Báo Đồng Nai điện tử
En

Vượt qua lỗi lầm…

10:07, 14/07/2011

Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, nhưng chung nhau ở chỗ đã từng một thời lầm lỡ, bán thân mình cho “nàng tiên nâu”. Tuy nhiên, điều đáng quý ở họ là đã kịp nhận ra sai lầm và quyết tâm làm lại cuộc đời khi chưa quá muộn.

Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, nhưng chung nhau ở chỗ đã từng một thời lầm lỡ, bán thân mình cho “nàng tiên nâu”. Tuy nhiên, điều đáng quý ở họ là đã kịp nhận ra sai lầm và quyết tâm làm lại cuộc đời khi chưa quá muộn.

* Làm lại cuộc đời…

Ngày làm việc của anh Trần Vũ Quân, ngụ ở phường Tam Hòa (TP.Biên Hòa) thường bắt đầu từ 4 giờ sáng. Công việc của anh là đi bỏ nước đá cho các xưởng sản xuất nhỏ, một số quán ăn… trên địa bàn phường Long Bình (TP.Biên Hòa), với thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng. Nhìn Quân chí thú làm ăn, ít ai biết anh đã trải qua một thời kỳ đấu tranh khó khăn với sự cám dỗ của ma túy để trở về với cộng đồng.

Vì muốn khẳng định mình, muốn có nhiều tiền để ăn chơi, Quân đã phạm tội cố ý gây thương tích và cướp tài sản khi mới tốt nghiệp THPT. Thiếu hiểu biết, cuộc sống không nghề nghiệp, lại muốn quên đi quãng đời lầm lỡ…, Quân đã tìm đến ma túy khi bạn bè rủ rê.

Anh Trần Vũ Quân, người thứ 2 (từ trái sang) tại buổi giao lưu. Ảnh: N.Tuyết
Anh Trần Vũ Quân, người thứ 2 (từ trái sang) tại buổi giao lưu. Ảnh: N.Tuyết

“Bữa tiệc nào rồi cũng tàn, cuộc vui nào cũng đến ngày kết thúc. Chứng kiến bạn bè cùng trang lứa chết vì ma túy và sự động viên của gia đình là động lực cho tôi từ bỏ ma túy” - Quân tâm sự. Có nghị lực nhưng cai được ma túy là việc rất khó khăn. Những ngày tháng tại Trung tâm giáo dục lao động Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), sự động viên của gia đình, chăm sóc của bác sĩ và nghị lực bản thân đã giúp anh vượt qua sự cám dỗ của ma túy, trở về với cộng đồng. Để lấy lại lòng tin và xóa đi sự kỳ thị của những người xung quanh, Quân luôn nghĩ đến công việc lương thiện. Không dừng lại ở đó, anh còn là thành viên của câu lạc bộ Bạn và Tôi (thuộc mạng lưới các nhóm tự lực phía Nam), đồng đẳng viên của nhóm giáo dục đồng đẳng TP.Biên Hòa… Chính công việc và các hoạt động xã hội đã khiến anh có niềm tin hơn vào cuộc sống. “Mọi khó khăn đều có thể vượt qua, chỉ cần bản thân có nghị lực và cố gắng thật sự” - lời chia sẻ của Quân như một thông điệp gửi đến các bạn trẻ: đừng vì thử ma túy một lần mà mất đi quãng đời tuổi trẻ tươi đẹp.

Khuôn mặt hồn nhiên của em Lê Văn Luân (ở xã Phú Điền, huyện Tân Phú) khiến chúng tôi ngỡ ngàng khi biết em từng dính vào ma túy. Luân kể: “Ba mẹ mất từ khi em còn quá nhỏ, em lớn lên nhờ sự chăm sóc của người chị. Cuộc sống khó khăn, em nghỉ học khi đang học lớp 6. Do thiếu hiểu biết và vì bạn bè rủ rê, em dính vào ma túy khi mới 16 tuổi. Không có việc làm, lại cần tiền mua ma túy sử dụng, có lúc em đã nghĩ đến việc làm bậy. Nhưng nghĩ đến lời dặn dò của chị: “Dù thế nào cũng không được để người ta nói mình không có ba mẹ dạy bảo”, em đã dừng lại”. Luân chia sẻ thêm: “Khi đã dính vào ma túy, em thấy mình như nô lệ của nó và em quyết tâm tránh xa nó”. Đến nay, Luân đã bỏ ma túy được 4 tháng và đang làm việc tại một xưởng in ở TP.Hồ Chí Minh. “Lương chỉ đủ sống, nhưng có công việc em sẽ dễ dàng quên đi ma túy” - Luân cho biết thêm.

Ba mẹ ly dị, Hồ Văn Vĩnh ở với ông bà nội từ nhỏ. Dù được ông bà dành hết tình yêu thương, nhưng Vĩnh không biết trân trọng mà sa ngã vào ma túy. Cuộc sống ngày một khó khăn khi ông bà tuổi cao sức yếu, không thể làm nhiều như trước. Chính tình thương và trách nhiệm đã đánh thức lương tri của Vĩnh, giúp anh trở về với gia đình. Vĩnh tâm sự: “Tôi sẽ cố gắng từ bỏ ma túy, kiếm cho mình một công việc để có thể chăm sóc ông bà trong những ngày cuối đời…”.

* Cần sự chung tay của cộng đồng

Đại tá Nguyễn Phi Hùng, Phó giám đốc Công an tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống ma túy, AIDS và các tệ nạn xã hội tỉnh, cho biết: “Hoạt động của tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh ngày càng phức tạp, không chỉ ở thành phố, mà len lỏi tận vùng sâu vùng xa, vào mỗi gia đình với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Qua số liệu thống kê hàng năm cho thấy, đối tượng nghiện ma túy năm sau thường cao hơn năm trước. Nếu năm 2009 có 1.484 đối tượng nghiện ma túy, thì năm 2010 con số này tăng thêm 208 đối tượng. Tính đến đầu tháng 6-2011, Đồng Nai đã phát hiện 1.770 đối tượng nghiện, so với năm 2010 tăng 78 người. Trong đó, chiếm đa số là thanh thiếu niên thiếu hiểu biết, đua đòi, không có nghề nghiệp ổn định…”.

Lao động để quên cảm giác thèm ma túy, đó là việc mà các học viên cai nghiện ma túy ở Trung tâm Xuân Phú làm mỗi ngày (ảnh mang tính minh họa).        Ảnh: T.MINH
Lao động để quên cảm giác thèm ma túy, đó là việc mà các học viên cai nghiện ma túy ở Trung tâm Xuân Phú làm mỗi ngày (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: T.MINH

Từ thực tiễn cho thấy, trách nhiệm phòng, chống ma túy không phải của một cơ quan, tổ chức nào mà đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vai trò của tổ chức Đoàn. Bác sĩ Trần Hữu Hậu, Trưởng phòng y tế TP. Biên Hòa, người có nhiều năm gắn bó với công tác tuyên truyền kiến thức pháp luật về phòng, chống ma túy, cho biết: “Ngành y tế đã có nhiều cố gắng, phối hợp với Thành đoàn, các phòng, ban tổ chức nhiều hội thi; thành lập các câu lạc bộ, đội nhóm, như: câu lạc bộ Bạn và Tôi, nhóm giáo dục đồng đẳng… nhằm tuyên truyền, vận động các đối tượng nghiện ma túy tham gia sinh hoạt để dần đưa họ về với cộng đồng”. Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, Bí thư đoàn phường Thanh Bình (TP.Biên Hòa), chia sẻ: “Người nghiện sau khi trở về thường rất e dè, khó tiếp xúc, do đó chúng ta phải gần gũi, lắng nghe và chia sẻ với phương châm “cùng sống cùng chơi” để giúp họ quên đi buồn chán. Mỗi đoàn viên hãy là một tuyên truyền viên đắc lực trong công tác phòng, chống ma túy”.

Nói về vai trò của tổ chức Đoàn trong công tác phòng, chống ma túy, anh Bùi Xuân Thống, Bí thư Tỉnh đoàn, cho hay: “Thanh thiếu niên chiếm đa số trong tổng số đối tượng nghiện ma túy nên cùng với việc phối hợp với các ngành tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy trong thanh niên, hỗ trợ các đối tượng cai nghiện tại cộng đồng, thì thanh thiếu niên sau cai nghiện sẽ được đưa vào tổ chức Đoàn, Hội sinh hoạt, học nghề, hỗ trợ vốn, giải quyết việc làm để các em sớm hòa nhập cộng đồng...”.

Nguyễn Tuyết

 

 


 

 

Tin xem nhiều