Trong những chiến sĩ gắn bó với tàu không số vượt biển từ bến Lộc An ngày ấy, hiện chỉ còn lại má Mười Riều và các ông: Nguyễn Sơn, Lê Hà, Thôi Văn Nam. Gia tài đặc biệt của các chiến sĩ giữa cuộc sống đời thường hôm nay là những tấm huân, huy chương, kỷ niệm chương, danh hiệu mà Đảng và Nhà nước trao tặng.
Trong những chiến sĩ gắn bó với tàu không số vượt biển từ bến Lộc An ngày ấy, hiện chỉ còn lại má Mười Riều và các ông: Nguyễn Sơn, Lê Hà, Thôi Văn Nam. Gia tài đặc biệt của các chiến sĩ giữa cuộc sống đời thường hôm nay là những tấm huân, huy chương, kỷ niệm chương, danh hiệu mà Đảng và Nhà nước trao tặng. Những phần thưởng cao quý ấy đáng giá gấp trăm ngàn vàng bạc, bởi nó ghi dấu về một thời oanh liệt mà những người lính đoàn tàu không số đã trải qua, trong đó có cả xương máu của những người đồng đội nằm lại trên biển.[links(left)]
* Thấm máu đồng đội
Ông Nguyễn Sơn bê hòm đựng huân, huy chương các loại cho chúng tôi xem rồi xúc động cho biết: “Trên mỗi tấm huy chương này đều có máu của đồng đội tui, có linh hồn của những người nằm lại. Với tui, ký ức về chiến tranh không bao giờ quên, còn những tấm huy chương là niềm tự hào vô bờ bến”.
“Gia tài” của đại úy Nguyễn Sơn không gì quý bằng những tấm huy chương. |
Trong 1.789 chuyến tàu chở vũ khí bí mật từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam, ông Nguyễn Sơn là thuyền trưởng lớp đầu tiên của quân giải phóng miền Đông Nam bộ có 6 lần cùng đồng đội vượt biển. Ông bảo: “Vinh dự lớn nhất đời lính của tui là được cống hiến sức trẻ của mình cho Tổ quốc. Bây giờ, nếu được đi chiến đấu tui vẫn xung phong. Vinh dự thứ hai là được chở cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - lúc bấy giờ là Bí thư Khu ủy Khu 9, từ cảng Duy Linh (đảo Hải Nam, Trung Quốc) đến Cà Mau vào tháng 8-1973, và chở Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ Cà Mau đến Hậu Thủy (Hải Nam, Trung Quốc) vào tháng 11-1973. Đó là ký ức đẹp nhất trong suốt cuộc đời tui”.
Trong rất nhiều tấm huân, huy chương được Đảng và Nhà nước trao tặng, có một tấm huy chương ông Nguyễn Sơn luôn cất kỹ và xem đó là tấm huy chương đặc biệt, tấm huy chương có biểu tượng đoàn tàu không số. “Tấm huy chương này đã thấm máu của nhiều đồng đội tui. 34 chiến sĩ vượt biển ngày ấy bây giờ chỉ còn một nửa. Mỗi lần đeo tấm huy chương này lên ngực, tui như nghe tiếng Tổ quốc gọi tên mình, và ký ức về những ngày tháng chiến đấu ở tàu không số lại tràn về. Nhớ lắm. Những đồng đội cũ người còn, người đã chết” - giọng ông Sơn chùng xuống xúc động.
Chuyến tàu cuối cùng mang biệt danh không số do ông Sơn chỉ huy hành trình tới cảng Vũng Tàu vào sáng 29-4-1975. Mọi người ôm nhau trào nước mắt khi nghe tiếng cô phát thanh viên dõng dạc trên loa: “Tỉnh lỵ Vũng Tàu - Côn Đảo đã giải phóng”. Chen lẫn niềm vui ngày đại thắng, khóe mắt ông cay cay bởi đồng đội ông không còn nguyên vẹn. Người vĩnh viễn nằm lại biển xanh, người mất cánh tay, người không còn đôi mắt. Nhưng ông còn lại tất cả, đó là tình yêu Tổ quốc và tình đồng đội vẹn nguyên trong trái tim. Sau ngày đất nước thống nhất, ông Nguyễn Sơn và các chiến sĩ thủy thủ trên tàu không số gia nhập vào bộ đội Hải quân. Với chức vụ tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 (đơn vị có mật danh “CBS”), ông cùng đồng đội tiếp tục sang chiến đấu giúp nước bạn Campuchia diệt Pôn pốt Eng-xa-ry năm 1983. Năm 1992, ông nghỉ hưu với cấp hàm đại úy.
