Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối : Chữa cháy thời công nghiệp hóa

10:09, 21/09/2011

Khi tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng được đẩy mạnh, nền kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng xăng dầu, hóa chất, khí hóa lỏng, điện... ngày càng cao thì nguy cơ phát sinh cháy nổ càng lớn. Từ đây, lực lượng Cảnh sát PCCC của tỉnh phải tập trung xây dựng, củng cố đội ngũ, đầu tư trang thiết bị phục vụ chữa cháy để kịp đáp ứng tình hình.

Khi tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng được đẩy mạnh, nền kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng xăng dầu, hóa chất, khí hóa lỏng, điện... ngày càng cao thì nguy cơ phát sinh cháy nổ càng lớn. Từ đây, lực lượng Cảnh sát PCCC của tỉnh phải tập trung xây dựng, củng cố đội ngũ, đầu tư trang thiết bị phục vụ chữa cháy để kịp đáp ứng tình hình.

[links(left)]


* Người sẵn sàng, phương tiện sẵn sàng

Các đồng chí lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (PC66) Công an tỉnh cho biết, để đảm bảo an toàn công tác PCCC trong thời kỳ đất nước thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lực lượng Cảnh sát PCCC cũng phải tiến lên xây dựng chính quy, hiện đại. Nếu những năm 1980-1990, lực lượng chữa cháy chỉ có ở trung tâm tỉnh và một ít lực lượng ở khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa, với trang bị phương tiện lạc hậu thì hiện nay, lực lượng Cảnh sát PCCC đã phát triển đều khắp các địa bàn trong tỉnh, với 6 đội chữa cháy khu vực và 1 đội chữa cháy trung tâm được huấn luyện bài bản, đủ khả năng ứng phó với các tình huống khi có cháy nổ xảy ra. Bên cạnh đó, trang thiết bị, phương tiện chiến đấu cho Cảnh sát PCCC cũng được cấp trên chú ý đầu tư với những phương tiện chuyên dùng hiện đại, đảm bảo cho lực lượng tác nghiệp trong mọi tình huống.

Lính cứu hỏa “mướt mồ hôi” trong trận chữa cháy ở Công ty TNHH Samil Vina. Ảnh: Đ.Việt
Lính cứu hỏa “mướt mồ hôi” trong trận chữa cháy ở Công ty TNHH Samil Vina. Ảnh: Đ.Việt

 Tham gia chỉ huy hàng trăm trận chữa cháy lớn nhỏ, thượng tá Lê Đình Thám, Phó trưởng phòng PC66, có khá nhiều kỷ niệm sâu sắc với nghề. Ông cho biết, thời kỳ đất nước còn khó khăn, thiệt hại do các vụ hỏa hoạn gây ra thường không nhiều, công tác chữa cháy theo đó cũng ít nguy hiểm và vất vả. Hiện nay, khi các KCN, công ty đua nhau mọc lên, yêu cầu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất khá đa dạng và phong phú với đủ các chủng loại hóa chất, điện, xăng dầu, khí hóa lỏng… nên khi xảy ra cháy thường là cháy lớn, gây thiệt hại nhiều, công tác chữa cháy cũng vất vả và nguy hiểm. Như năm 2001, tại Công ty TNHH Cự Hùng, đơn vị chuyên sản xuất đế giày dép, ron cao su ở phường Tam Hiệp (TP.Biên Hòa) đã xảy ra một vụ cháy lớn. PC66 đã huy động 6 xe chữa cháy cùng 40 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) khẩn trương đến hiện trường để can thiệp. Khi Cảnh sát PCCC đến nơi thì toàn bộ khu nhà xưởng và nơi làm việc của công ty đã bị ngọn lửa bao trùm. Để có thể triển khai được đội hình chiến đấu, lực lượng cứu hỏa phải phá sập các dãy tường rào bao quanh công ty để xe chữa cháy xông vào. Nhiều chiến sĩ chữa cháy đã ôm vòi phun nước xông vào nơi phát ra đám cháy, tích cực khống chế ngọn lửa. Tuy nhiên, do vật liệu cháy là cao su và hóa chất nên càng phun nước, đám cháy càng bốc lên dữ dội. Khói độc tỏa ra nồng nặc khiến nhiều chiến sĩ ngất xỉu phải đưa ra tuyến sau cấp cứu, số còn lại tiếp tục xông vào chữa cháy. Tình hình lúc bấy giờ càng xấu thêm, khi toàn bộ khung thép, mái tôn nhà xưởng bất ngờ đổ sập, việc chữa cháy càng thêm khó khăn. Mặc cho sức nóng của lửa, lực lượng chữa cháy thay phiên nhau dùng dụng cụ phá mái tôn để tìm cách tiếp cận đám cháy và đưa vòi nước trực tiếp phun vào nơi có ngọn lửa. Với phương án chiến đấu hợp lý, khoảng 20 giờ 30 cùng ngày, đám cháy cơ bản được khống chế.

