Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Quên mình trong hỏa hoạn

08:09, 20/09/2011

Qua 36 năm thành lập, lực lượng Cảnh sát PCCC Công an Đồng Nai đã tham gia chiến đấu hàng ngàn trận lớn, nhỏ và đã cứu được rất nhiều tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, tính mạng và tài sản của nhân dân. Có những trận chiến, người lính cứu hỏa đã quên thân mình lao vào lửa đỏ để chữa cháy, và đã có nhiều chiến sĩ đã ngã xuống trong lúc làm nhiệm vụ.

Qua 36 năm thành lập, lực lượng Cảnh sát PCCC Công an Đồng Nai đã tham gia chiến đấu hàng ngàn trận lớn, nhỏ và đã cứu được rất nhiều tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, tính mạng và tài sản của nhân dân. Có những trận chiến, người lính cứu hỏa đã quên thân mình lao vào lửa đỏ để chữa cháy, và đã có nhiều chiến sĩ đã ngã xuống trong lúc làm nhiệm vụ.

>>> Bài 1 : Trên tuyến đầu phòng, chống giặc lửa

 

* Bom đạn không chùn bước

Sau khi được thành lập (ngày 15-5-1975), Đội chữa cháy Ty Công an Biên Hòa (tiền thân của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (PC66) Công an tỉnh ngày nay) đã phải đối diện với nhiều khó khăn, thiếu thốn về biên chế, phương tiện trang bị. Phần lớn cán bộ, chiến sĩ (CBCS) lúc bấy giờ là lính chiến đấu được tăng cường từ miền Bắc trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong số này có nhiều người chưa trải qua kinh nghiệm về công tác PCCC. Lúc ấy, toàn đơn vị chỉ có 5 chiếc xe chữa cháy cũ kỹ với sức chứa khoảng 4 khối nước, trong đó có 1 xe reo 3 thu hồi của địch nên rất khó khăn cho đơn vị thực thi nhiệm vụ khi có cháy lớn xảy ra. Tuy nhiên, với lòng yêu nghề và ý thức trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, CBCS Cảnh sát PCCC Công an Đồng Nai đã làm nên những chiến công xuất sắc trong chiến đấu và xây dựng đơn vị.

CBCS luôn chuẩn bị phương tiện để sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ cứu hỏa.
CBCS luôn chuẩn bị phương tiện để sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ cứu hỏa.

 Như lúc 11 giờ ngày 19-3-1977, kho chứa bom, đạn 2.000 tấn ở căn cứ quân sự Long Bình xảy ra cháy lớn. Trước nguy cơ bom, đạn phát nổ gây ra hậu quả khó lường cho sinh mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân TP.Biên Hòa, ngay sau khi nhận được tin báo, trưởng phòng Vi Bá Đãi đã điều động 5 xe chữa cháy hiện có của đơn vị cùng với 40 CBCS khẩn trương đến hiện trường dập tắt đám cháy. Vào thời điểm đó, ngọn lửa bắt đầu bùng phát mạnh tại các kho chứa hàng quân dụng và có nguy cơ cháy lan đến khu vực kho chứa bom, đạn cách đó 20m. Bằng thái độ bình tĩnh, dứt khoát của người chỉ huy, đồng chí Vi Bá Đãi đã động viên CBCS nắm vững các động tác, kỹ thuật chữa cháy, bình tĩnh kéo vòi bò vào khu vực đám cháy đang hoành hành phun nước khống chế ngọn lửa, không để cháy lan sang kho bom, đạn. Cuộc chiến đấu căng thẳng kéo dài trên 1 giờ, khu vực kho bom, đạn vẫn được bảo vệ an toàn nhưng ngọn lửa vẫn còn cháy khá mạnh tại các kho chứa hàng quân dụng. Trong lúc chưa biết xử trí thế nào trước tình huống nguồn nước chữa cháy ở các xe đang dần cạn kiệt thì một tin vui chợt đến với các CBCS tham gia chữa cháy, khi có thêm lực lượng tăng cường của Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP.Hồ Chí Minh và Cục Cảnh sát PCCC phía Nam hỗ trợ. Được tiếp thêm sức mạnh, lực lượng tham gia chữa cháy đã tổ chức lại đội hình chiến đấu, tìm vị trí thuận tiện để đỗ xe, đảm bảo an toàn cho người nếu xảy ra các vụ nổ bom, đạn, đồng thời chia lực lượng thành 4 mũi sử dụng tia nước mạnh dập tắt đám cháy. Sau hơn 4 giờ chiến đấu liên tục, đám cháy được khống chế hoàn toàn, đảm bảo an toàn về người và tài sản. Trong quá trình chữa cháy, lực lượng đã cứu được nhiều kho quân dụng, đạn dược, đặc biệt là kho bom với hàng ngàn tấn (trong đó có 4 quả bom hơi ngạt C.B.U.). Sau vụ chữa cháy kho bom, đạn Long Bình thành công, đơn vị đã được UBND tỉnh gửi thư khen ngợi và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3.