Trở về cuộc sống đời thường, người thuyền trưởng đoàn tàu không số ngày ấy tham gia nhiều hoạt động ở địa phương với nhiều chức vụ: Bí thư chi bộ ấp, chủ tịch Hội Cựu chiến binh, phó bí thư chi bộ khu phố, tổ trưởng khu dân cư… Việc nhà, việc hội làm ông không lúc nào ngơi tay. Ông nói: “Mình còn sức còn đóng góp cho xã hội. Trong chiến tranh, cuộc đời người lính là những chuyến đi, trong thời bình, đời sống tinh thần của người lính là niềm tự hào về năm tháng chiến đấu”.
* Ước nguyện cuối đời
Dù ở cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng má Mười Riều (người góp gia tài đóng tàu không số đầu tiên của bến Lộc An, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn giữ tất cả những kỷ vật của một thời hoa lửa. Những tấm ảnh từ thời chiến sĩ đến những tấm huy chương, huy hiệu 40 năm tuổi đảng, bằng khen…, theo dòng chảy của thời gian có phần cũ kỹ, nhưng ký ức cùng những bà con làng chài Phước Hải vác đạn giấu vào Vàm Láng để chuẩn bị cho chiến dịch Bình Giã thì vẫn nguyên vẹn, tươi mới trong má. Những tấm huy chương ấy không phải là khung hình vô giác, vô tri, mà là nhựa sống và niềm tự hào lúc tuổi già của má Mười Riều. Má bảo: “Với má, đây là tất cả. Có thể mất nhiều thứ, nhưng những tấm huy chương này không thể mất, bởi đó là hơi thở của má...”.
Trong niềm vui của tuổi già, má Mười Riều có một ước nguyện được gặp lại đứa con nuôi tên Nguyễn Bá Cường ở tận Hà Nội. Năm 1996, má Mười Riều được ra thủ đô Hà Nội dự hội nghị tuyên dương toàn quốc những gia đình có công. Khi ban tổ chức giới thiệu má Mười lên sân khấu, công bố câu chuyện bà má miền Nam đã hiến hơn 20 cây vàng và cả tài sản của gia đình mình đóng tàu không số, chiếu đoạn phim tư liệu về má Mười cùng đồng đội và nhân dân Phước Hải vác vũ khí ở bến Lộc An đã gây xúc động mạnh mẽ trong lòng mọi người, nhất là những sinh viên trẻ có mặt hôm ấy. Giờ giải lao, ngoài bậc thềm hội trường, một sinh viên chạy đến bên má nói: “Má ơi, cho con xin chụp với má tấm ảnh nhé”. Chụp ảnh xong, anh còn bảo: “Con xin nhận làm con nuôi của má được không?”. Má Mười cười, nói: “Được chớ. Má có 2 đứa con, một đứa bị tâm thần do dư chấn tiếng động bom. Có thêm con ở Hà Nội là má mừng rồi”.
Má Mười Riều bên tấm huy hiệu 40 năm tuổi đảng. |
Cậu sinh viên ngày ấy bây giờ đã 36 tuổi, là giảng viên môn triết học kiêm phó bí thư Đoàn trường đại học sư phạm Hà Nội. Lần theo số điện thoại má Mười cung cấp, chúng tôi đã được trò chuyện với anh Nguyễn Bá Cường. Anh kể: “Năm 1999, khi ấy em mới ra trường, lúc nhận tháng lương đầu tiên là em nhớ đến má Mười. Em mua 2 tấm vải, 1 gửi vào tặng má, 1 tấm tặng mẹ ruột. Chính hình ảnh má Mười cống hiến tiền vàng để đóng tàu không số đã cho em lý tưởng sống của thanh niên. Em đã trưởng thành từ đó. Năm 2003, em có vào thăm má một lần. Lần ấy, má cho chiếc nhẫn vàng 2 chỉ, em đã từ chối rất nhiều. Em bảo, con nhận nhưng xin gửi lại má để dưỡng già. Nhưng má không đồng ý, mà còn bảo: nếu không nhận thì má không nhận con làm con nuôi nữa. Em và má đã ôm nhau khóc ở hiên nhà. Năm nay kỷ niệm 50 năm đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, em sẽ thu xếp thời gian cuối năm vào gặp má”…
Chiều cuối tuần, gió từ biển Phước Hải thổi về lồng lộng. Má Mười Riều lò dò đến bên bàn thờ. Bàn tay nhăn nhúm sờ lên tấm ảnh chụp trong lần má cùng đồng đội ra Hà Nội gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Nhìn lên tấm huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, má bảo: “Đây là gia tài đặc biệt của má”.
Mai Thắng