Những ngôi nhà ngói khang trang dưới những tán phong ba tỏa mát, con đường nhựa trải dài thẳng tắp, nhà ai cũng có điện (từ nguồn điện năng lượng mặt trời) xem tivi cả ngày, đó là một minh chứng cho sức sống mãnh liệt, sự khát vọng hòa bình và quyết tâm bảo vệ quần đảo thiêng liêng giữa Biển Đông của Tổ quốc, của quân dân huyện đảo Trường Sa.
Những ngôi nhà ngói khang trang dưới những tán phong ba tỏa mát, con đường nhựa trải dài thẳng tắp, nhà ai cũng có điện (từ nguồn điện năng lượng mặt trời) xem tivi cả ngày, đó là một minh chứng cho sức sống mãnh liệt, sự khát vọng hòa bình và quyết tâm bảo vệ quần đảo thiêng liêng giữa Biển Đông của Tổ quốc, của quân dân huyện đảo Trường Sa.
>>>Bài 1: Chủ quyền của Việt Nam từ minh chứng lịch sử
>>>Bài 3: Công cuộc bảo vệ chủ quyền
* Điện dồi dào ngày nào cũng xem tivi Điều làm chúng tôi ngạc nhiên khi trở lại Trường Sa lần này là được xem tivi thoải mái mà không cần phải chạy máy nổ. Chị Nguyễn Thu Hiền, người mới ra định cư ở đảo Trường Sa Lớn cho biết: “Em cứ tưởng ngoài này thiếu thốn nhiều, nhưng không phải thế, ở Trường Sa bây giờ xài điện thoải mái, lại không tốn tiền. Điện từ năng lượng mặt trời anh ạ”. Từ tháng 4-2008 trở về trước, Trường Sa chưa có điện. Đêm về, cả đảo “ẩn mình” như một doi cát nhỏ lọt thỏm giữa đại dương, bộ đội học tập, huấn luyện phải nổ máy phát điện. Hồi đó, điện chỉ được dùng theo tiêu chuẩn 6 giờ/ngày, bây giờ điện dùng thoải mái. Sự kiện ấy bắt đầu từ tháng 5-2008, khi dự án xây dựng hệ thống năng lượng sạch và chiếu sáng quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 chính thức được khởi động và hoàn thành năm 2010. Hiện nay, tất cả 33 điểm đảo Trường Sa và 15 nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc có điện 24/24 giờ. Để chúng tôi không ngạc nhiên trước sự đổi thay của đảo, thượng tá Nguyễn Hữu Lục, Đảo trưởng đảo Trường Sa Lớn dẫn chúng tôi vào tham quan trụ sở UBND huyện đảo Trường Sa với hàng loạt quạt điện mát rượi. “Điện ở đây dùng thoải mái nên anh em cứ nghỉ ngơi cho lại sức” - thượng tá Lục đề nghị. “Có điện từ năng lương mặt trời, đời sống của bộ đội và nhân dân Trường Sa thay đổi thế nào thưa anh ?” - chúng tôi hỏi. “Có chứ, đời sống sinh hoạt của quân và dân Trường Sa thuận lợi hơn rất nhiều. Có điện xem tivi nên nắm bắt được thông tin kịp thời. Có điện dùng tủ lạnh, nấu cơm kho cá, gọi điện về đất liền… Những thuận lợi thì rất nhiều, nhưng quan trọng nhất là khẳng định khát vọng, ý chí vươn lên khắc phục khó khăn của quân và dân huyện đảo. Bây giờ đảo Trường Sa với đất liền đã rất gần gũi. Sự xuất hiện của công nghệ đã thực sự làm thay đổi cuộc sống nơi đây” - thượng tá Lục cho biết. Chúng tôi đi thăm hệ thống năng lượng sạch trên đảo Trường Sa Lớn. Dự án chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời với 95, trong đó 45 cột đèn chiếu sáng xung quanh và 50 cột đèn chiếu sáng đường nội bộ trong đảo. Mỗi cột chiếu sáng gồm một tấm pin mặt trời, một bộ điều khiển tự động, một ắc quy, một đèn chiếu sáng. Các phụ kiện cột, giá đèn, thùng đựng ắc quy sản xuất trong nước và được mạ kẽm nóng, các ốc vít bằng inox được bảo quản bằng mỡ sau khi lắp đặt xong. Không