Từ vụ chữa cháy kho bom đạn Long Bình, với tinh thần quả cảm không ngại hy sinh, CBCS PC66 Công an tỉnh đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác chữa cháy ở các khu vực nguy hiểm. Với kinh nghiệm đó, về sau lực lượng còn tham gia cứu chữa thành công vụ cháy kho đạn ở sân bay Biên Hòa vào năm 1982 và kho đạn của Cục Kỹ thuật (Quân khu 7) ở huyện Cẩm Mỹ vào năm 2004.

 * Máu đã đổ trên đường tác nghiệp

Đã làm lính cứu hỏa thì phải chấp nhận rủi ro, hy sinh, điều ấy mọi CBCS đều thuộc nằm lòng khi tình nguyện dấn thân vào nghề. Nhưng có những hy sinh của CBCS ập đến hết sức bất chợt trong lúc chiến đấu,  khiến những người chứng kiến đau nhói, tiếc thương mỗi khi nhắc đến. Thượng tá Chu Văn Liên, Phó trưởng phòng PC66, không nén được sự xúc động cho biết, cách đây 21 năm, khoảng 15 giờ ngày 18-5-1980, trực ban đơn vị nhận được tin báo có một vụ cháy nhà dân tại phường Tam Hiệp (TP.Biên Hòa), vụ hỏa hoạn có nguy cơ cháy lan cả xóm nếu không được dập tắt kịp thời. Nhận được tin báo, Ban chỉ huy PC66 đã điều động đội chữa cháy trung tâm xuất 2 xe chữa cháy và 12 CBCS nhanh chóng đến hiện trường dập tắt đám cháy để cứu sinh mạng và tài sản của nhân dân. Chỉ huy trận chiến này là đồng chí Hoàng Như Hòa, Đội trưởng đội chữa cháy trung tâm. Lúc bấy giờ, do đơn vị còn thiếu thốn về phương tiện, trang bị nên đơn vị chỉ điều động 2 xe chữa cháy thu hồi của chế độ cũ để lại tham gia chiến đấu, gồm 1 xe hiệu International và 1 xe reo 3 do Mỹ sản xuất. Khi lực lượng chữa cháy lên xe xuất phát khỏi đơn vị thì trời bắt đầu nổi cơn giông. Lo sợ nếu chậm trễ thì bà con trong khu vực đang xảy ra hỏa hoạn sẽ hoang mang và bị nhiều thiệt hại, lực lượng tham gia chữa cháy gấp rút cho xe tăng tốc. Khi chạy đến khúc cua ở khu vực cầu Đen (trước cổng Công ty gốm Đồng Nai, thuộc địa bàn phường Tam Hiệp), do đang di chuyển với tốc độ nhanh, lại gặp đường trơn trợt nên chiếc xe chữa cháy bị lạc tay lái và lật, văng nhiều vòng xuống đường. Tai nạn bất ngờ đã làm hai chiến sĩ hy sinh, đội trưởng Hóa và 3 đồng đội còn lại bị thương nặng, chiếc xe chữa cháy bị hư hỏng hoàn toàn.

Chữa cháy tại một doanh nghiệp. Ảnh: Đ.Việt
Chữa cháy tại một doanh nghiệp. Ảnh: Đ.Việt

 Sự hy sinh của các CBCS PCCC ngày 18-5-1980 còn chưa nguôi ngoai trong tâm thức của mọi người, thì vào năm 1982, lực lượng chữa cháy Công an tỉnh lại nhận được tin báo cháy lớn tại sân bay Biên Hòa. Ngay lập tức Ban chỉ huy PC66 điều động 2 xe chữa cháy cùng với 12 CBCS khẩn trương đến hiện trường để phối hợp với lực lượng chữa cháy sân bay khống chế đám cháy. Trong trận chiến này, đồng chí Nguyễn Văn Cung, chiến sĩ đội chữa cháy trung tâm, được phân công làm chiến sĩ số 1, thuộc tiểu đội 1. Khi nhận lệnh lên đường, xe của đồng chí Cung xuất phát trước. Khi đến khúc cua trước cổng Nhà máy A42, do xe chạy với tốc độ nhanh, lại ôm cua đột ngột nên cánh cửa xe nơi gần chỗ ngồi của đồng chí Cung bị bật ra, hất văng anh xuống đường. Tai nạn này khiến Cung bị thương rất nặng và nhờ được đưa đi cấp cứu kịp thời nên anh mới thoát chết.

Sau tai nạn, đồng chí Cung được xét công nhận thương binh hạng 4/4. Đây cũng chính là những bài học xương máu để CBCS PC66 rút tỉa những kinh nghiệm cho công tác chữa cháy về sau.      

Đức Việt

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều