Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi lo nông nhàn

09:08, 12/08/2011

“Mã Đà có 6 tháng nắng, 6 tháng mưa. Mùa nắng thì thu hoạch mì, hái điều, dọn rẫy. Mùa mưa thì làm cỏ, xịt thuốc, trồng rừng. Những tháng mưa dầm, nắng gắt thì thất nghiệp ngồi nhà hoặc làm thợ đụng”- nông dân Phùng Văn Bình (ngụ tại ấp 5, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) nói về công việc của mình như thế.

“Mã Đà có 6 tháng nắng, 6 tháng mưa. Mùa nắng thì thu hoạch mì, hái điều, dọn rẫy. Mùa mưa thì làm cỏ, xịt thuốc, trồng rừng. Những tháng mưa dầm, nắng gắt thì thất nghiệp ngồi nhà hoặc làm thợ đụng”- nông dân Phùng Văn Bình (ngụ tại ấp 5, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) nói về công việc của mình như thế.

* Vượt suối làm thuê

Gà rừng vừa cất tiếng gáy báo sáng, chị Châu Kim Mai (vợ anh Bình) đã tỉnh giấc. Theo thói quen, chị Mai lục đục ra nhà sau nhóm bếp, chuẩn bị bữa cơm sáng cho cả nhà và mang theo ăn trưa khi sang tỉnh Bình Phước làm cỏ mì thuê.

Chị Mai bồng con đón chuyến đò sớm sang tỉnh Bình Phước làm cỏ mì thuê.  Ảnh: Đ.PHÚ
Chị Mai bồng con đón chuyến đò sớm sang tỉnh Bình Phước làm cỏ mì thuê. Ảnh: Đ.PHÚ

 

Bữa cơm mà chị Mai chuẩn bị cho 5 người (ăn sáng tại nhà, mang theo và để lại cho các con ăn trưa) gồm: 6 lon gạo được nấu trong cái nồi to, ít măng rừng xào, chén ruốc kho sả. Vậy mà, lũ nhóc con chị Mai (Vy, Lệ, Thoa) vừa tỉnh ngủ đã ăn sạch lúc 6 giờ sáng. “Nông dân tụi tui chỉ biết nấu cơm ăn sáng. Các thứ quà vặt vừa đắt tiền vừa tốn kém  lại không đủ năng lượng cho tụi tui làm đồng đến trưa” - anh Bình nói xong, bỏ đũa xuống mâm, đi uống nước.

Ăn cơm xong, vợ chồng anh Bình vội vã công kênh bé Thoa (2 tuổi) trên lưng, cuốc bộ ra bến đò ấp 5 để sang xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) làm cỏ mì thuê cho ông Ba Khánh. Ở nhà lúc này chỉ còn hai bé Vy (10 tuổi), Lệ (8 tuổi) cùng với bộn bề chén, dĩa chưa rửa và hai chú chó canh nhà. Anh Bình bày tỏ, vợ chồng anh và nhiều hộ gia đình khác đều bắt đầu một ngày làm thuê mướn xa nhà như vậy. 6 giờ chiều cả nhà anh mới đoàn tụ lại trong bữa cơm tối.

Trong lúc chờ đò theo vợ chồng anh Bình, chị Mai sang bên kia suối, anh Bình giới thiệu với chúng tôi anh Tám Trí (nhà ở xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu), cũng đang chở vợ sang bên kia bờ làm thuê. Tiếp chuyện với chúng tôi, anh Tám Trí cho hay, nơi anh ở hiện giờ hiếm việc, làm bữa được bữa mất. Trong khi đó, bên kia suối (tỉnh Bình Phước), cả nông trường đang khởi động nên rất cần nhân lực làm cỏ mì, đào hố trồng cao su, phun thuốc, dọn rẫy… “Công việc ở đây gần như quanh năm, mình làm giỏi, uy tín và bám chặt các ông chủ rẫy thì không bao giờ thất nghiệp” - anh Tám Trí nói.

Tiếp chuyện với người lái đò, chúng tôi được anh cho biết, cứ 10 phút anh đưa một nhóm 6-7 xe máy sang bên kia bờ. Trong số này có cả người làm thuê, người đi buôn bán. “Riêng những người ở xã Mã Đà, Phú Lý sang bên kia làm thuê tui chỉ quen độ trên chục người” - người đưa đò nói. Trong khi đó, anh Bình cho hay, riêng dân ấp 5 của anh vượt suối đi làm thuê có trên 20 người. Còn dân các ấp khác, xã Phú Lý hoặc dân miền Tây thì làm thuê theo nhóm, mùa vụ. Lực lượng này có quân số đông gấp đôi so với số người trong ấp của anh Bình sang tỉnh Bình Phước làm thuê. “Tụi tôi như chim trời, nơi nào có lúa, ngô lập tức đáp xuống tìm mồi. Những tháng mùa khô việc nhiều thì dựng chòi ở lại và tranh thủ làm đêm. Tháng mưa dầm, nắng gắt thì thất nghiệp nằm nhà hoặc tản mác khắp nơi tìm việc. Chỉ có những kẻ lưng nhớt (lười biếng) mới nằm dài than nghèo, kêu khổ”.

 * “Cán bộ” cũng làm mướn

Qua bắt chuyện với những người sang tỉnh Bình Phước làm thuê, chúng tôi được họ kể nhiều về ông Ba Lượng. Theo những người làm thuê, ông Ba Lượng là một tay làm thuê “vô địch”. Sau nửa giờ tìm nhà, chúng tôi mới gặp được ông Ba Lượng, khi ông đang phát cỏ rừng thuê cho “Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai” dọc tuyến đường DT761.

Sau vài câu làm quen, ông Ba Lượng cho biết, hiện ông là đại biểu HĐND ấp 5, xã Mã Đà. Ông năm nay gần 60 tuổi, con cháu đề huề, nhà không thiếu ăn hay thiếu đất sản xuất. Lý do ông đi làm thuê thật đơn giản: “Tui vừa kiếm tiền phụ vợ trang trải cuộc sống, đồng thời trong vai người làm thuê tui càng hiểu hơn sự vất vả, cơ cực của những người thiếu đất, thiếu việc nhưng vẫn bám nông nghiệp để mưu sinh. Từ đó, tui có ý kiến xác đáng khi phản ánh tình hình đời sống của bà con lên cấp trên”- ông Ba Lượng nói.

Là người từng trải trong việc làm thuê, ông Ba Lượng phác thảo lịch mùa vụ ngay dưới nền cỏ để chúng tôi dễ tiếp thu. Ông cho biết, tháng giêng rộ thu hoạch mì; tháng 2-3 trời đổ mưa thì cày đất, trồng mì, thu hạt điều; tháng 4-5 làm cỏ, xịt thuốc; tháng 6-7 trồng cao su, trồng rừng; tháng 8-10 mưa dầm nên thường thất nghiệp, làm linh tinh; tháng 11-12 vào vụ thu hoạch mì, các cây trồng khác nên việc rất nhiều, làm không xuể.

Nghe ông Ba Lượng bộc bạch, anh Hai Trơn (người làm thuê cùng với ông Ba Lượng) nãy giờ ngồi im liền tiếp chuyện. Anh Hai Trơn tỏ bày, làm thuê mà cù lần, chậm chạp thì cũng khó tìm việc. Nhất là làm công khoán, người giỏi tính bao giờ cũng làm được nhiều tiền, chạy việc cho chủ. “Cũng một ngày lao động nhưng ai tính giỏi thì tiền công luôn gấp đôi, gấp 3 người chỉ biết cầm cuốc, rựa phát, mổ cho hết giờ, hết ngày” - anh Hai Trơn nói.

Giấu mình trong những bụi mì xanh tốt để nhổ cỏ, người làm thuê cũng phải đối mặt với hiểm nguy như: bị rắn, rết cắn...       Ảnh: Đ.PHÚ
Giấu mình trong những bụi mì xanh tốt để nhổ cỏ, người làm thuê cũng phải đối mặt với hiểm nguy như: bị rắn, rết cắn... Ảnh: Đ.PHÚ

 

Theo ông Ba Lượng, anh Hai Trơn, lấy đồng tiền công sau một ngày làm quần quật tuy sướng ruột, nhưng để nhận được đồng tiền công đó, người làm thuê cũng gặp không ít rủi ro trong lao động, như: bị rắn, rết cắn; phát cỏ bị hư mắt, què chân; mắc bệnh hô hấp do thường xuyên tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật… “Chỉ có người làm thuê mới cảm nhận hết sự cơ cực khi nhận tiền công cho một ngày cật lực cuốc hố, dọn cỏ, xịt thuốc mướn. Tuy vậy, bây giờ không dễ tìm việc vì người đông, việc ít. Chỉ những người siêng năng, ngoại giao tốt thì không sợ thất nghiệp hay công việc thất thường, không ổn định một chủ” - anh Hai Trơn khẳng định.

Theo lịch làm thuê của ông Ba Lượng, tháng 8 là tháng thất nghiệp và cũng là tháng mà ngày công của người làm thuê bị đứt đoạn giữa chừng. “Có hôm, ngày chỉ làm một buổi vì trời mưa dai không tạnh”- ông Ba Lượng cho hay. Chính vì vậy, mới 2 giờ chiều chị Mai đã đội mưa bồng con xuống đò trở về nhà. Điều này càng làm cho chúng tôi thông cảm cho lý do đã bị chị cho “leo cây” trước đó, không đi hái măng rừng như đã hẹn, mà tất tả cùng chồng đi làm. “Chỉ cần lỗi hẹn với chủ rẫy thì mất việc làm ngay. Tui chỉ đi hái măng những ngày mưa dầm hoặc thất nghiệp nằm nhà để cố kiếm chút tiền mua thức ăn cho mấy đứa nhỏ”- chị Mai nói.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

Tin xem nhiều