thấy dây điện loằng ngoằng trên các cột điện như ở nhiều đô thị trong đất liền. Thượng tá Lục cho hay: “Toàn bộ hệ thống truyền tải điện đã được ngầm hóa. Trong phân bố điện năng ở quần đảo Trường Sa, năng lượng gió chiếm 70%, năng lượng mặt trời 30%. Ở đây sử dụng cả hai loại điện năng, hỗ trợ nhau khi ánh nắng kém, còn gió thì hầu như có quanh năm suốt tháng”. * Những em bé tiếp nối thế hệ Mùa biển lặng, có rất nhiều đoàn công tác ra thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa. Và khi đến đây, mọi người đều ngạc nhiên trước sự đổi thay của quân, dân huyện đảo. Trường Sa không chỉ có ánh điện lung linh và hàng trăm ngàn loài cỏ cây hoa lá, mà còn có những em bé cắp sách đến trường bi bô học chữ. Đó là sự ươm mầm tiếp nối thế hệ bảo vệ Trường Sa. Trong ngôi trường khang trang còn thơm mùi vôi mới, cô giáo Bùi Thị Nhung không giấu được xúc động, nước mắt tuôn trào vui mừng khi gặp những người thân: “Vợ chồng tôi ở đảo này đã hơn 3 năm. Với tôi, được dạy học cho các em ở đảo là một niềm tự hào to lớn. Bởi mỗi nét chữ mà các em được viết trên trang giấy trắng giữa Trường Sa là mỗi lời yêu Tổ quốc mình. Dạy học ở nơi đây cũng đồng nghĩa với việc truyền tình yêu Tổ quốc cho các em. Tuy ở đây vất vả, vì 4 lớp chỉ có một cô giáo, song tất cả các em từ lớp 1 đến lớp 4 đều học giỏi và rất ham học”. 5 giờ chiều tan học, những đứa trẻ ở Trường Sa rủ nhau ra gốc cây bàng vuông vui đùa thỏa thích. Khi có đoàn khách từ đất liền ra thăm, các em chạy lăng xăng vui như đón hội và sẵn sàng hát múa cho các cô chú nghe. Cháu Thùy Trang (học sinh lớp 4) bảo: “Ba con là chiến sĩ Trường Sa, lớn lên con cũng đi bộ đội như ba. Con yêu các chú vì ba con là bộ đội”. Lần đầu tiên cả đảo Trường Sa vui mừng đón bé gái con của chị Nguyễn Thị Thanh Thúy chào đời ngày 4-4-2011. “Việc em bé chào đời giữa ngàn trùng sóng nước không chỉ là quy luật sinh tồn của những công dân trên đảo, mà còn thể hiện sự tiếp nối cuộc sống của thế hệ người Việt Nam trong bảo vệ giữ gìn quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đứa bé này sẽ được nuôi dưỡng tình yêu Tổ quốc, yêu biển đảo ngay từ lúc lọt lòng mẹ. Rồi đây, sẽ có những em bé khác ra đời tại Trường Sa và có nhiều chiến sĩ hải quân “nhí” lớn lên từ hòn đảo thân yêu này. Chúng tôi tự hào về Tổ quốc mình, tự hào về những người lính Trường Sa…” - đại tá Trương Công Thế, Phó chính ủy Vùng 2 Hải quân, bế em bé trên tay vui mừng nói. Chia tay Trường Sa giữa bộn bề sóng nước. Hàng trăm cánh tay của cán bộ, chiến sĩ vẫy chào tạm biệt trên cầu cảng. Trong tiếng rít của gió chướng giữa mùa, chúng tôi cảm nhận rõ tiếng nấc nghẹn ngào của các nữ văn công, những giọt nước mắt lăn dài trên khóe mắt của vị đại tá, những ánh mắt nhìn nhau ngậm ngùi chẳng nói nên lời. Tạm biệt Trường Sa. Tạm biệt thành phố giữa Biển Đông của Tổ quốc, chúng tôi trở về đất liền đem theo trong tim mình bao niềm tin yêu mến phục các anh, những chiến sĩ kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió đang đêm ngày thầm lặng hiến tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc yên bình. Mai Thắng - Tuấn Cường
Những em bé ở Trường Sa.
Bên cột mốc chủ quyền Tổ quốc.