Nhìn dáng vẻ khỏe mạnh của những “cua-rơ già” trong câu lạc bộ xe đạp hai phường Tân Hòa, Tam Hiệp (TP.Biên Hòa), ít ai biết trước đây họ từng trải qua những kỳ khổ luyện để chống chọi lại các chứng bệnh khó chữa. Nhờ có thể thao và tinh thần lạc quan, họ đã vượt qua được bệnh tật để sống vui, khỏe.
Nhìn dáng vẻ khỏe mạnh của những “cua-rơ già” trong câu lạc bộ xe đạp hai phường Tân Hòa, Tam Hiệp (TP.Biên Hòa), ít ai biết trước đây họ từng trải qua những kỳ khổ luyện để chống chọi lại các chứng bệnh khó chữa. Nhờ có thể thao và tinh thần lạc quan, họ đã vượt qua được bệnh tật để sống vui, khỏe.
Bên trong xưởng gỗ chế tạo ra những vật dụng trang trí nội thất, người đàn ông hơn 50 tuổi đứng kiểm tra từng sản phẩm được đôi bàn tay khéo léo của những người thợ tạo ra. Thi thoảng, ông nhoẻn miệng cười tỏ vẻ ưng ý nhưng vẫn không quên dặn dò cánh thợ chú ý hoàn thiện những chi tiết nhỏ để lấy niềm tin của khách hàng. Nói xong, ông bước vào nhà ngồi và khe khẽ nhép miệng theo tiếng nhạc du dương trên sóng radio.
* Đến với thể thao để… chữa bệnh
Trước đây, dù chạy chữa ở nhiều nơi nhưng các chứng bệnh tiểu đường, gai cột sống… của ông Phạm Bá Can (ngụ ở khu phố 4, phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) vẫn không thuyên giảm. Sức khỏe ngày một yếu nên mỗi khi có ai khuyên dùng thuốc tây, ta, tàu… ông cũng ráng tìm mua về dùng. Nhưng điều trị một thời gian dài không thấy bệnh giảm mà tiền bạc ngày càng eo hẹp, ông Can đã tìm đến một số người bạn thân có hiểu biết về y học để tâm sự. Nghe ông kể rõ sự tình, người bạn khuyên ông nên tìm đến các hoạt động thể thao để rèn luyện sức khỏe. Ông Can cho biết: “Nghe họ nói vậy tôi cũng chẳng biết làm gì hơn. Thôi thì chọn một môn thể thao nào đó để tìm thú vui trong cuộc sống cũng được. Nghĩ vậy nên tôi tham gia bộ môn xe đạp thể thao để rèn luyện sức khỏe”.
Đối với ông Can và ông Chiến, chiếc xe đạp thể thao vừa là cứu tinh về bệnh tật, vừa là người bạn gắn bó theo họ suốt chặng đường khổ luyện. Ảnh: T.MINH
Những ngày đầu tham gia vào môn thể thao này, ông Can cảm thấy mệt mỏi và đau nhức. Riết rồi quen, những vòng xoay của bánh xe vào mỗi sáng sớm đã ngấm sâu thành nếp, khiến ông cảm thấy gắn bó và yêu thích môn xe đạp. Thế rồi, trong một lần đi tái khám, ông Can được bác sĩ báo tin sức khỏe của ông đã khá lên rất nhiều, bệnh tật đã thuyên giảm. Nghe bác sĩ nói, ông càng có thêm động lực để “bứt phá” trong chặng đường chống chọi với bệnh tật. Ông Can tâm sự: “Ban đầu tôi chỉ tập luyện ở những chặng đường ngắn quanh TP.Biên Hòa. Riết rồi tôi đi liên huyện, liên tỉnh…, vừa tập luyện vừa đi để khám phá vẻ đẹp của các vùng miền khác nhau”.
Hiện tại, vào mỗi buổi sáng, ông cùng với nhóm bạn già trong câu lạc bộ xe đạp phường Tân Hòa rảo những vòng xe quanh TP.Biên Hòa. Dịp cuối tuần, ông và các “cua-rơ già” thường tập trung lại từ sáng sớm để đi TX.Long Khánh, huyện Long Thành… Vào những dịp lễ hay những ngày đẹp trời, câu lạc bộ của ông thường tổ chức đi các chặng đường dài bằng xe đạp để giao lưu với các đội bạn đến các huyện, tỉnh…
Ông Nguyễn Ngọc Đường, Phó chủ tịch UBND phường Tân Hòa cho biết: “Chúng tôi rất hoan nghênh và tạo mọi điều kiện để những thành viên trong câu lạc bộ xe đạp của phường rèn luyện sức khỏe và đi làm từ thiện giúp bà con nghèo. Hiện tại, chúng tôi đang làm thủ tục thành lập câu lạc bộ xe đạp chính thức của phường. Dự kiến, ngày 22-12 sắp tới chúng tôi sẽ có buổi ra mắt câu lạc bộ và tổ chức giải đua xe theo hình thức về nguồn để giao lưu với các câu lạc bộ khác nhằm học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng mô hình này”.
