Bên trong ngôi nhà gỗ xập xệ, người đàn ông khoảng 50 tuổi với nước da sạm đen ngồi nắn đôi chân gầy gò. Cạnh đó, một bé gái khoảng 15 tuổi đang mày mò tẻ những hạt bắp để phơi kịp nắng.
Bên trong ngôi nhà gỗ xập xệ, người đàn ông khoảng 50 tuổi với nước da sạm đen ngồi nắn đôi chân gầy gò. Cạnh đó, một bé gái khoảng 15 tuổi đang mày mò tẻ những hạt bắp để phơi kịp nắng.
* Cái nghèo bám dai dẳng
Gia đình ông Hoàng Văn Trần (ngụ ở tổ 7, ấp 3, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) thuộc diện nghèo của xã Sông Ray, với mức thu nhập bình quân chỉ khoảng 385 ngàn đồng/người/tháng. Con số này còn thấp hơn so với chuẩn nghèo của tỉnh (năm 2010: 400 ngàn/người/tháng, năm 2011: 650 ngàn/người/tháng), nên gia đình ông rất khó khăn. Ngồi trò chuyện với chúng tôi, chốc lát lại thấy ông đưa tay ấn vào sống lưng và xoa đôi chân gầy tong teo. Ông Trần cho biết: “Tôi bị đau thần kinh tọa từ nhiều năm nay nhưng nhà nghèo không có tiền chạy chữa”. Nói rồi ông khẽ lặng người, ánh mắt nhìn xa xăm, đượm buồn.
Ông Trần đang nhóm lửa bên gian bếp cũ kỹ, ẩm thấp. Ảnh: T.MINH
Gia đình ông Trần có hơn 1 sào ruộng để trồng lúa, thu nhập từ việc làm nông chẳng thấm vào đâu so với tiền học hành, sinh hoạt hàng ngày của 5 đứa con nhỏ. Theo lời ông kể, để trang trải chi phí trong gia đình, hết vụ lúa, ông và vợ thường đi làm thuê cho người khác. Những công việc nặng nhọc quá sức ông cũng chẳng nề hà, miễn sao sắp nhỏ có được bữa cơm no đủ. Ông tâm sự: “Nhiều hôm bệnh, mệt lắm nhưng vẫn phải ráng làm. Mình nằm đó thì tụi nhỏ có cái gì để lót dạ. Có hôm đang làm chứng bệnh nó cứ hành, ráng sức miết nên giờ tôi ngày càng suy kiệt, đau ốm liên miên”.
Vợ ông, người phụ nữ gầy gò vì làm quá sức nên hay bị đau bả vai, nhức các khớp. Cứ mỗi lần trái gió trở trời, bà lại khó chịu trong người và chỉ biết nằm co ro ở một góc nhà. 5 đứa con nhỏ đang độ tuổi ăn học nên chỉ giúp ba mẹ những công việc lặt vặt trong nhà, gánh nặng áo cơm đều oằn lên vai hai vợ chồng luôn đau bệnh. Nói được một lúc, ông chùng giọng vẻ mặt đầy lo âu. Hỏi ra mới biết, giờ sức khỏe của vợ chồng ông không được như trước nên chẳng đi làm thuê được nhiều. Chưa kể nhiều hôm bị bệnh, hai vợ chồng ông sợ tốn kém nên đành chịu trận mà chẳng dám đi khám, vì tiền ăn còn không đủ lấy đâu ra tiền thuốc thang.
* Mong có ngôi nhà mới
Căn nhà mà 7 người trong gia đình ông Trần đang ở vốn được dựng từ những mảnh gỗ có từ những năm 1980. Qua thời gian, các cây cột đã xuống cấp vì mối mọt thay nhau đục khoét. Để an toàn cho sắp nhỏ, ông chế thêm vài cây cột đỡ hằng mong chống chọi được với những cơn giông gió mạnh. Do nhà nằm gần ruộng lúa thấp nên mỗi khi mưa đến nước khắp nơi cứ xối xả chảy đến ngập như ốc đảo. Dẫn tôi vào gian bếp của gia đình, ông Trần tỏ vẻ ngần ngại: “Chỗ này ẩm thấp nên trông không được vệ sinh lắm. Mùa nắng còn đỡ chứ mùa mưa thì bó tay, chẳng thể nấu củi được vì nước dâng lên ngập hết”. Bên hông nhà, để tránh gió, mưa tạt, ông lấy tấm ni-lông đóng đinh vào những khe hở để che tạm. Ông tâm sự: “Giờ còn đỡ, hồi đó không có điện, xài đèn dầu nên mưa đến cả nhà ôm nhau co ro chịu trận. Giờ có điện nhưng lại nơm nớp lo sợ bị chập điện vì khắp nhà chỗ nào cũng dột nát”.
Là người dân tộc thiểu số (Tày) nhưng ông Trần rất tích cực tham gia các phong trào ở địa phương. Bản thân ông và vợ, dù nghèo khó vẫn quyết tâm không để cho con cái đứt gánh đường ăn học. Ghi nhận sự nỗ lực của ông, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để những đứa trẻ được hưởng các chế độ phúc lợi như: miễn giảm học phí, nhận quà trợ cấp… Chính quyền địa phương đã nhiều lần đến thăm hỏi và hỗ trợ gia đình ông về tinh thần lẫn vật chất. Tuy nhiên, do địa phương thiếu kinh phí nên đến nay, gia đình ông vẫn chưa thể được đưa vào diện hỗ trợ nhà tình thương.
Ông Đỗ Quang Thúy, Bí thư Đảng ủy xã Sông Ray, cho biết: “Đảng bộ và chính quyền địa phương rất quan tâm đến công tác giảm nghèo và hỗ trợ xây dựng nhà tình thương cho những đối tượng khó khăn. Bình quân mỗi năm chúng tôi vận động xây dựng từ 20-30 căn nhà tình thương cho bà con nghèo. Trường hợp của gia đình ông Trần chúng tôi cũng từng đi khảo sát, song còn vướng một số khúc mắc nên dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm sau chúng tôi sẽ vận động tìm nhà tài trợ để xây nhà tình thương cho hộ này”.
Trong lúc chờ được địa phương xem xét, gia đình nhỏ bé ấy vẫn đang phải chống nước tạt, mưa dột mỗi khi mưa đến. Và họ mong lắm một ngôi nhà mới để ấm lòng mỗi khi mùa mưa đến…
Minh Trang