Thế nhưng, trong lúc lính cửu hỏa chưa kịp nghỉ ngơi lấy sức sau nhiều giờ chiến đấu với giặc lửa thì lại xảy ra vụ cháy ở nơi khác. Tại một khu vực gần đó, kho chứa hóa chất của công ty do bị ảnh hưởng của sức nóng đã bất ngờ phát hỏa dữ dội, trực tiếp uy hiếp đến nhiều nhà dân lân cận. Trong tình huống này, lãnh đạo PC66 đã nhanh chóng điều chỉnh phương án chiến đấu bằng cách điều 2 xe chữa cháy sang khu vực nhà dân phun nước để ngăn đám cháy lây lan, số còn lại dùng bọt hóa chất khống chế ngọn lửa vừa bùng phát. Sau gần 5 giờ chiến đấu căng thẳng, vụ hỏa hoạn ở Công ty Cự Hùng mới được dập tắt hoàn toàn, tránh được thiệt hại khá lớn cho các hộ dân cư ngụ xung quanh.

 * Còn những nhiệm vụ nặng nề phía trước

Khi tốc độ công nghiệp hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng tiến nhanh thì nguy cơ xảy ra các vụ cháy lớn theo đó cũng ngày càng khốc liệt, năm sau cao hơn năm trước, thiệt  hại trong những vụ cháy này có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Điển hình như vụ cháy ở Công ty Hanpack Vina ở KCN Long Bình (TP.Biên Hòa) lúc 9 giờ ngày 3-10-2006. Vào thời điểm đó, bên cạnh Công ty Hanpack Vina có một nhóm công nhân đang hàn điện thi công công trình xây dựng nhà xưởng cho một công ty vì sơ ý đã để xỉ hàn văng sang kho thành phẩm chứa nhiều hàng mút xốp của Công ty Hanpack dẫn đến hỏa hoạn. Do bên trong Công ty Hanpack nơi nào cũng chứa nhiều mút xốp nên ngọn lửa cháy lan rất nhanh, chỉ trong 15 phút, cả kho chứa thành phẩm, nhà xưởng, văn phòng công ty (diện tích trên 4000m2) đã chìm trong biển lửa.

Luyện tập chữa cháy ở các doanh nghiệp. Ảnh: Đ.Việt
Luyện tập chữa cháy ở các doanh nghiệp. Ảnh: Đ.Việt

Nhận được tin báo, 4 xe chữa cháy với hơn 30 CBCS của đội chữa cháy KCN Biên Hòa và đội chữa cháy trung tâm đã khẩn trương đến hiện trường can thiệp. Đến nơi, lực lượng chữa cháy đã nhanh chóng di tản 40 công nhân đang mắc kẹt trong vòng vây lửa ra khỏi khu vực nguy hiểm, đồng thời triển khai nhanh đội hình chiến đấu. Trước một đám cháy có nhiều mút xốp, khi cháy tỏa ra nhiều khí độc cùng nguồn bức xạ nhiệt, nhiều chiến sĩ đã bị ngộ độc vì khói, bụi. Nhưng với lòng dũng cảm và quyết tâm cao, lực lượng chữa cháy đã triển khai phương án chiến đấu, chia đám cháy ra từng chu vi nhỏ để dập lửa. Sau hơn 2 giờ chiến đấu căng thẳng, đám cháy ở Công y Hanpack Vina mới được dập tắt hoàn toàn. Thiệt hại của vụ cháy này lên đến hàng chục tỷ đồng.

Hay như vụ cháy tại Công ty TNHH Samil Vina ở KCN Long Thành vào lúc 16 giờ 55 ngày 8-1-2010. Trong vụ cháy này, PC66 phải điều động 7 xe chữa cháy của đội chữa cháy KCN Long Thành - Nhơn trạch, KCN Biên Hòa, đồng thời huy động thêm 2 xe chữa cháy của Công ty Vedan, Công ty Hyosung và 2 xe tiếp nước của Ban quản lý Công ty Sonadezi, Ban quản lý KCN Tam Phước tham gia tiếp nước để khống chế đám cháy. Với sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa các lực lượng, đến 21 giờ cùng ngày, đám cháy đã được dập tắt. Mặc dù vậy, thiệt hại do vụ cháy gây ra đến hơn 144 tỷ đồng và là vụ cháy gây thiệt hại về tài sản lớn thứ 2 cả nước trong năm 2010.

Nêu lên những vụ việc trên để thấy công tác PCCC trong đời sống, sinh hoạt, sản xuất thường ngày rất quan trọng và cấp bách. Mọi người cần nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa cháy nổ để cuộc sống ngày càng an toàn hơn, tránh được những rủi ro, thiệt hại do hỏa hoạn gây ra.

Đức Việt

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều