Trong cuộc chiến đấu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội của lực lượng công an, cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC- lính cứu hỏa) là một nghề khá nguy hiểm. Trong khi làm nhiệm vụ chữa cháy, đối diện với giặc lửa, người lính cứu hỏa bất chấp hiểm nguy, lao mình vào đám cháy để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội của lực lượng công an, cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC- lính cứu hỏa) là một nghề khá nguy hiểm. Trong khi làm nhiệm vụ chữa cháy, đối diện với giặc lửa, người lính cứu hỏa bất chấp hiểm nguy, lao mình vào đám cháy để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân. Trong cuộc chiến thầm lặng nhưng đầy hiểm nguy đó, có người không may phải mang thương tật, thậm chí hy sinh tính mạng của mình…
* Dấn thân vì nghề
Trao đổi với chúng tôi về những gian lao, hiểm nguy của người lính cứu hỏa, đồng chí lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn (PC66) Công an tỉnh cho biết, làm lính cứu hỏa rất nhiều gian nan, nhưng đã dấn thân vào nghề thì anh em phải phấn đấu để vượt qua tất cả. Người chiến sĩ công an nói chung, lính cứu hỏa nói riêng, chỉ có thể được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ khi có lòng yêu nghề, thiết tha, gắn bó với công việc mà mình đang đảm đương, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự bình yên cuộc sống của nhân dân và xã hội. Do vậy, ngay từ khi tuyển chọn những thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự để đưa vào xây dựng lực lượng, tiêu chuẩn đầu tiên được lãnh đạo PC66 đặt ra đối với những tân binh là phải có tình yêu Tổ quốc, yêu nghề cứu hỏa, trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân, có sức khỏe tốt và biết hy sinh, chịu đựng được những gian nan, vất vả sẽ phải đương đầu. Tuy nhiên, để trở thành người lính cứu hỏa giỏi, yêu cầu bắt buộc đối với mỗi chiến sĩ là phải không ngừng rèn luyện, phấn đấu, tích cực học tập để am hiểu pháp luật, tinh thông nghiệp vụ chuyên ngành và sự linh hoạt, nhạy bén xử lý tình huống trong lúc tác nghiệp, chiến đấu.
Cán bộ PC66 kiểm tra an toàn PCCC ở các làng nghề.
Trong bối cảnh đất nước, hội nhập với thế giới, nền kinh tế phát triển, cơ sở vật chất, của cải phục vụ sản xuất, đời sống ngày càng nhiều thì nguy cơ về mất an toàn để xảy ra cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ vì thế càng gia tăng. Đối diện với những thách thức đó, người lính cứu hỏa phải biết vận dụng và triển khai đầy đủ các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác PCCC, đồng thời phải chủ động tham mưu cho các cấp lãnh đạo và Ban giám đốc Công an tỉnh kịp thời đề ra những chủ trương sát, đúng để lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCCC trên địa bàn. Cùng với nhiệm vụ tham mưu, lính cứu hỏa còn phải chủ động xây dựng các phương án chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, tích cực điều tra, xử lý các vụ vi phạm về an toàn PCCC theo quy định của pháp luật.
Những năm gần đây, khi các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, thu hút hàng trăm dự án đầu tư thì người lính cứu hỏa còn phải gánh thêm trách nhiệm thẩm duyệt, kiểm tra thi công, nghiệm thu về PCCC đối với các dự án quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư xây dựng công trình, dự án thiết kế và thẩm định an toàn PCCC và giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác PCCC…
* Luôn ở tuyến đầu chống giặc lửa
Mang tên là lính cứu hỏa nên lực lượng Cảnh sát PCCC luôn có mặt trên tuyến đầu của cuộc đấu tranh phòng, chống cháy nổ, không một phút lơ là, mất cảnh giác. Hàng ngày, tại các đội thường trực chữa cháy, công việc trực chiến đấu của lực lượng chữa cháy ở các trung tâm luôn sôi động người và phương tiện. Tất cả đều trong tư thế sẵn sàng, khi có lệnh báo cháy là lên đường ngay, dù bất kể đêm, ngày hay thời tiết mưa gió. Bởi lẽ, trong hỏa hoạn, chỉ cần chậm trễ một chút là sự thiệt hại về người và tài sản sẽ không lường hết được. Trong khi đó, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) ở các bộ phận chuyên môn khác của đơn vị cũng vất vả không kém.
Cán bộ PC66 hướng dẫn các Đội PCCC cơ sở thực tập các phương án chữa cháy.
Thượng tá Lê Đình Thám, Phó trưởng Phòng PC66 cho biết, để ngăn ngừa và làm giảm tối đa các vụ việc mất an toàn về PCCC và những nguy cơ phát sinh cháy nổ, bên cạnh việc tập trung triển khai lực lượng thực hiện công tác kiểm tra an toàn PCCC thường xuyên ở các công ty, nhà máy, nông lâm trường trong tỉnh; phát động và duy trì phong trào toàn dân PCCC ở cơ sở; xây dựng các đề án PCCC dài hạn phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; lên phương án bảo vệ an toàn PCCC tại các mục tiêu quan trọng của tỉnh, lính cứu hỏa còn phải thường xuyên tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, diễn tập triển khai các phương án chữa cháy phù hợp với điều kiện trang bị, đồng thời tập trung xây dựng, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở, các đội PCCC nghĩa vụ dân phòng, thực hiện các bài tập chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn ở các khu dân cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, các nhà máy, xí nghiệp ở các khu công nghiệp... Trong những lần kiểm tra như thế, CBCS PCCC phải vận dụng tất cả những kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn để chỉ ra những sơ hở, thiếu sót của các cơ sở trong triển khai thực hiện các phương án chữa cháy cũng như việc đầu tư con người và phương tiện chữa cháy để kịp thời hướng dẫn các cơ sở khắc phục những yếu kém, thiếu sót, từng bước hoàn thiện phương án PCCC ở cơ sở mình.
Vất vả, cực nhọc là vậy nhưng nhiều CBCS cứu hỏa mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều bày tỏ ý chí và quyết tâm đeo bám nghề. Theo thống kê chưa đầy đủ, bình quân mỗi năm lực lượng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh tổ chức hàng trăm lượt kiểm tra an toàn PCCC ở các cơ sở, tổ chức diễn tập chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn cho gần một ngàn đội PCCC nghĩa vụ dân phòng và trực tiếp tham gia chữa từ 40-60 đám cháy lớn, nhỏ xảy ra trên địa bàn tỉnh. Trong cuộc chiến đấu với giặc lửa để bảo vệ tài sản Nhà nước và tính mạng, tài sản của nhân dân, đã có 2 chiến sĩ của PC66 đã dũng cảm hy sinh và 4 người bị thương trong lúc làm nhiệm vụ.
Đức Việt