Giống như ông Can, ông Phạm Văn Chiến (ở khu phố 2, phường Tam Hiệp) là “cua rơ” có hạng trong câu lạc bộ xe đạp phường Tam Hiệp. Tham gia vào bộ môn xe đạp khoảng 5 năm, đến nay căn bệnh tiểu đường và cao huyết áp của ông Chiến đã được cải thiện. Do bận rộn với công việc kinh doanh nên ông và nhóm bạn trong câu lạc bộ thường luyện tập vào 4 giờ chiều mỗi ngày với chặng đường gần 50 km. Theo lời ông Chiến, các thành viên trong câu lạc bộ xe đạp phường Tam Hiệp cũng mắc nhiều chứng bệnh khác nhau, chữa trị hoài không khỏi nên họ từng chán nản buông xuôi mọi việc. Từng trải qua những giai đoạn khó khăn ấy, ông Chiến hiểu rõ cảm nhận của mọi người, vậy là ông tìm đến động viên, rủ họ tham gia bộ môn xe đạp thể thao. Nhờ sự quyết tâm tập luyện, họ đã vượt qua được những mặc cảm bệnh tật mà sống vui khỏe, tự tin. Ông Chiến cho biết: “Đây thực sự là những kỳ tích và chúng tôi muốn mở rộng những hoạt động thể thao như thế này để giúp mọi người phục hồi sức khỏe mà sống vui tươi, thoải mái hơn”. Như trường hợp của ông Lê Văn Thân (55 tuổi, ở khu phố 2, phường Tam Hiệp), từ chỗ tay chân bị tê buốt, gần như liệt và không thể tự chăm sóc bản thân, sau 5 năm tham gia câu lạc bộ xe đạp, ông đã đẩy lùi được bệnh tật và hiện là một “cua-rơ” có hạng trong đoàn.
Được biết, từ những trường hợp thuyên giảm bệnh tật nhờ hoạt động thể thao ban đầu, đến nay đã có gần 40 người tham gia câu lạc bộ xe đạp của phường Tân Hòa và phường Tam Hiệp để… rèn luyện và đi làm từ thiện.
* …và giúp đỡ những người khó khăn
Đi nhiều, khám phá nhiều vùng đất và những cảnh đời khác nhau càng thôi thúc những người như ông Chiến, ông Can đam mê môn xe đạp thể thao. Khi sức khỏe đã dần hồi phục, họ cảm thấy tin yêu cuộc sống và trân trọng hơn bao giờ hết giá trị của tình người. Để rồi khi vô tình đọc trên báo, xem trên tivi thấy những hoàn cảnh bất hạnh, nghèo khó, các thành viên trong câu lạc bộ lại trăn trở… Như hiểu về cảm nhận của nhau, họ quyết định họp lại để tìm giải pháp giúp đỡ những người khốn khó. Ông Can cho hay: “Lần đó, chúng tôi kể cho nhau nghe về một trường hợp có hoàn cảnh rất nghèo xem trên tivi. Mọi người nghe thấy xúc động quá nên đã bàn cách giúp đỡ họ. Thế là anh em trong câu lạc bộ đua xe hân hoan, cùng nhau góp tiền để đi làm từ thiện”.
Những “cua-rơ già” trong câu lạc bộ xe đạp đi làm từ thiện. Ảnh: T.MINH
Điều đặc biệt trong nhóm từ thiện của ông Can và ông Chiến là họ chỉ muốn giúp người một cách lặng thầm. Bởi vậy, dù đã cứu vớt khá nhiều mảnh đời khốn khó nhưng đến nay, nhiều người vẫn không hề biết những công sức đóng góp của các “cua-rơ già” cho xã hội. Theo lời ông Chiến, ông và những người bạn may mắn vượt qua bệnh tật nên họ muốn đi làm công tác nhân đạo để trả ơn đời. Trong một lần ghé thăm giáo xứ Thiện An (ở huyện Vĩnh Cửu), nhóm của ông Chiến nghe kể về một số trường hợp nghèo khó, bệnh tật… Ngay hôm sau, các thành viên trong câu lạc bộ xe đạp đã gom tiền, quà và đạp xe hơn 50 km mang đến tặng cho bà con khốn khó nơi đây. Lặng người một lúc, ông Chiến tâm sự: “Chúng tôi đi làm từ thiện không phải để lấy tiếng tăm, thấy người ta khổ quá mình có thể giúp được mà ngồi im thì không đành lòng… Thấy niềm vui của bà con khi nhận được gói quà chúng tôi rất xúc động và điều đó thôi thúc chúng tôi năng làm việc thiện”.
Đặc biệt, những “cua-rơ già” trong câu lạc bộ của ông Can, ông Chiến khi biết nơi đâu có hoàn cảnh khốn khó họ lại nhanh chóng tổ chức “tua” đạp xe đến tận gia đình ấy để thăm nom và trao quà. Nhìn ánh mắt ông rạng ngời khi nói đến chuyện làm từ thiện, chúng tôi càng thêm tin yêu cuộc sống vì còn có những con người sống nghị lực, cố gắng vượt qua bệnh tật và sẵn sàng giang đôi tay để giúp đỡ mọi người…
Tùng Minh