý tiêu thụ…), các loại sữa dành cho trẻ dưới 12 tháng tuổi; thức ăn dành cho trẻ dưới 6 tháng tuổi…
Rất nhiều cơ sở kinh doanh sử dụng biển quảng cáo quá kích cỡ cho phép.
Đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời, quy định của UBND tỉnh đặc biệt chú ý đến quảng cáo tại các mặt tiền nhà, mặt hông tường nhà và công trình xây dựng lớn… Theo đó, nhà có mặt tiền dưới 10m, thì mỗi tầng chỉ được đặt một bảng quảng cáo, chiều cao tối đa 2m, khoảng cách tối thiểu giữa hai biển (tầng trên và tầng dưới) chỉ 1m. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào quy định của UBND tỉnh thì hiện có rất nhiều biển quảng cáo của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dọc các tuyến đường của TP.Biên Hòa và một số tuyến đường chính của các địa phương lân cận vi phạm. Tại nhiều địa điểm kinh doanh, chủ cơ sở, doanh nghiệp đã sử dụng toàn bộ mặt tiền vốn có để biến thành mặt tiền quảng cáo và luôn cố nâng chiều cao hết cỡ.
Từ thực tế cho thấy, những quy định về quảng cáo đã có, nhưng việc vi phạm của các cá nhân và doanh nghiệp thì vẫn ngang nhiên tồn tại.
* Siết chặt công tác quản lý
Ông Phạm Ngọc Thành, Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin thành phố, cho biết: “Trên địa bàn TP.Biên Hòa vẫn có nhiều cá nhân, công ty sử dụng các biển quảng cáo vi phạm ở nhiều mức độ khác nhau, như: gắn biển không đúng nơi quy định (gắn xa điểm kinh doanh, gắn trên các điểm cấm, trên các vỉa hè…); sử dụng nhiều biển báo cho một địa điểm kinh doanh; kích cỡ biển quảng cáo lớn quá mức cho phép…”. Với vai trò và trách nhiệm của mình, Phòng Văn hóa - thông tin cũng đã nhiều lần phối hợp với Công an TP.Biên Hòa và Phòng Quản lý đô thị tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh trên toàn địa bàn thành phố. Trong quá trình kiểm tra, đoàn đã tháo gỡ một số biển quảng cáo trái phép, cố tình gắn không đúng nơi quy định… Tuy nhiên, theo ông Thành, việc làm của các lực lượng chức năng chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu đặt ra. Bởi, sau những đợt kiểm tra, tháo gỡ, một số cá nhân, doanh nghiệp vẫn không nhận thức được sự sai trái của mình, hoặc do vấn đề lợi nhuận trong kinh doanh nên vẫn cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, cũng vì vấn đề lợi nhuận, các công ty quảng cáo đã bất chấp quy định, cố tình sử dụng các biển, bảng, băng rôn quảng cáo có nội dung không lành mạnh, vi phạm quy định về quảng cáo… Trong đó, phổ biến nhất là những biển quảng cáo phản cảm, làm mất mỹ quan đô thị; phông chữ không phù hợp; sử dụng tiếng nước ngoài không đúng quy định; quảng cáo những mặt hàng, hình ảnh thiếu tế nhị, ảnh hưởng đến văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam...
Biển quảng cáo vi phạm về việc sử dụng tiếng nước ngoài.
Ông Thành còn cho biết thêm, để giải quyết những vấn đề này, TP.Biên Hòa đang xây dựng đề án quy hoạch hoạt động tuyên truyền và quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố. Nội dung của đề án sẽ xác định và thiết kế những tuyến đường chỉ dành riêng cho các loại hình quảng cáo, đồng thời có những tuyến đường không được đăng bất kỳ hình thức quảng cáo nào, hoặc đăng quảng cáo thì chỉ nằm trong một kích cỡ chung theo quy định. Tuy nhiên, theo ông Thành, để đưa đề án này vào hoạt động, địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề kinh phí. Trước mắt, thành phố sẽ tăng cường công tác tuyên truyền những nội dung liên quan đến quy định về quảng cáo cho nhân dân, đặc biệt là các chủ cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, công ty quảng cáo biết và thực hiện; đồng thời tổ chức hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ cơ sở nắm bắt những kiến thức cơ bản để nhận biết và xử lý những sai phạm của các cá nhân và tập thể vi phạm các quy định về quảng cáo. Ngoài ra, trong công tác quản lý giữa các cấp, ngành phải có sự phối hợp chặt chẽ thì mới có thể giải quyết được tình trạng quảng cáo vi phạm tràn lan như hiện nay. Trong đó, chính quyền địa phương tại các phường, xã phải thực sự nỗ lực trong công tác tuyên truyền cho từng hộ gia đình, cơ sở kinh doanh thấy được trách nhiệm của mình trong công việc này.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quyết, Chánh văn phòng Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cho biết, vấn đề xử lý các cá nhân và tổ chức vi phạm trong quá trình quảng cáo đã được UBND tỉnh quy định rõ trách nhiệm của từng cấp, sở, ngành. Tuy nhiên, công tác xử lý của lực lượng chức năng đối với các điểm vi phạm trong thời gian qua vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”. Vì sau những đợt truy quét của các địa phương, tình trạng vi phạm lại tiếp tục xảy ra. Theo ông Quyết, muốn giải quyết có hiệu quả tình hình vi phạm về quảng cáo, các địa phương cần phải xem đây như là một tiêu chí văn hóa để nâng cao trách nhiệm của cơ sở trong việc phát hiện, góp phần xử lý các vi phạm. Bên cạnh đó, các địa phương nên triển khai các phong trào tuyên truyền cho người dân ý thức giữ gìn nét văn hóa của dân tộc qua hình thức quảng cáo.
T.Danh - T.Minh